Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bán lẻ nội địa


TÓM TẮT:

Những năm gần đây, thị trường bán lẻ Việt Nam tiếp tục thu hút sự  tham gia của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài. Các nhà đầu tư đã đầu tư góp vốn, mua bán và sáp nhập giữa các nhà bán lẻ trong và ngoài nước diễn ra liên tục, làm thay đổi cấu trúc cũng như cục diện của ngành Bán lẻ. Thực trạng này liệu có đe dọa đến thị phần của doanh nghiệp bán lẻ nội địa? Bài viết đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp bán lẻ nội địa trước yêu cầu hồi phục sau dịch bệnh và giữ vững thị phần.

Từ khóa: năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp bán lẻ, nội địa, thị phần.

1. Đặt vấn đề

Thực tế cho thấy, các nhà đầu tư ngoại đang tăng cường đầu tư vào thị trường bán lẻ Việt Nam bằng các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) để gia tăng thị phần. Điển hình là thương vụ Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan mua toàn bộ hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam với tổng giá trị lên đến 879 triệu USD. Gần đây nhất, Aeon đã rót tiền mở rộng các trung tâm thương mại và Tập đoàn Central Retail Thái Lan công bố khoản đầu tư 1,45 tỷ USD (tức là hơn 34.000 tỷ đồng). Đây là số tiền đầu tư lớn nhất từ trước đến nay mà “ông lớn bán lẻ” này công bố vào thị trường Việt Nam.

Điều đó đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cạnh tranh cho các doanh nghiệp nội địa, đó là làm sao có thể chiếm lĩnh, thâm nhập, tổ chức hệ thống phân phối một cách hiệu quả nhất, tạo sức cạnh tranh với các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài có nguồn tài chính mạnh, có kinh nghiệm trong tổ chức quản lý và kinh doanh trong môi trường kinh tế quốc tế. Do vậy, việc nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố tới năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bán lẻ là đề tài cấp thiết, góp phần hỗ trợ, định hướng cho các doanh nghiệp trong nước nói chung và trong từng tỉnh/thành phố nói riêng để xác định mức độ ưu tiên trong chiến lược đầu tư cho sự phát triển bền vững.

2. Những nỗ lực của doanh nghiệp bán lẻ nội địa

Trong năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, ngành Bán lẻ trong nước tiếp tục bị tác động mạnh khi giảm đến 3,8% so với cùng kỳ, mức thấp nhất kể từ năm 2015. Tuy nhiên, doanh nghiệp bán lẻ nội địa vẫn liên tục cố gắng chiếm lĩnh thị phần bán lẻ. Tính đến hết năm 2021, Việt Nam có 1.167 siêu thị, 254 trung tâm thương mại và hơn 2.500 cửa hàng tiện lợi. Trong đó, các nhà bán lẻ nội địa chiếm khoảng 70% đến 80% số điểm bán trên cả nước. Điển hình là những cái tên như: Masan, MWG, Co.op Mart, Bách Hóa Xanh… Nền tảng hợp nhất WinCommerce (sở hữu siêu thị WinMart/cửa hàng WinMart+) và Masan Consumer Holdings đạt doanh thu 58.000 tỷ đồng.  Masan hiện là doanh nghiệp bán lẻ có mạng lưới lớn nhất, với gần 2.800 siêu thị WinMart và cửa hàng WinMart+. Cuối năm 2021, Masan chính thức thí điểm mô hình nhượng quyền hướng tới mục tiêu nắm trong tay 10.000 điểm sở hữu và 20.000 cửa hàng nhượng quyền vào năm 2025.

Ngoài ra, còn phải kể đến một cái tên mới xuất hiện như Nova Commerce - một thành viên của Nova Service trực thuộc Tập đoàn NovaGroup. Với bước đi bài bản và quyết liệt, chỉ trong thời gian ngắn, doanh nghiệp đã ra mắt hơn 30 cửa hàng Nova Market tại TP. Hồ Chí Minh, Phan Thiết, Hồ Tràm. Vừa qua, doanh nghiệp này đã khai trương siêu thị Nova Supermarket rộng 2.000m2 đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh, tiếp nối cho kế hoạch phát triển chuỗi bán lẻ quy mô toàn quốc, với kế hoạch mở rộng hơn 2.000 điểm bán đến năm 2025.

Nhờ những nỗ lực này, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng  cả nước năm 2022 đạt 5,679,9 nghìn tỷ đồng, tăng  19,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, nhóm bán lẻ hàng hóa đạt được mức tăng trưởng 14,4% với sự gia tăng của các nhóm vật phẩm văn hóa, giáo dục (tăng 22,9%) lương thực, thực phẩm (tăng 10%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng đầu năm 2023 tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, riêng bán lẻ hàng hóa đạt mức tăng trưởng hơn  10,1%. Gần 54% doanh nghiệp bán lẻ công bố đạt hiệu quả kinh doanh bằng, hoặc vượt mức trước đại dịch Covid-19. Theo Bộ Công Thương, thị trường bán lẻ Việt Nam đang có quy mô 142 tỷ USD, trong đó 16% là thương mại điện tử. Quy mô thị trường có khả năng tăng lên 350 tỷ USD, tức tăng gấp gần 2,5 lần vào năm 2025.

Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực, doanh nghiệp bán lẻ nội địa còn một số hạn chế so với doanh nghiệp nước ngoài, như: nguồn lực tài chính có hạn; chưa có chiến lược kinh doanh; tính chuyên nghiệp và quản trị doanh nghiệp yếu; chỉ có từ 5 - 7% nguồn nhân lực đã qua đào tạo; chi phí kho vận cao; sự liên kết giữa sản xuất và phân phối còn lỏng lẻo, chưa tạo được sức mạnh... Trong khi đó, doanh nghiệp nước ngoài có nguồn lực tài chính dồi dào, tính chuyên nghiệp cao. Doanh nghiệp bán lẻ trong nước không chỉ cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, mà còn cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau, giữa doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc với doanh nghiệp gian lận thương mại...

Hơn nữa, chi phí sản xuất trong nước hiện rất cao, trong khi năng suất lao động lại thấp hơn từ 2 - 15 lần so với các nước trong khu vực. Mặc dù hiện nay phong trào Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đang được đẩy mạnh, nhưng chưa có chiến lược người Việt dùng hàng Việt, nên chưa thể phát triển vững chắc. Các nhà sản xuất trong nước chưa thực sự nỗ lực vươn lên, hạ giá thành, liên kết sản xuất, khiến cho mục tiêu đưa hàng hóa Việt Nam đến với người tiêu dùng của các nhà bán lẻ nội địa còn nhiều khó khăn.

Mặt khác, xu hướng tiêu dùng của khách hàng đã có những thay đổi rõ nét sau đại dịch Covid-19. Các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi - nơi có sản phẩm đảm bảo chất lượng và giá cả hàng hóa phù hợp, cùng nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn đã ngày càng được ưa chuộng và trở thành điểm đến mua sắm yêu thích của người tiêu dùng. Điều này đang phát triển theo hướng có lợi cho những doanh nghiệp nắm thị phần lớn. Các doanh nghiệp lớn sẽ giành được nhiều thị phần hơn nhờ khả năng thương lượng mạnh mẽ với các nhà cung cấp, cho phép họ giảm thiểu tác động của giá vốn tăng cao, từ đó đưa ra được nhiều chiết khấu hơn để hỗ trợ khách hàng trong bối cảnh áp lực lạm phát. Đồng thời, việc người tiêu dùng bắt đầu quen với các trang thương mại điện tử cũng đặt ra yêu cầu thay đổi trong cách thức phân phối hàng hóa, chuỗi cung ứng ra thị trường của các doanh nghiệp bán lẻ.

Với quy hoạch phát triển mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại cả nước đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Công Thương đã triển khai hàng loạt các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp bán lẻ, như: phê duyệt mạng lưới quy hoạch phát triển hệ thống thương mại bán lẻ trên toàn quốc; hỗ trợ đào tạo các hộ kinh doanh đổi mới phương thức kinh doanh; nâng cao vai trò của Sở Công Thương địa phương trong việc cấp phép xây dựng các trung tâm thương mại, ưu tiên phát triển các siêu thị lớn. Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương cũng đang chủ trì đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc Vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Cùng với đó, sự hình thành và phát triển của hệ thống bán lẻ luôn có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo dựng kênh phân phối hiệu quả cho nền kinh tế, xây dựng văn minh thương mại hiện đại, góp phần bảo vệ quyền lợi và lợi ích cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo trong vòng 2-3 năm nữa, Việt Nam sẽ phải mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ, khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài có quyền thành lập công ty 100% vốn nước ngoài. Điều này sẽ gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp bán lẻ trong nước. Vì vậy, ngành Bán lẻ Việt Nam cần có những giải pháp phấn đấu đến năm 2030, mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại ở nước ta sẽ trở thành kênh bán lẻ hàng hóa chủ yếu trên thị trường trong nước; tốc độ lưu thông hàng hóa được đẩy nhanh, giá cả và chất lượng hàng hóa lưu thông qua hệ thống ổn định; các dịch vụ bán lẻ được cung ứng ngày càng đa dạng, có chất lượng và góp phần tích cực vào thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, cải thiện môi trường; trình độ phát triển thị trường bán lẻ được cải thiện rõ rệt, góp phần nâng cao trình độ văn minh đô thị.

3. Một số giải pháp

Một là, Nhà nước cần đề ra nhiều giải pháp để tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sau đại dịch nhằm đẩy mạnh sản xuất, nhất là các nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, kiểm soát nhập khẩu và chủ động nguồn cung trong nước thay thế cho nguồn nhập khẩu. Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Công Thương cần chỉ đạo các đơn vị chức năng theo dõi sát diễn biến cung - cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, trong điều hành giá để kiểm soát giá cả hàng hóa đầu vào, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn các hoạt động găm hàng, đầu cơ, thao túng giá.

Hiện nay, hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại của các doanh nghiệp FDI chiếm gần 50% thị phần kênh bán lẻ hiện đại. Để nâng cao vị thế của doanh nghiệp nội, không còn con đường nào khác là đầu tư cho ngành Bán lẻ trong nước mạnh lên thông qua những quy định phù hợp, tạo cho doanh nghiệp nội cơ hội tiếp cận nguồn vốn và mặt bằng kinh doanh, cũng như tạo lập sự minh bạch, bình đẳng về môi trường kinh doanh.

Hai là, nhằm góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường bán lẻ nhanh chóng phục hồi và phát triển trong thời gian tới, Sở Công Thương các địa phương cần tiếp tục tranh thủ mọi nguồn vốn để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, nhất là hệ thống chợ trên địa bàn. Theo đó, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, xây dựng trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng chuyên doanh; đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện phát triển mạng lưới lưu thông phân phối và bán lẻ hàng hóa. Thường xuyên tổ chức, phối hợp với các sàn thương mại điện tử triển khai các chương trình tiêu thụ hàng hóa tại thị trường nội địa thông qua các kênh thương mại điện tử; tổ chức các hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa, hội chợ nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, kích cầu tiêu dùng giữa đơn vị sản xuất với nhà phân phối và người tiêu dùng, giữa các đơn vị sản xuất với nhau; đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với tổ chức các  phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước và thúc đẩy lưu thông hàng hóa… Bên cạnh những kênh truyền thống, đơn vị bán lẻ phải gia tăng hoạt động này với một hệ thống data dữ liệu, một hệ thống khách hàng đã xây dựng xuyên suốt trong thời gian qua. Đồng thời, phải đầu tư logistics để chủ động nguồn hàng, giảm chi phí và tối ưu hóa các hoạt động, tăng sức cạnh tranh.

Ba là, để giữ được thị phần như hiện nay, các doanh nghiệp nội địa cần tận dụng khai thác lợi thế của mình. Cập nhật nhanh nhạy ứng dụng thương mại điện tử, khai thác sâu các kênh bán hàng trực tuyến, tích hợp đa kênh phương tiện trong thương mại điện tử... Cùng với đó, các hệ thống bán lẻ cần chủ động kết nối với các nhà sản xuất và nhà cung cấp bảo đảm nguồn hàng về cả số lượng và chất lượng.

Bốn là, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước muốn cạnh tranh cần phải chú trọng nhiều hơn vào việc đào tạo lại kỹ năng cho đội ngũ nhân sự để nâng cao năng lực nội tại của tổ chức mình.  Tiếp đến, phải đa dạng hóa sản phẩm, nhà cung cấp và kiểm soát chất lượng đầu vào để đảm bảo hàng hóa cung ứng liên tục. Ngoài ra, những kế hoạch liên quan đến số hóa, mở rộng thị trường hoặc phát triển mô hình bán lẻ mới cần được ưu tiên, nhằm giúp các doanh nghiệp bán lẻ hạn chế được các nguy cơ và tận dụng được các cơ hội trong thời gian tới.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Hải Minh (2022), Ngành Dịch vụ bán lẻ Việt Nam trước cơ hội và thách thức mới, https://thuongtruong.com.vn/news/nganh-dich-vu-ban-le-viet-nam-truoc-co-hoi-va-thach-thuc-moi-74636.html.
  2. Nguyễn Thị Minh Huyền, Phùng Thị Kim Phượng, (2020), Bán lẻ Việt Nam - Thời cơ và thách thức trong tương lai gần, Tạp chí Con số sự kiện, số tháng 11.
  3. Cảnh Chí Hoàng và Trần Thị Mơ (2015), Thị trường nội địa Việt Nam: Tiềm lực và chính sách phát triển, Tạp chí Phát triển và Hội nhập, số 25 (35), tháng 11.
  4. Bảo Ngọc (2023). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng đầu năm 2023 tăng 13%. Báo Công Thương. Truy cập tại https://congthuong.vn/tong-muc-ban-le-hang-hoa-va-doanh-thu-dich-vu-tieu-dung-2-thang-dau-nam-2023-tang-13-244244.html
  5. VTV Digital (2023). Doanh nghiệp bán lẻ Việt nỗ lực giữ ưu thế trên "sân nhà". Truy cập tại https://vtv.vn/kinh-te/doanh-nghiep-ban-le-viet-no-luc-giu-uu-the-tren-san-nha-20230227232502882.htm

Solutions for Vietnamese retailers to strengthen their competitiveness

Ph.D Nguyen Thi Phuong

Faculty of Commerce, University of Economics - Technology for Industries

Abstract:

More and more foreign retail groups are entering the Vietnamese market. Foreign investors have invested, merged and acquired domestic retailers, resulting in the changes in the structure of Vietnamese retail market. This situation also threaten the market share of domestic retailers. This paper proposes some solutions to help domestic retailers strengthen their competitiveness to recover after the COVID-19 pandemic and to protect their market share.

Keywords: competitiveness, retailers, domestic, market share.

Nguồn: TẠP CHÍ CÔNG THƯƠNG

Còn lại: 1000 ký tự
Kinh nghiệm về tổ chức bộ máy ngành Hải quan của một số quốc gia

Bài báo nghiên cứu "Kinh nghiệm về tổ chức bộ máy ngành Hải quan của một số quốc gia" do ThS. Nguyễn Trà My (Trường Đại học Sunderland London Campus, Vương quốc Anh) thực hiện.

Xem chi tiết
Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng

Đề tài Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng do ThS. Đặng Thu Trang (Khoa Tài chính – Ngân hàng & Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.

Xem chi tiết
Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số

Đề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.

Xem chi tiết
Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp ngành Công Thương khu vực Nam Trung Bộ

(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.

Xem chi tiết
Khu thương mại tự do - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng

(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.

Xem chi tiết
2
2
2
3