Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), các sản phẩm đá nhân tạo ngày càng được sử dụng trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống, do độ sẵn có và chi phí hợp lý hơn so với đá tự nhiên. Đá thạch anh nhân tạo là loại đá được tạo thành với cốt liệu chính là thạch anh kết hợp với các phụ liệu khác.
Trong đá thạch anh nhân tạo, cốt liệu là thạch anh tự nhiên và kết dính bởi nhựa polymer; kết hợp với một số chất phụ gia màu sắc sẽ giúp đá thạch anh nhân tạo có độ cứng, khả năng chống thấm, chống xước cao hơn nhiều lần so với các loại vật liệu khác và có tính thẩm mĩ hơn.
Trong lĩnh vực xây dựng và nội thất tại Hoa Kỳ, sản phẩm bề mặt thạch anh chiếm thị phần cao trong phân khúc vật liệu làm sàn, bề mặt, thường dùng cho không gian nội thất như bàn bếp, bàn ăn, bàn phòng họp, ốp tường, ốp cầu thang, ốp bàn quầy bar, trang trí chi tiết tường và được coi như một giải pháp thay thế hiệu quả về mặt chi phí cho đá granite và đá cẩm thạch.
"Người Hoa Kỳ có xu hướng đầu tư cho bàn bếp và sàn phòng tắm theo hướng bền chắc và tiện dụng. Ngoài ra, các sản phẩm đã qua xử lý bằng thiết bị hiện đại với công nghệ tiên tiến nên nhìn chung là an toàn khi sử dụng, đặc biệt là trong khu vực bếp, hay bàn ăn phải tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm. Lĩnh vực xây dựng ở các nước phát triển như Hoa Kỳ và Canada có thể phục hồi trong năm 2024 được dự đoán sẽ mang lại cơ hội thị trường lớn cho các nhà sản xuất gạch ốp lát và đá nhân tạo", Cục Phòng vệ thương mại phân tích.
Theo số liệu thống kê hải quan của Hoa Kỳ, nhập khẩu mặt hàng đá nhân tạo mã HS 681099 vào Hoa Kỳ từ các nguồn trên thế giới giảm nhẹ trong năm 2020 nhưng tăng trở lại trong năm 2021 và 2022. Bước sang năm 2023, do tình hình kinh tế khó khăn chung, sức tiêu thụ giảm nên nhập khẩu nhóm hàng này cũng chững lại với 1,7 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm, tức là trung bình đạt khoảng 188 triệu USD/tháng, thấp hơn hẳn so với mức trung bình 230 triệu USD/tháng của năm 2022.
Hoa Kỳ nhập khẩu nhóm hàng này từ nhiều nguồn trên thế giới, trong đó nhiều nhất là từ Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc, Mexico, Canada, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong 9 tháng đầu năm nay, nhập khẩu nhóm hàng này từ các nguồn cung ứng lớn đã sụt giảm, ví dụ từ Ấn Độ giảm tới 43,78% so với 9 tháng năm 2022, từ Trung Quốc giảm 37,7%, từ Canada giảm 29,9%. Trong khi đó, nhập khẩu từ Mexico và một số thị trường châu Á như Campuchia, Hàn Quốc và Indonesia lại tăng.
Theo số liệu thống kê hải quan của Hoa Kỳ, Việt Nam hiện dẫn đầu về trị giá nhập khẩu nhóm hàng mã HS 681099 vào nước này, với 407 triệu USD trong năm 2022 và 307,8 triệu USD trong 9 tháng đầu năm 2023.
Đáng lưu ý là trị giá nhập khẩu nhóm hàng này từ Việt Nam vào Hoa Kỳ đã liên tục tăng trong giai đoạn 2018-2022.
Trong 9 tháng năm 2023, nhập khẩu vào Hoa Kỳ từ Việt Nam giảm nhẹ 0,23% so với 9 tháng năm 2022, khả quan hơn so với mức giảm mạnh của nhập khẩu từ Ấn Độ, Trung Quốc và Canada.
Xét về thị phần của hàng nhập khẩu từ Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu nhóm hàng mã HS 681099 vào Hoa Kỳ có thể thấy sự gia tăng liên tục trong giai đoạn 2019-2023. Giai đoạn này cũng trùng với việc Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đã được áp dụng với 3 quốc gia
Hoa Kỳ đã áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm đá nhân tạo nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Cụ thể:
Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã chính thức áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm đá thạch anh nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ ngày 11/7/2019 với mức thuế chống bán phá giá từ 265,81% đến 333,09%. Mức thuế chống trợ cấp dao động từ 45,32% đến 190,99% tùy theo doanh nghiệp Trung Quốc.
Đối với sản phẩm bề mặt đá thạch anh nhập khẩu từ Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, DOC cũng áp dụng thuế chống bán phá giá từ ngày 22/6/2020 với mức thuế từ 2,67% đến 5,15% đối với doanh nghiệp Ấn Độ và từ 0% đến 5,17% đối với doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ.
Các biện pháp phòng vệ thương mại nêu trên có hiệu lực trong 5 năm kể từ ngày áp dụng, tức là đến nay vẫn còn hiệu lực.
Ngoài 3 nước trên, Hoa Kỳ cũng tiến hành điều tra phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đá thạch anh nhập khẩu từ Malaysia. Cụ thể, ngày 21/10/2022, DOC kết luận sản phẩm đá thạch anh sản xuất tại Malaysia sử dụng tấm thạch anh nhập khẩu từ Trung Quốc khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Theo đó, các doanh nghiệp Malaysia được xác nhận đã trốn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với các mức thuế hiện áp dụng cho sản phẩm Trung Quốc. Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra của Hoa Kỳ khẳng định 9 doanh nghiệp Malaysia không phản hồi và cung cấp thông tin theo yêu cầu của DOC và qua đó sẽ phải chịu mức thuế cao hơn các doanh nghiệp Malaysia khác phản hồi và hợp tác đầy đủ dựa trên cơ sở điều tra.
Vào ngày 21/10/2022, DOC đã thông báo kết quả cuối cùng của phán quyết về phạm vi liên quan đến việc nhập khẩu các sản phẩm bề mặt thạch anh được sản xuất tại Trung Quốc và được xử lý thêm ở Malaysia, cho thấy rằng việc nhập khẩu các sản phẩm pẩm đó thuộc phạm vi của Lệnh chống bán phá giá, chống trợ cấp đang được áp dụng.
Các sản phẩm thuộc phạm vi này hiện được phân loại theo mã HS: 6810.99.0010. Hàng hóa bị điều chỉnh cũng có thể có các phân nhóm 6810.11.0010, 6810.11.0070, 6810.19.1200, 6810.19.1400, 6810.19.5000, 6810.91.0000, 6810.99.0080, 2506.10.0010, 2506.10.0050, 2506.20.0010, 2506.20.0080 , và 7016.90.1050 trong Biểu thuế xuất nhập khẩu của Hoa Kỳ (HTSUS).
Hơn nữa, do các nhà doanh nghiệp Malaysia xuất khẩu cả sản phẩm bề mặt thạch anh thuộc phạm vi và không thuộc phạm vi điều chỉnh, DOC đã thiết lập quy trình chứng nhận phạm vi đối với tất cả hoạt động nhập khẩu các sản phẩm bề mặt thạch anh từ Malaysia. DOC cũng xác định rằng một số công ty chế biến phiến thạch anh Trung Quốc ở Malaysia, bao gồm cả Universal Quartz, đã không đủ điều kiện để tham gia vào quy trình chứng nhận phạm vi này, nhưng họ có thể yêu cầu xem xét lại việc loại trừ họ khỏi quy trình chứng nhận trong một phần của thủ tục tố tụng trong tương lai.
Vào ngày 26/6/2023, dựa trên yêu cầu của AM Stone, DOC đã khởi xướng rà soát thay đổi hoàn cảnh (CCR) để xác định xem liệu Universal Quartz có đủ điều kiện để chứng nhận rằng các sản phẩm bề mặt thạch anh của họ không được sản xuất từ tấm thạch anh có nguồn gốc từ Trung Quốc hay không.
Vào ngày 26/7/2023, AM Stone đã gửi yêu cầu xem xét hành chính đối với nhà xuất khẩu của mình, Universal Quartz.
Vào ngày 11/9/2023, DOC đã tiến hành các vụ việc rà soát hành chính về chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với Universal Quartz, cùng với các nhà xuất khẩu khác của Malaysia.
Theo Thông báo liên bang ngày 24/10/2023, DOC loại bỏ các đánh giá hoàn cảnh đã thay đổi (CCR) về thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với một số sản phẩm bề mặt thạch anh (sản phẩm bề mặt thạch anh) từ Trung Quốc liên quan đến sản phẩm bề mặt thạch anh được AM Stone & Cabinets, Inc. (AM Stone) nhập khẩu vào Hoa Kỳ và được Universal Quartz and Stone Industrial SDN BHD (Universal Quartz) xuất khẩu.
Cục Phòng vệ thương mại nhận định, Việt Nam cũng có khả năng bị điều tra lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đá nhân tạo xuất khẩu sang Hoa Kỳ, nếu bị nghi ngờ sử dụng nguyên liệu, sản phẩm hoặc sản phẩm tương tự từ các nước đang phải chịu thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ.
Thực tế là nhập khẩu đá nhân tạo từ Việt Nam vào Hoa Kỳ liên tục tăng từ năm 2019 đến nay. Đặc biệt từ thời điểm tháng 6/2019 sau khi biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp chính thức được áp dụng với sản phẩm của Trung Quốc, nhập khẩu đá nhân tạo từ Việt Nam đã tăng mạnh trong giai đoạn 2020-2023, bất chấp dịch bệnh COVID-19 (như số liệu được phân tích ở trên). Thị phần của hàng nhập khẩu từ Việt Nam cũng tăng qua các năm, từ mức 4,81% vào năm 2018 lên 14,85% vào năm 2022 và 18,06% trong 9 tháng đầu năm nay.
Do đó, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất đá nhân tạo (Quartz surface products) xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ cần theo dõi sát tình hình để có những biện pháp xử lý kịp thời trong trường hợp DOC quyết định khởi xướng điều tra vụ việc.
Các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu nhóm hàng này cũng cần phối hợp với các cơ quan chức năng để nắm bắt thông tin, chuẩn bị sẵn sàng hồ sơ, chứng từ, đặc biệt là hồ sơ liên quan đến xuất xứ hàng hóa, nguồn nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.
Nguồn: Tạp chí Công thương
Bài báo nghiên cứu "Kinh nghiệm về tổ chức bộ máy ngành Hải quan của một số quốc gia" do ThS. Nguyễn Trà My (Trường Đại học Sunderland London Campus, Vương quốc Anh) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng do ThS. Đặng Thu Trang (Khoa Tài chính – Ngân hàng & Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.
Xem chi tiết