Kinh tế đêm - mô hình kinh tế đầy tiềm năng của Thành phố Hồ Chí Minh


Bài nghiên cứu "Kinh tế đêm - mô hình kinh tế đầy tiềm năng của Thành phố Hồ Chí Minh" do ThS. GVC. Trần Bá Thọ (Khoa Kinh tế, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện.

Tóm tắt:

Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, đòi hỏi phải huy động mọi nguồn lực của xã hội, khai thác các mô hình kinh tế sẵn có, đồng thời thực hiện thí điểm và phát triển các mô hình kinh tế mới có tiềm năng. Một trong các mô hình kinh tế mới mang lại giá trị kinh tế to lớn là phát triển kinh tế ban đêm. Mô hình này mang lại nhiều lợi ích to lớn như nguồn thu ngoại tệ, gia tăng GDP, công ăn việc làm, quảng bá du lịch, tiếp cận tiến bộ của nước ngoài… Để phát triển mô hình kinh tế này, TP. Hồ Chí Minh cần nhanh chóng nghiên cứu, mạnh dạn áp dụng khai thác mô hình kinh tế đầy tiềm năng này. Bài viết phân tích thực trạng phát triển mô hình kinh tế ban đêm ở TP. Hồ Chí Minh, qua đó, đề xuất các giải pháp để thúc đẩy mô hình kinh tế này phát triển hơn nữa.

Từ khóa: kinh tế ban đêm, mô hình kinh tế, giải pháp, TP. Hồ Chí Minh.

1. Đặt vấn đề

Ngày nay, vấn đề hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực đang là xu thế tất yếu diễn ra ở các nước với mục đích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững bên cạnh đó còn quảng bá hình ảnh của đất nước và nâng cao uy tín của quốc gia trên trường quốc tế. Hội nhập với thế giới được thể hiện qua nhiều loại hình hoạt động, trong đó hoạt động kinh tế ban đêm là mô hình phát triển rất mới mẻ, sáng tạo và thú vị đối với Việt Nam.

Trong những năm gần đây, mô hình kinh tế ban đêm ngày càng được quan tâm mạnh mẽ, vì nó đem lại lợi ích nhiều mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội và sự phát triển của các địa phương, quốc gia. Vì lẽ đó, ngày 27/07/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg “Phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam” [1] nhằm tận dụng tối đa các cơ hội phát triển kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân.

Với vị thế là trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch ở khu vực phía Nam, TP. Hồ Chí Minh có sức hút lớn đối với du khách trong nước và quốc tế. Ngay sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, Thành phố đã mở cửa đón du khách quốc tế, ngành Du lịch Thành phố cũng có những chiến lược phát triển kinh tế du lịch về đêm với kỳ vọng sẽ tạo ra đột phá để thu hút du khách trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, kích thích sự phát triển của các ngành khác như Viễn thông, Thương mại điện tử, Văn hóa nghệ thuật…

Mục tiêu nghiên cứu: bài nghiên cứu trình bày tình hình phát triển kinh tế đêm ở một số quốc gia và ở TP. Hồ Chí Minh trong thời gian qua, từ đó đề xuất các giải pháp khả thi nhằm phát triển mô hình kinh tế đầy tiềm năng này.

Phương pháp phân tích: bài viết dựa vào nguồn thông tin thứ cấp, các dữ liệu thu thập được, trên cơ sở đó sử dụng phương pháp phân tích định tính để thực hiện đề tài.

kinh tế đêm
Ảnh minh họa

2.  Cơ sở lý luận

2.1. Định nghĩa kinh tế đêm

Kinh tế đêm hay còn gọi là kinh tế ban đêm (Night time economy) được hiểu là tất cả những hoạt động dịch vụ diễn ra trong giai đoạn từ 18h hôm trước cho đến 6h sáng hôm sau, bao gồm các dịch vụ về văn hóa (biểu diễn nghệ thuật, âm nhạc), vui chơi giải trí, ẩm thực, mua sắm và các hoạt động trải nghiệm tại các điểm du lịch chỉ mở cửa vào ban đêm.[2]

Quan điểm về kinh tế ban đêm ở các nước trên thế giới cũng có sự khác biệt về phạm vi. Chính quyền thành phố New York (Hoa Kỳ) đã xác định kinh tế ban đêm gồm 5 lĩnh vực chính: nghệ thuật, quán bar, dịch vụ ẩm thực, thể thao và giải trí. Thành phố London (Anh) chia kinh tế ban đêm thành 4 nhóm ngành, cụ thể: các hoạt động vui chơi giải trí và văn hóa ban đêm, các hoạt động hỗ trợ các hoạt động vui chơi giải trí và văn hóa ban đêm, dịch vụ xã hội và chăm sóc sức khỏe 24h, các hoạt động hỗ trợ hoạt động kinh tế và xã hội mở rộng. Tại Úc, kinh tế ban đêm bao gồm các hoạt động kinh doanh nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của con người vào ban đêm.[2]

2.2. Những lợi ích của kinh tế ban đêm

- Tăng trưởng kinh tế ở các địa phương nói riêng và quốc gia nói chung. Khai thác tốt tiềm năng kinh tế ban đêm sẽ thúc đẩy việc chi tiêu mua sắm của du khách. Thông thường chi tiêu của du khách vào ban đêm cao gấp 3-4 lần chi tiêu vào ban ngày, vì vậy sẽ tạo nguồn thu lớn cho các doanh nghiệp, các ngành dịch vụ du lịch, góp phần gia tăng GRDP của các địa phương và tăng trưởng kinh tế của quốc gia.

- Đối với các thành phố lớn với lợi thế về cơ sở hạ tầng phát triển và nguồn nhân lực dồi dào, có thể trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước vào ban đêm, từ đó tạo điều kiện phát triển  các ngành, đặc biệt là ngành du lịch, gia tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách địa phương.

- Kinh tế ban đêm giải quyết nhu cầu việc làm cho số lượng lớn lao động phổ thông với trình độ thấp. Mặt khác, kinh tế ban đêm tạo cơ hội việc làm cho lao động nhập cư từ các địa phương khác, người lao động có thêm việc làm ngoài giờ, do đó làm tăng thu nhập cho người lao động.

- Phát triển kinh tế ban đêm góp phần quảng bá hình ảnh của đất nước ra thế giới, giới thiệu văn hóa truyền thống của đất nước, văn hóa bản địa của địa phương, vùng miền, các điểm du lịch kỳ thú cần khám phá, nhằm thu hút khách du lịch quốc tế đến trải nghiệm.

2.3. Mô hình kinh tế [3]

Trong kinh tế học, mô hình là một cấu trúc lý thuyết đại diện cho các quá trình kinh tế bằng một tập hợp các mối quan hệ logic giữa chúng.

Mô hình kinh tế thường được sử dụng để thực hiện một số mục đích khác nhau:

- Giải thích các hiện tượng kinh tế: Mô hình kinh tế có thể được sử dụng để giải thích nguyên nhân của các hiện tượng kinh tế, chẳng hạn như lạm phát, thất nghiệp hoặc tăng trưởng kinh tế.

- Dự đoán các kết quả kinh tế: Mô hình kinh tế có thể được sử dụng để dự đoán các kết quả kinh tế trong tương lai, chẳng hạn như mức giá, sản lượng hoặc lợi nhuận.

- Đánh giá các chính sách kinh tế: Mô hình kinh tế có thể được sử dụng để đánh giá tác động của các chính sách kinh tế, chẳng hạn như thuế, lãi suất hoặc đầu tư công.

3. Thực trạng mô hình kinh tế ban đêm ở một số nước trên thế giới và Việt Nam

3.1. Mô hình kinh tế ban đêm ở một số nước trên thế giới

* Hoa Kỳ: Đây là quốc gia điển hình phát triển thành công mô hình kinh tế ban đêm thông qua việc tận dụng tiềm năng kinh doanh và giải trí trong thời gian tối. Cụ thể như New York là một trong những thành phố sôi động và phát triển kinh tế ban đêm mạnh mẽ nhất trên thế giới. Sở thích mua sắm, ẩm thực và giải trí ban đêm của người dân và du khách đã tạo ra một nền kinh tế đa dạng và phong phú. Các khu vực như Times Square, Broadway và khu vực trung tâm Manhattan trở thành điểm đến nổi tiếng với rạp chiếu phim, nhà hát, nhà hàng, quán bar và các hoạt động giải trí khác. Thành phố Las Vegas nổi tiếng với các sòng bạc, khách sạn lớn và các sự kiện giải trí hàng đầu. Sự kết hợp giữa hoạt động của các sòng bạc, văn hóa giải trí và sự kiện trực tiếp đã tạo ra một nguồn thu khổng lồ và thu hút hàng triệu du khách mỗi năm [4]. Sự phát triển mạnh mẽ của mô hình kinh tế ban đêm đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế to lớn cho các thành phố này, trước giai đoạn Covid-19, nền kinh tế ban đêm mang lại 35,1 tỷ USD mỗi năm cho thành phố New York và tạo ra khoảng 300.000 việc làm [2].

* Nhật Bản: Quốc gia này xem phát triển kinh tế ban đêm là một trong các chiến lược quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tối ưu hóa sử dụng tài nguyên quốc gia. Nhật Bản đã áp dụng thành công mô hình này trong nhiều năm. Điển hình Tokyo là một trong những thành phố nổi tiếng với hoạt động kinh tế ban đêm sôi động với nhiều khu vực kinh doanh ban đêm nổi tiếng như Shinjuku, Shibuya và Ginza. Những khu vực kinh doanh này nổi tiếng với các trung tâm mua sắm, nhà hàng, quán bar, karaoke và các hoạt động giải trí khác.

Kết nối các trung tâm này là hệ thống giao thông công cộng hoạt động cả ngày lẫn đêm, đảm bảo sự thuận tiện cho người dân và du khách di chuyển để tận dụng thời gian và điều kiện thuận lợi trong khoảng thời gian ban đêm. Bên cạnh đó, Tokyo còn là một trung tâm văn hóa, nghệ thuật, nhiều sự kiện nghệ thuật diễn ra vào ban đêm. Các buổi biểu diễn âm nhạc, kịch, triển lãm nghệ thuật thường diễn ra tại các rạp hát, nhà hát và trung tâm nghệ thuật của thành phố. Tokyo còn có nhiều khu vực ẩm thực phát triển vào ban đêm. Các nhà hàng, quán ăn đường phố và các quán bar nhỏ mở cửa đến khuya, tạo ra một không gian ẩm thực phong phú, đa dạng cho người dân và du khách [4]

* Thái Lan: Tương tự như Nhật Bản, Chính phủ Thái Lan xem kinh tế ban đêm là một ngành công nghiệp không khói nên đã xây dựng chiến lược phát triển dài hạn. Quốc gia này trở thành một trong những điểm đến hàng đầu tại Đông Nam Á và trên thế giới. Thành phố Bangkok thu hút hàng triệu khách quốc tế trong các năm vừa qua. Bangkok phát triển kinh tế ban đêm với những hoạt động trải nghiệm văn hóa, sáng tạo. Các hoạt động kinh tế diễn ra từ 18:00 đến 06:00 sáng, bao gồm các dịch vụ ăn uống, quán bar, các loại hình nghệ thuật biểu diễn. Lĩnh vực câu lạc bộ đêm và quán bar ở Thái Lan được ước tính đóng góp khoảng 5.5 tỷ USD, tương đương khoảng trên 1% GDP vào nền kinh tế của quốc gia này. Ngoài những hoạt động trên, Bangkok còn nỗ lực phát triển những chương trình mới về đêm với sự kết hợp giữa hoạt động bán lẻ với văn hóa đầy tính sáng tạo. Năm 2005, Trung tâm Thiết kế và Sáng tạo được thành lập tại Bangkok và được hội nhập vào ngành du lịch [5]

Những thành công của mô hình kinh tế ban đêm ở các nước trên thế giới bắt nguồn từ nhiều yếu tố cấu thành. Trước hết là sợ nhận thức của các chính phủ về vai trò và tầm quan trọng của mô hình này đối với sự phát triển nhiều mặt ở các địa phương và quốc gia. Bên cạnh đó các quốc gia đã có các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển loại hình hoạt động kinh tế này như đầu tư vào cơ sở hạ tầng; có các giải pháp quản lý chặt chẽ sự đa dạng về hoạt động kinh doanh và giải trí; hỗ trợ marketing và quảng bá các sự kiện trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước; thiết lập chính sách thuế ưu đãi hoặc miễn giảm thuế đối với các doanh nghiệp hoạt động ban đêm như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế bán hàng, hoặc các khoản phí khác; quy định linh hoạt về làm việc ban đêm, cho phép các doanh nghiệp hoạt động 24/7 hoặc mở rộng giờ làm việc. Đồng thời, việc tạo ra một môi trường thuận lợi cho người dân và du khách tham gia vào các hoạt động ban đêm cũng là yếu tố quan trọng trong thành công của mô hình kinh tế ban đêm [4]

3.2. Mô hình kinh tế ban đêm ở Thành phố Hồ Chí Minh - Việt Nam

Hiện nay, Việt Nam hội tụ đủ các điều kiện để phát triển mô hình kinh tế ban đêm song song với phát triển của ngành Du lịch, do sở hữu nền văn hóa đa dạng các vùng miền với nghệ thuật ẩm thực đặc sắc và cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn. Nhận thức được tầm quan trọng và những lợi ích kinh tế do mô hình kinh tế này mang lại, kết hợp với yếu tố những thuận lợi sẵn có, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020 “Phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam”, cho phép một số địa phương có đông lượng khách du lịch như: Hà Nội, Đà Nẵng, Hội An, Đà Lạt, Phú Quốc, TP. Hồ Chí Minh… được nghiên cứu, triển khai thí điểm các loại hình kinh tế đêm. Mục tiêu tổng quát là “Khai thác tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm nhằm tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân; đồng thời hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đối với công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội”.

TP. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ lớn của cả nước, đầu mối phát triển du lịch, giao lưu và hội nhập quốc tế. Thành phố chỉ chiếm 0,6% diện tích cả nước, dân số 9,2 triệu người nhưng có đóng góp lớn nhất cho sự phát triển kinh tế chung của cả nước. Kinh tế thành phố tăng trưởng khá và ổn định qua các năm, GRDP tăng bình quân đạt 8,3%/năm [6]. Hoạt động du lịch đạt được kết quả rất tích cực; doanh thu du lịch tháng 10/2023 ước đạt 14.585 tỷ đồng, tăng 10,5% so cùng kỳ năm 2022; khách nội địa ước đạt 3,51 triệu lượt, tăng 7,4% so kỳ năm 2022; khách quốc tế ước đạt 554.536 lượt, tăng 1,5% so cùng kỳ năm 2022 [7]. Với những yếu tố thuận lợi trên, cộng thêm chính sách khuyến khích đầu tư phát triển kinh tế ban đêm của Nhà nước, TP. Hồ Chí Minh sẽ nhanh chóng trở thành trung tâm kinh tế ban đêm của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Phát triển kinh tế ban đêm ở TP. Hồ Chí Minh được đánh giá có rất nhiều tiềm năng. Thành phố đã và đang đầu tư những phố đi bộ ban đêm đầy ấn tượng như phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bùi Viện, chợ Bến Thành… ngày càng thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến mua sắm, vui chơi giải trí. TP. Hồ Chí Minh có kế hoạch và kêu gọi đầu tư xây dựng không gian trên mặt đất và phát triển không gian ngầm tại các khu vực trung tâm, như Công viên Bến Bạch Đằng, các trục đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ - Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi, Công viên 23/9, Nhà ga Bến Thành, Chợ Bến Thành...

Thành phố còn có lợi thế có sông Sài Gòn chảy qua rất đẹp. Sông Sài Gòn được xem là "mạch sống" của Thành phố. Từ những ngày đầu, sông Sài Gòn đã là tuyến thương mại chiến lược, giúp hình thành các khu định cư sầm uất như Bến Thành, Bến Nghé, Chợ Lớn... Thành phố đã có kế hoạch đầu tư cải tạo chỉnh trang Bến Bạch Đằng (quận 1), khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức) để trở thành quảng trường công viên bờ sông sạch xanh và đẹp, hấp dẫn du khách tham quan ngắm cảnh vào chiều tối. Từ lâu trên sông Sài Gòn đã phát triển các dịch vụ du thuyền, ngoài phục vụ du khách ngắm cảnh thành phố còn phục vụ ăn uống và thưởng thức âm nhạc truyền thống.

TP. Hồ Chí Minh còn có hệ thống nhà hát, rạp chiếu phim, quán bar, tụ điểm ca nhạc… đây là những điểm vui chơi giải trí phục vụ người dân sau những giờ làm việc mệt nhọc, đồng thời còn thu hút nhiều khách du lịch, nhất là du khách nước ngoài trong những năm qua. TP. Hồ Chí Minh cũng đã đầu tư để có những tác phẩm nghệ thuật sáng tạo có giá trị văn hóa tinh thần được trình diễn ở các sân khấu, nhà hát gặt hái thành công, thu hút hàng triệu lượt khán giả, đặc biệt là du khách nước ngoài. Các cơ quan quản lý cũng đã liên kết hợp tác với ca sĩ, nhóm nhạc nổi tiếng trong và ngoài nước để tổ chức các show biểu diễn như, concert Super Junior hút hơn 15.000 khán giả tại sân vận động Quân Khu 7, Fancon tại Nhà thi đấu Phú Thọ có 5.000 người tham dự, Concert của BamBam có 3.500 khán giả. Các đại nhạc hội gồm nhiều nghệ sĩ Kpop như Wow-K Music Festival tháng 10/2023 [8].

Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh còn là nơi có nhiều nhà hàng, quán ăn, nổi tiếng tập trung ở khu vực quận 1 và 5 với những món ngon được thế giới vinh danh như bánh mì, phở, bún chả, gỏi cuốn, bánh xèo… hấp dẫn du khách mọi miền, mọi quốc gia. Thành phố đang tập trung phát triển các phố ẩm thực mới ở các quận như đường Nguyễn Thượng Hiền ở quận 3, đường Phan Xích Long ở quận Phú Nhuận, đường Hồ Thị Kỷ ở quận 10, đường Hậu Giang ở quận 6, tháng 8/2024 khai trương phố thương mại - ẩm thực Sky Garden ở quận 7. Đây là điểm đến mới cho kinh tế đêm TP HCM. Phố thương mại - ẩm thực là một phần của Đề án thí điểm kinh tế đêm TP. Hồ Chí Minh đang được triển khai, nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch đêm độc đáo và chất lượng[9]. Theo Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, sự xuất hiện của những phố ẩm thực mới sẽ tạo không gian giải trí tham quan, vui chơi, mua sắm cho người dân trên địa bàn và khách du lịch, đẩy mạnh hoạt động du lịch phù hợp với định hướng phát triển kinh tế ban đêm của Thành phố.

4. Đề xuất giải pháp phát triển kinh tế đêm ở Thành phố Hồ Chí Minh

Tuy có nhiều thuận lợi cho phát triển kinh tế ban đêm như hệ thống chính trị ổn định, được khuyến khích phát triển bởi các cấp lãnh đạo, cơ sở hạ tầng ngày càng được đầu tư nâng cấp, chỉ số an toàn con người  được cải thiện, nhưng kinh tế ban đêm tại Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng phát triển còn chậm và đơn điệu, chưa tạo nên thương hiệu nổi bật để hấp dẫn du khách trong và ngoài nước; khách du lịch không có nhiều lựa chọn để vui chơi, giải trí về đêm. Hoạt động kinh tế ban đêm mới chỉ được khai thác ở quy mô nhỏ, mang tính riêng lẻ, chưa có phối hợp, liên kết hợp tác, do đó chưa đạt được hiệu quả cao. Vì vậy, để mô hình kinh tế ban đêm ở TP. Hồ Chí Minh cất cánh, cần thực hiện một số giải pháp, như sau:

- Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý. Thành phố cần rà soát khung chính sách và pháp lý, đề nghị sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế ban đêm tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung. Nghiên cứu, đánh giá thực trạng phát triển kinh tế đêm hiện nay trên địa bàn Thành phố, đề xuất các chính sách ưu đãi như vay vốn đầu tư, quy định cụ thể về thuế, phí để khuyến khích người dân, doanh nghiệp cùng tham gia phát triển kinh tế ban đêm

- Thứ hai, tuyên truyền và nâng cao nhận thức trong lãnh đạo các cấp chính quyền, các sở  ngành, các doanh nghiệp và trong cộng đồng dân cư về tầm quan trọng cùng lợi ích nhiều mặt của mô hình kinh tế ban đêm mang lại cho Thành phố cũng như người dân trên địa bàn. Trên cơ sở đó thúc đẩy mọi người dân và doanh nghiệp tham gia một cách tích cực. Lãnh đạo Thành phố và các ngành chức năng cần mạnh dạn cho phép, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện thử nghiệm những hoạt động mới về kinh tế đêm dựa trên nguyên tắc thị trường mà luật pháp không cấm, nhằm làm phong phú đa dạng các hoạt động giải trí thư giãn ban đêm, như vậy sẽ hấp dẫn du khách sẵn lòng chi tiêu. Bên cạnh đó, Thành phố cần có các giải pháp khuyến khích vấn đề xã hội hóa, huy động nguồn lực của mọi thành phần tham gia đầu tư nhằm phát triển mạnh mẽ mô hình kinh tế này.

- Thứ ba, về cơ sở hạ tầng phục vụ cho sự phát triển kinh tế ban đêm. Lãnh đạo Thành phố cần chú trọng đầu tư vào các cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ, hợp lý. Huy động mọi nguồn lực xã hội, từ ngân sách Thành phố đến vốn đầu tư của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp các công trình sẵn có sao cho hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế như sân vận động, nhà hát, hệ thống rạp chiếu phim, sân golf, du thuyền, quảng trường, công viên với hệ thống âm thanh ánh sáng tối tân Ngoài ra, Thành phố cần phải chú ý phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho lượng du khách trong và ngoài nước tham quan mua sắm giải trí, tham dự các sự kiện văn hóa âm nhạc như hệ thống giao thông vận tải: đường hàng không, đường bộ, đường sắt..; hạ tầng ngành du lịch: khách sạn hạng sang, nhân viên phục vụ, địa điểm ẩm thực, phương tiện đi lại…; chú trọng công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách trong hoạt động kinh tế ban đêm.

- Thứ tư, về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế ban đêm. Hoạt động kinh tế ban đêm kết nối với phát triển du lịch ngày càng giữ vị trí quan trọng trong việc phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. Để làm tốt công việc này, Thành phố cần phải có đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp có kiến thức và am hiểu sâu về lĩnh vực này. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ, giải pháp được đề ra là phải có chiến lược đào tạo bài bản, bồi dưỡng và nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ nguồn nhân lực quản lý tổ chức các hoạt động kinh tế ban đêm. Cụ thể mở các chuyên ngành đào tạo, quản lý phục vụ kinh tế ban đêm trong các trường đại học, cao đẳng nghề, thường xuyên hợp tác với chuyên gia nước ngoài tổ chức các khóa học bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ cho nhân viên, tổ chức đưa nhân viên có chuyên môn cao đi học tập, thực tập ở các nước tiên tiến về lĩnh vực này…  Nếu đào tạo được nguồn nhân lực có nghiệp vụ chuyên môn cao, có trình độ quản lý tốt các hoạt động kinh tế ban đêm không những tạo ra các hoạt động, các chương trình, các sự kiện vui chơi giải trí thư giãn mua sắm được phong phú đa dạng sinh động thu hút du khách, mà còn đóng góp có hiệu quả vào sự phát triển kinh tế đất nước.

- Thứ năm, phối hợp với các sở, ngành trong tổ chức hoạt động kinh tế ban đêm. Cần có sự liên kết hợp tác giữa các cấp chính quyền với các cơ quan quản lý du lịch, văn hóa nghệ thuật, ban tổ chức quản lý hoạt động kinh tế ban đêm; hợp tác có hiệu quả giữa cơ quan quản lý và các doanh nghiệp nhằm tạo thuận lợi để tổ chức thực hiện các hoạt động kinh tế đêm. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp chặt chẽ với các ngành  Thương mại, Giao thông vận tải, Thông tin và truyền thông, Công an… trong công tác tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động, sự kiện kinh tế ban đêm. Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan cần chú trọng xây dựng chiến lược truyền thông marketing và triển khai kế hoạch marketing về hoạt động kinh tế đêm để quảng bá nhanh chóng các thông tin đến với du khách trong nước và ngoài nước .

5. Kết luận

Hoạt động kinh tế ban đêm cùng hoạt động tổ chức các sự kiện văn hóa thể thao và du lịch là những loại hình kinh tế còn mới mẻ và đầy tiềm năng đối với Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng. Hoạt động này không những mang lại giá trị lợi ích kinh tế to lớn đối với sự phát triển của quốc gia mà còn quảng bá hình ảnh của đất nước nói chung, TP. Hồ Chí Minh nói riêng ra thế giới, qua đó góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Do đó, vấn đề đặt ra đối với các cấp lãnh đạo của Thành phố Hồ Chí Minh là cần nhận thức tầm quan trọng của mô hình kinh tế mới mẻ này và có những định hướng phát triển mô hình trong thời gian tới. 

Trên đây là một số đề xuất về giải pháp thực hiện để tổ chức thành công các hoạt động kinh tế ban đêm. Những giải pháp này được rút ra từ những bài học kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong công tác tổ chức quản lý kinh tế ban đêm. Song, đây là vấn đề lớn còn mới, đòi hỏi phải nghiên cứu sâu hơn và có giải pháp cụ thể. Những vấn đề được đưa ra phân tích trong bài viết là gợi mở cho hướng nghiên cứu về sau, nhằm hoàn thiện hơn nội dung đề tài.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Thủ tướng Chính phủ (2020). Quyết định số 1129/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.
  2. Phạm Thị Phương Thảo (2023). Định hướng thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm tại Việt Nam. Truy cập tại https://tapchitaichinh.vn/dinh-huong-thuc-day-phat-trien-kinh-te-ban-dem-tai-viet-nam.html
  3. Nguyễn Trần Cao Kỵ (2023). “Mô hình kinh tế là gì? Mục đích của mô hình kinh tế là gì? Phân loại ra sao?”, Truy cập tại https://thuvienphapluat.vn/hoi-dap-phap-luat/839EF63-hd-mo-hinh-kinh-te-la-gi-muc-dich-cua-mo-hinh-kinh-te-la-gi-phan-loai-ra-sao.html
  4. Bùi Hoài Sơn (2023). “Kinh nghiệm phát triển kinh tế ban đêm trên thế giới và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam. Truy cập tại http://vanhoanghethuat.vn/kinh-nghiem-phat-trien-kinh-te-ban-dem-tren-the-gioi-va-bai-hoc-kinh-nghiem-doi-voi-viet-nam.htm
  5. Lê Hạnh (2024). Kinh tế ban đêm - Kinh nghiệm Tokyo và Bangkok trong khai thác đặc điểm văn hóa phục vụ phát triển kinh tế ban đêm. Truy cập tại https://haiphongnews.gov.vn/vn/tin-tuc/kinh-te-ban-dem-kinh-nghiem-tokyo-va-bangkok-trong-khai-thac-dac-diem-van-hoa-phuc-vu-phat-trien-kinh-te-ban-dem-ct5689.html#:~:text=%E1%BB%9E%20Th%C3%A1i%20Lan%2C%20kinh%20t%E1%BA%BF,h%C3%ACnh%20ngh%E1%BB%87%20thu%E1%BA%ADt%20bi%E1%BB%83u%20di%E1%BB%85n
  6. Phùng Ngọc Bảo (2020). Thành phố Hồ Chí Minh giữ vững vai trò đầu tàu phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Truy cập tại https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/thuc-tien-kinh-nghiem1/-/2018/820620/thanh-pho-ho-chi-minh-giu-vung-vai-tro-dau-tau-phat-trien-cua-vung-kinh-te-trong-diem-phia-nam.aspx
  7. Anh Khuê (2023). Kinh tế TP. Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Truy cập tại https://vneconomy.vn/kinh-te-tp-hcm-tiep-tuc-duy-tri-da-tang-truong.htm.
  8. Hà Thu (2024). 2023 - Năm nghệ sĩ quốc tế đổ bộ Việt Nam. Truy cập tại https://vnexpress.net/2023-nam-nghe-si-quoc-te-do-bo-viet-nam-4694575.html.
  9. Thi Hà (2024). TP. Hồ Chí Minh sắp có phố thương mại ẩm thực ở quận 7. Truy cập tại https://vnexpress.net/tp-hcm-sap-co-pho-thuong-mai-am-thuc-o-quan-7-4775683.html

NIGHT ECONOMY - A PROMISING ECONOMIC MODEL FOR HO CHI MINH CITY

MASTER. TRAN BA THO

Faculty of Economics, School of Economics, Law, and State Management
University of Economics Ho Chi Minh City

Abstract:

To achieve the goal of sustainable economic growth, it is necessary to mobilize all social resources, exploit existing economic models, and simultaneously pilot and develop new potential economic models. One of the new economic models that bring significant economic value is the development of the night economy. This model offers numerous substantial benefits, such as foreign currency revenue, GDP growth, job creation, tourism promotion, and access to foreign advancements. To develop this economic model, Ho Chi Minh City needs to quickly conduct research and boldly apply and exploit this promising economic model. The article analyzes the current state of night economy development in Ho Chi Minh City and proposes solutions to further promote the development of this economic model.

Keywords: Night time economy, economic model, solutions, Ho Chi Minh City.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 16 tháng 7 năm 2024]

Nguồn: Tạp chí công thương

Còn lại: 1000 ký tự
Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp ngành Công Thương khu vực Nam Trung Bộ

(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.

Xem chi tiết
Khu thương mại tự do - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng

(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.

Xem chi tiết
Long An: Tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.

Xem chi tiết
Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam

Bài báo nghiên cứu "Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam" do TS. Nguyễn Thị Hạnh (Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Hải Phòng) thực hiện.

Xem chi tiết
Tự chủ đại học và những vấn đề thực tiễn triển khai tại các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương

Đề tài Tự chủ đại học và những vấn đề thực tiễn triển khai tại các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương do TS. Nguyễn Đồng Anh Xuân (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) thực hiện.

Xem chi tiết
2
2
2
3