(CHG) Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024, có những điểm mới đáng chú ý.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 và năm 2023
Thứ nhất là Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 bổ sung một số quyền mới của người tiêu dùng tại Điều 4 như:
- Được quyền tạo điều kiện lựa chọn môi trường tiêu dùng lành mạnh và bền vững.
- Quyền yêu cầu tổ chức hoặc hỗ trợ thương lượng để giải quyết tranh chấp phát sinh.
- Được bảo vệ khi sử dụng dịch vụ công theo quy định.
Ngoài ra, Luật mới bổ sung một số nghĩa vụ của người tiêu dùng như:
- Tuân thủ quy định về kiểm định, bảo vệ môi trường, tiêu dùng bền vững theo quy định của pháp luật;
- Chịu trách nhiệm về việc cung cấp không chính xác hoặc không đầy đủ về thông tin liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Thứ hai là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương:
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 đã xác định rõ các nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương, bao gồm:
- Người cao tuổi;
- Người khuyết tật;
- Trẻ em;
- Người dân tộc thiểu số;
- Người sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật;
- Phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi;
- Người bị bệnh hiểm nghèo và thành viên hộ nghèo theo quy định của pháp luật.
Theo đó, để tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương, Luật mới quy định một số trách nhiệm cụ thể của tổ chức, cá nhân kinh doanh, trong đó nổi bật là trách nhiệm áp dụng cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp theo quy định của pháp luật phù hợp với từng đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương.
Thứ ba: Sản xuất và tiêu dùng bền vững:
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 bổ sung thêm khái niệm về tiêu dùng bền vững tại khoản 10 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 như sau: Tiêu dùng bền vững là việc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đáp ứng mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức một cách hiệu quả, đồng thời giảm thiểu các tác động tiêu cực về môi trường.
Đồng thời, cũng bổ sung quy định về trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các cấp trong việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Thứ tư là: Bổ sung các hành vi bị cấm tại Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023:
- Cấm thực hiện hành vi không thông báo trước, không công khai cho người tiêu dùng việc tài trợ cho người có ảnh hưởng dưới mọi hình thức để sử dụng hình ảnh, lời khuyên, khuyến nghị của người này nhằm xúc tiến thương mại hoặc khuyến khích người tiêu dùng mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ;
- Cấm thực hiện hành vi ngăn cản người tiêu dùng kiểm tra về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
- Cấm hành vi yêu cầu người tiêu dùng phải mua thêm sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ như là điều kiện bắt buộc để giao kết hợp đồng trái với ý muốn của người tiêu dùng…
3