Một số suy nghĩ về chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn - Từ phân tích thực tiễn tỉnh Quảng Ninh


TCCS - Trong nhiều minh chứng về tư duy và hành động đột phá của tỉnh Quảng Ninh thì dấu ấn mạnh mẽ nhất, có ý nghĩa nền tảng từ nhận thức đến chủ trương và biện pháp thực hiện của những đột phá tiếp theo, ngày càng lan tỏa trên nhiều lĩnh vực, chính là chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Quá trình này vẫn đang diễn ra ngày càng sôi động; nhìn nhận, đánh giá lại một cách hệ thống là việc cần thiết, mang ý nghĩa lý luận sâu sắc và giá trị thực tiễn quý báu.
Du khách trải nghiệm du thuyền trên vịnh Hạ Long (tác giả: Đinh Hải Ngọc)_Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Lựa chọn chuyển đổi - thể hiện tâm, tầm và tài

Chúng ta đều biết rằng, mọi sự vật, hiện tượng,... vẫn luôn điều chỉnh, thay đổi, dù nhiều khi chậm đến mức khó nhận biết, nhất là nếu chỉ đứng trên một lát cắt thời gian nào đó. Chuyển đổi không nằm ngoài những thay đổi có tính quy luật tất yếu; có chăng chỉ khác với sự thay đổi - phát triển một cách tự nhiên ở chỗ thể hiện đậm nét yếu tố con người với tư cách là chủ thể nhận thức và hành động, tác động một cách có ý thức và có kế hoạch vào quá trình thay đổi. Nếu sự thay đổi một cách tự nhiên thì hầu như không có sự can thiệp của con người về thời gian, mức độ, định hướng mục tiêu,... thì chuyển đổi thường được hiểu là quá trình thay đổi - phát triển (tích cực) một cách tự giác của sự vật/hiện tượng theo chủ ý và tác động của con người, hướng đến mục tiêu được xác định sẵn.

Chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh” là tất yếu, không chỉ ở một địa phương như tỉnh Quảng Ninh, mà còn trên phạm vi toàn cầu; sớm hay muộn, muốn hay không, cũng sẽ diễn ra. Vấn đề đặt ra là: Cái tất yếu ấy bắt đầu từ khi nào; trong tình thế nào và bằng xung lực gì; ở cấp độ địa phương có thực hiện được không và bằng cách nào; có phải là vấn đề căn bản hay không; có đúng hướng hay không; theo lộ trình và bằng phương pháp thế nào; có là đột phá và tạo ra đột phá hay không; có đạt được kết quả nổi trội hay không?... Hiểu được những vấn đề ấy thì mới cắt nghĩa sâu sắc được tại sao bước chuyển đổi này mang ý nghĩa đột phá của tỉnh Quảng Ninh.

Thông thường và ở đa số trường hợp, sự chuyển đổi tạo nên đột phá, sự thay đổi mang tính cách mạng xuất phát (từ) và xuất hiện (khi): hoặc là nguồn lực được tăng cường mạnh mẽ, thế phát triển trong trạng thái dâng trào tạo ra xung lực lớn đủ để đẩy và nâng sự phát triển lên một nấc cao hơn, hướng đến mục tiêu mới (lượng đổi chất đổi); hoặc khi thực tiễn gặp sức ép mạnh mẽ bởi nguồn lực cũ đã cạn kiệt, đà phát triển chậm lại và đi xuống đến cận ngưỡng, cách làm cũ đã lỗi thời, mô hình cũ có nguy cơ bị phá vỡ (như tình thế “đổi mới hay là chết”); cũng có khi từ sự thúc bách, tác động của các nhân tố từ bên ngoài (như bối cảnh sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực,...), của bên trên (yêu cầu của cấp trên);... Nhưng với thực tế ở tỉnh Quảng Ninh thì bối cảnh lịch sử thập niên đầu của thế kỷ XX và xuất phát điểm của chuyển đổi mô hình từ “nâu” sang “xanh” có điểm khác biệt.

Hàng trăm năm nay khi nhắc đến Quảng Ninh (Quảng Yên, Hải Ninh, Hòn Gai) là nhắc đến “vùng mỏ” với niềm tự hào là đất mỏ - nguồn “vàng đen” của đất nước, của công nghiệp khai thác mỏ, của giai cấp công nhân và phong trào công nhân, văn hóa công nhân mỏ. Tỉnh Quảng Ninh có nhiều lợi thế và từ lợi thế đó Quảng Ninh vẫn đang phát triển: đó là than, thương mại và du lịch, kinh tế biển,... Khai thác, phát huy những giá trị ấy là niềm tự hào, là trách nhiệm lớn lao của tỉnh Quảng Ninh. Khai thác than là nhiệm vụ chính trị quan trọng mà Đảng, Nhà nước giao cho tỉnh Quảng Ninh, là chỗ dựa của nhiều ngành kinh tế trên cả nước, mang lại nguồn thu lớn trên địa bàn và là sinh kế của hàng chục vạn người dân, là mong ước được làm việc, cống hiến của nhiều bạn trẻ trong nhiều gia đình có tới 3, 4 đời làm mỏ,... Thông thường, những giá trị và nguồn lợi ấy đặt ra yêu cầu tiếp tục phát huy, mở rộng, hơn là nghĩ đến việc thu hẹp, giảm dần dù những bất cập, thách thức đã ngày càng lộ rõ; càng khó để chuyển trọng tâm sang hướng khác khi kết quả mới chỉ là dự tính, cũng chưa có tiền lệ thuyết phục. Dường như, sự khai thác lợi thế, tiềm năng cũ khi vẫn có thể luôn được coi là lựa chọn thuận hơn so với lựa chọn rời bỏ, vượt lên để đến với mô hình mới.

Hàng trăm năm nay, nhắc đến tỉnh Quảng Ninh, ai cũng biết là một địa phương giàu truyền thống lịch sử và bản sắc văn hóa với hàng trăm di tích lịch sử văn hóa, đặc biệt là Đất Phật Yên Tử, là Đình Trà Cổ,... Trách nhiệm phải giữ gìn, bảo tồn, phát huy là rất rõ; phát triển du lịch văn hóa tâm linh đã đạt những thành quả ban đầu, nhưng dường như không nhiều người tin có thể phát triển thành một trụ cột quan trọng của công nghiệp du lịch, nhất là khi những tác động của khai thác than, nhiệt điện và xi-măng đang tạo những áp lực, thách thức cận kề.

Nhắc đến tỉnh Quảng Ninh, từ trước đến nay, ai cũng biết đó là một miền biển - đảo thiêng liêng, hiếm có, đầy quyến rũ và giàu tiềm năng. Trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ, kiểm soát là rất nặng nề, đã luôn được tỉnh Quảng Ninh thực hiện tốt qua mọi thời kỳ, kể cả trước những thách thức nghiêm trọng nhất. Nhưng, dường như ở phương diện kinh tế - xã hội, dù đã có Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển (năm 1993) và Chiến lược biển (năm 2007), Vịnh Hạ Long 2 lần được công nhận Di sản Thiên nhiên Thế giới (các năm 1994, 2013), thì việc phát huy lợi thế, giá trị và nguồn lực biển vẫn còn rất thấp so với tiềm năng, lép vế so với công nghiệp khai thác, thậm chí phải nhường không gian phát triển cho các lĩnh vực khác, nhất là công nghiệp khai thác.

Nhiều người đã biết về tỉnh Quảng Ninh với tài nguyên và cảnh quan núi non rộng lớn, hùng vĩ, nhiều tài nguyên, sản vật và cuốn hút. Ở khía cạnh kinh tế, lâm nghiệp đã bước đầu phát huy tiềm năng, nhưng chưa được nhiều người quan tâm đến giá trị về môi trường, du lịch và các mô hình kinh tế liên quan đến miền núi; việc quan tâm đến đời sống nhân dân địa bàn miền núi vẫn có biểu hiện loay hoay, gặp nhiều khó khăn, thiếu nguồn lực.

Thương cảng Vân Đồn gợi ra nhiều ý tưởng phát triển, như về phát huy lợi thế địa - kinh tế, về thương mại quốc tế,... nhưng cách đây hơn chục năm không dễ để đặt vấn đề đưa tỉnh Quảng Ninh chuyển hướng sang phát triển thương mại, nhất là thương mại và hàng hải quốc tế, trở thành trung tâm lớn của cả nước, mang tầm vóc quốc tế.

Tỉnh Quảng Ninh với hình thể trải dài, thế tựa non cao hướng ra và vươn ra tận biển lớn; từ nhiều năm trước đã là tỉnh có nhiều thành phố, thị xã nhất cả nước. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, chưa được kết nối thành tuyến phát triển cả theo trục chiều dài ven biển, cả theo chiều kết nối sâu vào nội địa, cả ở tầm vươn ra biển; sự chia cắt giữa các vùng, miền là khá rõ và kết nối hàng không vẫn là câu chuyện xa vời.

Ai cũng rõ Quảng Ninh là một tỉnh địa đầu Tổ quốc, nhưng trước đây phạm trù này được tiếp cận với sự xa xôi về mặt địa lý, trách nhiệm thiêng liêng giữ gìn biên giới lãnh thổ và vị trí trọng yếu trong thế trận phòng thủ. Chưa nhiều người nói ra, thể hiện khát vọng để Quảng Ninh trở thành một cực tăng trưởng - điều mà chỉ sau vài năm chúng ta đã tự tin khẳng định điều đó.

Tỉnh Quảng Ninh lựa chọn chuyển đổi khi mô hình cũ vẫn còn không gian và đang trên đà phát triển, nhưng đã dần hiện hữu thách thức về môi trường, cạn kiệt về tài nguyên, lấn át và xung đột, cản trở các ngành mới với nhiều tiềm năng; lựa chọn mô thức phát triển lấy trụ cột là những lĩnh vực có không gian phát triển vô cùng rộng lớn, thậm chí là không có giới hạn, chỉ bước đầu khai thác ở mức độ thấp. Điều đặc biệt có ý nghĩa là những ngành trụ cột trong mô thức mới bảo đảm và bảo vệ môi trường; nuôi dưỡng và bồi đắp không ngừng nguồn lực phát triển; chuyển nhiều tiềm lực thành nội lực và tạo nên xung lực mới; bảo đảm sự phát triển bền vững về kinh tế và xã hội; tăng tính kết nối cả về nguồn lực, không gian phát triển, kết nối ngành kinh tế và vùng kinh tế không chỉ trong nội tỉnh, mà với toàn vùng, vươn tầm quốc gia và quốc tế; tăng cơ hội cho kinh tế tuần hoàn, dựa trên và phát huy vai trò của kinh tế tri thức, của chuyển đổi số và rộng hơn là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việc chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh” đã giúp phá vỡ thế bế tắc trong phát triển, chuyển hóa, cơ cấu lại các nguồn lực; tạo ra cơ hội phát triển mới từ các nguồn lực sẵn có. Mô thức mới giúp giải quyết từ gốc những thách thức đang đặt ra, nhất là về môi trường; vẫn bảo đảm giữ được và gia tăng tốc độ và đà phát triển; bảo đảm hài hòa trách nhiệm quốc gia và lợi ích của địa phương. Và giờ đây ngẫm lại, các kỳ Đại hội XI, Đại hội XII của Đảng đã đặt ra nhiều vấn đề mới rất quan trọng, về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, về môi trường, về phát triển bền vững kinh tế - xã hội,... và thực tiễn đang rất cần những mô hình mới, đột phá, thuyết phục, đi đầu, thì cách rất tự nhiên, chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh” của Quảng Ninh là một trong những đột phá thành công trong bối cảnh ấy - là gợi mở từ thực tiễn; để rồi hơn mười năm qua quan sát những xu hướng phát triển trên toàn cầu, nghiên cứu, tiếp thu sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Văn kiện Đại hội XIII, Quảng Ninh càng tự tin và càng quyết tâm hơn với những gì mình đã lựa chọn.

Chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh” vừa là tiếp đà phát triển, tạo xung lực mới, vừa là hệ giải pháp để bứt khỏi trở lực và vượt qua thách thức. Độ “chín” trong quyết sách đột phá chuyển đổi mô thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” ở tỉnh Quảng Ninh chính là sự kết hợp của cả hai nội dung này. Quảng Ninh đã chủ động vượt lên chính mình, nhưng không dứt bỏ mà kế thừa cái cũ; cũng chẳng hề bị động trong tình thế phải chuyển sang mô hình mới. Đây chính là đặc điểm của bối cảnh lịch sử, xuất phát điểm và tình thế quá trình chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh” ở tỉnh Quảng Ninh hơn mười năm trước. Vấn đề là nếu xuất phát điểm đó để chậm 10 năm thôi thì mất cơ hội, mất đà, mà hậu quả từ chính sự phát triển theo mô hình cũ sẽ thêm nặng nề, thậm chí không hồi phục được. 

Cần nhấn mạnh rằng việc nhận diện đúng tình hình, trong đó có cả dự báo và linh cảm, là cực khó, bởi khó nhất hóa ra lại là đánh giá đúng mình. Có những lợi thế hôm nay, nhưng sẽ là lực cản trong trung và dài hạn. Nhiều khuyết điểm của ngày hôm nay hóa ra chính là ưu điểm của thời trước mà cứ duy trì mãi khi bối cảnh đã thay đổi. Cũng không ít thất bại của ngày hôm nay xuất phát ngay từ việc quá say sưa với thắng lợi hôm qua. Tỉnh Quảng Ninh có “của trời ban” là than, nhưng quá đam mê với than, dựa quá nhiều vào than thì đến lúc nào đó sẽ là lạc hậu và giá trị thu được chưa chắc bù đắp được thiệt hại, ảnh hưởng do chính việc khai thác than gây ra. Song, có những nguy cơ lại là bối cảnh thuận lợi để đồng lòng thay đổi. Đôi khi cách vượt qua khó khăn, rào cản lại tạo ra nhiều xung lực và sự bứt phá ngoạn mục hơn so với cách phát huy lợi thế vốn có. Bước chuyển đổi từ mô hình “nâu” sang “xanh” ở Quảng Ninh trong bối cảnh như vậy.

Lễ hội Carnaval Hạ Long 2023 với chủ đề "Vũ điệu Hạ Long - Hòa nhịp năm châu" được tổ chức bên bờ vịnh Hạ Long_Nguồn: vietnamnet.vn

Cuộc cách mạng từ nhận thức đến hành động, từ lý luận đến thực tiễn

Việc chuyển đổi mô hình phát triển từ “nâu” sang “xanh” thực sự là một cuộc cách mạng từ nhận thức đến hành động, từ lý luận đến thực tiễn. Nhưng ngay cả thế nào là “nâu”, thế nào là “xanh”, thì dường như, khi chúng ta chuyển đổi mạnh mẽ sang “xanh” mới hiểu thật rõ thế nào là “nâu”; tương tự, giờ ngẫm lại, thời điểm chúng ta quyết định chuyển từ “nâu” sang “xanh” thì thực sự nhận thức về “xanh” vẫn còn giản đơn, phải khi đã đi một chặng đường với những thành công đủ để khẳng định là ngoạn mục, thì mới hiểu được “xanh” có nội hàm rất rộng lớn, rất chặt chẽ, lớp lang, chưa xác định được giới hạn.

“Nâu”, hiểu đơn giản là mầu của than; “nâu” là than. Mô hình “nâu” là mô hình phát triển dựa trên tài nguyên than, lấy khai thác than là nghề chính, là trung tâm, trụ cột. Về kinh tế là các dịch vụ phục vụ ngành than, từ cơ khí, vận tải, bốc xúc, thương mại; các sản phẩm nhiên liệu từ than, nhất là nhiệt điện, xi-măng; hệ thống hạ tầng phục vụ nghề than, nhất là các cảng than,... Về xã hội, đó là giai cấp công nhân chiếm ưu thế nổi trội; công nhân mỏ, các khu dân cư mỏ, thậm chí là thành phố công nhân mỏ, những gia đình vài thế hệ liên quan đến mỏ than. Về văn hóa, là văn hóa vùng mỏ, trên rất nhiều lĩnh vực từ thơ ca, truyện, ký, múa, hội hoạ, điêu khắc, kiến trúc, lan sang cả sân khấu, điện ảnh,... và quan trọng đó là tính cách và phong cách người đất mỏ rất đáng tự hào.

“Xanh”, hiểu giản đơn là màu xanh của cây cối, rừng núi, với Quảng Ninh thì hẳn sẽ còn là màu xanh của biển; rộng hơn, thì “xanh” là thiên nhiên tươi đẹp, môi trường được bảo đảm, trong lành. “Xanh” theo nghĩa “phát triển xanh” là phát triển mà không thâm dụng tài nguyên, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, cảnh quan, thiên nhiên; tiếp đến và theo nghĩa rộng hơn thì sự phát triển phải hài hòa với thiên nhiên và bảo vệ bền vững môi trường, kể cả “nâu” cũng phải sạch - xanh; cao hơn thì sự “phát triển xanh” phải biết dựa vào “xanh”, “xanh” trở thành một nguồn lực ngày càng quan trọng. Chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” phải dựa vững vào ba trụ cột: thiên nhiên, con người, văn hóa. Cũng cần nhấn mạnh rằng: Không có sạch, xanh “một mình” - phải sạch chung, “xanh” trong nhận thức của chúng ta hẳn sẽ không phải là “xanh” của ốc đảo. Xu hướng phát triển thông minh hóa, “xanh” hóa giống như một tiêu chuẩn kép cho tiến trình hiện đại hóa đang trở thành tất yếu cho toàn cầu.

Quá trình chuyển đổi mô hình phát triển từ “nâu” sang “xanh” ở tỉnh Quảng Ninh không đơn giản là chuyển từ mô hình phát triển từ dựa vào than, khai thác than sang phát triển du lịch, dịch vụ, giữ gìn tài nguyên, bảo vệ môi trường, mà thực sự là chuyển đổi kép, nhiều vòng, nhiều lớp, có chiều sâu. Chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh” không phải một giải pháp tình thế, cũng không hẳn là sự xuất thần ở một thời điểm cụ thể nào, mà thực sự là một sự bứt phá có chiều sâu. “Nhiệt” ở đây đã được nung nấu đến độ tạo nên sự lan tỏa mạnh mẽ và sâu rộng.

Thực tế Quảng Ninh cho thấy giữa “nâu” và “xanh” có những mâu thuẫn; sự “phát triển nâu” và “phát triển xanh” không chỉ tranh chấp nhau về nguồn lực, thậm chí triệt tiêu nguồn lực của nhau, mà còn cạnh tranh không gian phát triển, níu kéo và cản trở nhau. Tỉnh Quảng Ninh có quyền tự hào về than, về ngành than, về đóng góp nguồn năng lượng cho đất nước và xuất khẩu; tự hào về công nhân mỏ và truyền thống công nhân mỏ; về văn hóa vùng mỏ. Hàng vạn công nhân ngành than đã không quản ngại khó khăn, gian khổ để khai thác “vàng đen”, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Nhưng thực tế thì sự phát triển của ngành than là có giới hạn và đã đạt ngưỡng. Sự thiếu bền vững trong phát triển kinh tế có thể làm cho Quảng Ninh tiếp tục phụ thuộc vào những hoạt động gây ô nhiễm môi trường; chi phí khai thác ngày càng cao; gia tăng ô nhiễm đối với không khí, nước và đất. Sự thay đổi về cảnh quan, địa hình, địa mạo làm tăng nguy cơ thiệt hại trước những diễn biến khó lường của khí hậu và thiên tai. Sự phát triển của than, nhiệt điện và xi-măng đã xuất hiện một loạt vấn đề về kinh tế, xã hội và môi trường, nếu không giải quyết tốt thì sẽ tiềm ẩn rủi ro đối với cảnh quan thiên nhiên và chất lượng cuộc sống cho người dân trên địa bàn tỉnh, là trở lực, gây hậu quả lâu dài. Trong khi đó, ngành du lịch phát triển chậm, chủ yếu chỉ khai thác kỳ quan vịnh Hạ Long và khu du lịch tâm linh Yên Tử. Kết cấu hạ tầng là điểm nghẽn, nhiều hạn chế, yếu kém, bởi hạ tầng ngành than khác hoàn toàn với hạ tầng công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp văn hóa, hạ tầng phục vụ sản xuất khác với hạ tầng phát triển, hạ tầng nội địa khác với hạ tầng hướng ra biển. Trên quan điểm lợi ích của quốc gia, việc tổ chức, đẩy mạnh và phát triển nhanh các loại hình du lịch, dịch vụ sẽ bù đắp được ngoại tệ cho ngành than và cứu vãn được môi trường sinh thái đang ở mức báo động. Đây là vấn đề mang tầm chiến lược, đòi hỏi tính toán, phân tích và suy nghĩ một cách nghiêm túc để có một lời giải thỏa đáng.

Quá trình đổi mới ở Việt Nam bắt đầu từ đổi mới tư duy, trên cơ sở đó thực hiện đổi mới trong thực tiễn. Ở tỉnh Quảng Ninh, để chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh” trước hết là phải từ nhận thức, tư duy.

Tư duy bứt phá phải có tính sáng tạo vượt qua những giới hạn, không gò bó bởi những hạn chế và quy tắc hiện có; không bị giới hạn bởi những quan niệm cũ; không phụ thuộc quá nhiều vào các giải pháp truyền thống, cách làm cũ; trên cơ sở đó đưa ra ý tưởng mới, cách tiếp cận sáng tạo, các phương pháp, giải pháp đủ sức mạnh đột phá, tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ về quy mô và chất lượng trong thực tế. Nó đòi hỏi một môi trường để động viên và hỗ trợ, thúc đẩy, một không gian an toàn và động lực để phát triển ý tưởng sáng tạo. Bên cạnh đó, tư duy bứt phá đòi hỏi sự kiên nhẫn và đồng lòng với sự không dễ dàng để đi đến thành công, thậm chí phải chấp nhận cả thất bại. Trong nhiều trường hợp, tư duy bứt phá không thể đạt được một cách tức thì; đôi khi, việc thử nghiệm và gặp thất bại là một phần tự nhiên của quá trình chuyển đổi.

Việc linh hoạt chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong hành động thực tiễn phải bắt đầu và gắn liền với thường xuyên cơ cấu lại nguồn lực cho quá trình phát triển, trong đó nguồn lực căn bản nhất, bền vững nhất là nguồn lực con người. Quá trình phát triển, nhất là quá trình chuyển đổi và đột phá luôn cần những nguồn lực khổng lồ, đi liền với tư duy mới về khai thác các nguồn lực và tái cấu trúc các nguồn lực, trong đó quan trọng là biến tiềm lực thành nội lực, động lực, xung lực. Phát triển nhanh và bền vững đòi hỏi phải duy trì được động lực dài hạn. Quảng Ninh đã rất thành công trong việc chủ động, linh hoạt cơ cấu lại các nguồn lực, kể cả nguồn nhân lực và nguồn lực tài chính, đất đai, mặt nước, tài nguyên du lịch, tâm linh. Với tư duy và hành động không cũ trước những lợi thế và nguồn lực thực ra cũng không mới, Quảng Ninh đã tạo được động lực bền vững cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thu hút nguồn lực cho phát triển; phối hợp sử dụng và dẫn dắt được các nguồn lực đi trúng vào những trọng tâm ưu tiên “phát triển xanh”. Quy hoạch đi trước một bước, các công trình đột phá về giao thông đã nhanh chóng trở thành nguồn lực và động lực cho phát triển kinh tế, giá trị gia tăng được sản sinh ra trong môi trường đầu tư hấp dẫn với chi phí thấp. Chuyển từ “nâu” sang “xanh”, dựa vào ba trụ cột: thiên nhiên, con người và văn hóa; quan tâm phát triển hài hòa kinh tế, văn hóa - xã hội, môi trường theo mục tiêu phát triển bền vững và chuyển dịch cơ cấu kinh tế hướng tới tăng trưởng chuyển dựa vào kinh tế tri thức, kinh tế số...

Nhìn tổng thể, chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh” ở Quảng Ninh đồng thời giải quyết được những yêu cầu lớn: Tiếp tục nuôi dưỡng khát vọng phát triển khi nguồn động lực truyền thống đã có biểu hiện đến ngưỡng, việc huy động và sử dụng nguồn lực truyền thống đã thành lối mòn, thiếu sự kích hoạt đủ mạnh. Đồng thời, khát vọng phát triển trên nền tảng cái mới, thiết thực, giàu tiềm năng và có tính khả thi cao. Tỉnh Quảng Ninh đã thức thời, nhạy bén và quyết đoán trong phát huy một cách toàn diện, có chiều sâu và bền vững các nguồn lực phát triển trong mối quan hệ biện chứng với nhau; nhận diện đầy đủ tiềm năng, thế mạnh, giá trị riêng biệt, nổi trội của tỉnh, trong đó có cả những yếu tố “thiên tạo”, như Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, vùng mỏ (than), địa chất, địa mạo và yếu tố “nhân tạo”, như Di sản Yên Tử gắn với Thiền phái Trúc Lâm, mạng lưới di tích lịch sử - văn hóa, Thương cảng Vân Đồn... Ngoài ra, còn có cả những yếu tố thuộc về cốt cách, con người Quảng Ninh, nhất là truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của Vùng mỏ Anh hùng - cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam”(1). Đồng thời, Quảng Ninh cũng nhận thức được một cách đầy đủ các mâu thuẫn, thách thức trong sự phát triển của tỉnh, đó là giữa nhu cầu giải phóng nguồn lực, phát huy tiềm năng, thế mạnh và không gian phát triển rộng lớn với thực trạng của một số thể chế, cơ chế, chính sách còn hạn hẹp; giữa khai thác than, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển công nghiệp với phát triển du lịch, dịch vụ trên cùng một địa bàn; giữa đổi mới hệ thống chính trị chưa tương xứng, phù hợp với đổi mới kinh tế và tình hình thực tiễn đang diễn ra; giữa vừa phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo đảm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; giữa phát triển bền vững với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, an ninh phi truyền thống; giữa đẩy mạnh công nghiệp hóa, đô thị hóa với phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái; giữa tăng trưởng kinh tế nhanh đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo(2).

Đột phá trong hành động, trong lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các vấn đề thực tiễn, chuyển đổi mô hình phát triển từ “nâu” sang “xanh” ở tỉnh Quảng Ninh đã bảo đảm được tính toàn diện. Duy trì, đồng thời quyết tâm đổi mới ngành than và các ngành liên quan trực tiếp đến than, hướng vào xanh, sạch được thực hiện hài hòa với chuyển hướng mạnh mẽ sang du lịch, dịch vụ, công nghiệp chế biến, chế tạo, phát triển các ngành có công nghệ cao, trong đó có nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học. Nhờ vậy, một mặt, tỉnh Quảng Ninh vẫn bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, duy trì sinh kế bền vững cho hàng vạn thợ mỏ, sự ổn định của nhiều doanh nghiệp; mặt khác, khơi dậy mạnh mẽ những tiềm năng chuyển thành động năng mới, thêm cơ hội cho doanh nghiệp và người dân từ thành thị đến nông thôn, nâng trình độ của lực lượng sản xuất lên một tầm cao mới, tạo sự phát triển nhanh và bền vững dựa trên các lĩnh vực không thâm dụng tài nguyên và hài hoà, bồi đắp môi trường. Cũng theo hướng này, quá trình chuyển từ “nâu” sang “xanh” đã ngày càng gắn kết chặt chẽ giữa phát triển đô thị với phát triển nông thôn; giữa phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp; giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, đặc biệt là tại khu vực biên giới trên bộ, trên biển.

Chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” nhanh chóng đạt mục tiêu làm thay đổi nhanh diện mạo, tạo ra một tỉnh Quảng Ninh khác biệt, phát triển vượt trội về đẳng cấp và bứt phá về thời gian. Đồng thời, chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh” nói riêng, sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung ngày càng có chiều sâu, bền vững từ việc khơi thông, kết nối, quản trị tốt nguồn lực và không ngừng nuôi dưỡng nguồn lực; từ sức sản xuất gia tăng mạnh mẽ, trình độ của lực lượng sản xuất được nâng lên. Chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh” ở tỉnh Quảng Ninh đã tạo nên sự khác biệt, điểm nhấn, có tính vượt trội. Xuất phát sớm, tự nó đã là một lợi thế, giúp tỉnh đón đầu các cơ hội, bắt nhịp với các xu hướng vận động, phát huy và tập trung nguồn lực bên trong, thu hút nguồn lực bên ngoài.

Tầm nhìn và khát vọng phát triển

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định tầm nhìn phát triển đến năm 2030 và năm 2045 cho tỉnh Quảng Ninh là: “Đến năm 2030, xây dựng, phát triển Quảng Ninh giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, GRDP bình quân đầu người trên 15.000 USD; khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc về quốc phòng - an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế. Đến năm 2045, Quảng Ninh là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là dịch vụ, du lịch, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, có sức cạnh tranh cao; người dân có mức thu nhập tương đương các nước phát triển; phát triển kinh tế hài hòa giữa các khu vực đô thị và nông thôn; đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh”(3).

Từ bài học kinh nghiệm Đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển, bám sát thực tiễn Quảng Ninh đã được rút ra tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025; từ nhận thức lý luận và thực tế gian truân nhưng đã đạt được những kết quả rất đáng tự hào của quá trình chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh”, để xây dựng Quảng Ninh thành tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, trong thời gian tới, tỉnh cần chú ý thêm một số khía cạnh sau đây:

Đổi mới tiếp cận, tư duy về phát triển địa phương trong bối cảnh mới. Nhận thức rộng, sâu, toàn diện, cụ thể điều kiện, đặc điểm, điểm mạnh, điểm yếu và các mâu thuẫn chủ yếu, những thách thức đặt ra đối với địa phương, từ đó kịp thời có giải pháp phù hợp đưa quá trình chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh” ngày càng bền vững và lan tỏa rộng hơn nữa trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội.  Tiếp tục chú trọng đến việc nhận diện và phát huy các tiềm năng, thế mạnh, giá trị riêng biệt, nổi trội của tỉnh. Nhận diện và phát huy mạnh mẽ hơn nữa giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh, đặt biệt là hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh “Thiên nhiên tươi đẹp - văn hóa đặc sắc - xã hội văn minh - hành chính minh bạch - kinh tế phát triển - nhân dân hạnh phúc”. Cùng với đó, cần nhận thức, dự báo các mâu thuẫn, thách thức trước mắt và lâu dài trong sự phát triển; những thách thức truyền thống và phi truyền thống. Có những mâu thuẫn, khó khăn thách thức cần phải vượt lên để phát triển và có những mâu thuẫn, thách thức đặt ra từ chính sự phát triển. Có những mâu thuẫn giữa yêu cầu, khả năng phát triển với hệ thống chính sách còn chật hẹp, thiếu đặc thù, chưa khuyến khích đổi mới, đột phá, sáng tạo. Thách thức giữa tiềm năng to lớn, nhưng nguồn lực có hạn; cơ hội xuất hiện, nhưng khả năng thích ứng nhanh chóng để nắm bắt cơ hội còn hạn chế. Thách thức giữa tầm nhìn toàn cầu, tầm nhìn quốc gia và hành động địa phương...

Bối cảnh lãnh đạo phát triển luôn đòi hỏi đổi mới tư duy về các vấn đề có tính truyền thống, đồng thời phải liên tục tư duy về những vấn đề mới mẻ, phi truyền thống; chú trọng đến các vấn đề, thách thức trong lãnh đạo phát triển địa phương trong môi trường cạnh tranh phi truyền thống. Nắm bắt kịp thời xu hướng phát triển của thế giới và khu vực, nhất và xu hướng “xanh” hóa, thông minh, kinh tế số và xã hội số, vấn đề môi trường, chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và các dòng chảy thương mại, xu hướng tiêu dùng,... Nghiên cứu các mô hình, kinh nghiệm tốt cùng với các bài học không thành công ở các địa phương, quốc gia khác trong lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở đó, chủ động điều chỉnh các hoạt động, đưa ra hệ giải pháp mới có tính sách tạo và thích ứng cao.

Kiên định tầm nhìn, mục tiêu; tiếp tục thí điểm để tìm kiếm phương thức phát triển hiệu quả hơn; lãnh đạo phát triển toàn diện, đồng thời xác định đúng lĩnh vực, vấn đề trọng tâm, trọng điểm cần đặc biệt quan tâm tập trung nguồn lực phát triển. Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng hiện nay thì những giá trị toàn cầu, mục tiêu toàn cầu đang tác động đến mọi doanh nghiệp và người dân trong quá trình phát triển. Bên cạnh đó, trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập quốc tế, việc huy động được nguồn lực là khó khăn, nhưng việc phối hợp sử dụng và dẫn dắt được các nguồn lực đi trúng vào những trọng tâm ưu tiên phát triển, để từ đó nhanh chóng phát huy giá trị sử dụng của các công trình, đồng nghĩa với việc nắm bắt cơ hội bứt phá, là điều kiện để vượt trước. Phải chủ động, linh hoạt trong việc cơ cấu lại các nguồn lực phù hợp với quá trình “xanh” hóa và thông minh hóa nền sản xuất. Khi các nguồn lực luôn có giới hạn, vấn đề tập trung đầu tư có ý nghĩa phát huy vai trò dẫn dắt của các lĩnh vực chủ chốt và tiên phong, từ kích hoạt các nguồn lực và các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Với Quảng Ninh trong thời gian tới, cần nỗ lực thực hiện hiệu quả đột phá chiến lược, bao gồm phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; cải cách hành chính; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong mối quan hệ chặt chẽ với nhau.

Cần bảo đảm được tính thống nhất, toàn diện, tầm nhìn dài hạn trong nhận thức, hoạch định chủ trương, xác định giải pháp và chỉ đạo thực hiện. Bảo đảm sự phát triển thực sự là phát triển cân bằng, hài hòa giữa các vùng, miền, lĩnh vực để phát huy sự tác động, thúc đẩy lẫn nhau. Từ thực tiễn của địa phương, từ chủ trương, đường lối của Trung ương và xu thế phát triển của khu vực, thế giới và toàn cầu để xác định quyết sách lãnh đạo đúng đắn, biết gắn kết hữu cơ giữa địa phương - cả nước - khu vực - toàn cầu, đặt sự phát triển của tỉnh trong sự phát triển chung của cả nước và xu thế, yêu cầu phát triển của thế giới.

Tiếp tục đột phá trong nhận thức và hành động, tạo bước chuyển biến mới trong chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”. Trong bối cảnh hiện nay, tìm điểm cân bằng trong quá trình chuyển đổi kinh tế từ “nâu” sang “xanh” đã trở thành xu thế tất yếu. Phát triển thương hiệu “xanh” không chỉ là đạo đức doanh nghiệp, mà đã trở thành luật chơi mới (sau sự kiện COP26, Việt Nam cam kết đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050). Cắt giảm khí thải đặt những quốc gia đang phát triển và doanh nghiệp vào tình huống khó khăn, tăng chi phí sản xuất và làm giảm tính cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu tốn thêm nhiều chi phí. Chuyển đổi sang năng lượng “xanh” cũng đồng nghĩa với việc phải đóng cửa nhiều nhà máy nhiệt điện than, đặt ra nhiều vấn đề về an ninh năng lượng, về sinh kế và việc làm. Cần có điểm cân bằng tối ưu cho bài toán phát triển “xanh” bằng những quyết sách hài hòa của Chính phủ, doanh nghiệp và nhà đầu tư. Với Quảng Ninh, trong thời gian tới, theo sát mục tiêu phát triển xanh, cần đẩy nhanh việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư có chọn lọc; tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển của hành lang kinh tế, hành lang đô thị gắn với hành lang giao thông của hai tuyến phía Tây và phía Đông của tỉnh đang ngày càng hoàn thiện đồng bộ và hiện đại; xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi của các khu công nghiệp, khu kinh tế để nhanh chóng hình thành các cụm liên kết vùng, liên kết ngành. Phát triển và phát huy hiệu quả của các khu công nghiệp nằm trong Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, Khu kinh tế Vân Đồn, Khu kinh tế ven biển Quảng Yên... Chú trọng phát triển khu công nghiệp theo mô hình “3 trong 1” (Khu công nghiệp - Khu đô thị - Khu dịch vụ) với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, dịch vụ tiện ích khác biệt tạo môi trường làm việc và môi trường sống văn minh, an toàn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho công nhân, người lao động gắn với nâng cao chất lượng sống của nhân dân. Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo làm mũi đột phá trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và một trong 3 trụ cột chính trong ngành công nghiệp của tỉnh. Kiến tạo thị trường, thúc đẩy tài chính xanh. Phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại ngày càng giữ vai trò chủ đạo, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ưu tiên thu hút công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao, công nghệ thông minh, thân thiện với môi trường. Tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo; phát triển hợp lý, bền vững ngành công nghiệp khai khoáng. Phát triển kinh tế biển và nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao. Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Phát triển chuỗi đô thị sinh thái - dịch vụ, thương mại, du lịch tổng hợp cao cấp, nông nghiệp sạch - công nghệ cao và kinh tế biển.

Du khách trải nghiệm nghề truyền thống của người dân thị xã Quảng yên, tỉnh Quảng Ninh_Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Gia tăng mạnh mẽ các nguồn lực, tạo thêm động lực tiếp tục phát triển nhanh, bền vững. Quán triệt và thực hiện tốt phương châm “Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ lòng dân”. Kiến tạo thể chế để thu hút nguồn lực xã hội, nhất là của khu vực tư nhân vào đầu tư kết cấu hạ tầng hiện đại, kết nối. Phấn đấu để tỉnh Quảng Ninh trở thành địa bàn mà nhân tài quy tụ để cống hiến và sáng tạo chứ không đơn thuần là tìm kiếm môi trường mưu sinh và sinh kế thuận lợi, cũng không phải chỉ là môi trường để nghỉ dưỡng, hưởng thụ. Tiếp tục khơi lên ngày càng mạnh mẽ khát vọng phát triển của cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên và nhân dân, trở thành động lực tinh thần to lớn trong giai đoạn mới vì lợi ích chung, vì sự phát triển của địa phương. Nâng cao năng lực kiến tạo đổi mới sáng tạo, phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đầu tư nghiên cứu và phát triển. Khai thông các điểm nghẽn, huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực với phương châm nội lực là căn bản, ngoại lực là quan trọng, kết hợp chặt chẽ nội lực với ngoại lực tạo ra nguồn lực tổng hợp tối ưu; lấy “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” để nâng cao hiệu quả đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) và xã hội hóa; ngân sách tập trung cho an sinh xã hội và các công trình có tính chất động lực lan tỏa.

Xây dựng đội ngũ lãnh đạo địa phương có năng lực, trình độ ngang tầm; khát vọng phát triển địa phương; dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, với địa phương và trước nhân dân. Cần thiết lập các kênh thích hợp để huy động trí tuệ từ nhiều cá nhân, tổ chức khác nhau, trong đó chú ý đến các tổ chức tư vấn trong nước và quốc tế tư vấn cho tỉnh theo vấn đề, nội dung cụ thể. Đồng thời, lắng nghe và tiếp thu nghiêm túc, thực chất ý kiến của người dân - nguồn lực to lớn và là chủ thể của tiến trình phát triển tỉnh Quảng Ninh. Đổi mới thể chế giáo dục để tăng năng suất, phát triển lực lượng lao động năng suất cao với kỹ năng của thế kỷ XXI. Tiếp tục hoàn thiện Đề án Phát triển giáo dục, đào tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030./.

---------------------

(1) Minh Thu: “Quảng Ninh tầm nhìn và khát vọng phát triển”, Báo Quảng Ninh điện tử, https://baoquangninh.vn/quang-ninh-tam-nhin-va-khat-vong-phat-trien-3172439.html
(2) Xem Nguyễn Xuân Ký: “Tỉnh Quảng Ninh - Đột phá bắt đầu từ tư duy lãnh đạo, tầm nhìn và khát vọng phát triển”, Tạp chí Cộng sản, số 969 (tháng 7-2021)
(3) Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh: Báo cáo Chính trị Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Báo Quảng Ninh điện tử, https://baoquangninh.vn/toan-van-bao-cao-chinh-tri-dai-hoi-dai-bieu-dang-bo-tinh-lan-thu-xv-nhiem-ky-2020-2025-2502422.html

Nguồn: Tạp chí cộng sản

Còn lại: 1000 ký tự
Vấn đề đặt ra với nghề kế toán, kiểm toán thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0

Đề tài Vấn đề đặt ra với nghề kế toán, kiểm toán thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 do ThS. Phạm Thị Tươi (Khoa Kế toán Kiểm toán - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp) thực hiện.

Xem chi tiết
Tìm giải pháp hoàn thiện chính sách và pháp luật về quản lý, phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững

Đề tài Tìm giải pháp hoàn thiện chính sách và pháp luật về quản lý, phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững do ThS. Trần Phương Tâm An (Khoa Pháp luật kinh tế - Đại học Luật Hà Nội) thực hiện.

Xem chi tiết
Thủ tướng: Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phải dũng cảm và chấp nhận rủi ro

Sáng 12/5, tại Đại học Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VI.

Xem chi tiết
Khẩn trương thực hiện ngay thanh tra, kiểm tra chuyên ngành thị trường vàng

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu khẩn trương thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với thị trường vàng.

Xem chi tiết
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghiệp quốc phòng trong tình hình mới

​CHG - Thời gian qua, Học viện Kỹ thuật quân sự không ngừng đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp quốc phòng theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 26-1-2022, của Bộ Chính trị, “Về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo” (Nghị quyết số 08-NQ/TW) và đạt được những kết quả nổi bật. Để tiếp tục phát huy thành tựu đã có, Học viện cần tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp toàn diện, đột phá hơn nữa, từ đó góp phần đắc lực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển mạnh mẽ ngành khoa học kỹ thuật quân sự Việt Nam trong bối cảnh mới.

Xem chi tiết
2
2
2
3