(CHG) Từ tháng 11/2022, nhiều chính sách liên quan đến tài chính có hiệu lực, cụ thể như hướng dẫn sử dụng kinh phí bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với vay và trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp; hướng dẫn mức chi đào tạo nhân lực cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và phân phối kết quả tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập...
Hướng dẫn sử dụng kinh phí bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất
Thông tư số 61/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và thanh, quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất có hiệu lực từ ngày 20/11/2022.
Theo Thông tư 61/2022/TT-BTC, nội dung chi tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư gồm:
Chi tuyên truyền các chính sách, chế độ về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và tổ chức vận động các đối tượng liên quan thực hiện quyết định thu hồi đất.
Chi điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Đất đai năm 2013 gồm: Phát tờ khai, hướng dẫn người bị thiệt hại kê khai; trích đo địa chính thửa đất đối với thửa đất tại nơi chưa có bản đồ địa chính phục vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng; đo đạc xác định diện tích thực tế các thửa đất nằm trong ranh giới khu đất thu hồi để thực hiện dự án (nếu có) của từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân làm căn cứ thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp phải đo đạc lại; kiểm kê số lượng nhà, công trình, cây trồng, vật nuôi và tài sản khác bị thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất của từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân…
Chi lập, thẩm định, chấp thuận, phê duyệt, công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư từ khâu tính toán các chỉ tiêu, xác định mức bồi thường, hỗ trợ đến khâu phê duyệt phương án, thông báo công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Chi tổ chức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với vay và trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp
Thông tư số 12/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc vay và trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 15/11/2022.
Trong đó, Thông tư về quản lý ngoại hối vay và trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp có nội dung liên quan đến sử dụng trang điện tử để khai báo thông tin đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay và báo cáo tình hình thực hiện khoản vay tự vay, tự trả.
Trường hợp bên đi vay lựa chọn khai báo thông tin đăng ký, đăng ký thay đổi để giảm thời gian xử lý thủ tục hành chính, bên đi vay sử dụng trang điện tử để khai báo thông tin liên quan đến khoản vay được đăng ký, khai báo thông tin về các nội dung đề nghị xác nhận đăng ký thay đổi trước khi gửi hồ sơ đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài.
Đối với việc báo cáo tình hình thực hiện khoản vay nước ngoài, bên đi vay phải sử dụng trang điện tử để thực hiện chế độ báo cáo trực tuyến theo quy định tại thông tư này.
Thông tư 12 cũng quy định một số khoản vay phải thực hiện đăng ký với Ngân hàng Nhà nước. Đó là các khoản vay trung, dài hạn nước ngoài; khoản vay ngắn hạn được gia hạn thời gian trả nợ gốc mà tổng thời hạn của khoản vay là trên 1 năm.
Doanh nghiệp cũng phải đăng ký khoản vay ngắn hạn không có thỏa thuận gia hạn nhưng còn dư nợ gốc (bao gồm cả nợ lãi được nhập gốc) tại thời điểm tròn 1 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên, trừ trường hợp bên đi vay hoàn thành thanh toán dư nợ gốc nói trên trong thời gian 30 ngày làm việc kể từ thời điểm tròn 1 năm tính từ ngày rút vốn đầu tiên.
Hướng dẫn mức chi đào tạo nhân lực cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/11/2022, Thông tư 58/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định nội dung và mức chi thực hiện một số hoạt động của Chương trình "Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư".
Thông tư 58/2022/TT-BTC quy định rõ các nội dung và mức chi thực hiện một số hoạt động của Chương trình. Theo đó, chi khảo sát đánh giá thực trạng kỹ năng của người lao động tại các doanh nghiệp để xác định nhu cầu đào tạo, đào tạo lại và mô hình đào tạo phù hợp theo các lĩnh vực, ngành, nghề chịu tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư triển khai trong Chương trình: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 109/2016/TT-BTC quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê, tổng điều tra thống kê quốc gia.
Chi nghiên cứu để vận dụng kinh nghiệm quốc tế về đào tạo các ngành, nghề đào tạo mới, kỹ năng nghề mới trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư triển khai trong Chương trình: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước và Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.
Chi xây dựng chương trình đào tạo, đào tạo lại đáp ứng chuẩn đầu ra của nghề; xây dựng học liệu dùng chung cho các chương trình đào tạo: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Điều 22 và khoản 7 Điều 23 Thông tư số 15/2022/TT-BTC.
Chi thực hiện chuyển đổi số, xây dựng thư viện điện tử, hệ thống đào tạo trực tuyến tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo trong Chương trình: Thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và quy định của pháp luật có liên quan; quy định tại khoản 9 Điều 23 Thông tư số 15/2022/TT-BTC....
Phân phối kết quả tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
Đơn vị sự nghiệp công được phân loại theo mức độ tự chủ tài chính quy định tại Điều 9 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP gồm:
Đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (đơn vị nhóm 1);
Đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị nhóm 2);
Đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (đơn vị nhóm 3);
Đơn vị do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị nhóm 4) |
Có hiệu lực từ 1/11/2022, Thông tư số 56/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có quy định rõ về phân phối kết quả tài chính trong năm.
Theo Thông tư 56/2022/TT-BTC, kết thúc năm tài chính, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản thu, chi thường xuyên giao tự chủ, trích khấu hao tài sản cố định (nếu có), nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước, trích lập nguồn cải cách tiền lương theo quy định, phần chênh lệch thu lớn hơn chi thường xuyên giao tự chủ (nếu có), đơn vị sự nghiệp công được sử dụng theo quy định tại Điều 14 (áp dụng đối với đơn vị nhóm 1, nhóm 2), Điều 18 (áp dụng đối với đơn vị nhóm 3) và Điều 22 (áp dụng đối với đơn vị nhóm 4) Nghị định số 60/2021/NĐ-CP. Thông tư này quy định một số nội dung cụ thể như sau:
Trong thời gian Chính phủ chưa ban hành chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp:
a) Quỹ tiền lương, tiền công làm cơ sở để tính trích Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi trong năm của đơn vị nhóm 1, nhóm 2 và nhóm 3 bao gồm:
- Tiền lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công theo số lượng người làm việc trong đơn vị quy định tại Điều 9 Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và mức tiền lương cơ sở do Chính phủ quy định; tiền lương của lao động hợp đồng theo quy định (nếu có);
- Tiền lương tăng thêm do nâng bậc lương theo niên hạn và nâng bậc lương trước thời hạn của đơn vị theo quy định (nếu có);
- Tiền công theo hợp đồng vụ việc (nếu có);
b) Về tạm trích các Quỹ và thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm trong năm đối với đơn vị nhóm 1, nhóm 2 và nhóm 3:
Căn cứ dự toán thu, chi của năm; kết quả hoạt động tài chính của quý trước (trong trường hợp quý đầu tiên của năm kế hoạch, đơn vị căn cứ vào kết quả hoạt động tài chính của quý IV năm trước liền kề), đơn vị nhóm 1, nhóm 2, nhóm 3 tự xác định chênh lệch thu lớn hơn chi thường xuyên giao tự chủ (nếu có), thực hiện tạm trích Quỹ bổ sung thu nhập, Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi hàng quý (tối đa không vượt quá 70% số chênh lệch thu lớn hơn chi đơn vị xác định được theo quý) để chi trả cho người lao động theo quy định và quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị nhằm động viên kịp thời người lao động phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Kết thúc năm ngân sách, trước ngày 31/01 năm sau, đơn vị tự xác định số chênh lệch thu lớn hơn chi thường xuyên giao tự chủ và trích lập các Quỹ theo quy định. Trong đó đối với Quỹ bổ sung thu nhập, Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi:
- Trường hợp đơn vị đã tạm trích các Quỹ thấp hơn số được trích lập theo quy định, đơn vị được tiếp tục trích bổ sung để thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm cho người lao động hoặc để dự phòng chi bổ sung thu nhập cho người lao động năm sau (đối với nội dung chi từ Quỹ bổ sung thu nhập) và chi trả các khoản khác từ Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị;
- Trường hợp đơn vị đã tạm trích các Quỹ vượt quá số được trích lập theo quy định thì phải trừ số đã trích vượt vào nguồn Quỹ bổ sung thu nhập, Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi của năm trước còn dư (nếu có); nếu vẫn còn thiếu thì trừ vào nguồn Quỹ bổ sung thu nhập, Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi của năm sau hoặc trừ vào Quỹ tiền lương năm sau của đơn vị (nếu các Quỹ trên không còn nguồn).
Sau khi quyết toán năm của đơn vị được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trường hợp số chênh lệch thu lớn hơn chi thực tế cao hơn số đơn vị tự xác định, đơn vị được tiếp tục trích lập các Quỹ và chi trả thu nhập tăng thêm theo chế độ quy định và quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.
Trường hợp số chênh lệch thu lớn hơn chi thực tế thấp hơn số đơn vị tự xác định, số kinh phí đơn vị đã trích lập Quỹ bổ sung thu nhập và thanh toán thu nhập tăng thêm lớn hơn số kinh phí được trích lập và sử dụng (theo chế độ quy định), thì số kinh phí đã chi vượt được trừ vào nguồn Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi của đơn vị; nếu vẫn còn thiếu thì trừ vào số chênh lệch thu chi dành để trích lập Quỹ bổ sung thu nhập, Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi của năm sau; trường hợp năm sau không có chênh lệch thu lớn hơn chi thì trừ vào Quỹ tiền lương của đơn vị.
Xác định giá truyền tải điện theo quy định mới từ ngày 22/11
Có hiệu lực từ ngày 22/11/2022, Thông tư 14/2022/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2017/TT-BCT ngày 10/2/2017 quy định phương pháp, trình tự lập, thẩm định và phê duyệt giá truyền tải điện.
Thông tư sửa đổi khoản 2 Điều 3 về phương pháp xác định giá truyền tải điện. Giá truyền tải điện được xác định hàng năm trên cơ sở các khoản chi phí hợp lý, hợp lệ cho hoạt động truyền tải điện của Đơn vị truyền tải điện với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu được xác định theo phương án giá bán lẻ điện đang áp dụng tại thời điểm tính giá truyền tải điện hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Ngoài ra, Thông tư cũng sửa đổi khoản 2 và 3 Điều 10. Theo đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Đơn vị truyền tải điện xây dựng giá truyền tải điện hàng năm theo quy định tại Thông tư này.
Quy định sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện cai nghiện ma túy
Thông tư 62/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ ngân sách nhà nước thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cơ sở cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy có hiệu lực từ ngày 19/11/2022.
Trong đó, kinh phí đảm bảo chi hoạt động thường xuyên, chi đầu tư, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, mua trang thiết bị, phương tiện, công cụ hỗ trợ, trang phục tổ chức hoạt động của cơ sở cai nghiện bắt buộc và cơ sở công lập cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 34, khoản 1 Điều 75, khoản 3 Điều 76 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP.
Chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với người bị quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi khi tiếp tục đi học ở các bậc học phổ thông tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 80 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP.
Chính sách hỗ trợ vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm được thực hiện theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 80 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP; Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm (sau đây viết tắt là Nghị định số 61/2015/NĐ-CP); Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP và Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác và quy định pháp luật có liên quan.
Đối tượng áp dụng là: Người nghiện ma tuý bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, người nghiện ma túy trong thời gian chờ lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Luật Xử lý vi phạm hành chính. Người cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và các cơ sở cai nghiện ma túy. Người bị quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú.
Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp từ ngân sách nhà nước thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc, công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cơ sở cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.
Đáng chú ý, Thông tư có quy định về chi học văn hóa cho người cai nghiện bắt buộc từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi theo quy định tại khoản 1 Điều 73 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP.
Theo đó, chi tiền công đối với những người tham gia giảng dạy văn hóa (bao gồm giáo viên thuộc biên chế của cơ sở giáo dục đào tạo công lập và những người ngoài biên chế có đủ tiêu chuẩn, năng lực giảng dạy): Mức chi tiền công theo hợp đồng lao động trên cơ sở lương tối thiểu vùng và đảm bảo tương quan với mức lương giáo viên trong biên chế có cùng trình độ đào tạo, thâm niên công tác dạy cùng cấp học, kíp học theo quy định hiện hành của nhà nước về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;
Chi hỗ trợ học phẩm: Nội dung và mức chi áp dụng theo quy định về hỗ trợ học phẩm cho học sinh trung học cơ sở tại khoản 6 Điều 2 Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 29/5/2009 của Bộ Tài chính, Bộ GD&ĐT hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc;
Chi tài liệu học tập, sách giáo khoa, văn phòng phẩm, thuê trang thiết bị dạy học và các khoản chi cần thiết khác (nếu có) phục vụ trực tiếp công tác dạy và học văn hóa cho đối tượng: Mức chi thanh toán theo thực tế phát sinh trên cơ sở dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hợp đồng, hóa đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp và theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Nguồn: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/hang-loat-chinh-sach-quan-trong-ve-tai-chinh-co-hieu-luc-tu-thang-11-2022-119221017105103675.htm
0