TÓM TẮT:
Bài viết này phân tích về vấn đề bảo vệ môi trường, một số nội dung về pháp luật bảo vệ môi trường trong canh tác nông nghiệp (CTNN), từ đó đưa ra các giải pháp góp phần hoàn thiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong CTNN ở Việt Nam hiện nay.
Từ khóa: bảo vệ môi trường, canh tác nông nghiệp, pháp luật.
Nông nghiệp là một lĩnh vực kinh tế - xã hội lớn, gắn liền với sự hình thành, tồn tại và phát triển của xã hội loài người. Trong lĩnh vực nông nghiệp, CTNN là một hoạt động giữ vai trò vô cùng quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển kinh tế nông nghiệp nói riêng. Mặt khác, hoạt động này cũng đặt ra nhiều vấn đề về bảo vệ môi trường, cần phải giải quyết bằng các biện pháp khác nhau, đặc biệt là biện pháp pháp lý. CTNN là quá trình con người sử dụng tài nguyên thiên nhiên, trang thiết bị, vật tư nông nghiệp và áp dụng quy trình sản xuất để tạo ra các sản phẩm cây trồng khác nhau [1]. CTNN gồm 3 nhóm hoạt động chính như sau:
Thứ nhất: Nhóm hoạt động sử dụng tài nguyên thiên nhiên trong canh tác. Đây là các hoạt động của con người sử dụng tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên không khí, … để phục vụ cho hoạt động trồng trọt tạo ra các sản phẩm cây trồng.
Thứ hai: Nhóm hoạt động sử dụng trang thiết bị, vật tư nông nghiệp phục vụ cho hoạt động canh tác. Đây là các hoạt động sử dụng máy móc, thiết bị, phân bón, hóa chất, thuốc trừ sâu, ... trong quá trình trồng trọt.
Thứ ba: Nhóm hoạt động áp dụng các quy trình sản xuất trong quá trình canh tác. Đây là các hoạt động áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, quy trình nông nghiệp VietGaP, quy trình quản lý mã số vùng trồng, CTNN ở các điều kiện đặc thù như ứng phó biến đổi khí hậu, canh tác trên vùng đất phèn, mặn, trũng, dốc, có nguy cơ sa mạc hóa, …
CTNN có mối quan hệ mật thiết với các yếu tố môi trường, như: môi trường nước, môi trường đất, môi trường không khí, đa dạng sinh học. Mối quan hệ này thể hiện ở chỗ, hoạt động CTNN với việc sử dụng các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón có thể gây ô nhiễm các thành phần môi trường, suy giảm đa dạng sinh học; mặt khác hoạt động này cũng có thể đưa vào môi trường lượng chất thải lớn dưới dạng sinh khối như: rơm, rạ, phụ phẩm cây trồng, bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật, phát thải khí Carbon gây hiệu ứng nhà kính [2]. Bên cạnh những tác động tiêu cực đó, CTNN cũng đem lại những tác động tích cực tới môi trường, như: góp phần phủ xanh các diện tích đất nông nghiệp, có giá trị điều hòa khí hậu bảo đảm cân bằng sinh thái. Không chỉ như vậy, khi xem xét mối quan hệ giữa CTNN với môi trường, còn phải nhìn nhận rõ giá trị của các yếu tố môi trường đối với chất lượng, giá trị sản phẩm cây trồng, đó là sản phẩm cây trồng ở những khu vực có chất lượng môi trường tốt, được canh tác với quy trình nông nghiệp sạch sẽ, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm có giá trị chất lượng cao hơn, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng, từ đó gián tiếp nâng cao hiệu quả kinh tế đối với ngành Kinh tế nông nghiệp.
Từ những phân tích như trên cho thấy bảo vệ môi trường trong CTNN là hết sức cần thiết, bởi lẽ bảo vệ môi trường vừa góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường, vừa góp phần bảo đảm chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế trong quá trình CTNN. Nếu không bảo vệ trong CTNN thì chẳng những sẽ dẫn tới những hậu quả về môi trường, mà còn ảnh hưởng xấu tới giá trị, chất lượng của sản phẩm nông nghiệp, tác động tiêu cực tới hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.
Bảo vệ môi trường trong CTNN bao gồm các hoạt động phòng ngừa, hạn chế tác động xấu tới môi trường, ứng phó sự cố môi trường, khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, cải thiện chất lượng môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu trong quá trình CTNN. Với bản chất như trên, bảo vệ môi trường trong CTNN đòi hỏi phải thực hiện một số hoạt động cụ thể như: khai thác sử dụng hợp lý, bảo vệ và bảo đảm chất lượng đất, nguồn nước, không khí trong quá trình CTNN; thực hiện các biện pháp kiểm dịch thực vật, bảo đảm an toàn giống cây trồng, sử dụng các loại phân bón hóa chất, thuốc trừ sâu đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật; thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường phù hợp trong quá trình canh tác với những quy trình tiên tiến, phù hợp các điều kiện đặc thù như ứng phó biến đổi khí hậu, canh tác ở vùng hạn, mặn, nhiễm phèn, trũng, dốc,…
Pháp luật hiện hành đã có các quy định nhằm bảo đảm việc sử dụng các loại tài nguyên trong CTNN như tài nguyên nước, đất mặt của đất chuyên trồng lúa nước phải được khảo sát, đánh giá về chất lượng, trữ lượng cho phù hợp với cơ cấu cây trồng, đặc tính sinh học, hóa học… để bảo đảm năng suất cây trồng, cũng như chất lượng của nguồn tài nguyên. Bên cạnh đó, cần phải bảo vệ các sinh vật có ích trong canh tác bao gồm các sinh vật có vai trò ổn định và cải tạo độ phì nhiêu của đất, tăng sức chống chịu và khảnăng sinh trưởng của cây trồng, bảo quản, chế biến sản phẩm và phụ phẩm từ cây trồng, phòng trừ sinh vật gây hại cây trồng, thụ phấn cho cây trồng và mục đích có lợi khác. Điều này đòi hỏi các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động canh tác phải thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, bảo vệ và kiểm dịch thực vật; áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến để bảo vệ và phát huy hiệu quả của sinh vật có ích [3]. Tuy nhiên, những quy định này còn chưa chi tiết và chỉ mang tính nguyên tắc, thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát, do đó các tổ chức, cá nhân chưa thực hiện một cách hiệu quả nội dung này. Mặt khác, công tác quy hoạch nói chung, quy hoạch môi trường nói riêng hiện nay còn chưa làm tốt việc phân vùng môi trường để bảo đảm an toàn các nguồn tài nguyên phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, như: chưa bảo đảm nguồn nước sạch cho sản xuất nông nghiệp, việc xả chất thải khí, nước thải ở các cơ sở sản xuất - kinh doanh, dịch vụ vào nguồn nước, đất nông nghiệp vẫn còn diễn ra phổ biến, dẫn tới tình trạng ô nhiễm tài nguyên phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Trang thiết bị trong canh tác bao gồm nhà kính, nhà lưới, máy móc và dụng cụ phục vụ sản xuất, tưới tiêu, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến. Vật tư nông nghiệp trong canh tác bao gồm: giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, màng phủ đất, vật liệu giữ ẩm. Việc quản lý chất lượng trang thiết bị và vật tư nông nghiệp trong canh tác được thực hiện theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, sản phẩm hàng hóa. Các tổ chức, cá nhân hoạt động canh tác chỉ được sử dụng vật tư nông nghiệp trong canh tác được phép sử dụng, lưu hành theo quy định của pháp luật; tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chuyên môn hoặc của tổ chức, cá nhân sản xuất vật tư nông nghiệp, đồng thời phải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng, an toàn thực phẩm và hạn chế lan truyền sinh vật gây hại.
Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, phân bón có khả năng ảnh hưởng rất lớn tới môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm, do vậy, các tổ chức, cá nhân CTNN phải thực hiện các nghĩa vụ cụ thể theo quy định pháp luật hiện hành [4]. Tuy nhiên, thực tế hiện nay đang phát sinh tình trạng ở nhiều khu vực sản xuất nông nghiệp, các tổ chức cá nhân sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón chưa đúng quy trình kỹ thuật dẫn tới gây ô nhiêm đất, ô nhiễm nguồn nước, phát sinh lượng rác thải lớn là bao bì đựng hóa chất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong CTNN mà không được thu gom xử lý phù hợp, tình trạng này đang diễn ra phổ biến ở các vùng CTNN với quy mô tập trung, điển hình là các tỉnh Tây Nguyên, nhất là các khu vực trồng sầu riêng, hồ tiêu, cà phê,… Vấn đề này cần phải có hướng khắc phục kịp thời trong thời gian tới.
Việc kiểm dịch thực vật trong CTNN cũng là một nội dung có vai trò quan trọng đối với bảo vệ môi trường. Pháp luật hiện hành có quy định nghĩa vụ về kiểm dịch thực vật đối với các tổ chức, cá nhân CTNN cũng như đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền [5]. Những quy định này bảo đảm sự chủ động thực hiện các biện pháp quản lý tổng hợp sinh vật gây hại bao gồm sử dụng giống cây trồng chống chịu sinh vật gây hại, vệ sinh đồng ruộng, bố trí thời vụ, sử dụng phân bón, mật độ hợp lý và các biện pháp khác thân thiện với môi trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng, phát triển, tăng sức đề kháng, hạn chế sự phát sinh, phát triển của sinh vật gây hại, bảo vệ và phát triển sinh vật có ích... Tuy nhiên, thực tế hiện nay ở Việt Nam, một số địa phương vẫn chưa thực hiện tốt điều này, dẫn tới tình trạng xuất hiện các loài ngoại lai xâm hại, các loại dịch bệnh gây ảnh hưởng xấu trong sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là một nội dung cần xem xét, giải quyết một cách kịp thời.
Quy trình CTNN được hiểu là các cách thức, trình tự, giải pháp tiến hành các nội dung của hoạt động canh tác phù hợp với các điều kiện, yêu cầu cụ thể trong lĩnh vực trồng trọt. Quy trình CTNN ở Việt Nam hiện này gồm một số mô hình sau đây:
Canh tác hữu cơ: Vùng canh tác hữu cơ có vai trò quan trọng xét cả dưới góc độ môi trường và góc độ kinh tế trong CTNN. Vùng canh tác hữu cơ phải được phát triển, bảo vệ và xây dựng kết cấu hạ tầng phù hợp, bảo đảm không bị ô nhiễm hóa chất từ bên ngoài. Đây là một quy trình canh tác có vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển ngành Kinh tế nông nghiệp ở Việt Nam. Mô hình này đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan nhà nước, giữa các ngành, các cấp với nhau và với các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, pháp luật Việt Nam đã quy định khá nhiều nội dung về vùng canh tác hữu cơ, trong đó có những quy định về mô hình VietGaP - một loại hình sản xuất nông nghiệp sạch thân thiện môi trường, bảo vệ sức khỏe con người, góp phần phát triển bền vững [6]. Trên thực tế, quá trình triển khai mô hình này còn nhiều bất cập, như: chưa có sự đồng bộ giữa quy hoạch CTNN với các quy hoạch sản xuất, kinh doanh dịch vụ khác; chưa phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi xả chất thải gây ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp; thiếu cơ chế ưu đãi hỗ trợ, truyền thông, … để phát triển vùng canh tác hữu cơ.
Canh tác thích ứng biến đổi khí hậu: Hiện nay, Việt Nam đang là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đối khí hậu. Chính vì vậy, Nhà nước đang thực hiện các quy hoạch, chiến lược để ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu trong mọi lĩnh vực và lĩnh vực nông nghiệp là một trong những ưu tiên hàng đầu. Đòi hỏi của canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu là phải áp dụng giải pháp phù hợp trong canh tác để thích ứng với các hiện tượng hạn hán, xâm nhập mặn, sụt lún đất (đặc biệt ở đồng bằng sông Cửu Long), bão, lũ lụt, sạt lở đất (các tỉnh miền duyên hải và vùng núi phía Bắc), đồng thời giảm phát thải khí nhà kính để hạn chế tình trạng suy giảm tầng Ozon, hiệu ứng nhà kính.
Quản lý và cấp mã số vùng trồng: Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng. Mã số vùng trồng là một trong những điều kiện vô cùng quan trọng để bảo đảm cho người tiêu dùng, cơ quan quản lý biết được về nguồn gốc, xuất xứ, cũng như các yếu tố liên quan đến chất lượng của sản phẩm nông sản, đồng thời góp phần bảo đảm uy tín, giá trị, chất lượng sản phẩm nông sản trên thị trường trong nước và quốc tế. Yếu tố này có vai trò gián tiếp thúc đẩy hiệu quả kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác quản lý cấp mã số vùng trồng còn thiếu chặt chẽ cả về quy định pháp luật và thực tiễn thực hiện. Điều này thể hiện ở chỗ có tình trạng gian dối mã số vùng trồng, đưa nông sản không thuộc diện được cấp mã số vùng trồng vào những khu vực được cấp mã số vùng trồng, gây mất uy tín thương hiệu sản phẩm nông sản Việt Nam trong quá trình xuất khẩu ra nước ngoài.
Thứ nhất: thực hiện quy hoạch đồng bộ trong khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên (đặc biệt là tài nguyên nước) giữa CTNN và các hoạt động kinh doanh, dịch vụ khác; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm, không để xảy ra tình trạng các cơ sở sản xuất - kinh doanh, dịch vụ xả nước thải gây ô nhiễm nguồn nước phục vụ CTNN, đồng thời phải có sự cân nhắc, tính toán, phân bổ nguồn nước phù hợp cho các khu vực sản xuất - kinh doanh, dịch vụ và các khu vực CTNN.
Thứ hai: xây dựng và vận hành các cơ sở thu gom, tái chế, tái sử dụng rác thải là bao bì đựng hóa chất, phân bón, thuốc trừ sâu và rác thải sinh khối ở các vùng CTNN quy mô lớn. Trước mắt là ở các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, cần xây dựng một số nhà máy tái chế loại rác thải này, điều đó vừa góp phần giải quyết tình trạng rác thải với khối lượng lớn trong CTNN ở đây, vừa góp phần đạt được hiệu quả kinh tế từ chính các nhà máy tái chế rác thải này.
Thứ ba: thực hiện bổ sung, hoàn thiện các nội dung về cơ chế ưu đãi, hỗ trợ tài chính, khoa học kỹ thuật, thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng như truyền thông để phát triển mô hình canh tác VietGaP. Cần có cơ chế ưu đãi vay vốn với lãi suất thấp, hỗ trợ hướng dẫn về kỹ thuật canh tác, hỗ trợ về thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản đối với các sản phẩm có nguồn gốc từ quy trình VietGaP một cách phổ biến hơn nữa để mô hình này ngày càng được nhân rộng ở Việt Nam.
Thứ tư: bảo vệ và phát triển vùng canh tác hữu cơ. UBND cấp tỉnh cần xác định các vùng công tác hữu cơ trong phạm vi của tỉnh, có cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể đề nghị HĐND cấp tỉnh thông qua để phát triển, bảo vệ các vùng canh tác hữu cơ một cách đồng bộ, thống nhất. Các vùng canh tác hữu cơ phải được thông báo rộng rãi và quản lý bằng các quy định phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Thứ năm: canh tác thích ứng biến đổi khí hậu. Các cơ quan quản lý trực tiếp về nông nghiệp như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các cấp phải có trách nhiệm các giải pháp quản lý phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cótrách nhiệm xác định giải pháp phù hợp để thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác; lồng ghép các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính khi xây dựng và thực hiện chiến lược, chương trình, đề án, dự án phát triển trồng trọt. UBND cấp tỉnh tổ chức đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, hướng dẫn tổ chức, cá nhân áp dụng biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính trong trồng trọt tại địa bàn. Tạo cơ chế phát triển thị trường tín chỉ carbon, có cơ chế ưu đãi, khuyến khích tổ chức, cá nhân canh tác áp dụng các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.
Thứ sáu: quản lý chặt chẽ việc cấp mã số vùng trồng. Cần xây dựng cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện và có chính sách ưu tiên hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân đăng ký cấp mã số vùng trồng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng lộ trình và hướng dẫn cấp mã số vùngtrồng trên phạm vi toàn quốc. UBND cấp tỉnh tổ chức triển khai cấp mã số vùng trồng trên địa bàn theo lộ trình và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bên cạnh đó, cần kiên quyết chủ động phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm khắc các hành vi gian lận nguồn gốc nông sản, vi phạm quy định về quản lý mã số vùng trồng.
Thứ bảy: ứng dụng công nghệ cao trong CTNN. Công nghệ cao được ưu tiên và khuyến khích ứng dụng trong canh tác, bao gồm: công nghệ sinh học trong di truyền chọn, tạo giống cây trồng; chẩn đoán, giám định sinh vật gây hại cây trồng; phát triển sản phẩm trong sinh học và vật liệu mới; công nghệ tưới nước tiết kiệm, canh tác không sử dụng đất; công nghệ sản xuất trong điều kiện nhà kính, nhà lưới; công nghệ thông tin ứng dụng trong dự tính, dự báo về sinh vật gây hại; cấp mã số và quản lý vùng trồng; kỹ thuật nông nghiệp chính xác ứng dụng trong khoa học đất và dinh dưỡng cây trồng; điều khiển tự động chế độ bón phân, nước tưới; công nghệ bán tự động và tự động trong dây chuyền sản xuất; phân tích chất lượng môi trường sản xuất và chất lượng sản phẩm cây trồng.
CTNN là hoạt động có vai trò vô cùng quan trọng trong toàn bộ quá trình sản xuất nông nghiệp. CTNN là quá trình con người sử dụng tài nguyên thiên nhiên, trang thiết bị, vật tư nông nghiệp và áp dụng quy trình sản xuất để tạo ra các sản phẩm cây trồng khác nhau. CTNN có tác động lớn tới môi trường, trong đó có nhiều tác động tiêu cực và có một số tác động tích cực. Bảo vệ môi trường trong CTNN là vấn đề hết sức cần thiết ở Việt Nam hiện nay, vì vậy pháp luật về bảo vệ môi trường Việt Nam đã có nhiều quy định nhằm bảo vệ môi trường trong CTNN. Hệ thống các quy định pháp luật này về cơ bản đã đáp ứng khá tốt các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong CTNN, song vẫn còn một số hạn chế nhất định cần phải được hoàn thiện bằng các giải pháp đồng bộ đối với toàn bộ các hoạt động trong quá trình CTNN.
Bài báo trong khuôn khổ Đề tài Khoa học cấp cơ sở: Pháp luật về Bảo vệ môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp. Trường Đại học Luật Hà nội, năm học 2023-2024.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
CURRENT LAW ON ENVIRONMENTAL
PROTECTION IN AGRICULTURAL CULTIVATION IN VIETNAM
• Master. DANG HOANG SON
Lecturer, Faculty of Economic Law, Hanoi Law University
ABSTRACT:
This paper analyzes the issue of environmental protection and some contents of the law on environmental protection in agricultural cultivation. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to improve the law on environmental protection in agricultural cultivation in Vietnam.
Keywords: environmental protection, agricultural cultivation, law.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 21 tháng 10 năm 2023]
(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.
Xem chi tiết(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.
Xem chi tiếtBài báo nghiên cứu "Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam" do TS. Nguyễn Thị Hạnh (Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Hải Phòng) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Tự chủ đại học và những vấn đề thực tiễn triển khai tại các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương do TS. Nguyễn Đồng Anh Xuân (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết