TÓM TẮT:
Kế toán quản trị chi phí tại các doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng. Hệ thống kế toán chi phí tại các doanh nghiệp may Việt Nam nói chung và trên địa bàn thành phố Hải Phòng nói riêng đã được quan tâm, nhưng thực sự chưa sâu sát, toàn diện, đang chủ yếu tập trung vào kế toán tài chính và mới bước đầu thực hiện kế toán quản trị chi phí. Bài viết phân tích thực tiễn triển khai kế toán quản trị chi phí cho các doanh nghiệp may trên địa bàn Hải Phòng, từ đó có cơ sở để đề xuất một số giải pháp về tổ chức bộ máy kế toán, về phân loại chi phí và xây dựng dự toán chi phí, nhằm hoàn thiện công tác kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp may xuất khẩu trên địa bàn Hải Phòng trong thời gian tới.
Từ khóa: kế toán quản trị chi phí, doanh nghiệp may, thành phố Hải Phòng.
Đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin về chi phí trong các doanh nghiệp chính là hệ thống kế toán chi phí, trong đó có kế toán quản trị chi phí. Công tác kế toán quản trị chi phí luôn tồn tại trong mỗi tổ chức, tuy nhiên tác dụng cung cấp thông tin cho các đối tượng khác nhau sẽ khác nhau, tùy thuộc vào việc xây dựng và khai thác hệ thống kế toán quản trị chi phí đó. Các doanh nghiệp ở các nước phát triển trên thế giới đã xây dựng hệ thống kế toán quản trị chi phí hiện đại, cung cấp thông tin hữu ích cho các nhà quản trị nội bộ để giúp họ trong việc lập kế hoạch, tổ chức thực hiện kế hoạch và kiểm tra, đánh giá việc thực hiện kế hoạch. Hệ thống kế toán chi phí tại các doanh nghiệp may Việt Nam nói chung và trên địa bàn thành phố Hải Phòng nói riêng chủ yếu tập trung vào kế toán tài chính và bước đầu thực hiện kế toán quản trị chi phí. Tuy nhiên, nội dung kế toán quản trị chi phí hiện nay dựa trên quan điểm truyền thống chưa hướng tới phục vụ quản trị trong cạnh tranh và hội nhập. Do vậy, cần công tác kế toán quản trị chi phí hiện đại nhằm cung cấp thông tin phù hợp, kịp thời cho việc ra các quyết định kinh doanh của các nhà quản trị doanh nghiệp.
Theo Các liên đoàn quốc tế của kế toán (IFCA) định nghĩa: “Kế toán quản trị được xem như một quy trình định dạng, kiểm soát, đo lường, tổng hợp, phân tích, trình bày, giải thích và truyền đạt thông tin tài chính, thông tin phi tài chính liên quan đến hoạt động của tổ chức cho những nhà quản trị thực hiện hoạch định, đánh giá kiểm soát, điều hành hoạt động tổ chức nhằm đảm bảo sử dụng có trách nhiệm, hiệu quả nguồn lực kinh tế của tổ chức”. Theo quan điểm này, kế toán quản trị đã được khái quát theo các công việc cụ thể mà các nhà quản trị phải thực hiện với mục tiêu thực hiện và nâng cao hiệu quả của các hoạt động.
Theo Burns, Quinn, Warren&Oliveira (2013) định nghĩa: “ Kế toán quản trị là một bộ phận trong tổ chức nhằm cung cấp thông tin tài chính và phi tài chính trong quá trình ra quyết định của nhà quản lý”. Theo quan điểm này, kế toán quản trị là công cụ cung cấp thông tin cho các nhà quản lý, dựa vào các thông tin đó các nhà quản lý đưa ra quyết định điều hành các hoạt động trong tổ chức nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao.
Theo Luật Kế toán Việt Nam (2015) định nghĩa: “Kế toán quản trị là việc thu nhận, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế tài chính theo yêu cầu quản trị và quyết định kinh tế, tài chính trong nội bộ đơn vị kế toán”. Theo quan điểm này kế toán quản trị được khái quát các bước công việc cụ thể đồng thời là công cụ cung cấp thông tin cho nhà quản trị nhằm đưa ra các quyết định điều hành nội bộ các hoạt động kinh doanh.
Như vậy, kế toán quản trị cung cấp thông tin chủ yếu cho các nhà quản trị để đưa ra các quyết định kinh doanh, quyết định đầu tư, quyết định sử dụng các nguồn lực, các quyết định quản trị trong doanh nghiệp.
Đánh giá thực trạng công tác kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp may mặc trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Thành phố Hải Phòng nằm ở cửa ngõ cực Nam miền Bắc, thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng, có giao thông thuận lợi cả đường bộ và đường biển. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu may mặc của Hải Phòng đạt 2,450 tỷ USD, chiếm trên 30% tổng kim ngạch của cả tỉnh.
Giá trị may mặc đạt được phần lớn là do sự đóng góp của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI và các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước. Cũng giống như các doanh nghiệp dệt may trong cả nước, các doanh nghiệp may mặc trên địa bàn thành phố Hải Phòng có những lợi thế sẵn có, như: giá nhân công rẻ, sự ổn định về chính trị, nguồn nguyên liệu sẵn có giá rẻ… Tuy nhiên, các doanh nghiệp này cũng đang đứng trước những thách thức do hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, như sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ các công ty trong và ngoài nước, các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may đối thủ có những lợi thế về khoa học công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại, dây chuyền sản xuất tiên tiến đem lại năng suất cao, trình độ tay nghề lao động và trình độ quản lý cao, sản phẩm được chuyên môn hóa… Vì vậy, các doanh nghiệp may Hải Phòng cũng đang không ngừng hoàn thiện hệ thống thông tin kinh tế tài chính, đặc biệt là hệ thống thông tin kế toán quản trị chi phí nhằm giúp các nhà quản trị doanh nghiệp có thể kiểm soát chặt chẽ chi phí, lập dự toán linh hoạt, không ngừng cải tiến chất lượng chủng loại mẫu mã hiện đại, đáp ứng nhu cầu đặt hàng của các doanh nghiệp nước ngoài.
Về tổ chức phân tích thông tin kế toán quản trị
Các DN được khảo sát đều đã tiến hành phân tích thông tin KTQT giúp nhà quản trị có thể kiểm tra, kiểm soát và đánh giá thành quả thông qua việc so sánh đối chiếu chênh lệch. Mỗi phòng ban trong DN chịu trách nhiệm phân tích các nội dung phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình. Doanh thu, chi phí ở các DN khảo sát đã được đánh giá cho từng sản phẩm, từng chi nhánh, đại lý cũng như tỷ trọng của từng bộ phận trong tổng doanh thu giúp nhà quản trị đánh giá sự phù hợp của cơ cấu mặt hàng kinh doanh; tỷ trọng từng bộ phận chi phí trong tổng chi phí giúp nhà quản trị đánh giá mức độ hợp lý của cơ cấu chi phí.
Về tổ chức cung cấp thông tin kế toán quản trị
Nhìn chung, hệ thống báo cáo KTQT cung cấp cho nhà quản trị các cấp tại tất cả các DN khảo sát đều ngày càng hoàn thiện về cả nội dung và hình thức, được các nhà quản trị đánh giá cơ bản đáp ứng nhu cầu. Hệ thống báo cáo không chỉ bao gồm các báo cáo phục vụ định hướng hoạt động kinh doanh, báo cáo tình hình thực hiện mà còn bao gồm các báo cáo phân tích chênh lệch và báo cáo phân tích phục vụ ra quyết định. Nội dung báo cáo linh hoạt, trình bày bằng cả lời văn, sơ đồ, bảng biểu đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhà quản trị.
Về tổ chức nhân sự và phương tiện thực hiện kế toán quản trị
Các DNMMVN đã nhận thức ngày càng rõ tầm quan trọng của KTQT nên đã có sự chú trọng nhất định đến tổ chức nhân sự và phương tiện thực hiện KTQT. Nhà quản trị đánh giá nhân sự và phương tiện thực hiện KTQT hiện tại cơ bản đáp ứng yêu cầu công việc. Nhân sự thực hiện KTQT trong phòng kế toán được tổ chức kết hợp giữa KTTC và KTQT, phù hợp với quy mô, đặc điểm SXKD của các doanh nghiệp may mặc ở Hải Phòng. Đồng thời giúp DN tiết kiệm được chi phí vận hành bộ máy nhân sự thực hiện KTQT, công việc của nhân sự phòng kế toán không bị trùng lắp, chồng chéo, đảm bảo tính khoa học trong công việc, thông tin được cung cấp cho nhà quản trị một cách nhanh chóng, chính xác.
Về tổ chức xây dựng định mức và lập dự toán sản xuất - kinh doanh
Định mức CPSX được xây dựng chủ yếu dựa trên thông số kỹ thuật của bản thiết kế sản phẩm, bao gồm: định mức lượng NVLTT, định mức lượng NCTT. Định mức giá chưa được quan tâm đúng mức. Những năm gần đây, các DN luôn tìm kiếm và nhập khẩu những dây truyền sản xuất hiện đại nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng nên tỷ trọng của CPNCTT ngày càng giảm, CPSXC ngày càng tăng. Tuy nhiên, việc phân bổ CPSXC còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến tính chính xác của định mức CPSX sản phẩm, dẫn đến nhà quản trị có thể đưa ra các quyết định sai lầm, gây thiệt hại cho DN.
Về tổ chức thu nhận và xử lý thông tin thực hiện
Việc thu thập thông tin KTQT: Việc thu thập thông tin thực hiện tại các DN còn lại chưa được thiết kế quy trình khoa học mà đang được làm theo thói quen, kinh nghiệm của kế toán dẫn đến thông tin KTQT cung cấp cho nhà quản trị tại các DN này chưa đáp ứng tốt nhu cầu của nhà quản trị. Một số thông tin phi tài chính như năng lực sản xuất của nhân công, máy móc thiết bị chưa được thu thập thường xuyên, gây ra tình trạng không đảm bảo thời gian giao hàng, ảnh hưởng uy tín của DN.
Năm 2024 - 2025 được dự báo là một năm khó khăn với ngành Dệt may Việt Nam khi sự cạnh tranh trên thị trường diễn ra ngày càng khốc liệt, đặc biệt là sự dịch chuyển các đơn hàng sang những nước có mức giá cạnh tranh hơn, áp lực cạnh tranh tăng cao cả về giá cả và nguồn lao động. Để đẩy mạnh xuất khẩu, giải pháp cơ bản của ngành Dệt may Việt Nam là tiếp tục sản xuất các sản phẩm có chất lượng tốt, giao hàng đúng hẹn, giá cả hợp lý nhất.
Từ thực trạng này, đòi hỏi các nhà quản lý phải hoàn thiện hệ thống quản lý doanh nghiệp, phù hợp với cách thức sản xuất mới theo công nghệ tiên tiến hiện đại, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động. Và công cụ đắc lực không thể thiếu trong hệ thống quản lý doanh nghiệp là kế toán quản trị, mà chủ yếu là kế toán quản trị chi phí.
Giải pháp về tổ chức bộ máy kế toán
Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu trên địa bàn Hải Phòng chưa chú trọng đến vai trò của kế toán quản trị, bộ máy kế toán mới chỉ dừng lại ở công tác kế toán tài chính. Trách nhiệm kiểm soát chi phí chưa gắn liền với người phụ trách kế toán. Do đó, cần xây dựng mô hình bộ máy kế toán kết hợp giữa kế toán tài chính và kế toán quản trị. Các nhân viên kế toán vừa làm kế toán tài chính, vừa kiêm nhiệm kế toán quản trị. Việc kết hợp mô hình kế toán quản trị và kế toán tài chính hỗn hợp sẽ vừa sử dụng được dữ liệu đầu vào của kế toán tài chính (Tài khoản kế toán chi tiết, tổng hợp, các bảng kê chi tiết phù hợp...) cũng như sẽ bổ sung thêm dữ liệu cần có của các báo cáo nội bộ, các kế hoạch sản xuất… Đồng thời, thường xuyên tạo điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật các kiến thức mới cho các nhân viên kế toán.
Về nhân lực KTQT: Tác giả đề xuất mô hình tổ chức bộ máy kế toán của các DN là mô hình kết hợp giữa kế toán tài chính và KTQT, tuy nhiên sẽ phân công ít nhất một nhân sự đảm nhận công việc KTQT trong đó. Sự kết nối giữa bộ phận kế toán với các phòng ban, bộ phận khác đảm bảo thông tin KTQT có thể được cung cấp một cách thường xuyên, liên tục, giúp các nhà quản trị đưa ra các quyết định kịp thời trong mỗi kế hoạch, mỗi tình huống, mỗi chương trình hành động cụ thể.
Về trang thiết bị: Cần tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc xử lý số liệu. Tùy vào tình hình tài chính của DN, trình độ tin học của nhà quản trị mỗi đơn vị có thể lựa chọn phần mềm sao cho phù hợp. DN có thể lựa chọn phần mềm thương mại được thiết kế sẵn, hoặc thuê thiết kế phần mềm theo nhu cầu của DN kết hợp sử dụng những công cụ khác như Excel, Visio, PowerPoint,… để có thể thiết kế những báo cáo KTQT linh hoạt và hiệu quả hơn.
Giải pháp về phân loại chi phí
Để có được các thông tin có giá trị làm cơ sở cho việc tổng hợp lập báo cáo sử dụng cho hoạt động quản trị, việc đầu tiên đòi hỏi các doanh nghiệp phải phân biệt rõ ràng và nhận diện được chi phí. Theo đó, nhà quản lý cần phải xem khả năng phản ứng hoặc thay đổi như thế nào của chi phí khi mức độ hoạt động sản xuất - kinh doanh thay đổi (mức độ ở đây có thể hiểu là số lượng sản phẩm được sản xuất ra, số lượng sản phẩm tiêu thụ, số giờ máy chạy...). Việc xem xét sự thay đổi của chi phí khi mức độ hoạt động của chi phí chính là phân loại chi phí theo mô hình ứng xử chi phí. Cách phân loại này sẽ thấy được mối quan hệ giữa chi phí và mức độ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, giúp nhà quản lý trong việc lập kế hoạch, kiểm soát chi phí và ra quyết định kinh doanh.
Theo tiêu thức ứng xử chi phí với mức độ hoạt động thì chi phí được chia thành 3 loại: biến phí, định phí và chi phí hỗn hợp, trong đó, chi phí hỗn hợp sẽ được theo dõi một cách chi tiết nhất.
Đối với các doanh nghiệp dệt may, việc phân loại chi phí theo mức độ hoạt động sẽ giúp nhà quản trị kiểm soát chi phí ở từng phân xưởng, lập báo cáo sản xuất theo từng phân xưởng, báo cáo dạng lãi trên biến phí, vận dụng vào mô hình mối quán hệ chi phí - khối lượng - lợi nhuận (CVP); đồng thời cũng giúp nhận diện đâu là chi phí kiểm soát được, đâu là chi phí không kiểm soát được, đâu là chi phí sản phẩm, đâu là chi phí thời kỳ.
Giải pháp về xây dựng dự toán chi phí
Hiện nay, dự toán chi phí được lập chủ yếu dựa vào định mức chi phí được xây dựng cho một đơn vị sản phẩm và căn cứ vào tình hình thực hiện dự toán kỳ trước. Tuy nhiên, để có được hệ thống dự toán có hiệu quả, Công ty cũng cần tính đến sự ảnh hưởng của các chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước (như: giá cả thị trường, chính sách tín dụng, chính sách thuế, chính sách tỷ giá…), điều kiện về năng lực máy móc thiết bị, nguồn nhân lực hiện có, các chính sách về bán hàng, mua hàng, chính sách cho người lao động… Đây là những nhân tố có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh tại đơn vị, làm sao để việc lập dự toán sản xuất - kinh doanh hàng năm hoặc dự toán cho các phương án kinh doanh của đơn vị có tính khả thi cao nhất.
Bên cạnh đó, việc lập dự toán hiện nay ở các công ty mới chỉ dừng lại ở dự toán tĩnh, có nghĩa là chỉ theo một mức độ hoạt động nhất định, chỉ có tác dụng trong công tác kế hoạch hóa, không có tác dụng trong hoạt động kiểm soát.
Theo đó, các công ty cần phải có cả dự toán chi phí linh hoạt, tức là dự toán chi phí được lập cho các quy mô hoạt động khác nhau, giúp nhà quản trị có thể so sánh được chi phí thực tế ở các mức độ hoạt động khác nhau.
Ngày nay, kế toán quản trị có vai trò hết sức quan trọng trong việc cung cấp thông tin cho các nhà quản trị thực hiện các chức năng quản trị doanh nghiệp. Trong bối cảnh hội nhập với kinh tế quốc tế ngày càng gia tăng tính cạnh tranh gay gắt, để đứng vững trên thị trường và kinh doanh thành công, các doanh nghiệp may ở Hải Phòng phải có những quyết sách đúng đắn, hữu hiệu trong điều hành sản xuất, kinh doanh. Những quyết định này đòi hỏi phải được dựa trên các thông tin hữu ích về chi phí do công tác kế toán quản trị chi phí cung cấp. Chính vì vậy, việc nghiên cứu, hoàn thiện tổ chức kế toán QTCP phù hợp với các doanh nghiệp may ở Hải Phòng sẽ giúp các doanh nghiệp may có được công cụ quản lý mới, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nghiên cứu nhằm hoàn thiện tổ chức kế toán QTCP trong các doanh nghiệp may trên địa bàn Hải Phòng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Current practice and some solutions for improving the cost management of garment enterprises in Hai Phong
Master. Tran Thi Van
Hai Phong University
Abstract:
Cost management accounting plays a very important role in business operation management. Vietnamese garment enterprises in general and in Hai Phong in particular have paid attention to the cost accounting system. However, the cost accounting system of garment enterprises is not really effective, and it only focuses on financial accounting functions instead of cost management accounting. This paper analyzed the practice of implementing cost management accounting at garment enterprises in Hai Phong. Based on the paper’s findings, some solutions about cost estimates, cost classification, and accounting organizations are proposed to help these garment enterprises improve their cost management systems in the coming time.
Keywords: cost management accountant, garment enterprise, Hai Phong city.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 2 tháng 2 năm 2024]
Nguồn: Tạp chí công thương
(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.
Xem chi tiết(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.
Xem chi tiếtBài báo nghiên cứu "Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam" do TS. Nguyễn Thị Hạnh (Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Hải Phòng) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Tự chủ đại học và những vấn đề thực tiễn triển khai tại các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương do TS. Nguyễn Đồng Anh Xuân (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết