Khơi thông và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội
Ninh Bình là tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng, cách thủ đô Hà Nội khoảng gần 100km, có vị trí địa lý chiến lược, quan trọng cả về chính trị, kinh tế và quân sự, với lợi thế cạnh tranh riêng có, như là “cửa ngõ” cực Nam miền Bắc Việt Nam và cũng là “cửa ngõ phía Nam” của “nền văn minh sông Hồng” - “cái nôi văn hóa đầu tiên của người Việt”, nơi tiếp nối, giao thoa giữa lưu vực sông Hồng với sông Mã, giữa vùng đồng bằng sông Hồng với vùng núi rừng Tây Bắc và duyên hải Bắc Trung Bộ; là đầu mối giao thông quan trọng với các tuyến giao thông huyết mạch của quốc gia chạy qua; thuộc hành lang kinh tế quốc gia Bắc - Nam (Bắc Ninh - Hà Nội - Ninh Bình) và hành lang kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Kim Sơn (Ninh Bình); điểm kết nối trung chuyển của 3 vùng kinh tế: Vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Miền Trung, vùng trung du và miền núi phía Bắc (khu vực Tây Bắc); giữ vị trí trọng yếu, quan trọng về quốc phòng - an ninh trong thế trận phòng thủ chung của Quân khu 3 và cả nước; nơi một số binh đoàn chủ lực của Quân đội ta ra đời, đứng chân và hoạt động trong nhiều năm. Với diện tích tự nhiên gần 1.412km2, địa hình phân thành 3 vùng sinh thái rõ rệt (bao gồm vùng núi phía Tây; vùng đồng bằng xen kẽ với núi đá vôi; vùng đồng bằng, bãi bồi ven biển); cảnh quan thiên nhiên phong phú, đặc sắc cùng với bề dày truyền thống văn hóa - lịch sử có giá trị nổi bật. Đặc biệt, tỉnh Ninh Bình từng là quốc đô của Nhà nước Đại Cồ Việt - Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam, gắn liền với 3 triều đại: Nhà Đinh, Nhà Tiền Lê và Nhà Lý; tỉnh Ninh Bình cũng là một trong ba tỉnh, thành phố Vùng đồng bằng sông Hồng (cùng thành phố Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh), một trong 8 tỉnh, thành phố trong cả nước có di sản thế giới, là nơi duy nhất trong cả nước và khu vực Đông Nam Á sở hữu Di sản kép, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh, đó là Quần thể Danh thắng Tràng An là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới công nhận vào năm 2014 và năm 2022, tại Lễ Kỷ niệm 50 năm Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Tổng Giám đốc UNESCO ghi nhận Quần thể danh thắng Tràng An là một trong những mô hình mẫu mực, tiêu biểu nhất trên thế giới về sự kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững.
Trải qua hơn 30 năm thành lập lại tỉnh, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Ninh Bình đã phát huy truyền thống đoàn kết, quyết tâm, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều thành tựu to lớn. Từ một tỉnh kinh tế thuần nông, quy mô nhỏ và tốc độ tăng trưởng chậm, chưa vững chắc và mang nặng tính chất tự cung, tự cấp với nền nông nghiệp lạc hậu; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhỏ lẻ, phát triển manh mún; thương mại, dịch vụ chậm phát triển, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình các thời kỳ đã phát huy tiềm năng, lợi thế riêng có của tỉnh, tập trung triển khai những đột phá chiến lược khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh tương xứng với tiềm năng, lợi thế, cụ thể:
Thứ nhất, xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của chính quyền địa phương trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, dựa trên cơ sở phát huy nguồn lực từ tiềm năng, lợi thế, từ cơ hội, thách thức thành động năng cho sự phát triển; kết nối và tạo ra sự cộng hưởng phát triển giữa nguồn lực nhà nước và nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước; kích thích và phát huy tính động của nguồn lực nhằm thu hút và dịch chuyển nguồn lực từ nơi kém hiệu quả sang nơi hiệu quả. Trong những năm qua, tỉnh Ninh Bình luôn luôn phấn đấu và thực hiện hiệu quả chủ trương xây dựng chính quyền năng động, hiệu quả; thực hiện chuyển đổi triệt để và thực chất phong cách làm việc từ “quản lý” sang “phục vụ” lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm cho sự phát triển của tỉnh. Nêu cao tinh thần trách nhiệm và hiệu quả phối hợp giữa các sở, ban ngành, ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, nhất là vai trò của người đứng đầu trong việc nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp theo quan điểm chỉ đạo “Rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm, rõ thời gian và rõ kết quả”; nâng cao năng lực, trình độ quản trị xã hội, quản lý nhà nước, đổi mới tư duy phát triển, bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, trăn trở tìm ra điểm nghẽn, tìm ra động lực, nguồn lực mới để lựa chọn đúng, trúng nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá gắn với tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung nguồn lực đủ mạnh để vận dụng, đổi mới, sáng tạo trong tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao, tạo hiệu ứng lớn, giải quyết dứt điểm các mục tiêu đề ra ở từng bước đi với các công cụ đo lường kết quả cụ thể.
Trong những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã thực hiện rà soát, sửa đổi và ban hành cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất - kinh doanh; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các thành phần kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy, phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là các ngành lĩnh vực, thu hút xúc tiến đầu tư gắn với việc phát triển kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đó là: Định kỳ hằng tháng (vào thứ năm của tuần cuối tháng) lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ trực tiếp gặp gỡ, đối thoại, trao đổi tất cả vấn đề doanh nghiệp quan tâm, ý kiến; bên cạnh đó, tổ chức các hội nghị lớn gặp gỡ doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)... để động viên, chia sẻ, lắng nghe khó khăn, vướng mắc về tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, nhất là trong thời gian đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và tình hình chính trị - kinh tế thế giới biến động, tác động lớn tới hoạt động sản xuất và đời sống xã hội; đổi mới hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư theo hướng đa chiều, đa phương thức, thực chất và hiệu quả gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số(1).
Thứ hai, tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ “nâu” sang “xanh” gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế theo hướng tích cực; đặc biệt, là chuyển dịch cơ cấu trong nội tại ngành kinh tế theo hướng xanh, ứng dụng khoa học - công nghệ và tạo ra giá trị lớn; phát triển đồng thời cả 3 lĩnh vực là nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, tạo sự cân bằng, hài hòa, chênh lệch không quá lớn giữa nông thôn và đô thị trong tỉnh.
Những năm đầu thành lập lại tỉnh, trong liên tiếp 4 nhiệm kỳ Đại hội(2), tỉnh Ninh Bình xác định công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng là mũi nhọn và xi-măng là sản phẩm chủ lực, chiếm tỷ trọng cao trong giá trị sản xuất toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, từ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, đã có sự đột phá về tư duy và hành động trong định hướng phát triển kinh tế của tỉnh. Từ tập trung phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng sang phát triển công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường và đặt trong mối quan hệ phát triển hài hòa về lợi ích với phát triển các ngành kinh tế khác, nhất là kinh tế du lịch. Theo đó, tỉnh Ninh Bình đã thực hiện khoanh vùng nguyên liệu của các nhà máy sản xuất công nghiệp vật liệu xây dựng sử dụng tài nguyên thiên nhiên và không mở rộng quy mô công suất gắn với thực hiện nghiêm các giải pháp bảo vệ môi trường, cảnh quan; đồng thời, tập trung thu hút và thực hiện hiệu quả các giải pháp đồng bộ về hạ tầng và môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án công nghiệp điện tử, công nghiệp sản xuất lắp ráp ô-tô, công nghiệp phụ trợ cho lắp ráp ô-tô. Qua đó, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhờ vậy công nghiệp đã thực sự trở thành động lực trong tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế; trong nội tại ngành công nghiệp đã hình thành được một số sản phẩm công nghiệp chủ lực có thương hiệu và đóng góp lớn cho tăng trưởng và thu ngân sách địa phương, với đầu tàu liên doanh giữa Tập đoàn Hyundai với Tập đoàn Thành Công, đưa Ninh Bình cùng với tỉnh Quảng Nam và thành phố Hải Phòng trở thành ba trung tâm sản xuất ô-tô lớn nhất cả nước.
Trong lĩnh vực du lịch, nhận diện được tiềm năng, thế mạnh riêng nổi trội, về du lịch văn hóa, tâm linh và sinh thái nghỉ dưỡng, ngay từ đầu những năm 2000, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xác định du lịch là lĩnh vực tập trung ưu tiên, khơi thông, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, di tích văn hóa, lịch sử(3). Trong thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để từng bước phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống; đặc biệt, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 29-10-2012, “Về phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2045” nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, trong đó xác định sứ mệnh, tầm nhìn và bước chuyển chiến lược phát triển từ “chiều rộng” sang “chiều sâu”, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch theo hướng chuyên nghiệp nhằm thu hút thị trường khách có khả năng chi trả cao, từng bước xây dựng tỉnh Ninh Bình trở thành điểm đến du lịch “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”.
Thực hiện chủ trương của Đảng bộ, chính quyền địa phương, du lịch tỉnh Ninh Bình có sự chuyển mình mạnh mẽ, phát triển toàn diện, tỉnh Ninh Bình thực sự trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới, thuộc 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước gắn với các địa danh và sản phẩm du lịch nổi tiếng, như Cố đô Hoa Lư, Quần thể danh thắng Tràng An, Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, rừng quốc gia Cúc Phương, Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long, Nhà thờ đá Phát Diệm, tuần lễ du lịch Sắc vàng Tam Cốc... Đặc biệt, tại giải thưởng thường niên về du lịch của Booking.com, tỉnh Ninh Bình là địa phương duy nhất của châu Á góp mặt và đứng thứ 7 trong danh sách 10 vùng đất thân thiện nhất thế giới năm 2023, và trong giải thưởng du lịch thế giới Vườn Quốc gia Cúc Phương 4 liên tiếp từ năm 2019 đến năm 2022 được công nhận là công viên quốc gia hàng đầu châu Á; qua đó, góp phần quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hóa của vùng đất, con người Cố Đô Hoa Lư đến bạn bè trong nước và thế giới.
Nông nghiệp Ninh Bình có bước “chuyển mình” từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đổi mới hình thức và phương thức sản xuất nông nghiệp, có sự gắn kết chặt chẽ với phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới; tập trung phát triển theo hướng hữu cơ gắn với phát triển các sản phẩm đặc hữu riêng có của từng vùng, miền, ưu tiên sản xuất theo chuỗi khép kín gắn với nhu cầu thị trường và ứng dụng nông nghiệp số. Qua đó, tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm trong cơ cấu ngành kinh tế, nhưng quy mô, giá trị và chất lượng sản xuất ngành nông nghiệp không ngừng được mở rộng và nâng cao(4). Công tác xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả tích cực, diện mạo nông thôn cải thiện rõ rệt; đến nay toàn tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, có 33 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 15 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 396 thôn được công nhận thôn nông thôn mới kiểu mẫu; có 8/8 huyện, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 101 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 68 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 33 sản phẩm đạt hạng 3 sao.
Thứ ba, thực hiện các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc, các Nghị quyết chuyên đề của Trung ương, của Bộ Chính trị, tỉnh Ninh Bình luôn xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là yếu tố nội sinh, vừa là nguồn lực và động lực cho thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế và chính trị. Dưới yếu tố là động lực cho sự phát triển, tỉnh Ninh Bình là địa phương có bề dày lịch sử và truyền thống văn hiến lâu đời, nơi lưu giữ những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc hòa quyện trong cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Do vậy, trong nhiều năm qua tỉnh Ninh Bình tập trung nghiên cứu và ban hành nhiều cơ chế, chính sách(5) để xây dựng con người Ninh Bình mang đậm nét đặc trưng của con người vùng đất Cố đô Hoa Lư là“thân thiện, hiền hòa, thanh lịch, mến khách”, nhưng vẫn mang đầy đủ đặc trưng của con người Việt Nam là “yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo” và hướng tới chuẩn mực con người văn minh, hiện đại, trí tuệ, bản lĩnh, tự tin, đột phá, dám nghĩ, dám làm, có ý chí vươn lên mạnh mẽ thích ứng nhanh với điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay; trong đó, chú trọng xây dựng nguồn lực lãnh đạo, quản lý chất lượng cao có trình độ, ý chí, bản lĩnh, đủ năng lực phát hiện và quyết sách kịp thời nhằm tác động biến chuyển mọi tiềm năng thành hiện thực, chuyển hóa thách thức thành cơ hội.
Dưới yếu tố là nguồn lực cho phát triển, các truyền thống văn hóa, lịch sử, di sản thiên nhiên văn hóa thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, được nguồn lực hóa, vốn hóa và đã trở thành biểu tượng “sức mạnh mềm” để quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hóa của vùng đất, con người Cố Đô Hoa Lư đến bạn bè trong nước và thế giới nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào bốn trụ cột: thiên nhiên, con người, văn hóa và kết hợp tận dụng cơ hội của hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thứ tư, trong điều kiện nguồn lực đầu tư công hạn chế và có chiều hướng giảm, thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại đầu tư theo hướng “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, hướng nguồn lực công vào các ngành, lĩnh vực trọng điểm, tạo nền tảng “kích thích” thu hút khu vực tư nhân đầu tư theo định hướng phát triển của tỉnh. Theo đó, nguồn lực đầu tư công được tập trung đầu tư hạ tầng thiết yếu bảo đảm yêu cầu phòng, chống lụt bão, biến đổi khí hậu; hạ tầng giao thông trọng điểm phục vụ liên kết vùng, liên vùng, mở rộng không gian, tạo dư địa và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; hạ tầng du lịch, các thiết chế văn hóa tạo kiến trúc cảnh quan đô thị văn minh, hiện đại gắn với xây dựng biểu tượng đặc trưng trong phát triển du lịch. Đặc biệt, trong lĩnh vực giao thông được xác định là then chốt trên quan điểm khi hệ thống giao thông hình thành sẽ kết nối các vùng, tiểu vùng giúp chuyển hóa tiềm năng thành nguồn lực, đặc biệt là thúc đẩy vốn hóa đất đai, tiềm năng về cảnh quan du lịch và giao thông kéo đến đâu thì tư duy, tập quán, thói quen tiểu nông của người dân thay đổi nhờ giao thương, giao lưu văn hóa được thúc đẩy.
Với những bước đi đúng đắn, kinh tế của tỉnh Ninh Bình đã đạt được mức tăng trưởng khá qua các giai đoạn(6); quy mô nền kinh tế không ngừng được mở rộng(7); cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch tích cực và theo đúng định hướng phát triển của tỉnh, tăng nhanh tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp và giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, nhưng vẫn tăng về giá trị(8). Thu ngân sách liên tục tăng cao, từ năm 2022 tỉnh Ninh Bình thực hiện tự chủ về ngân sách và có điều tiết về ngân sách trung ương, với tổng thu ngân sách nhà nước đạt 24.301 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, đứng thứ 15 trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước. Bên cạnh những thành tựu vượt bậc trong lĩnh vực kinh tế, lĩnh vực an sinh xã hội của tỉnh cũng đạt được nhiều kết quả hết sức tích cực. Công tác bảo đảm an sinh xã hội được chú trọng, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, đến hết năm 2022 lần lượt là 2,36% và 2,81%; Giáo dục - đào tạo được quan tâm, chú trọng phát triển toàn diện cả quy mô và chất lượng, tỉnh Ninh Bình liên tục đứng trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước về điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông; quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; hoạt động đối ngoại mở rộng...
Một số hạn chế và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới
Bên cạnh thành tựu đã đạt được, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Ninh Bình cũng còn một số hạn chế sau:
Một là, quy mô kinh tế nhỏ, đứng thứ 37/63 tỉnh, thành phố; chất lượng tăng trưởng chưa bảo đảm sự đồng đều và còn phụ thuộc vào một số ít ngành chủ lực; thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sạch tạo ra giá trị gia tăng cao còn hạn chế; thu hút lao động có trình độ chuyên môn khoa học, kỹ thuật cao còn khó khăn.
Hai là, cấu trúc không gian lãnh thổ chưa cân đối, vùng đô thị trung tâm chưa có điểm nhấn về kiến trúc cảnh quan và vùng Tây Bắc, Đông Nam chưa phát triển; bên cạnh đó, tính liên kết vùng, nhất là liên vùng và sự tham gia vào các chuỗi giá trị còn hạn chế; hạ tầng số tạo nền tảng cho phát triển kinh tế số, chính quyền số, xã hội số, đô thị thông minh bước đầu mới được đầu tư.
Ba là, ngành du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, tuy nhiên thiếu các sản phẩm dịch vụ du lịch đa dạng, khác biệt, đẳng cấp theo định hướng công nghiệp văn hóa để khẳng định vị thế, tính chất trung tâm du lịch quốc gia, giá trị toàn cầu của di sản. Chưa phát huy đầy đủ nền tảng Cố đô Hoa Lư, vị trí địa lý, các giá trị độc đáo, khác biệt về tự nhiên, văn hóa, xã hội, con người.
Bốn là, chưa có cơ chế, chính sách đặc thù, riêng có của Trung ương cũng như địa phương nhằm giải quyết mâu thuẫn giữa bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản với giải quyết sinh kế người dân trong khu vực vùng di sản, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Còn nhiều rào cản ảnh hưởng tới việc phát huy các nguồn lực phát triển.
Trong thời gian tới, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình được xác định là: “Phát triển nhanh và bền vững, phát triển kinh tế đi đôi với công bằng và tiến bộ xã hội; trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng nổi trội, giá trị độc đáo và lợi thế riêng có của địa phương, cốt lõi là lấy bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa - lịch sử, truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô và giá trị toàn cầu của Di sản hỗn hợp Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới Quần thể danh thắng Tràng An làm nền tảng, nguồn lực và động lực phát triển, để trở thành trung tâm văn hóa - lịch sử, du lịch cấp quốc gia, có ý nghĩa quốc tế”. Đối với ngành, lĩnh vực, công nghiệp vẫn được xác định là động lực, là nền tảng phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; thực hiện khai thác hiệu quả và bảo vệ giá trị văn hóa lịch sử Di sản thiên nhiên văn hóa thế giới Tràng An, từng bước phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực.
Với phương châm “Biến thách thức diện tích nhỏ hẹp và quy mô dân số hạn chế thành cơ hội, động lực đưa Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”, xây dựng Ninh Bình giàu mạnh, khẳng định cốt cách riêng có dựa trên tính chất trung tâm du lịch quốc gia, là thành phố di sản, bản sắc Cố đô, mang gia trị toàn cầu - miền “Sơn kỳ, thủy tú, động tiên”. Tận dụng cơ hội được mở ra sau gần 2 thập niên cơ cấu lại phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; từ hạ tầng chiến lược quốc gia định hình khá đồng bộ; sự cộng hưởng cuộc đua xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương vùng đồng bằng sông Hồng; sự tăng trưởng lan tỏa của Thủ đô Hà Nội trong xu thế trở thành đô thị cực lớn và áp lực “giải nén”; từ nền tảng phát triển cân bằng, hài hòa, chênh lệch không quá lớn giữa nông thôn và đô thị trong tỉnh; từ đòn bẩy chiến lược phục hưng văn hóa dân tộc giai đoạn 2025 - 2035 và nhu cầu liên kết vùng, tranh thủ nguồn lực vùng phát triển địa phương gắn với xu hướng chuyển sang xây dựng khu công nghiệp - đô thị thế hệ mới”. Tỉnh Ninh Bình đang tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy “ba chuyển đổi” căn bản:
Chuyển từ phát triển kinh tế du lịch sang phát triển công nghiệp văn hóa lấy du lịch làm mũi nhọn gắn với chiến lược tối đa hóa các giá trị độc đáo, khác biệt, đẩy nhanh phục dựng, bảo tồn di sản Cố đô Hoa Lư.
Chuyển từ phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp truyền thống sang phát triển khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị thế hệ mới, gắn công nghiệp hóa với dịch vụ hóa, đô thị hóa, xanh hóa; từ gia công, lắp ráp sang gắn với nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, lan tỏa phát triển.
Chuyển từ xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu sang thực hiện mục tiêu “kép”: vừa xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, vừa thúc đẩy đô thị hóa, xây dựng đô thị văn minh ở các đô thị và vùng có tính chất đô thị, hướng tới đạt cơ bản tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
Trên cơ sở giá trị nổi bật riêng có về truyền thống văn hóa lịch sử và kết quả thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian vừa qua; tỉnh Ninh Bình đã và đang tập trung triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp để hiện thực hóa các định hướng phát triển; với một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, đổi mới cách tư duy về bảo tồn và phát triển di sản địa phương để các giá trị di sản thực sự sống trong đời sống vật chất, tinh thần của người dân, trở thành nguồn lực, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương, mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân xung quanh di sản và sự thịnh vượng cho địa phương. Tập trung nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc thù, báo cáo cấp có thẩm quyền xây dựng “Đô thị Cố đô - Di sản” cùng với vùng chuyển tiếp, phụ cận dựa trên các giá trị độc đáo về tự nhiên - sinh thái, văn hóa - lịch sử, sở hữu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.
Thứ hai, tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ cấu trúc lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh thực hiện các chương trình, đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao đối với các lĩnh vực, ngành kinh tế mũi nhọn; trong đó, đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực cán bộ quản lý nhà nước, năng lực thích ứng với sự thay đổi, chuyển biến nhanh từ nhận thức đến hành động trong chỉ đạo, điều hành và thực thi pháp luật bảo đảm hiệu lực, hiệu quả và kịp thời.
Thứ ba, xây dựng và triển khai cơ chế, chính sách phù hợp tạo điều kiện khơi thông nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng trọng điểm phục vụ kết nối vùng, liên vùng, hạ tầng các vùng chức năng, hành lang kinh tế tạo sự đồng bộ, liên thông và nền tảng cho thu hút, dẫn dắt và huy động và phát huy tối đa các nguồn lực của nhà đầu tư, đầu tư theo định hướng xúc tiến, thu hút đầu tư của tỉnh. Chú trọng thu hút những dự án công nghệ cao, công nghệ sạch, quy mô lớn gắn với nhà đầu tư chiến lược, qua đó sẽ hội tụ, dịch chuyển và tập trung được các nguồn lực về vốn, khoa học - công nghệ, lao động chất lượng cao, tạo sức bật lớn trong tăng trưởng kinh tế. Tập trung xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số và đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh với các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước./.
-------------------------------
(1) Kết quả cải cách hành chính và chuyển đổi số tỉnh Ninh Bình năm 2022: chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) xếp 25/63; chỉ số cải cách hành chính công (PAR Index) xếp thứ 17/63; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) nằm trong tốp 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước; chỉ số về chuyển đổi số xếp thứ 21/63.
(2) Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII (1992), lần thứ XIII (1996), lần thứ XIV (2001), lần thứ XIX (2005)
(3) Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 18-12-2001, “Về phát triển du lịch từ nay đến năm 2010”; Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 13-7-2009, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, “Về phát triển du lịch Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược, sự quan tâm sâu sắc của tỉnh về vấn đề phát triển du lịch.
(4) Tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản từ 60,3% vào năm 1992 giảm xuống còn 10,7% vào năm 2022. Giá trị sản xuất trên 1ha đất trồng trọt và mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt 153,3 triệu đồng/ha.
(5) Tỉnh Ninh Bình đã ban hành một số nghị quyết, như Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 26-6-2017, “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững”; Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 17-8-2016, “Về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An trong phát triển du lịch”; Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 17-10-2016, “Về tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”; Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 6-1-2017, “Về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”;...
(6) Tốc độ tăng trưởng GRDP (theo giá so sánh 1994) bình quân giai đoạn 1992 - 2010 đạt 12,8%/năm, giai đoạn 2011 - 2015 (theo giá so sánh 2010) đạt 7,0%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 (theo giá so sánh 2010) đạt 8,9%/năm; giai đoạn 2021 - 2023, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga - U-crai-na, nhưng tỉnh Ninh Bình đã kiểm soát tốt dịch bệnh, thực hiện tốt thích ứng linh hoạt, phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19, với tốc độ tăng trưởng GRDP (theo giá so sánh 2010) năm 2021 đạt 5,73%, năm 2022 đạt 8,8%, 6 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,56%, đứng thứ 12 toàn quốc và đứng thứ 6 vùng đồng bằng sông Hồng.
(7) Giá trị GRDP (theo giá hiện hành) năm 2022 đạt 82 nghìn tỷ đồng, gấp 119,4 lần so với năm 1992; GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 88 triệu đồng, gấp 110 lần so với năm 1992.
(8) Đến hết năm 2022, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng là 45,1%; nông, lâm nghiệp, thủy sản là 10,7%, dịch vụ là 44,2%.
Nguồn: Tạp chí cộng sản
Đề tài Nghiên cứu về việc xây dựng các trung tâm chi phí nhằm kiểm soát chi phí của các bộ phận trong Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp do TS. Đinh Thị Kim Xuyến (Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Chuỗi cung ứng hạt điều xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh thực thi hiệp định CPTPP do Hoàng Minh Tuấn (Trường Đại học Đại Nam) thực hiện.
Xem chi tiết(CHG) Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024, với nhiều quy định mới, trong đó quy định về “Quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng”.
Xem chi tiếtĐề tài Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về giám sát các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực tài chính và đề xuất một số giải pháp cho Việt Nam do ThS. Nguyễn Ngọc Hà (Khoa Kinh tế Quốc tế, Học viện Ngoại giao) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Tác động của thay đổi mức lương tối thiểu đối với thị trường lao động tại Việt Nam do TS. Cao Văn Trường (Đại học Công nghiệp Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết