Đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp thông minh thu hút nông dân và doanh nghiệp


(CHG) Thời gian qua, việc phát triển nông nghiệp thông minh được coi là chìa khóa phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh phía Nam. Đây cũng là mục tiêu chính để các tỉnh phía Nam chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững và hiệu quả.

Ứng dụng công nghệ cao

Việc ứng dụng nông nghiệp thông minh (NNTM) vào thực tế sản xuất được nhiều địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam rất quan tâm. Hiệu quả ứng dụng NNTM thông qua các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngày càng thu hút sự chú ý của nông dân và doanh nghiệp (DN).

Ghi nhận tại xã Vũ Hòa, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận, nhiều nông dân sau khi ứng dụng NNTM cũng đã thoát nghèo thành công. Chị Nguyễn Thị Hòa, Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Tiến Phát ở xã Vũ Hòa cho biết, hợp tác xã có 33 hội viên, diện tích trồng rau thủy canh là gần 2.000m2. Từ ngày chuyển đổi sang mô hình trồng rau sạch thủy canh công nghệ cao, các hộ nông dân của xã Vũ Hòa đã thoát nghèo bền vững và ngày càng có cuộc sống ổn định hơn, thu nhập bình quân từ 7-9 triệu đồng/người /tháng, cao hơn mức thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng khi trồng các cây nông nghiệp khác.

Nông dân tại tỉnh Bình Thuận ứng dụng công nghệ cao để trồng rau thủy canh giúp nông dân thoát nghèo. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Nông dân tại tỉnh Bình Thuận ứng dụng công nghệ cao để trồng rau thủy canh giúp nông dân thoát nghèo. Ảnh: Nguyễn Hoàng

“Chỉ tính riêng trong gia đình tôi, mỗi năm thu nhập từ trồng rau thủy canh đạt khoảng 300-350 triệu đồng. Trước kia, gia đình chỉ trông vào thu nhập từ cây cao su, tuy nhiên, làm cây cao su rất vất vả, phải bỏ vốn nhiều. Sau khi thấy trồng cây cao su cho hiệu quả không cao, tôi đã lên mạng tìm hiểu về mô hình trồng rau thủy canh và thông qua hướng dẫn của Hội Nông dân xã Vũ Hòa, gia đình tôi mạnh dạn chuyển đổi 300m2 đất trồng cây cao su sang trồng rau thủy canh công nghệ cao.

Sau 1 năm trồng rau thủy canh thấy có hiệu quả và năng suất cao, chúng tôi tiếp tục nhân rộng diện tích trồng rau lên 600m2 và hiện nay, gia đình tôi đã chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng cao su khoảng 1.200m2 sang chuyên trồng rau thủy canh” - chị Nguyễn Thị Hòa cho biết thêm.

Trong khi đó, tại công viên phần mềm Quang Trung, thành phố (TP) Hồ Chí Minh cũng đã triển khai, nhân rộng và chuyển giao nhiều mô hình NNTM như mô hình xưởng cây trồng với ứng dụng đèn LED và hệ thống thủy canh, tự động hóa; hệ thống trồng rau thủy canh trong thùng container... đạt năng suất, chất lượng cao.

Tương tự, tại Khu nông nghiệp công nghệ cao của TP Hồ Chí Minh cũng đang đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ vào sản xuất, nhằm tạo ra các sản phẩm công nghệ cao phục vụ phát triển lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; tập trung chọn lọc, lai tạo và sản xuất giống cây, giống con năng suất, chất lượng cao phục vụ cho sản xuất, nhất là tạo giống hoa, cây kiểng, rau ăn lá...

Theo số liệu thống kê, các địa phương thuộc các tỉnh phía Nam có diện tích đất nông nghiệp chiếm tỷ trọng trong tổng diện tích đất từ 46% trở lên, trong đó, TP Hồ Chí Minh có tỷ trọng đất nông nghiệp thấp nhất, chỉ hơn 34%. Điều này cho thấy, nông nghiệp vẫn có vai trò quan trọng trong việc khai thác tiềm năng, thế mạnh của các địa phương thuộc các tỉnh phía Nam để phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Lê Hữu Huân, một chuyên gia ngành nông nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, thực tế, các ứng dụng công nghệ cao có liên quan NNTM ở các tỉnh phía Nam nhìn chung mới chỉ ở bước đầu triển khai, chưa phổ biến rộng rãi và chưa tập trung nhiều ở lĩnh vực trồng trọt. Thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, hiện nay, các tỉnh phía Nam chỉ có 1% tổng số DN đầu tư vào nông nghiệp với số vốn chỉ chiếm khoảng 3% tổng số vốn của cộng đồng DN đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Trong số này, 90% là DN nhỏ và vừa với số vốn dưới 10 tỷ đồng/DN.

Vì vậy, để ứng dụng NNTM, các tỉnh phía Nam cần tập trung vào đối tượng chuyển sang ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao là các DN vừa và nhỏ, các hợp tác xã như vậy tương lai góp phần rất quan trọng để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích và nâng cao thu nhập cho nông dân.

Tiết kiệm thời gian, chi phí

Theo các chuyên gia kinh tế, các tỉnh phía Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển NNTM theo hướng sản xuất hàng hóa lớn với hình thức tổ chức sản xuất và kỹ thuật hiện đại, vì vậy, các tỉnh phía Nam cần chú trọng phát triển nông nghiệp sinh thái, thân thiện với môi trường, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm tùy theo thế mạnh của từng tỉnh. Chẳng hạn như các tỉnh Tây Nam Bộ ứng dụng công nghệ vào khâu thu hoạch lúa và tôm, cá... để giảm sức lao động cho người dân. Tại tỉnh Đông Nam Bộ, ứng dụng công nghệ trong trồng và thu hoạch các loại trái cây đặc sản để giúp cho nông dân tiết kiệm thời gian và chi phí...

Ông Từ Minh Thiện, Phó Trưởng ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh cho biết: “Để tăng năng suất cho các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của thành phố, chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu, chọn lọc, lai tạo, nhập khẩu, sản xuất và cung ứng 8-10 giống rau mới có năng suất cao, chất lượng tốt, kháng sâu bệnh và phù hợp với thị trường. Hàng năm, chuyển giao 5-6 quy trình kỹ thuật canh tác, sản xuất; cung ứng ra thị trường 500 nghìn đến 1 triệu cây ươm/năm; xây dựng 20-30 mô hình/năm sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGap và hữu cơ sinh học”.

Theo ông Từ Minh Thiện, về lâu dài, muốn tăng hiệu quả của ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, các tỉnh phía Nam cần ứng dụng công nghệ số trong các lĩnh vực như quản lý đất đai, kiểm soát thiên tai, quản lý chất lượng và sản xuất. Ví dụ, phải có bản đồ công nghệ để giám sát năng suất cây trồng, đất đai, vật tư...; tiếp tục ứng dụng công nghệ cảm biến để quản lý từ cây con đến khi trưởng thành và sau thu hoạch; đối với công nghệ bón phân, cần có những bộ điều khiển tưới thông minh, giảm sức lao động cho nông dân; đối với hệ thống thu hoạch, cần có máy móc công nghệ hiện đại để hiệu quả thu hoạch được chính xác hơn, tiết kiệm thời gian của nông dân...

Chia sẻ về tiềm năng của ngành NNTM tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, bà Dương Huyền Trang, Đai học An Giang cho biết, nông nghiệp công nghệ cao tạo ra một lượng sản phẩm lớn, năng suất cao, chất lượng tốt và đặc biệt là thân thiện với môi trường. Các bài học kinh nghiệm của Israel cho thấy, khi áp dụng công nghệ cao thì mỗi héc ta trồng cà chua cho ra 250-300 tấn/năm, trong khi, với cách sản xuất truyền thống của nước ta thì năng suất chỉ đạt khoảng 20-30 tấn/ha/năm.

Vì vậy, theo bà Dương Huyền Trang, để các địa phương ở phía Nam ứng dụng NNTM, cần có các chính sách ưu đãi để thu hút nguồn lực, hình thành lực lượng DN công nghệ phục vụ NNTM; xây dựng hệ sinh thái công nghệ - nông nghiệp; ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong xây dựng chuỗi trồng trọt - chăn nuôi - phân phối sản phẩm ngành chăn nuôi bò sữa và bò thịt; tiếp tục thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay đổi kỹ thuật trong canh tác, chăm sóc là những biện pháp cơ bản, có tác dụng lâu dài trong thực tế sản xuất, rất cần được các địa phương chú trọng triển khai thực hiện...

Còn lại: 1000 ký tự
Đề xuất thành lập, quản lý Quỹ Hỗ trợ đầu tư

Đối tượng hỗ trợ là các doanh nghiệp thành lập, hoạt động theo quy định pháp luật Việt Nam và đáp ứng các tiêu chí hỗ trợ chi phí theo quy định. Quỹ hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trên phạm vi toàn quốc.

Xem chi tiết
Đề xuất sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân vào tháng 10 năm sau

Bộ Tài chính đang tiến hành rà soát, đánh giá các luật thuế; trong đó có Luật Thuế thu nhập cá nhân. Bộ Tài chính cho biết sẽ dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10/2025 và thông qua vào tháng 5/2026.

Xem chi tiết
Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội long trọng kỷ niệm 29 năm thành lập

(CHG) Ngày 15/5, Lễ kỷ niệm 29 năm thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội đã được tổ chức long trọng tại Trụ sở Tập đoàn Geleximco (Đống Đa, Hà Nội).

Xem chi tiết
Thủ tướng: Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phải dũng cảm và chấp nhận rủi ro

Sáng 12/5, tại Đại học Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VI.

Xem chi tiết
Bộ Công Thương lấy ý kiến dự thảo quy định về giá bán điện bình quân

Bộ Công Thương hiện đã đăng tải công khai Dự thảo 2 Thông tư quy định tính toán giá bán điện bình quân để lấy ý kiến đóng góp của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

Xem chi tiết
2
2
2
3