(CHG) Trong bức tranh kém sắc về xuất khẩu nông, lâm, thủy sản quý 1/2023, vẫn còn một số mặt hàng nổi lên như những “ngôi sao hy vọng” của ngành nông nghiệp. Các chuyên gia cũng kỳ vọng, trong nửa cuối năm 2023, một số ngành hàng như gạo, rau quả, thủy sản sẽ đón những dấu hiệu tích cực hơn khi các nền kinh tế được cải thiện, du lịch tăng cao khiến nhu cầu tiêu thụ tăng trở lại.
Tập trung vào mặt hàng và thị trường triển vọng
Năm 2023, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 55 tỷ USD. Tuy nhiên, quý 1/2023, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng đều trong tình trạng sụt giảm sâu. Trong bức tranh kém sắc của quý 1, các mặt hàng gạo, rau quả, nổi lên như những “ngôi sao hy vọng” của ngành nông nghiệp. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 3, xuất khẩu gạo đạt 900.000 tấn, tương đương 480 triệu USD, tăng 70% về lượng và tăng 82% về giá trị so với tháng 3/2022. Lũy kế quý 1/2023, xuất khẩu gạo đạt 1,7 triệu tấn, tương đương 952 triệu USD, tăng 19% về lượng và tăng 30% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, đây cũng là mức cao nhất trong 12 năm trở lại đây.
Bên cạnh đó, sản phẩm gạo cũng đang được kỳ vọng sẽ bứt tốc trong quý 2 khi tín hiệu nhu cầu từ các thị trường trọng điểm như Indonesia, Philippines, Trung Quốc… được dự báo sẽ tăng trưởng tốt, nhất là trong điều kiện các doanh nghiệp Việt Nam đang chú trọng xuất khẩu ở phân khúc gạo đặc sản, gạo chất lượng cao. Ngoài ra, việc Việt Nam đẩy mạnh triển khai thực hiện đề án phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long với mục tiêu lớn là tăng chất lượng gạo song song với bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính cũng hứa hẹn sẽ mang lại vị thế cao hơn cho hạt gạo Việt Nam trên trường quốc tế.
Cũng được xếp vào ngành hàng tỷ USD trong quý 1, rau quả ghi nhận mức tăng trưởng 11% nhờ việc Trung Quốc mở cửa kinh tế và nhiều loại trái cây giá trị cao như sầu riêng, chanh leo được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường tỷ dân. Xuất khẩu rau quả tăng trong quý 1 một phần quan trọng là nhờ thị trường Trung Quốc được khai thông. Đây cũng là thành quả từ các nghị định thư về xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc được ký từ nửa cuối năm 2022.
Mới đây nhất, thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật cho biết, Cục đã nhận công hàm của Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo về kết quả kiểm tra trực tuyến doanh nghiệp xuất khẩu khoai lang Việt Nam sang thị trường nước này. Theo đó, có 70 vùng trồng và 13 cơ sở đóng gói khoai lang đã được cấp phép. Cục Bảo vệ thực vật đã lập kế hoạch tổ chức những lớp tập huấn hướng dẫn các điều kiện cụ thể về mã số vùng trồng cũng như một số yêu cầu kỹ thuật liên quan để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu khoai lang sang Trung Quốc. Như vậy, cùng với sầu riêng, chuối, chanh leo..., khoai lang đang bước đầu tiếp cận chính ngạch với thị trường tỷ dân nhiều tiềm năng này.
Dự kiến kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng rau quả năm 2023 của Việt Nam sẽ đạt 4 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2022.
Riêng đối với ngành thủy sản, mặc dù có sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu trong quý 1 nhưng vẫn được kỳ vọng sẽ là điểm nhấn của năm 2023 với chiến lược mới về thị trường trong thời gian tới. Ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) dự báo, xuất khẩu thủy sản cuối quý 2 hoặc đầu quý 3/2023 sẽ phục hồi, khi thị trường Trung Quốc tăng cường nhập khẩu, tiêu thụ và những tác động của xung đột Nga – Ukraine lắng xuống. Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nên chú ý vào thị trường có sức bật, cự ly gần như Trung Quốc, Nhật Bản. Bên cạnh đó, cũng cần tính toán đến việc mở rộng xuất khẩu sang các thị trường nhiều triển vọng. Cụ thể như với sản phẩm mũi nhọn là tôm, hiện Australia đang là thị trường triển vọng lớn. Trong khi nhu cầu nhập khẩu từ Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) sụt giảm từ quý cuối năm 2022, thì nhu cầu nhập khẩu tôm từ Australia vẫn duy trì tăng trưởng đều đặn từ đầu năm 2023. Năm 2022, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Australia ghi nhận mức tăng trưởng cao thứ hai sau Trung Quốc.
Thực hiện truy xuất nguồn gốc để đáp ứng nhu cầu của từng thị trường
Nhận định về những khó khăn trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, những tháng đầu năm xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp chịu tác động từ các thị trường. “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định năm 2023 sẽ là một năm rất khó khăn do kinh tế toàn cầu năm 2023 dự báo tăng trưởng chậm lại, cộng với tình trạng lạm phát cao tại một số nước trên thế giới đã làm giảm nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu nhập khẩu. Bên cạnh đó, xuất khẩu nông sản cũng ảnh hưởng từ xung đột Nga-Ukraine. Ngoài ra, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhiều nước trở lại ‘cuộc đua’ xuất khẩu nông sản và tăng cung trên thị trường nên sự cạnh tranh trở nên gay gắt hơn, trong khi ở trong nước, nhiều doanh nghiệp chưa ký được đơn hàng xuất khẩu mới cho năm 2023”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, năm 2023 được dự báo là năm lạc quan với xuất khẩu ngành hàng rau quả, trong đó có sự lên ngôi của trái sầu riêng. Nếu kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt 1 tỷ USD thì chắc chắn sẽ góp phần mang lại tổng kim ngạch xuất khẩu cho ngành hàng rau quả vào khoảng 4 tỷ USD, tăng khoảng 20% so với năm 2022. Để đẩy mạnh xuất khẩu rau quả trong năm 2023, một trong những yêu cầu quan trọng nhất là phải nhanh chóng thích nghi và đáp ứng tốt nhất các yêu cầu mới về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu theo quy định của từng quốc gia; mở rộng cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cho nhiều mặt hàng... Vấn đề quan trọng hiện nay đối với ngành hàng là nâng cao chất lượng sản phẩm, thực hiện truy xuất nguồn gốc để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của từng thị trường.
“Chẳng hạn đối với mặt hàng sầu riêng, vấn đề hiện nay là số lượng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp đã hết quota xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp phải chờ đến năm sau để được cấp mới. Đó là tình trạng thắt cổ chai, nghĩa là tiềm năng lớn nhưng mã số ít, nguồn ra hạn chế. Hiện nay mới có 246 mã số vùng trồng/12.000ha diện tích trồng sầu riêng, gần 100 mã số cơ sở đóng gói, trong khi đó hiện diện tích trồng sầu riêng của Việt Nam là 110.000ha. Là đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam, hiện Thái Lan đã được cấp 20.000 mã số vùng trồng và gần 2.000 mã cơ sở đóng gói. Do đó, để khắc phục vấn đề này, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, tập huấn cho bà con nông dân, cơ sở đóng gói nắm bắt, hiểu rõ những tiêu chuẩn, điều kiện để được cấp mã. Nếu để người nông dân tự đối phó sẽ rất khó khăn. Về phía doanh nghiệp, cần chuyển đổi mô hình phát triển đảm bảo đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, quy hoạch vùng trồng đạt tiêu chuẩn về diện tích để nhanh chóng được mã số vùng trồng”, ông Đặng Phúc Nguyên kiến nghị./.
Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/lay-lai-da-tang-truong-cho-nhung-ngoi-sao-nganh-nong-nghiep-173892.html
0
TECHCOMBANK THAM GIA ĐỒNG SÁNG LẬP TRUNG TÂM CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP THỨ 2 ĐÔNG NAM Á
(CHG) Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thành phố (HEF) lần thứ 5 với chủ đề "Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP. Hồ Chí Minh", Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã đồng hành cùng các hoạt động của diễn đàn và trở thành một trong những thành viên đồng sáng lập Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0 (C4IR) tại TP. Hồ Chí Minh. Đây là Trung tâm C4IR thứ 2 của Đông Nam Á sau Malaysia, tham gia vào mạng lưới Trung tâm cách mạng công nghiệp lần thứ 4 toàn cầu của WEF.
Xem chi tiết