(CHG) Những chai rượu ngâm với rắn, thậm chí là rắn hổ mang chúa, những hộp hải mã được sấy khô... công khai bày bán tại Trung tâm mua sắm đặc sản Hương Đảo. Phải chăng đơn vị quản lý vận hành thương hiệu chuỗi mua sắm Hương Đảo đang bất chấp các quy định của pháp luật, công khai kinh doanh hàng cấm?
“Ngông nghênh” kinh doanh hàng cấm
Đứng trước nguy cơ tiệt chủng của nhiều loại động vật hoang dã, cho nên Việt Nam đã tham gia vào các Công ước quốc tế bảo vệ động vật. Tuy nhiên, với lợi nhuận được đánh giá ngang bằng với buôn lậu vũ khí, buôn bán ma túy và buôn bán người, vấn nạn buôn bán động vật hoang dã đang ngày càng diễn biến phức tạp.
Trung tâm mua sắm Hương Đảo, địa chỉ 102 đường Trần Hưng Đạo, KP.7, Dương Đông, thành phố Phú Quốc.
Chính vì siêu lợi nhuận cho nên nhiều tổ chức, cá nhân vì hám lợi, sẵn sàng vi phạm pháp luật, dù có thể đối diện với việc xử lý hình sự. Khi bị phát hiện, các tổ chức, cá nhân thường cho rằng bản thân họ không phải là người săn bắt, giết hại, nuôi nhốt động vật hoang dã, chỉ kinh doanh hoặc sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã thì "vô can"(!)
Thông thường, hoạt động liên quan đến việc kinh doanh các sản phẩm từ động vật hoang dã thường diễn ra lén lút, giấu diếm, hiếm có tổ chức, cá nhân nào dám công khai bày bán.
Trung tâm mua sắm Hương Đảo "ngông nghênh" kinh doanh sản phẩm rượu rắn các loại và rượu rắn hổ mang chúa (ảnh ngày 05/8/2024).
Đó có lẽ là “lý thuyết”, còn thực tế những gì đang diễn ra tại Trung tâm mua sắm đặc sản Hương Đảo đang phần nào cho thấy đơn vị này “ngông nghênh” đến mức coi thường pháp luật, công khai kinh doanh các loại hàng hóa mà pháp luật cấm.
Cụ thể, tại trung tâm mua sắm đặc sản Hương Đảo (địa chỉ: 102 đường Trần Hưng Đạo, thành phố Phú Quốc), những bình rượu rắn hổ mang, những bình rượu rắn hổ loại nhỏ, những bình rượu rắn hổ mang chúa được bày la liệt trên quầy kệ. Với đa dạng mẫu mã, kiểu dáng của chai lọ vô cùng bắt mắt và cuốn hút người xem (bình nhỏ, bình vừa, bình lớn...), cùng đa dạng về giá bán (từ hơn một trăm nghìn/ 01 chai, đến cả triệu đồng/01 chai). Điểm dễ nhận thấy, nhiều chai rượu rắn được bày bán tại đây có dấu hiệu vi phạm các quy định về việc ghi nhãn hàng hóa, một số chai rượu còn có dấu hiệu không thể hiện nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, thành phần, công dụng, hướng dẫn sử dụng, thông tin cảnh báo...
Bên cạnh đó, trên quầy kệ của Trung tâm mua sắm Hương Đảo, nhiều sản phẩm là Hải mã (cá ngựa) sấy khô cũng được đơn vị này công khai bày bán.
Trao đổi thông tin trên với Đội Quản lý thị trường số 4 (phụ trách địa bàn thành phố Phú Quốc) về tình trạng Trung tâm mua sắm Hương Đảo đang kinh doanh các sản phẩm rượu rắn, hải mã (bằng video và hình ảnh phóng viên cung cấp) một lãnh đạo (xin giấu tên) cho biết: “Cái này đã tuyên truyền rồi mà, rắn (rượu rắn) là không được, hải mã là không được...”.
Cùng với đó, một số sản phẩm liên quan đến thực phẩm sấy khô, đóng gói, mang tên đặc sản Phú Quốc như cá chỉ vàng sấy khô, đóng gói cũng được người cán bộ trên cho rằng: “Nhìn cảm quan về nhãn hàng hóa, phía đơn vị Hương đảo thiếu đơn vị sản xuất, thiếu số công bố sản phẩm, thiếu chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm...”.
Trao đổi với ông Nguyễn Đức Lợi, Chủ tịch Quỹ Chống hàng giả về việc Trung tâm mua sắm Hương Đảo đang công khai kinh doanh các sản phẩm về rượu rắn, trong đó có rắn hổ mang chúa, ông Lợi cho rằng: “Rắn hổ chúa là loài có tên trong Phụ lục I, Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, ban hành kèm theo Nghị định 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 của Chính phủ.
Đây cũng là loài có tên trong Nhóm IB, Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, ban hành kèm theo Nghị định 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ”.
Liên quan đến việc xử lý các vi phạm trong việc kinh doanh rắn hổ mang chúa, ông Nguyễn Đức Lợi cho biết thêm: “Căn cứ Điểm b Khoản 1 Điều 244 Bộ Luật hình sự năm 2015 quy định về Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm cụ thể như sau: Người nào vi phạm quy định về bảo vệ động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:
a) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;
b) Tàng trữ, vận chuyên, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật quy định tại điểm a khoản này.”
Hàng hóa xa xỉ có dấu hiệu không rỗ nguồn gốc xuất xứ
Ngoài việc kinh doanh hàng cấm là động vật hoang dã, tại Trung tâm mua sắm Hương Đảo còn kinh doanh các mặt hàng xa xỉ phẩm nhưng có dấu hiệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, trong đó có cả hàng hóa đã hết hạn sử dụng, thậm chí người tiêu dùng còn “tố” tại các Trung tâm mua sắm Hương Đảo có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.
Khảo sát của phóng viên, nhiều sản phẩm bày bán tại đây như: Bong Bóng cá Đường; Vi cá mập; vây cước cá mập; bào ngư tươi; bào ngư sấy khô; hải mã sấy khô; sao biển sấy khô; tổ yến túi da bò; túi da cá sấu; rượu sâm; thang ngâm rượu... có giá từ một vài triệu đồng đến cả vài chục triệu đồng/01 sản phẩm (hoặc 1kg). Điều lạ lùng, những sản phẩm trên hầu hết ghi thông tin về hàng hóa rất chung chung, thiếu thông tin về thành phần, thành phần định lượng, thông tin cảnh báo, số công bố sản phẩm, chứng nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm... cũng như tên địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa. Đặc biệt nguy hại, sản phẩm có giá trị vô cùng đắt tiền như bào ngư tươi cấp đông, nhưng lại trắng thông tin, không có bất kỳ nhãn hàng hóa nào ghi thông tin về sản phẩm.
Quan sát gói bào ngư tươi có hiện tượng hoen rỉ nước màu đen ở phía đầu bao gói sản phẩm đã được đông đá. Thậm chí, trên mép bao gói sản phẩm, phần ghi ngày sản xuất thể hiện dòng chữ: NSX 14 12 23; HSD 14 06 2024 (tạm hiểu, ngày sản xuất sản phẩm bào ngư tươi cấp đông là ngày 14/12/2023, ngày cuối cùng có thể sử dụng được sản phẩm là ngày 14/6/2024), trong khi đó tại thời điểm khảo sát là ngày 5/8/2024, có nghĩa sản phẩm trên đã hết hạn sử dụng tới 46 ngày (!)
Khi phóng viên thắc mắc về hàng hóa hết hạn sử dụng, nhân viên tại đây vẫn thao thao bất tuyệt, tư vấn giới thiệu các loại mặt hàng xa xỉ phẩm trên, dường như không biết vô tình hay cố ý mà nhân viên này không nhìn thấy, không nghe thấy những thắc mắc của khách hàng.
Hàng hóa vi phạm về việc ghi nhãn sản phẩm bày bán tại Trung tâm mua sắm Hương Đảo.
Ngoài những dấu hiệu vi phạm và vi phạm đã nêu ở trên, một số sản phẩm hàng hóa là thực phẩm chế biến ăn liền như mực bơ tỏi, tôm rim, được phơi bày thành đống, không có bất kỳ vật dụng gì che đậy, nhìn rất phản cảm và mất vệ sinh.
Sự “Biến mất” bất thường của hàng cấm và hàng xa xỉ phẩm tại Trung tâm mua sắm Hương Đảo (!)
Để việc đưa thông tin một cách khách quan, đa chiều, ngày 20/8/2024 phóng viên Tạp chí CHG có buổi trao đổi thông tin với ông Trần Thành Danh, đại diện quản lý của Trung tâm mua sắm Hương Đảo.
Trước thông tin liên quan đến nguồn gốc xuất xứ của một số sản phẩm bao gói đang bày bán tại Trung tâm mua sắm Hương Đảo, ông Danh cho biết: “Chúng tôi mua hàng từ đơn vị có đầy đủ giấy tờ và đóng gói mang tên Hương Đảo”. Tuy nhiên, khi cùng phóng viên quan sát gói sản phẩm cá chỉ vàng sấy khô, tại phần ghi nhãn hàng hóa không thể hiện tên, đơn vị sản xuất (thương nhân chịu trách nhiệm hàng hóa), thành phần, thông tin cảnh báo, số công bố sản phẩm... cũng như chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tương tự, với những sản phẩm chế biến ăn liền, bày la liệt, thành “đống”, không có bất kỳ vật che đậy gì, thế nhưng phía quản lý của đơn vị này vẫn cho rằng đầy đủ giấy tờ, đủ tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Chỉ đến khi phóng viên nêu mệnh đề rằng nếu trong cuộc nói chuyện này vô tình nước bọt bắn vào những sản phẩm trên, liệu sản phẩm có còn đủ điều kiện an toàn? Khi đó người quản lý của Trung tâm mua sắm này lảng tránh và không có câu trả lời.
Điều được cho là bất thường, tại khu vực quầy kinh doanh hàng cấm (rượu rắn các loại, rượu rắn hổ mang chúa, hải mã sấy khô), hàng hóa xa xỉ phẩm của Trung tâm mua sắm Hương Đảo đã “không cánh mà bay”, trống trơn, sạch bách một cách đầy nghi ngờ, khó lý giải (?) Trên những giá kệ này chỉ còn một số chai rượu trắng thông tin, và các loại tổ yến sấy khô, những chiếc túi, ví, thắt lưng là da, da cá sấu... không thể hiện thành phần, thành phần định lượng, tên đơn vị sản xuất sản phẩm... Nghi vấn những mặt hàng tại đây có dấu hiệu không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Bởi trước đó, ngày 6/8/2024 phóng viên Tạp chí CHG có thông tin tới một đồng chí Phó đội trưởng Đội Quản lý thị trường phụ trách địa bàn Phú Quốc về vấn đề đơn vị này kinh doanh hàng cấm (!)
Trao đổi với ông Danh quản lý của Trung tâm mua sắm Hương đảo về việc “biến mất” bất thường của những mặt hàng cấm đang bày bán tại đây: như rượu rắn các loại; hải mã (cá ngựa) sấy khô... ông này cho biết: “Hiện nay chúng tôi đã trả lại phía đơn vị cung cấp” (!)
Thực tế chứng minh ngược lại so với lời ông Danh, khoảng hơn một tiếng trước, tại Trung tâm mua sắm Hương đảo (cầu Bà Phong, đường Trần Hưng Đạo, xã Dương Tơ, thành phố Phú Quốc), nhân viên ở đây lén lút lấy từ trong kho hàng ra sản phẩm rượu ngâm cá ngựa chào mời phóng viên. Đồng thời nhân viên này cho biết: Do đang sửa kệ nên không trưng bày hàng hóa.
Hương Đảo là hệ thống mua sắm chủ yếu dành cho khách du lịch và hoạt động trên địa bàn thành phố Phú Quốc từ lâu, thế nhưng đơn vị này “ngông nghênh”, công khai kinh doanh sản phẩm hàng hóa đã bị nhà nước cấm, thể hiện sự bất tuân pháp luật của đơn vị này. Tuy nhiên, qua đây không ít du khách đặt dấu hỏi: Phải chăng chỉ có dân mới nhìn thấy, nghe thấy và phát hiện ra vi phạm của đơn vị này? Bóng dáng của lực lượng chức năng đã ở đâu trong thời gian vừa qua?
Xin được khép lại bài viết bằng một ý kiến chua xót của anh David Ngô, một du khách là Việt Kiều khi chia sẻ về những chai rượu rắn: “Con tôi là thế hệ “F2” tại Canada, khi cho cháu đi tham quan du lịch tại Phú Quốc và mua sắm đồ lưu niệm tại Trung tâm Hương Đảo, cháu đã khóc thét lên một cách đầy kinh hãi và giận giữ khi nhìn thấy những bình rượu rắn được ngâm và bày bán tại đây”.
Tại phiên chất vấn sáng 21/8, đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) cho biết trong báo cáo của Chính phủ, một trong những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý thị trường là một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, cá biệt là có trường hợp "bảo kê" cho các hành vi vi phạm pháp luật. |
(CHG)Từ năm 2021 đến tháng 10/2024, Công ty TNHH Văn phòng phẩm Tuấn Như do ông Lê Công Tuấn làm Giám đốc đã kinh doanh, bán buôn các mặt hàng văn phòng phẩm không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, với tổng giá trị hàng hóa hơn 171 tỷ đồng và có hành vi trốn thuế thu nhập doanh nghiệp với số tiền trốn thuế hơn 5,8 tỷ đồng.
Xem chi tiết(CHG) - Chiều ngày 31/10, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (QLTT) phối hợp với Cục Quản lý thị trường TP.HCM tổ chức kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh tại chợ Bến Thành và đã phát hiện nhiều sai phạm.
Xem chi tiết(CHG) Đội Quản lý thị trường số 6 tỉnh Khánh Hòa cho biết, vừa phát hiện 10 cơ sở vi phạm về buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Crocs được bảo hộ tại Việt Nam, Đội đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt trên 140 triệu đồng; đồng thời buộc tiêu hủy trên 700 đơn vị sản phẩm giả mạo nhãn hiệu Crocs với tổng giá trị hàng hóa tiêu hủy trên 100 triệu đồng.
Xem chi tiết(CHG) Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Minh Tú Anh (địa chỉ số 113 đường Thống Nhất, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, (tỉnh Lâm Đồng), do ông Nguyễn Doãn Thiệu làm Giám đốc, với số tiền trên 100 triệu đồng
Xem chi tiết(CHG) Ngày 27/9, Công an huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 2 bị can, gồm: Lê Tuấn Anh (32 tuổi) và Đào Đình Tuấn (52 tuổi) cùng thường trú tại Tp.HCM, để điều tra hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là phân bón.
Xem chi tiết