(CHG) Vượt qua Thái Lan, gạo Việt Nam đã có mức giá cao nhất thế giới. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá chào bán gạo xuất khẩu 5% tấm ở mức 438 USD/tấn, gạo 25% tấm là 418 USD/tấn. Với mức này, giá gạo Việt Nam nhỉnh hơn gạo Thái Lan cùng loại khoảng 20 USD/tấn.
Có nhiều nguyên nhân để gạo Việt Nam đạt được mức giá trên. Trước hết, tình hình thế giới như xung đột chính trị, lạm phát, dịch Covid-19, biến đổi khí hậu... khiến nguồn cung lương thực thế giới bị sụt giảm. 2 nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ cũng có những chính sách hạn chế xuất khẩu gạo.
Với Trung Quốc, chiến lược “Zero Covid” gây ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu tất cả các mặt hàng, trong đó có gạo. Còn Ấn Độ năm nay cũng đã cấm xuất khẩu gạo tấm và hạn chế gạo trắng 5% tấm để đảm bảo lương thực cung cấp trong nước.
Gạo Việt Nam đã được nhiều thị trường khó tính trên thế giới lựa chọn.
Đó là những nguyên nhân bên ngoài. Nguyên nhân nội tại khiến gạo Việt Nam không chỉ tăng giá mà còn được nhiều thị trường khó tính trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ, Pháp... lựa chọn là do Việt Nam đã và đang phát triển nhiều giống lúa mới, nâng cao quy trình sản xuất, lượng gạo tươi mới hơn gạo Thái Lan cùng chủng loại.
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, gạo xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 10/2022 đạt hơn 713.500 tấn, trị giá trên 341 triệu USD, tăng 22% về lượng và 24% về giá trị so với tháng trước. Tháng 10 vừa qua là tháng có lượng gạo xuất khẩu cao kỷ lục trong lịch sử ngành gạo.
Trong 10 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu gạo đạt hơn 6 triệu tấn, trị giá trên 2,9 triệu USD. Dự tính đến hết năm, lượng gạo xuất khẩu Việt Nam sẽ khoảng 7,2 - 7,3 triệu tấn, trị giá 3,3 - 3,5 tỷ USD.
Theo dự báo của nhiều lãnh đạo các công ty xuất khẩu gạo, những tháng đầu năm 2023, giá gạo Việt Nam sẽ tiếp tục được giữ ở mức cao, thậm chí có thể tiếp tục tăng. Vậy cần có giải pháp nào để gạo Việt tiếp tục giữ được vị trí “trên đỉnh” khi phải đối đầu với đối thủ mạnh về xuất khẩu gạo là Thái Lan, hay tương lai là sự trở lại của gạo Trung Quốc và Ấn Độ?
Thứ nhất, ngành lúa gạo cần thay đổi từ vai trò là một ngành sản xuất vì mục tiêu an ninh lương thực là chủ yếu, trở thành một ngành kinh tế năng động và hiệu quả, đem lại lợi ích cho người sản xuất và người tiêu dùng trong nước, có tính cạnh tranh cao trong xuất khẩu.
Thứ hai, phải xây dựng thương hiệu đủ mạnh để giữ vững thị trường (dù xuất khẩu nhiều nhưng vẫn chưa có nhiều thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế). Muốn làm được điều này thì cần có sự đồng lòng của các doanh nghiệp trong ngành lúa gạo. Thực tế, trên thị trường vẫn còn tình trạng cạnh tranh kiểu “ta tự hại ta”.
Theo ông Phan Văn Có - Giám đốc marketing Công ty TNHH Vrice, sự thiếu đoàn kết, đồng lòng của các công ty trong nước rõ nhất là tình trạng tranh mua, tranh bán dẫn đến mất uy tín chung của gạo Việt Nam. Ông lấy dẫn chứng, một số đơn vị cung cấp gạo cho công ty ông thấy giá thị trường cao thì sẽ chậm giao hàng, thậm chí ngắt liên lạc để bán cho đơn vị mới. Ngoài ra, một số công ty xuất khẩu gạo ăn xổi kiểu hạ giá, trộn gạo để tranh bán khiến giá xuất khẩu bị kéo xuống.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cũng chia sẻ, khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam có thêm nhiều cơ hội cạnh tranh với các nước khác. Tuy nhiên do văn hóa thương mại không tốt, biểu hiện rõ nhất là xuất khẩu sang thị trường nào là tìm cách hạ giá thành để giành khách hàng của nhau.
Để khắc phục điều này cần có người cầm trịch, gắn kết các chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần có chính sách xây dựng chứng nhận tiêu chuẩn gạo quốc gia để tạo dựng thương hiệu gạo Việt xuất khẩu.
0