(CHG) 63/63 tỉnh, thành trên cả nước đều có chủ thể tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) và đạt được nhiều thành tựu đáng kể, có sức lan tỏa lớn, tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.
Chủ thể OCOP chủ động, tích cực áp dụng chuyển đổi số
Thời gian qua, sản phẩm OCOP ("Mỗi xã một sản phẩm”) đã có 63/63 tỉnh thành tham gia chương trình do Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg nhằm phát huy thế mạnh, đặc thù ở mỗi địa phương, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, từ đó, cơ cấu lại lực lượng lao động, nhất là lao động ở vùng nông thôn.
Đến nay, số lượng chủ thể và số sản phẩm OCOP cũng lần lượt tăng đến 4,8 lần và 5,7 lần so với thời điểm năm 2019. Tính đến tháng 2/2022, số lượng chủ thể tham gia Chương trình là 2.944 chủ thể. Số lượng sản phẩm OCOP đạt 5.401 sản phẩm, trong đó, số lượng sản phẩm 3 sao là 3.381, số lượng sản phẩm 4 sao là 1.934, số lượng sản phẩm 5 sao là 86. Những con số thống kê nêu trên cho thấy, tiềm năng và hiệu quả của Chương trình OCOP là rất lớn.
Về cơ cấu, các sản phẩm OCOP ở mỗi địa phương đều có sự khác nhau, mang đặc trưng vùng miền rõ rệt. Song, xét về thứ hạng thì phổ biến vẫn là các sản phẩm xếp hạng 3 sao. Những sản phẩm 5 sao có tỷ lệ khiêm tốn hơn, nhưng cũng vì thế lại trở thành “đặc sản” nổi bật hơn trên thị trường. Trong giai đoạn 2018 - 2020, Chương trình OCOP có 20 sản phẩm của 8 chủ thể thuộc 11 tỉnh, thành phố được xếp hạng 5 sao quốc gia.
Chương trình OCOP đã khơi dậy tiềm năng về đất đai, sản vật, lợi thế của địa phương. Ngay từ đầu, chương trình cũng đặt ra vẫn đề chuyển đổi số nhằm thích ứng hiệu quả với xu thế phát triển của thị trường, sự thay đổi của các chuỗi phân phối và thói quen tiêu dùng của người dân.
Nhằm đẩy mạnh áp dụng chuyển đổi số trên các lĩnh vực truyền thông, tuyên truyền về Chương trình OCOP, bên cạnh những kênh truyền thông trực tiếp sẽ là những kênh gián tiếp như mạng xã hội, website cung cấp thông tin về quản lý và giám sát sản phẩm OCOP, ứng dụng phần mềm trong đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP…
Đặc biệt, trong lĩnh vực quảng bá, xúc tiến thương mại, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương đã tổ chức nhiều hội chợ OCOP, đẩy mạnh các kênh bán hàng trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử…
Các chủ thể OCOP cũng chủ động, tích cực áp dụng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, quảng bá sản phẩm, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc gắn với mã Qrcode…
Gần đây nhất, với sự tham gia, phối hợp của chính quyền địa phương, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam hợp tác với Hội Nông dân Việt Nam đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử. Chỉ sau 6 tháng hợp tác, hai đơn vị đã tiến hành đào tạo, trang bị kỹ năng chuyển đổi số cho gần 10.000 hộ sản xuất nông nghiệp với hơn 1.500 hội nghị trên toàn quốc, kết nối hơn 108.000 sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử thuần Việt - Postmart của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam.
Phụ nữ Dao huyện Ba Chẽ sản xuất sản phẩm đặc trưng mang thương hiệu OCOP Quảng Ninh.
Thống kê trên sàn thương mại điện tử Postmart cho thấy, tính đến 15/9, tổng số tài khoản hoạt động là 3.878.328; tổng số giao dịch trên sàn lũy kế là 765.271 giao dịch; giá trị giao dịch lũy kế đến là 165.352 tỷ đồng; tổng số sản phẩm lũy kế đưa lên sàn là 115.226 sản phẩm. Tổng số hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo lũy kế là trên 4,5 triệu hộ.
Postmart cũng đã tiêu thụ hơn 1 nghìn tấn nông sản, đặc biệt là nông sản mùa vụ như vải thiều, nhãn lồng Hưng Yên, nhãn xuồng Đồng Tháp, na Chi Lăng, mận, xoài Sơn La, sầu riêng Đăk Lăk và nhiều loại nông sản, các sản phẩm chế biến từ nông sản khác. Tại Sơn La, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã tổ chức thành công festival nông sản và sản phẩm OCOP toàn quốc đầu tiên trên môi trường số.
Có thể thấy, quá trình chuyển đổi số trong Chương trình OCOP đã đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng sẽ thuận lợi và nhanh chóng hơn.
Sức bật mới
Hiện các địa phương trên cả nước đều triển khai các vùng nguyên liệu tập trung, hướng tới sản xuất theo hướng an toàn sinh học, sản xuất hữu cơ nhằm thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã tham gia vào quá trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm OCOP. Đồng thời, xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp đặc thù địa phương.
Nhiều tỉnh tập trung hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, đơn vị chuyển đổi loại hình hoạt động của các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP từ cá nhân, gia đình, tổ hợp tác, sang thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã. Tổ chức, tư vấn, hỗ trợ các tổ chức kinh tế có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP về đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản, sản phẩm và đăng ký nhãn hiệu, xây dựng phương án kinh doanh, tiếp cận nguồn vốn.
Những sản phẩm OCOP của Hà Nội đạt tiêu chuẩn 5 sao.
Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm OCOP, các địa phương phải có vùng nguyên liệu ổn định, đảm bảo nguồn cung sản phẩm và mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư công nghệ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chế biến và bảo quản các sản phẩm OCOP đạt chất lượng cao.
Các sản phẩm OCOP ngày càng có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, tinh xảo, bắt mắt, mang bản sắc riêng, đặc trưng cho vùng miền. Các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP đã và đang đầu tư công nghệ, tạo ra đa dạng sản phẩm và có quy trình sản xuất đạt chuẩn quốc gia, có áp dụng công nghệ cao để truy xuất được nguồn gốc.
Về hình thức giao dịch, các sản phẩm OCOP không chỉ được bán với hình thức trực tiếp tại các chuỗi cung ứng OCOP, siêu thị… mà còn được bán qua sàn thương mại điện tử, mang lại doanh thu cao, góp phần nâng cao đời sống cho người dân nông thôn.
Trong giai đoạn 2020 - 2025, Bộ Công Thương đặt ra mục tiêu cho Chương trình OCOP ở mức khá cao: Có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 3% sản phẩm OCOP đạt 5 sao; Có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị khép kín, gắn với vùng nguyên liệu ổn định; Có ít nhất 50% số làng nghề nông thôn có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của các địa phương; Tỷ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ làm việc tại các chủ thể OCOP đạt tối thiểu 20%. |
20 sản phẩm được xếp hạng 5 sao quốc gia
- Bộ bát đĩa hoa sen đỏ, Bộ bát đĩa chim én hoa sen, Bộ bát đĩa rồng phượng, Bộ ấm chén chim én hoa sen thuộc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh, huyện Gia Lâm, Hà Nội);
- Trà xanh hộp 100g, Hồng trà 100g thuộc HTX chế biến chè Phìn Hồ, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang;
- Cà phê bộ nguyên chất Bích Thao thuộc HTX cà phê Bích Thao, TP Sơn La, tỉnh Sơn La;
- Miến Dong Tài Hoan thuộc HTX Tài Hoan, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn;
- Trà tôm nõn Hảo Đạt thuộc HTX chè Hảo Đạt, xã Tân cương, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái nguyên;
- Miến dong Việt Cường thuộc HTX miến Việt Cường, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên;
- Bộ ngọc trai Akoya, Bộ ngọc trai SouthSea, Bộ ngọc trai Tahiti thuộc Công ty Cổ phần Ngọc trai Hạ Long, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh;
- Cà phê rang xay Darmark thuộc Công ty TNHH MTV cà phê Nguyễn Huy Hùng, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum;
- Ladoactiso cao ống, Ladoactiso trà Nhất Diệp Nguyên Hương thuộc Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng;
- Gạo đặc sản Thiên Vương, Gạo tiến vua Tiên Nữ thuộc Công ty TNHH MTV Lương thực Thoại Sơn, tỉnh An Giang;
- Gạo ST24 thuộc Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí, tỉnh Sóc Trăng. |
1