(CHG) Các xu hướng mua sắm online đang là mối quan tâm của nhiều doanh nghiệp. Theo ước tính, hơn 265 triệu người tiêu dùng sẽ mua sắm trực tuyến trong năm 2023.
Ở Việt Nam, mức tăng trưởng thương mại điện tử được các hãng dự báo tiếp tục bùng nổ vào những năm tới, dự tính sẽ cán mốc 39 tỷ USD vào năm 2025, đứng thứ 2 sau Indonesia (khoảng 104 tỷ USD) và ngang bằng với Singapore.
Thương mại điện tử phát triển theo hướng mở
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương cho biết, hiện 75% người dân Việt Nam đang sử dụng internet, trong đó có tới 74,8% người tham gia mua sắm trực tuyến. Các mặt hàng hóa, dịch vụ như quần áo, giày dép, mỹ phẩm, thiết bị đồ dùng gia đình, đồ dùng công nghệ và điện tử, sách, hoa, quà tặng và thực phẩm… được người tiêu dùng lựa chọn mua sắm trực tuyến nhiều nhất.
Thống kê cũng cho thấy, 91% người dùng sử dụng điện thoại di động làm phương tiện để đặt hàng trực tuyến.
Hành vi mua hàng của người dân đã thay đổi khi mua sắm trực tuyến phát triển. Công nghệ liên tục nâng tầm và tác động tới nhu cầu của người tiêu dùng, đòi hỏi các công ty thương mại điện tử phải nhanh chóng phát triển cơ sở hạ tầng, để thích nghi với sự phát triển của thế giới thương mại điện tử.
Ngoài ra, việc cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm trực tuyến của khách hàng cũng rất quan trọng để tăng doanh số bán hàng trực tuyến và củng cố thành công của hoạt động thương mại điện tử.
Gần đây, tham gia hoạt động thương mại điện tử còn có sự trỗi dậy mạnh mẽ của các nền tảng truyền thông xã hội. Nhiều doanh nghiệp kết hợp phương tiện truyền thông xã hội vào các chiến lược thương mại điện tử của mình để tiếp cận và tăng tương tác với người tiêu dùng. Chưa kể, đây cũng trở thành một kênh bán hàng mang lại nguồn thu không nhỏ so với các sàn giao dịch.
The The Future of Commerce, doanh số bán hàng toàn cầu thông qua các nền tảng truyền thông xã hội được ước tính đạt 992 tỷ USD vào năm 2022 và các dự báo cho thấy doanh số bán hàng thông qua các mạng xã hội sẽ đạt khoảng 2.900 tỷ USD vào năm 2026.
Doanh nghiệp đã và đang tiến vào xây dựng mô hình đa kênh tích hợp vào một trang web thương mại điện tử. Việc này đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về đối tượng người tiêu dùng, tạo trải nghiệm liền mạch để khiến khách hàng quay lại mua sắm. Trên thực tế, những công ty có chiến lược đa kênh mạnh mẽ sẽ giữ được gần 89% khách hàng của họ.
Chú ý đến những xu hướng thương mại điện tử đang phát triển có thể giúp ích cho lợi nhuận của doanh nghiệp, điều rất quan trọng trong xu thế cạnh tranh gay gắt hiện nay. Ngoài ra, việc các doanh nghiệp luôn nhận thức được những thay đổi sắp tới cũng có thể đảm bảo họ không bị bỏ lại phía sau, lạc hậu so với thị trường.
Cần bảo vệ người tiêu dùng khi tham gia mua bán online.
Cần chế tài mạnh hơn trong quản lý hoạt động thương mại điện tử
Bên cạnh những mặt tích cực, tình trạng buôn bán hàng giả, gian lận thương mại trên môi trường thương mại điện tử vẫn còn diễn biến phức tạp và xuất hiện nhiều thủ đoạn lừa đảo tinh vi.
Năm 2022, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường gỡ bỏ 1.663 gian hàng với 6.437 sản phẩm vi phạm; chặn 5 website có dấu hiệu lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tổng mức xử phạt cho các hành vi gian lận thương mại điện tử là 222 triệu đồng.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng tập trung tuyên truyền và tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội trong việc sàng lọc, phòng ngừa, ngăn chặn đối với các tài khoản không cung cấp đầy đủ thông tin, các tài khoản có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa vi phạm.
Cùng với đó là xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đồng thời, tăng cường quản lý hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài và hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội; tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách để có sự điều chỉnh phù hợp thực tế nhằm quản lý tốt hơn hoạt động kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử; Tăng cường năng lực các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử, phát triển và ứng dụng các công nghệ mới trong thương mại điện tử, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã tham mưu Bộ Công Thương tích cực phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý kinh doanh thương mại điện tử trên mạng xã hội, xây dựng và hướng dẫn cụ thể quy trình xử lý kỹ thuật các website vi phạm pháp luật.
Cũng trong năm 2022, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số hoàn thiện và trình phê duyệt Đề án Chuyển đổi số ngành công thương, Chính phủ số Bộ Công Thương; phát triển Chính phủ điện tử của Bộ Công Thương; tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế trong thương mại điện tử.
Năm 2023, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tiếp tục thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật các quy định mới của Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử.
Ngoài ra, rà soát cơ chế, chính sách để có sự điều chỉnh phù hợp thực tế nhằm quản lý tốt hơn hoạt động kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử; tăng cường năng lực các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử; phát triển ứng dụng công nghệ mới trong thương mại điện tử, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp.
Bên cạnh việc giúp người tiêu dùng mua bán nhanh chóng, dễ dàng, thuận lợi hơn, còn là những rủi ro đi kèm như lợi dụng thông tin cá nhân để chiếm đoạt tài sản, lừa đảo, bán hàng giả, hàng nhái, kéo dài thời gian giải quyết khi có khiếu nại.
Chính vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, cần thêm nhiều chế tài mạnh tay hơn nữa để xử lý dứt điểm những tồn tại nêu trên, nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Năm 2022, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thực hiện kiểm tra 774 vụ, xử lý 439 vụ, phạt tiền gần 5,9 tỷ đồng, trị giá hàng hóa gần 11,5 tỷ đồng, chuyển hồ sơ 2 vụ sang cơ quan Cảnh sát điều tra liên quan đến những hành vi vi phạm về thương mại điện tử.
|
(Còn tiếp)
17
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết