(CHG) Vào những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng cao. Lợi dụng cơ hội này, hoạt động sản xuất và kinh doanh hàng hoá giả sẽ gia tăng. Các đối tượng gian thương dùng các mánh khoé quảng cáo trên các mạng xã hội, thương mại điện tử... để đưa những sản phẩm giả mạo các thương hiệu nổi tiếng tuồn hàng ra thị trường. Đáng lưu ý, mặt hàng mỹ phẩm giả được tiêu thụ mạnh ở thời điểm này là nước hoa giả.
Ảnh minh hoạ.
Ngày càng nhiều "mánh khóe" tinh vi
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng trên địa bàn cả nước đã phát hiện xử lý 99.975 vụ việc vi phạm. Trong đó, có 1.866 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ; 12.275 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; 82.678 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế. Khởi tố 380 vụ với 472 đối tượng, trong đó có không ít các vụ việc hàng giả, hàng lậu là các sản phẩm mỹ phẩm, nước hoa.
Điển hình như tại tỉnh Bắc Ninh, từ cuối năm ngoái đến nay, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã triệt phá thành công 3 cơ sở kinh doanh mỹ phẩm với số lượng lớn, thu giữ trên 110.000 sản phẩm vi phạm, trị giá gần 13 tỷ đồng. Đồng thời, chuyển giao vụ việc có dấu hiệu hình sự sang cơ quan cảnh sát điều tra xem xét, xử lý hình sự.
Vào cuối năm 2021, lực lượng QLTT phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (PA05) Công an tỉnh Bắc Ninh cùng Đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh tại thôn Do Nha, xã Phương Liễu, huyện Quế Võ do ông Nguyễn Văn Cương làm chủ.
Tổ công tác phát hiện tại đây có 76.804 sản phẩm là kem trang điểm HIISEES, kem tẩy da chết HEYXI, kem trắng da V7 Dr.JART+, nước hoa Hanlu, dầu gội đầu JIORNIEE, son VONGEE, nước hoa LANCÔME, nước hoa xịt phòng VICTORIA’S SECRET, sữa rửa mặt Innisfree, nước hoa Versace, Giorgio Armani, Dior, VICTORIA’S SECRET, CHANEL, Hugo Boss, Gucci.
Thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của toàn bộ sản phẩm, lô hàng có trị giá gần 6,9 tỷ đồng.
Hiện nay, thị trường có nhiều loại nước hoa được quảng cáo là hàng auth, auth like chính hãng của nhiều thương hiệu danh tiếng. Tuy nhiên, giá những sản phẩm này chỉ bằng 1/5, thậm chí 1/10 so với sản phẩm chính hãng từ nhà sản xuất. Thực tế trên cho thấy 99% các sản phẩm này đều là hàng nhái, hàng giả, được gắn mác hàng nổi tiếng để lừa dối người tiêu dùng, đánh vào tâm lý thích “hàng hiệu giá rẻ” của một số khách hàng để thu lợi bất chính.
Như vụ việc tại một cơ sở sản xuất ở xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội, Lực lượng Quản lý thị trường thành phố đã phát hiện nhiều sản phẩm mỹ phẩm, nước hoa được pha chế thủ công bằng rất nhiều loại hóa chất trôi nổi đựng trong xô, chậu. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện số lượng lớn vỏ hộp, tem nhãn thể hiện nguồn gốc xuất xứ sản phẩm ở Hàn Quốc, Pháp…
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại kho hàng đang chứa số lượng sản phẩm đã được chiết, rót vào các chai mang nhãn hiệu Coco Chanel, cùng số lượng lớn sản phẩm mang nhãn hiệu Collagen X12 Olive, Pink Lady Shower… Ước tính giá trị hàng hóa tại cơ sở lên đến hàng tỷ đồng.
Trước đó, bà Tạ Thị Quỳnh Anh, chủ hộ kinh doanh có tên Quỳnh Quỳnh bị tịch thu và tiêu hủy số lượng hàng hóa vi phạm và phạt 51,25 triệu đồng cùng hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa trong thời gian 2 tháng tại Đồng Nai. Bà Tạ Thị Quỳnh Anh đã vi phạm pháp luật với hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái (mặt hàng chai nước hoa giả nhãn hiệu Chanel và Gucci) tuồn ra ngoài thị trường, gây ảnh hưởng tới người tiêu dùng.
Hiện nay, nhiều cơ sở kinh doanh hàng online đã dùng nhiều mánh khóe để tiêu thụ hàng giả. Lợi dụng sự phát triển mạnh mẽ từ thương mại điện tử, phương thức mua bán không tiếp xúc, thanh toán qua internet dễ dàng, nhiều đối tượng mua hàng trôi nổi không có tem nhãn thông qua mạng xã hội facebook, sau đó dán tem, đóng chai nhái hàng thật bán ra thị trường.
Đáng lưu ý, những cơ sở này không bán hàng theo hình thức thông thường, mà thuê phòng trọ làm kho chứa để bán hàng qua mạng. Lợi dụng sơ hở trong kiểm soát, các tổ chức, cá nhân kinh doanh nước hoa sử dụng tài khoản Facebook và để hotline dưới mỗi bài viết nhằm thuận tiện trong giao dịch.
Lực lượng QLTT thường xuyên kiểm tra các cơ sở kinh doanh mỹ phẩm.
Cần chế tài xử lý nghiêm khắc
Thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, lực lượng QLTT luôn tích cực triển khai nhiều biện pháp chống buôn lâu, gian lận thương mại, hàng giả, đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vi phạm. Tuy nhiên, trong hoạt động kinh doanh, buôn bán hàng lậu, gian lận thương maị, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là nhóm hàng mỹ phẩm vẫn đang diễn ra rất phức tạp.
Nhiều hộ kinh doanh online lợi dụng thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ và niềm tin của người tiêu dùng để kinh doanh nước hoa, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, với giá rẻ 1/3 thậm chí 2/3 giá trị thật của hàng chính hãng. Theo các chuyên gia về lĩnh vực này, việc sử dụng nước hoa giả không rõ nguồn gốc sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, vì vậy, cần biện pháp mạnh tay để xử lý các đối tượng kinh doanh loại hàng hóa giả mạo này.
Bên cạnh sự can thiệp, cảnh báo, xử phạt hành vi vi phạm từ các cơ quan chức năng, để hạn chế tình trạng buôn bán mỹ phẩm nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và người tiêu dùng cần hết sức cẩn trọng, chỉ nên mua tại cửa hàng có uy tín, đừng vì ham khuyến mãi, giá rẻ mà vô tình tiếp tay cho đối tượng bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Để chấm dứt tình trạng này là bài toán nan giải đối với lực lượng chức năng, người tiêu dùng khi mua hàng trên mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử hay trực tiếp tại cửa hàng… cần lựa chọn đối tượng bán hàng uy tín để bảo đảm hiệu quả và an toàn.
Theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP, mức xử phạt đối với cá nhân buôn bán mỹ phẩm không có giá trị sử dụng, công dụng (mỹ phẩm giả), đối với hành vi buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng quy định tại điểm a, b, c và d khoản 7 Điều 3 của Nghị định này, mức phạt tiền như sau:
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng hàng thật có trị giá dưới 3.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp dưới 5.000.000 đồng;
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng hàng thật có trị giá từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng, hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng.
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng hàng thật có trị giá trừ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng, hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương số lượng của hàng thật có trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng, hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng.
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng hàng thật có trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng, hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng hàng thật có trị giá từ 30.000.000 đồng trở lên, hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 50.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. |
0
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết