(CHG) Quảng cáo trên internet giờ đã rất phổ biến, theo đó mặt hàng thuốc Đông y, thuốc Nam được quảng cáo với mật độ “dày đặc” trên mạng. Dù các cơ quan chức năng đã có nhiều hoạt động ngăn chặn, nhưng vấn nạn buôn bán thuốc giả, thuốc kém chất lượng vẫn diễn ra. Đây là vấn nạn cần sự chung tay của người tiêu dùng để chấm dứt.
Cần sử dụng thuốc Nam đúng cách để bảo vệ sức khoẻ.
Mối nguy hại từ quảng cáo internet
Các chuyên gia cảnh báo, người bệnh cần thận trọng, tìm hiểu kỹ thông tin khi mua thuốc để tránh tiền mất, tật mang, nhất là các loại thuốc được quảng cáo và bán tràn lan trên mạng internet.
Khảo sát các mạng xã hội lớn nhất hiện nay như facebook, youtube, tiktok.., dễ dàng bắt gặp những video quảng cáo mạo danh gia truyền (ba đời nhà tôi chữa sỏi thận, sỏi mật, to mấy cũng tan ; ba đời nhà tôi chữa bệnh xương khớp ; tôi chỉ cho bài thuốc này khỏe mạnh đến già...) Chưa biết đúng sai ra sao nhưng những lời quảng cáo khoa trương như trên đang trở thành vấn nạn tràn lan khắp mạng internet.
Bác sĩ Nguyễn Viết Nam, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung Ương cho biết, đối với việc sử dụng thuốc nam, thuốc đông y, người bệnh cần phải đến các cơ sở uy tín để tránh tình trạng thuốc bị trộn lẫn hóa chất độc hại, chất cấm gây biến chứng khi sử dụng. Nhiều loại thuốc nam được pha trộn dễ dàng cho người bệnh sử dụng, giảm triệu chứng nhanh hơn thuốc tân dược. Sau đó, khi bị các tác dụng phụ của thuốc, người bệnh mới nhập viện điều trị. Khi đó, tình trạng bệnh đã trở nặng khá nhiều.
Bác sĩ Phạm Thị Lựu, Khoa Nội tiết và Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thực tế, có nhiều bệnh nhân tìm đến các loại thuốc đông y, thuốc nam vì nghĩ thuốc này lành hơn thuốc tây mặc dù không biết nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt là bệnh nhân mắc các bệnh lý mạn tính như đau khớp, gút, viêm mũi xoang, dị ứng... Điều đáng nói, nhóm thuốc này rất khó khi xác định thành phần cũng như liều lượng corticoid trong đó, dẫn đến nhiều tác dụng phụ. Khi corticoid bị trộn lẫn trong thuốc nam, bệnh nhân sắc uống sẽ thấy đỡ đau, tưởng thuốc tốt. Nhưng khi dùng nhiều sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hại. Do vậy, người bệnh cần tuân thủ liệu trình điều trị và chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc điều trị, nhất là các loại thuốc nam thuốc bắc bán trôi nổi trên thị trường.
Để ngăn ngừa tình trạng quảng cáo sai sự thật trên mạng Internet, bảo vệ người tiêu dùng, các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc mạnh mẽ, siết chặt quản lý việc quảng cáo thuốc trên mạng cũng như việc mua bán thuốc không theo đơn như hiện nay.
Các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn kiểm tra các cơ sở kinh doanh bán thuốc Nam.
Dẹp loạn quảng cáo sai sự thật
Cục An toàn thực phẩm vừa phát đi cảnh báo về việc một sản phẩm thuốc nam có tên là Hoàng kim giáp biệt dược, được quảng cáo là chữa dứt điểm khối u, đã giả mạo giấy xác nhận của Bộ Y tế.
Theo đó, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế phát hiện : Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm của Hoàng kim giáp biệt dược (ngày 5/10/2018) là giả mạo.
Đơn vị này khẳng định không cấp giấy xác nhận cho sản phẩm có tên là Hoàng kim giáp biệt dược của HTX Thuốc nam gia truyền Dân tộc Dao (địa chỉ tại Thôn Hợp Sơn, xã Hợp Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội). Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm cho sản phẩm Hoàng Kim Giáp Biệt Dược nêu trên là giả mạo.
Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ theo Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm nêu trên, để quyết định mua và sử dụng sản phẩm có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.
Tại trang web, sản phẩm này được quảng cáo là : Bào chế bởi nhiều thảo dược quý như xạ hôi, bột tam thất, cao xạ đen, trinh nữ hoàng cung, cao huyền sâm... điều trị dứt điểm u tuyến giáp, bướu cổ và phương pháp chữa u tuyến giáp bằng thảo dược không cần mổ, không bị tác dụng phụ.
Không chỉ vậy, sản phẩm còn được quảng cáo có dây chuyền sản xuất hiện đại đạt chuyển GMP-WHO, được Bộ Y tế cấp phép và lưu hành sử dụng.
Trước đó, Cục An toàn thực phẩm cũng phát đi cảnh báo khẳng định : Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm của sản phẩm thuốc đông y gia truyền viên xương khớp Mộc Y Lâm cũng là giả mạo. Cục không cấp giấy này cho sản phẩm Mộc Y lâm của Hộ kinh doanh nhà thuốc gia truyền Phạm Anh Đào (địa chỉ tại phường Thượng Đình, Quận Thanh Xuân, Hà Nội).
Không chỉ thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng cũng đang được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội. Đề cập đến vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế Trần Việt Nga cho biết, Cục ATTP đã có nhiều cuộc làm việc với các đơn vị của Bộ TT&TT, đơn vị liên quan để bàn cách xử lý quảng cáo sai phạm. Có những đơn vị cung cấp quảng cáo đặt máy chủ ở nước ngoài, rất khó kiểm soát và xử lý. Nếu chúng tôi dò tìm từng quảng cáo thì không bao giờ hết được, vì quảng cáo tung theo chùm. Hiện có nhiều tên miền quảng cáo vi phạm bị gỡ những việc đăng ký tên miền còn còn dễ, nên gỡ tên miền này doanh nghiệp lại đăng ký tên khác và lại tiếp tục quảng cáo sai sự thật.
Trước tình trạng quảng cáo thuốc chữa bệnh sai sự thật trên mạng xã hội, Chính phủ đã chỉ đạo, giao Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ TT&TT và các cơ quan liên quan, kiểm tra có biện pháp quản lý, xử lý phù hợp để chấm dứt tình trạng loạn thần y tự xưng trên mạng xã hội hiện nay.
Ông Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, hoạt động quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng ngoài tuân thủ quy định về cung cấp thông tin trên môi trường mạng còn phải bảo đảm các quy định của ngành Y tế về quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt tại Luật Quảng cáo 2012, Luật An toàn thực phẩm 2010... Năm 2020, Sở đã xử phạt 4 tổ chức, cá nhân với số tiền 87,5 triệu đồng do vi phạm quy định của Luật Quảng cáo như : Quảng cáo thực phẩm chức năng không đúng với nội dung xác nhận của Cục An toàn thực phẩm, quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh...
Thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội sẽ tăng cường hơn nữa quản lý hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng nói chung, quảng cáo các sản phẩm thuốc nói riêng kịp thời phát hiện, phối hợp các đơn vị liên quan để xử lý các sai phạm theo quy định.
Mối họa từ việc mua, bán thuốc đông y trên mạng xã hội tồn tại đã lâu, gây nhiều bức xúc cho xã hội. Do đó, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng thì mỗi người dân cũng phải nâng cao nhận thức, không tiếp tay cho những thần y giả mạo này. Chỉ khi kết hợp nhiều giải pháp thì mối lo về thuốc đông y trôi nổi trên mạng xã hội mới dần được loại trừ.
3
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết