(CHG) Chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2011, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã tạo hành lang pháp lý, bảo vệ hữu ích cho người tiêu dùng. Sau gần 12 năm thực thi, đặc biệt sự xuất hiện của nhiều hình thức thương mại điện tử mới và phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử đã khiến bộ luật quan trọng này cần phải sửa đổi, bổ sung để bảo vệ hữu hiệu quyền lợi người tiêu dùng trong thời đại số.
Gian lận trên sàn thương mại điện tử ngày càng nhiều
Tốc độ phát triển của thương mại điện tử Việt Nam được xếp thứ ba trong khu vực Đông Nam Á. Dự đoán đến năm 2025, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt 57 tỷ USD.
Trước đây, thương mại điện tử là bán hàng trên website của doanh nghiệp, rộng hơn nữa là trên các sàn thương mại điện tử. Hiện nay, các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok cũng bán được hàng… Vì vậy, việc đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả, xâm phạm bản quyền càng gặp nhiều khó khăn hơn. Đối tượng buôn bán cũng có nhiều thủ đoạn tinh vi hơn dẫn đến người tiêu bị gian lận ngày càng nhiều.
Thời gian qua, để thanh lọc hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, một số sàn thương mại điện tử như Tiki, Sendo, Chotot... đã dùng công nghệ “máy học” (machine learning - một ứng dụng của trí tuệ nhân tạo AI). Tuy nhiên, chủ các sàn thương mại điện tử cũng thừa nhận, dù áp dụng nhiều giải pháp, nhưng vẫn chưa thể ngăn chặn triệt để tình trạng hàng giả, hàng nhái.
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các sàn thương mại đang áp dụng chế độ đền bù cho khách hàng không may mua phải hàng giả, hàng nhái trên sàn. Theo đó, người mua thanh toán hàng hóa qua nền tảng của sàn thương mại điện tử từ 3 - 7 ngày sau khi giao hàng thành công, nếu không có khiếu nại gì của người mua, sàn mới thanh toán tiền cho người bán.
Cũng chính vì tốc độ tăng trưởng nhanh và doanh nghiệp ngày càng lớn, các đối tượng thường xuyên tận dụng mọi kẽ hở để vừa cung cấp thông tin về hàng hóa, thông tin giao dịch trên internet, quảng bá trực tuyến và khuyến mại rầm rộ; vừa buôn lậu hoặc đưa những hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ qua cửa khẩu, biên giới, cảng biển, sân bay… bán tràn lan trên thị trường nội địa với quy mô lớn.
Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cho biết, hằng năm, Cục đã nhận được hơn 10.000 cuộc gọi phản ánh, khiếu nại tố cáo các vấn đề liên quan đến tranh chấp kinh doanh, vi phạm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Số lượng các khiếu nại tố cáo liên quan đến kinh doanh trên không gian mạng tăng lên rất nhanh và chiếm thứ hai trong tổng số lượng đơn thư (chiếm 15,4%)…
Các hành vi bị phản ánh, khiếu nại thường thấy là: Bán hàng giả, hàng đã qua sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hàng hóa nhận được khác với quảng cáo; thông tin giao dịch của người tiêu dùng bị bên thứ ba lợi dụng để mạo danh giao hàng; tự động hủy đơn hàng; người tiêu dùng không mua được hàng theo giá quảng cáo hoặc khuyến mãi đi kèm; kéo dài thời gian giải quyết khiếu nại hoặc không giải quyết khiếu nại kịp thời…
Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội dựa trên nhiều nguyên tắc, trong đó đề cao giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh phải bảo đảm sự bình đẳng.
Cùng với sự mở rộng của thị trường, những hành vi vi phạm sẽ ngày càng nhiều và đa dạng. Thực tế đó đòi hỏi cơ quan quản lý cần có khuôn khổ pháp lý đủ mạnh có sự thay đổi phù hợp về pháp luật để bảo vệ được người tiêu dùng.
Quốc hội làm việc tại hội trường nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Cần sớm hoàn thiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Theo Bộ Công Thương, tình hình môi trường kinh doanh - tiêu dùng cả trong nước và quốc tế có những biến động so với thời điểm nghiên cứu, xây dựng và ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010. Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014 đã bổ sung thêm nhiều quy định liên quan đến việc bảo đảm đầy đủ các quyền con người, quyền công dân.
Sau đó, nhiều luật mới liên quan đến các khía cạnh trong giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh đã được ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung để tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật Việt Nam như Bộ luật Dân sự 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Luật An ninh mạng 2018, Luật Cạnh tranh 2018, Luật Quản lý ngoại thương 2018…
Nhưng với thời đại số, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần bổ sung các quy định cụ thể về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng. Quy định trách nhiệm đối với tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian, tổ chức, cá nhân kinh doanh được xác định là nền tảng số lớn…
Bên cạnh đó, cần quy định cấm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số gồm: Cấm ép buộc hoặc ngăn cản người tiêu dùng đăng ký sử dụng, hoặc sử dụng nền tảng số trung gian khác như điều kiện bắt buộc để sử dụng dịch vụ; cấm sử dụng các biện pháp ngăn hiển thị hoặc hiển thị không trung thực kết quả phản hồi, đánh giá của người tiêu dùng về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ;...
Xoay quanh nội dung về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), nhiều ý kiến của các chuyên gia cũng cho rằng, cần được thiết kế, xây dựng ra sao để thực sự bảo đảm được quyền lợi của người tiêu dùng trên không gian mạng, nhất là khi thị trường thương mại điện tử ngày một bùng nổ như hiện nay.
Mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề: Trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) cần đề cập rõ hơn về quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người tiêu dùng. Theo đó, dự án Luật cần được nêu rõ là người tiêu dùng cần phải hiểu về các quyền được bảo vệ khi mua sắm hàng hóa như quyền được đảm bảo chất lượng hàng hóa, dịch vụ và các chi phí; các doanh nghiệp tăng giá sản phẩm có đúng hay không. Mặt khác, trong Dự án luật, dịch vụ sự nghiệp công, dịch vụ công ích cho người tiêu dùng chưa được đề cập nên cần được phân tích thấu đáo hơn.
Theo ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, thực tế, các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng chưa có các quy định cụ thể, rõ ràng mặc dù đã có nhiều luật đề cập đến vấn đề này giống với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng gồm: Luật Thương mại, Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin, Luật Cạnh tranh, Luật An toàn thông tin… Do đó, trong Dự thảo luật lần này cần sửa đổi, bổ sung về nội dung giao dịch trên không gian mạng hay giao dịch trên các nền tảng số. Đây là phạm trù mới, rộng, phức tạp và cần phải quy định chi tiết.
Việt Nam hiện đang trong tiến trình hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới. Trong nhiều Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia đều có các cam kết về chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở nước ta. Vì vậy, việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là cần thiết, kịp thời, nhằm hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đảm bảo phù hợp với các văn bản trong hệ thống pháp luật, đặc biệt là những quy định của Bộ Luật Dân sự và các văn bản pháp luật chuyên ngành; đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia hoặc đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục để tham gia. |
1
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết