(CHG) Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội. Do vậy, các đại biểu Quốc hội đề nghị, việc sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng lần này cần hướng đến các giải pháp hữu hiệu, kịp thời để thể chế hóa cách làm, hình thức bảo vệ người tiêu dùng, qua đó giúp họ được bảo vệ trên mọi khía cạnh, mọi góc độ.
Nên điều chỉnh cả dịch vụ có khuyết tật?
Quy định về sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật và thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật (từ Điều 32 đến Điều 35) là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm khi cho ý kiến đối với dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Trên thực tế, Ban soạn thảo đã rất cầu thị nghiên cứu các ý kiến góp ý của ĐBQH tại thảo luận tổ và đã có Báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình ý kiến của ĐBQH rất công phu dài 50 trang, trong đó nêu việc tiếp thu nhiều ý kiến, góp ý xác đáng của đại biểu để hoàn thiện dự án luật. Tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) nhận thấy, việc giải trình không tiếp thu, bổ sung nội dung về "dịch vụ khuyết tật" hay "dịch vụ không bảo đảm chất lượng" như đề nghị của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường - là cơ quan chủ trì thẩm tra, cũng như một số đại biểu khác.
Cho rằng việc này là chưa thỏa đáng, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm chỉ rõ, dự thảo Luật hiện nay có 131 lần sử dụng từ "dịch vụ cùng với hàng hóa" trong các quy định liên quan. Qua đây cho thấy dịch vụ thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án luật và là một khía cạnh liên quan mật thiết tới việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi họ sử dụng có trả tiền hoặc thuê dịch vụ tương tự như đối với sản phẩm hay hàng hóa.
Mặt khác, với nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao và đa dạng, nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam không chỉ gói gọn trong sản phẩm hàng hóa mà còn sử dụng rất nhiều dịch vụ khác nhau phục vụ cuộc sống. Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm lưu ý, đây là những hoạt động bên cạnh việc góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống thì cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng và quyền lợi của người tiêu dùng không chỉ trong ngắn hạn mà đôi khi là dài hạn hay suốt cuộc đời.
Thực tế, đối với dịch vụ, người tiêu dùng có khả năng kiểm soát cao hơn đối với chất lượng và tính an toàn với những hàng hóa khác. Nhưng trong nhiều trường hợp, người tiêu dùng không biết và không thể kiểm soát được tác động thiệt hại của dịch vụ khuyết tật đối với mình, do vậy rất cần được bảo vệ trong khuôn khổ của dự án Luật này.
Bên cạnh đó, Điều 34 dự thảo Luật hiện chỉ quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật mà chưa quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với dịch vụ không bảo đảm chất lượng. Trong khi, Điều 608 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh dịch vụ không bảo đảm chất lượng mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường. Từ thực tế nêu trên, ĐBQH Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) cho rằng, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự và thống nhất ngay trong dự thảo Luật, cần bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh bồi thường trong trường hợp cung cấp dịch vụ không bảo đảm chất lượng, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng.
Với các lý nêu trên, các đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Nguyễn Danh Tú, Hà Ánh Phượng (Phú Thọ), Triệu Thị Huyền (Yên Bái)... nhận thấy, nếu dự thảo Luật không bổ sung quy định về dịch vụ khuyết tật, không bảo đảm chất lượng sẽ khó sát với thực tiễn, vì bản chất của dịch vụ là vô hình, quá trình sản xuất và tiêu dùng diễn ra đồng thời.
Phát sinh trách nhiệm bồi thường khi nào?
Cũng liên quan đến sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật và thu hồi những sản phẩm, hàng hóa này, các ĐBQH quan tâm đến vấn đề thời điểm phát sinh trách nhiệm bồi thường. Bởi, theo quy định tại Khoản 3, Điều 34 của dự thảo Luật, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm hàng hóa có khuyết tật gây ra được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự (Bộ luật Dân sự hiện hành). Trong khi đó, Điều 585 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại được áp dụng dựa trên 4 nguyên tắc, trong đó có nguyên tắc khi thiệt hại thực tế xảy ra.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Vân (Bắc Ninh) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long
Cho rằng quy định nêu trên chưa phúc đáp với đòi hỏi của thực tế, ĐBQH Trần Thị Vân (Bắc Ninh) nhấn mạnh, thực tế không phải lúc nào thiệt hại cũng phát sinh ngay khi người tiêu dùng sử dụng hàng hóa. Tuy nhiên, những hậu quả và thiệt hại này khoa học hoàn toàn có thể chứng minh được nó ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng dù ít hay nhiều.
“Hậu quả của nó không phát sinh ngay tại thời điểm người tiêu dùng sử dụng sản phẩm mà phải trải qua một thời gian dài, có khi đến vài năm hay vài chục năm sau thì mới bộc phát”. Nhấn mạnh điều này, đại biểu Trần Thị Vân băn khoăn: Có nghĩa người tiêu dùng phải chờ một thời gian dài mới có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại? Đến lúc đó, các tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng này còn tồn tại trên thị trường hay không để bồi thường cho người tiêu dùng? Do vậy, cần bổ sung vào Điều 34 dự thảo luật việc áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi hàng hóa có khuyết tật gây ra cho người tiêu dùng không chỉ khi có thiệt hại thực tế xảy ra mà ngay cả khi thiệt hại chưa xảy ra trên thực tế, chỉ cần có căn cứ chứng minh thiệt hại đó chắc chắn sẽ xảy ra.
Về việc quy định liên quan đến miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra, dự thảo Luật quy định: Khi chứng minh được khuyết tật của sản phẩm, hàng hóa không thể phát hiện được với trình độ khoa học, kỹ thuật tại thời điểm tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp cho người tiêu dùng. Với quy định này, đại biểu Trần Thị Vân cho rằng, có bất cập, sơ hở, không bảo đảm bảo vệ đầy đủ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Thậm chí, với quy định của dự thảo Luật, sau khi đưa vào lưu hành, doanh nghiệp phát hiện ra hàng hóa của mình sản xuất có nguy cơ gây thiệt hại cho người tiêu dùng cũng sẽ không phải bồi thường hay thu hồi sản phẩm đó.
Mặt khác, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa hiện hành quy định thời điểm được tính là đến khi hàng hóa đấy gây thiệt hại, nên theo một số ĐBQH, Điều 35 của dự thảo Luật cần được viết lại theo hướng thống nhất với luật liên quan. Quy định như vậy không chỉ bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật, mà sẽ đòi hỏi doanh nghiệp phải có trách nhiệm hơn với hàng hóa của họ, và người tiêu dùng cũng bớt chịu rủi ro, đồng thời bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Hơn nữa, cùng điều chỉnh với một hoạt động, nếu hai luật xác định hai thời điểm khác nhau, khi có tranh chấp sẽ gây khó khăn cho Tòa án vì khó xác định áp dụng theo luật nào để xử lý.
Hồ sơ dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) trình Quốc hội đã được chuẩn bị công phu, đầy đủ, đúng trình tự, thủ tục và thời hạn theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nhưng lắng nghe tiếng nói của thực tiễn cuộc sống, các ĐBQH đã chỉ ra nhiều nội dung khác cần được đưa vào điều chỉnh tại dự án Luật. Bởi, như lý lẽ được đại biểu Nguyễn Thanh Cầm đưa ra, để bảo vệ hữu hiệu quyền lợi của người tiêu dùng, chúng ta phải bảo vệ trên mọi khía cạnh, mọi góc độ. Hơn nữa, dự án Luật này cũng có quy định về nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương là người có đặc điểm và hoàn cảnh khiến họ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi về sức khỏe, tài sản trong quá trình mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không chỉ bao gồm những nhóm như đang nêu ở dự thảo luật lần này.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-tren-moi-goc-do-i307070/
1