(CHG) Vừa qua, nhu cầu sử dụng dầu ăn, dầu thực vật tăng cao nên đã có những cơ sở sản xuất dầu ăn không rõ nguồn gốc bị lực lượng chức năng phát hiện. Trước hiện tượng này, người tiêu dùng cần hiểu rõ quy định nhãn hàng hóa, tiêu chuẩn dầu thực vật để lựa chọn sản phẩm an toàn cho sức khoẻ.
Lực lượng chức năng tỉnh An Giang phát hiện kho sản xuất dầu ăn không rõ nguồn gốc.
Phát hiện nhiều lượng dầu thực vật không rõ nguồn gốc
Liên quan đến dầu thực vật kém chất lượng, vi phạm về quy định ghi nhãn hàng hóa, lực lượng chức năng An Giang đã phát hiện 8.054 lít dầu thực vật, trị giá 234,162 triệu đồng có nhãn không ghi đủ nội dung bắt buộc phải thể hiện theo quy định của pháp luật.
Theo đó, Đội Quản lý thị trường số 1 (ngày 12/2) phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 5 (Cục Quản lý thị trường An Giang) và Công an phường Long Thạnh đã kiểm tra Công ty TNHH một thành viên Q.B.M. (đường Tôn Đức Thắng, khóm Long Thị D, phường Long Thạnh, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang).
Làm việc với cơ quan chức năng, đại diện công ty xuất trình được toàn bộ các loại giấy tờ, hóa đơn, chứng từ có liên quan đến hoạt động sản xuất dầu thực vật. Tuy nhiên, khi kiểm tra hàng hóa đã thành phẩm (dầu đã được đóng trong các chai nhựa PE), lực lượng chức năng phát hiện hàng hóa có nhãn không ghi đủ nội dung bắt buộc phải thể hiện theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, nhãn không ghi ngày sản xuất nhưng có ghi hạn sử dụng, trên nhãn không có hình ảnh, chữ viết và các thông tin khác không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa đó.
Đoàn kiểm tra đã lập biên bản toàn bộ sản phẩm, hàng hóa có nhãn vi phạm quy định để tiếp tục làm rõ, xử lý theo quy định. Số lượng hàng hóa bị tạm giữ là 8.054 lít dầu thực vật, trị giá 234,162 triệu đồng. Lực lượng chức năng cũng đã lấy mẫu để gửi đi kiểm tra chất lượng.
Ngoài vi phạm về nhãn hàng hóa, lực lượng chức năng còn phát hiện Công ty TNHH MTV Q.B.M. nhận gia công, sản xuất dầu thực vật cho một doanh nghiệp ở TP. HCM. Sản phẩm được công bố chất lượng theo yêu cầu của bên thuê gia công. Tại thời điểm kiểm tra, số dầu ăn gia công đã được đóng gói thành phẩm là 3.360 lít (120 can, mỗi can 28 lít), có nhãn hàng hóa đúng quy định. Trị giá số hàng là 92,4 triệu đồng. Đoàn kiểm tra cũng đã lấy mẫu để gửi đi phân tích các chỉ tiêu chất lượng và sẽ xử lí theo quy định pháp luật.
Trước đó, khi đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát tại Km 801 thuộc địa phận thôn Đồng Lâm, xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, tổ cảnh sát giao thông tỉnh Thừa Thiên - Huế nhận thấy xe ô tô tải BKS 74C-107.21, đang di chuyển theo hướng Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế có dấu hiệu nghi vấn, nên ra tín hiệu dừng xe kiểm tra.
Lực lượng chức năng phát hiện thùng sau xe tải chở 3 tấn đường, 10 thùng dầu ăn và 10 thùng bánh nhãn hiệu Thái Lan. Tổng giá trị hàng hóa ước tính khoảng 100 triệu đồng. Tài xế Nam không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Tổ cảnh sát giao thông tỉnh Thừa Thiên - Huế đã lập biên bản, tạm giữ tang vật cùng phương tiện để tiếp tục xác minh, điều tra và làm rõ theo quy định của pháp luật.
Hình ảnh can dầu thực vật vi phạm quy định về nhãn hàng, chất lượng.
Lựa chọn nhãn mắc hàng hoá để đảm bảo chất lượng
Đối với loại dầu thực vật thông thường, hạn sử dụng ghi trên bao bì thường là 18 tháng, thậm chí lâu hơn. Nhưng thực tế, hạn sử dụng này chỉ dành cho dầu ăn chưa mở nắp, dầu ăn sau khi mở nắp đã tiếp xúc với không khí, bụi bặm, tạo ra các gốc tự do peroxide, rất dễ hỏng. Nhất là với những loại dầu kém chất lượng, không đảm bảo an toàn, quá trình dầu biến đổi chất xảy ra nhanh hơn. Việc sử dụng dầu ăn hư hỏng có thể gây ra các triệu chứng ngộ độc thực phẩm như buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng, thậm chí đẩy nhanh quá trình lão hóa, tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và mạch máu não. Vì vậy, để đảm bảo sức khoẻ cho mọi người, người tiêu dùng cần lựa chọn sản phẩm một cách kỹ lưỡng, chú ý đến nguồn gốc, nhãn hàng hóa được ghi trên sản phẩm và mua tại các cửa hàng, siêu thị uy tín.
Về chất lượng liên quan về nhãn mác hàng hóa, ngày 09/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa, trong đó có nhiều điểm mới cần lưu ý như phạm vi điều chỉnh, quy định về nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa, xuất xứ hàng hóa… Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2022.
Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa kể cả nhãn phụ phải bảo đảm ghi nhãn trung thực, rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hóa. Hàng hóa sản xuất để lưu thông trong nước thì tổ chức, cá nhân sản xuất phải chịu trách nhiệm thực hiện ghi nhãn hàng hóa.
Trong trường hợp tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa yêu cầu tổ chức, cá nhân khác thực hiện việc ghi nhãn thì tổ chức, cá nhân đó vẫn phải chịu trách nhiệm về nhãn hàng hóa của mình.
Trong trường hợp tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa yêu cầu tổ chức, cá nhân khác phải thực hiện việc ghi nhãn thì tổ chức, cá nhân đó vẫn phải chịu trách nhiệm về nhãn hàng hóa của mình.
Trong trường hợp hàng hóa xuất khẩu không xuất khẩu được, hoặc bị trả lại, đưa ra lưu thông trên thị trường thì tổ chức, cá nhân đưa hàng hóa ra lưu thông phải ghi nhãn theo quy định của Nghị định này.
Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà nhãn gốc không phù hợp với quy định của Nghị định này thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải ghi nhãn phụ theo quy định tại khoản 3 Điều 7 và các khoản 3,4 Điều 8 của Nghị định này khi đưa ra lưu thông và phải giữ nguyên giá gốc.
Hiện nay, trên thị trường xuất hiện không ít các loại dầu ăn bẩn. Loại dầu này chủ yếu được làm cặn dầu thải chiên đi chiên lại nhiều lần từ các nhà hàng quán ăn hay thịt lợn thừa trong các lò mổ và mỡ gia cầm. Sau khi thu gom chúng được tinh chế thành phẩm như dầu ăn bình thường.
Do kỹ thuật tinh lọc tiên tiến khiến người tiêu dùng gặp khó phân biệt được dầu ăn thật giả. Để tránh mua phải các loại dầu ăn bẩn, người tiêu dùng cần lưu ý những đặc điểm như sau:
Dầu ăn có màu vàng nâu, vàng sậm: Dầu ăn thật thường có màu tươi sáng hơn. Nếu là dầu hạt cải sẽ có màu vàng thoáng chút xanh lục, dầu hạt lạc sẽ thoáng chút sắc cam hoặc vàng cam. Dầu ăn giả có màu sậm, không sáng mà hơi xỉn màu, thông thường sẽ là màu nâu, vàng sậm, hơi đen.
Dầu ăn có lắng cặn: Dầu ăn thật có độ trong suốt cao, không có dấu hiệu đông đặc. Khi lắc can dầu, cảm giác dầu chảy trơn tru và dễ dàng hơn. Tuy nhiên, dầu giả có chứ nhiều tạp chất, các chất hoá học khác nhau nên ở dưới hay bị lắng cặn, đông đặc, càng xuống dưới càng đặc. Nếu lắc nhẹ, bạn sẽ thấy dầu chảy sệt sệt chứ không trơn tru
Dầu ăn có mùi lạ: Nếu không muốn nếm thử, bạn cũng có thể kiểm tra mùi bằng khứu giác. Bạn chỉ cần đổ một ít dầu ăn ra lòng tay rồi ngửi. Dầu ăn giả có mùi hôi, khê, khét hoặc ôi thiu, khó chịu. Bởi chúng có chứ nhiều tạp chất, không được tinh lọc kĩ, khi cho vào chai nhựa sẽ nhanh chóng có phản ứng tạo ra mùi khét lẹt như nhựa cháy.
Dầu ăn có vị lạ: Dầu ăn thật có độ béo ngấy, thơm đặc trưng. Nếu là loại dầu ăn chiết xuất đặc biệt như hạt lạc, dầu hạt cải... sẽ thấy mùi riêng của từng loại. Khi nếm không có vị chua hay vị đắng chát.
Dầu ăn giả không có vị béo ngật và thơm như dầu ăn thật. Khi nếm thử có thể thấy mùi lạ do dầu được pha tạp chất hoặc hoá chất.
Ngoài việc phân biệt dầu ăn bằng cách quan sát, nếm thử vị, các bà nội trợ cũng có thể phân biệt dầu ăn thật - giả bằng cách lấy một chút nước i-ốt nhỏ vào bát dầu ăn, nếu thấy xuất hiện màu xanh lam nổi lên, chứng tỏ dầu ăn đã bị pha trộn tạp chất có chứa tinh bột.
Đun nóng dầu ăn lên tới nhiệt độ 150 độ C rồi để nguội. Nếu dầu có lắng cặn là dầu đã bị pha tạp chất. dầu càng nhiều lắng đọng, chứng tỏ càng nhiều tạp chất.
Như vậy, để tránh mua, sử dụng dầu ăn, dầu thực vật không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, người tiêu dùng cần hiểu rõ những quy định nhãn hàng hoá, tiêu chuẩn để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình./.
4
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết