(CHG) Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH &CN) đã chỉ đạo triển khai và tăng cường phối hợp về việc tuân thủ quy định về chất lượng, đo lường và ghi nhãn hàng hoá đạt được những kết quả tích cực nhằm bảo vệ người tiêu dùng.
Tăng cường phối hợp, phát hiện về chất lượng, đo lường sản phẩm
Việc đảm bảo chất lượng và ghi nhãn hàng hoá được Bộ KH & CN triển khai đồng loạt trong năm qua, đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Thanh tra Bộ đã tiến hành 252 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 252 cơ sở. Kết quả, đã ban hành 38 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là gần 3,6 tỷ đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc thu hồi, tái xuất, tái chế hoặc thay đổi mục đích sử dụng, tiêu hủy lượng hàng hóa vi phạm đối với xăng, dầu. Đồng thời buộc thu hồi kết quả đã cấp cho khách hàng ngoài lĩnh vực đăng ký hoạt động, tước giấy chứng nhận hệ thống quản lý ISO...
Ngoài ra, Bộ KH&CN đã tiến hành kiểm tra đối với 31 tổ chức KH&CN, ban hành 1 quyết định xử phạt hành chính đối với 1 cơ sở, số tiền xử phạt là 1,5 triệu đồng. Tiến hành thanh tra đối với 14 cơ sở và kiểm tra, xác minh đối với 17 cơ sở về sở hữu công nghệ, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 6 cơ sở với số tiền xử phạt là 76 triệu đồng.
Riêng trong quý IV năm 2022, Thanh tra Bộ, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Cục an toàn bức xạ và hạt nhân đã tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với 93 cơ sở, ban hành 27 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh 2 vực an toàn bức xạ & hạt nhân và tiêu chuẩn đo lường chất lượng; sở hữu công nghiệp.
Theo đó, nội dung thanh tra phù hợp với yêu cầu quản lý trong từng giai đoạn cụ thể, Bộ KH&CN đã phối hợp các cơ quan liên quan xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về KH&CN, góp phần xử lý vi phạm, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Bên cạnh những thuận lợi, trong quá trình kiểm tra, phát hiện và xử lý các lực lượng chức năng cũng gặp không ít khó khăn như: Công việc theo chức năng được giao lớn, trong khi lực lượng cán bộ, công chức thanh tra hạn chế về số lượng, nhiều công chức mới còn thiếu kinh nghiệm trong việc xử lý những vấn đề khó, phức tạp, mới phát sinh. Một số quy định pháp luật chưa rõ ràng, còn có những vấn đề chồng chéo, xung đột.
Việc chấp hành quy định pháp luật của doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong lĩnh vực quản lý Nhà nước của ngành KH&CN còn có những diễn biến phức tạp, nhất là đối với những mặt hàng mà ngành KH&CN chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng sản phẩm, hàng hóa; vi phạm pháp luật trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ ngày càng tinh vi, gây nhiều khó khăn trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các chủ thể.
Mặc dù vậy, trong thời gian qua, công tác đấu tranh chống gian lận thương mại và hàng giả đã được Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Bộ KH&CN (Ban Chỉ đạo 389 Bộ KH&CN) quan tâm chỉ đạo triển khai và đã thu được kết quả tích cực.
Ban Chỉ đạo 389 Bộ KH&CN đã chỉ đạo các lực lượng chức năng thuộc bộ tăng cường phối hợp đấu tranh, phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, góp phần tích cực trong công tác đấu tranh chống gian lận thương mại, hàng giả, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, các đơn vị kinh doanh chân chính, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế.
Cần ghi rõ về nhãn hiệu sản phẩm nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Ảnh minh hoạ.
Ghi nhãn hàng hoá là cấp thiết để bảo vệ người tiêu dùng
Hiện nay, việc ghi nhãn hàng hóa có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất, kinh doanh và cơ quan quản lý Nhà nước. Điều đó thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về hàng hóa để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng. Quan trọng hơn, đó là trách nhiệm để nhà sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng bá cho hàng hóa của mình và để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát.
Bà Cao Thị Bích Hà - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ KH & CN cho biết: Trong năm 2022 vừa qua, công tác kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm của Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa có điểm thuận lợi hơn so với các năm trước.
Với việc Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa được giao thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, nên khi phát hiện vi phạm, trưởng đoàn kiểm tra sẽ lập biên bản và Cục trưởng sẽ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, với việc chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Tổng cục trong năm 2022 sát sao, quyết liệt, nên việc tăng cường công tác khảo sát và thực hiện kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc trách nhiệm của Bộ KH &CN và một số mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân được thực hiện liên tục trên phạm vi toàn quốc.
Tuy nhiên, bên cạnh những tổ chức, doanh nghiệp tuân thủ quy định pháp luật về nhãn hàng hóa thì vẫn còn nhiều đơn vị vi phạm, hoặc không ghi nhãn, hoặc có nhãn hàng hóa nhưng ghi sai các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa theo quy định... Mặc dù các cơ quan chức năng đã quyết liệt vào cuộc nhưng các hành vi vi phạm vẫn diễn biến phức tạp.
Mặt khác, lực lượng làm công tác kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa mỏng, tổ chức chưa ổn định và có tính hệ thống chặt chẽ từ trung ương đến địa phương. Hơn nữa, việc đầu tư cho hoạt động kiểm tra chất lượng hàng hóa còn hạn chế, thiếu các phương tiện kiểm tra nhanh để phát hiện vi phạm về chất lượng hàng hóa trên thị trường.
Theo lãnh đạo Bộ KH & CN, hiện nay các đơn vị thuộc Bộ đang tiếp tục thực hiện công tác khảo sát về chất lượng, đo lường và ghi nhãn hàng hóa đối với các sản phẩm, hàng hóa theo Kế hoạch số 119 ngày 2/12/2021 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.
Về phương hướng nhiệm vụ trong năm 2023, Bộ KH&CN sẽ tăng cường công tác phối hợp, trao đổi nghiệp vụ của lực lượng thanh tra ngành khoa học và công nghệ từ Trung ương đến địa phương, kịp thời giải đáp vướng mắc về chuyên môn nghiệp vụ trong quá trình triển khai các cuộc thanh tra.
Bên cạnh đó, Bộ KH&CN phối hợp giải quyết kịp thời những chồng chéo trong hoạt động thanh tra giữa các cơ quan thanh tra ở Trung ương và địa phương. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát theo hướng tập trung rà soát các văn bản, chính sách và quy trình quản lý, thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách Nhà nước để phát hiện và khắc phục kịp thời sơ hở trong cơ chế quản lý, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý tiêu cực phát sinh trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước.
Đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với các tổ chức khoa học và công nghệ, các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ. Thanh tra Bộ chủ trì, phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Cục Sở hữu trí tuệ và các Cục, Vụ khác tổ chức các đoàn thanh tra chuyên ngành, liên ngành để phục vụ công tác quản lý Nhà nước của Bộ. Phối hợp chặt chẽ giữa Bộ KH&CN với các sở KH&CN địa phương trong việc kiện toàn, bảo đảm duy trì cơ cấu tổ chức thanh tra thường xuyên, phát hiện và xử lý những vi phạm bảo vệ người tiêu dùng.
1
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết