(CHG) Thức ăn khi chế biến, đóng gói, đóng hộp, đóng bao kín, bọc nilon kín không có oxy bên trong sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn clostridium botulinum tái hoạt và phát triển, đây là nguyên nhân hàng đầu gây nhiễm độc botulinum.
Các chuyên gia cảnh báo, xu hướng ngộ độc botulinum đang tăng lên do trào lưu sử dụng túi hút khí đựng thực phẩm, sử dụng tủ lạnh không đúng cách, đun thức ăn không đủ chín trước khi ăn...
Liên tục các vụ ngộ độc botulium trong tháng 5
Ngày 14/5, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP. HCM đã tiếp nhận 3 anh em tên N.Đ. (13 tuổi), N.H. (14 tuổi) và N.X. (10 tuổi), trú tại TP. Thủ Đức vào viện vì lý do yếu chi dưới tăng dần, suy hô hấp.
Người nhà khai với bác sĩ, vào ngày 13/5 các bé có ăn chả lụa không rõ nguồn gốc do người dì mua về, có dấu hiệu hư hỏng. Đến chiều cùng ngày, các em bắt đầu chóng mặt, buồn nôn, nôn ói, đau bụng, tiêu lỏng. Trong đó, bé N.Đ. suy hô hấp nặng, phải thở máy và điều trị tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (ICU).
Sau khi được chẩn đoán ngộ độc botulinum, 3 em được dùng 2 lọ thuốc giải BAT còn lại của Bệnh viện Chợ Rẫy TP. HCM chuyển sang và sức khỏe dần cải thiện. Tuy nhiên, đến ngày 18/5, tình trạng của em N.X. bất ngờ trở nặng, phải chuyển từ Khoa Nội tổng hợp vào Khoa ICU.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân đang thở máy tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP. HCM.
Cũng trong ngày 13/5, hai anh em ruột khác (18 tuổi và 26 tuổi, ngụ tại TP. Thủ Đức) cũng ăn bánh mì kèm với chả lụa bán dạo, và một người đàn ông 45 tuổi thì ăn một loại mắm để lâu ngày.
Sau ăn, 3 bệnh nhân trên có triệu chứng rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, đau đầu, đau bụng và tiêu chảy, đến ngày 15/5 thì bắt đầu yếu cơ, khó nuốt. Bệnh nhân 18 tuổi diễn biến sớm nhất nên nhập vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM, trong khi người anh 26 tuổi bị nhẹ hơn nên tự đến Bệnh viện Chợ Rẫy TP. HCM. Sau đó, người đàn ông 45 tuổi cũng nhập Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
Với các triệu chứng điển hình, bác sĩ 3 bệnh viện ngay lập tức nghĩ tới ngộ độc botulinum, nên tổ chức hội chẩn cùng nhau. Trong đó, bệnh nhân 45 tuổi đã lấy được lấy mẫu mang đi xét nghiệm tại Viện Vệ sinh Dịch tễ TP. HCM, xác định có độc tố botulinum.
Hiện tại, hai trường hợp 18 tuổi và 45 tuổi đã liệt cơ, không tự thở được, trong khi bệnh nhân 26 tuổi cũng có nguy cơ diễn tiến nặng, vì đã không còn thuốc giải BAT.
Trước tình hình trên, các bác sĩ chỉ còn cách hỗ trợ theo triệu chứng, nuôi dưỡng, chăm sóc tích cực cho bệnh nhân theo phác đồ điều trị không thuốc giải của Bộ Y tế. Bác sĩ cho biết, bệnh nhân sẽ có khả năng cao nhiễm trùng thứ phát, sau đó sẽ là những biến chứng như suy dinh dưỡng do thở máy kéo dài, liệt hoàn toàn dẫn đến tắc mạch...
Trước đó, chỉ trong vòng 10 ngày, từ ngày 7 – 17/3/2023, trên địa bàn huyện vùng cao Phước Sơn (Quảng Nam) có đến 10 bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc botulinum do ăn cá chép ủ chua, trong đó có 1 người tử vong. Đây là thức ăn truyền thống của đồng bào dân tộc ở địa phương.
Sau khi nhận đề nghị hỗ trợ từ Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy TP. HCM đã cử các chuyên gia hồi sức, chống độc mang theo 5 lọ thuốc giải độc ra Quảng Nam và sử dụng 3 lọ cho các bệnh nhân.
Thuốc giải botulinum (BAT) là loại thuốc quý hiếm không chỉ ở Việt Nam mà hiếm cả trên toàn cầu.
Liên quan đến chùm ngộ độc botulinum tại TP. Thủ Đức (TP. HCM), cơ quan chức năng xác định, món giò lụa được sản xuất từ cơ sở chui, hoạt động gần 2 tháng nay. Đặc biệt, cơ sở không có biển hiệu, không có giấy phép kinh doanh, kinh doanh sản phẩm không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn, chứng từ. |
Thực phẩm dễ gây ngộ độc botulinum và cách phòng tránh
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), thực phẩm gây ngộ độc botulinum thường gặp nhất là thịt hộp. Ngoài ra, các vụ ngộ độc trên thế giới cho thấy tất cả các loại thực phẩm từ rau, củ quả, hải sản… được sản xuất không đảm bảo và đóng gói kín (ví dụ đồ hộp, can, lon, chai, lọ…) cùng môi trường bảo quản bên trong không đảm bảo dẫn tới bào tử phát triển thành vi khuẩn và sinh ngoại độc tố gây ngộ độc. Đặc biệt là thực phẩm chế biến, đóng gói thủ công, sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình hoặc điều kiện sản xuất không đảm bảo.
Ngoài ra, các thực phẩm không được nấu chín trước khi ăn hoặc nấu chín nhưng để lâu dẫn đến bị ôi, thiu cũng có thể gây ngộ độc. Đặc biệt, xu hướng ngộ độc botulinum tăng lên là do trào lưu sử dụng túi hút khí chứa đựng thực phẩm, bảo quản thực phẩm không đảm bảo, sử dụng tủ lạnh không đúng, đun lại không đủ chín trước khi ăn.
Để phòng chống ngộ độc do botulinum, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân nên sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường.
Thực hiện ăn chín, uống sôi, ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín. Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá. Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối...) cần đảm bảo phải chua, mặn. Khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn.
Khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc Botulinum, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Triệu chứng ngộ độc botulinum
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), người nhiễm độc botulinum sẽ xuất hiện sớm các triệu chứng về tiêu hóa như nôn, buồn nôn, đau bụng, bụng trướng, táo bón. Sau đó là các triệu chứng về thần kinh như liệt đối xứng hai bên, xuất phát từ vùng đầu, mặt, cổ, lan xuống chân. Đầu tiên là sụp mi, nhìn đôi, nhìn mờ, đau họng, khó nói, khó nuốt, khàn tiếng, khô miệng. Sau đó là liệt tay, liệt các cơ vùng ngực, bụng và liệt hai chân.
Người bị ngộ độc botulinum thường khởi phát sau 12 - 36 giờ sau ăn, phần lớn trong ngày đầu tiên, có thể trong khoảng 6 - 8 ngày sau ăn. Bệnh kéo dài từ 4 - 8 ngày, bệnh hồi phục tương đối chậm, thường để lại di chứng tương đối dài. Nếu không được điều trị sẽ tử vong sau 3 - 4 ngày.
Ngoài ra, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TP. HCM khuyến cáo người dân về 3 giai đoạn trong chế biến và sử dụng thực phẩm để phòng tránh ngộ độc botulium:
Giai đoạn đầu, khi chế biến thực phẩm tươi sống phải làm trong môi trường sạch. Nghĩa là phải lau chùi, vệ sinh thường xuyên nơi chế biến, lọ chai bảo quản thức ăn để tránh bụi bẩn, đất cát bám vào.
Giai đoạn thứ hai, là quá trình đóng gói bảo quản sản phẩm. Khi đóng gói thực phẩm thì sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn botulinum tái hoạt. Các nhà sản xuất thực phẩm khi đóng gói thường chiếu tia khử khuẩn để thực phẩm an toàn. Còn tại nhà, nếu không có kỹ thuật chuyên môn thì không nên đóng gói kín thực phẩm.
Giai đoạn thứ ba, là giai đoạn sử dụng thức ăn, phải xem hạn dùng. Thường nhà sản xuất sẽ tính toán, sản phẩm được sử dụng trong khoảng thời gian nào thì đảm bảo an toàn, không có vi khuẩn phát triển. Do đó, tuyệt đối không sử dụng thực phẩm quá hạn.
Đối với đồ muối chua thì nên sử dụng độ chua hay độ mặn trên 5%, tức 5%g muối/100g thức ăn. Ở môi trường mặn quá, vi khuẩn không phát triển được. Không sử dụng thực phẩm khi không còn hương vị tự nhiên, biến đổi màu mùi.
Ngoài ra, nấu thức ăn ở nhiệt độ 100 độ C trong vòng 10 - 15 phút cũng sẽ hạn chế được tình trạng ngộ độc botulinum./.
WHO hỗ trợ khẩn cấp cho Việt Nam thuốc điều trị ngộ độc Botulinum |
(CHG) Lực lượng chức năng thành phố Đà Nẵng kiểm tra đột xuất 02 cửa hàng kinh doanh có hành vi trưng bày bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và xử phạt 24 triệu đồng.
Xem chi tiết(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết(CHG) - Trong 9 tháng đầu năm 2024, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) tỉnh Gia Lai đã quyết liệt thực hiện có hiệu quả các kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Xem chi tiết(CHG) Trên 10.000 chai nước hoa không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu nhập lậu được kinh doanh chủ yếu trên Tiktok, Facebook vừa bị Tổ TMĐT, Cục Nghiệp vụ QLTT đột xuất kiểm tra và tiến hành tạm giữ. Đây là sản phẩm được một hot Tiktoker thường xuyên livestream bán trên Tiktokshop.
Xem chi tiết(CHG) Lực lượng chức năng thành phố Đà Nẵng kiểm tra thị trường Tết Trung thu năm 2024 vừa qua, xử phạt 37 đơn vị kinh doanh thực phẩm và đồ chơi trẻ em, với tổng số tiền xử phạt hơn 376 triệu đồng.
Xem chi tiết