Gian dối bị phơi bày
Vụ việc vỡ lở khi cơ quan chức năng phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng liên quan đến việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, cũng như hành vi lừa dối người tiêu dùng có hệ thống mà Hằng Du Mục cùng cộng sự đã thực hiện. Đáng nói hơn, ngoài các hành vi cũ đã bị phanh phui, gần đây sản phẩm Yến sào Loinest (cũng do nhóm của Hằng Du Mục quảng bá và phân phối) tiếp tục dính nghi vấn không thể hiện một số thành phần bắt buộc phải ghi rõ trên nhãn.
Những tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025, cái tên Yến sào Loinest và sản phẩm thực phẩm bổ sung Kera (kẹo rau củ Kera) từng làm mưa làm gió trên các nền tảng mạng xã hội. Dưới sự quảng bá mạnh mẽ của Hằng Du Mục cùng các cộng sự, hai sản phẩm này được gắn mác “thần kỳ” giúp người sử dụng bồi bổ sức khỏe với “30g yến tổ A5”; “1 viên kẹo tương đương 1 đĩa rau”; giúp trẻ ăn rau ngon miệng, hỗ trợ tiêu hóa; “có thể sử dụng cho trẻ từ 3 tuổi trở lên”. Tuy nhiên, ít lâu sau, khi dư luận dậy sóng, cơ quan báo chí tốn nhiều giấy mực phản ánh về việc quảng cáo quá sự thật, có dấu hiệu của hành vi lừa dối người tiêu dùng... cơ quan quản lý đã vào cuộc và phát hiện trong thành phần của kẹo rau củ Kera có chứa Sorbitol, thuốc nhuận tràng.
Việc này sẽ không có gì đáng nói nếu Sorbitol được công khai minh bạch trên nhãn sản phẩm. Thế nhưng, Hằng Du Mục và nhóm sản xuất đã cố tình ém nhẹm thông tin này, khiến người tiêu dùng tin rằng họ đang sử dụng một sản phẩm "tự nhiên", không chất hóa học.
Đối với sản phẩm kẹo rau củ Kera, cơ quan chức năng bước đầu xác định hot TikToker Hằng Du Mục, Quang Linh Vlog, cùng một số đối tượng và tổ chức có hành vi sản xuất hàng giả, lừa dối người tiêu dùng, nhóm đã bị tạm giam (hoa hậu Thùy Tiên bị cấm xuất cảnh).
Điều đó khiến cư dân mạng ngỡ ngàng, người tiêu dùng phẫn nộ, còn cộng đồng doanh nghiệp chân chính thì thêm một lần bị ảnh hưởng niềm tin.
Yến sào Loinest không ghi thành phần bắt buộc phải ghi lên nhãn hàng hóa
Chưa dừng lại ở đó, mới đây dư luận tiếp tục rúng động khi Quỹ Chống hàng giả tiến hành kiểm nghiệm đối chứng sản phẩm Yến sào Loinest, một sản phẩm nhiều tai tiếng về cách quảng cáo, cũng như bị người tiêu dùng nghi ngờ về chất lượng hàng hóa và được quảng bá mạnh mẽ bởi Hằng Du Mục, Quang Linh Vlog, cùng Công ty Cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt trong thời gian qua. Sản phẩm này được giới thiệu là “thuần khiết”, gồm: yến 30g yến tổ A5, đường phèn 4g và nước, hoàn toàn không chứa chất bảo quản.
Tuy nhiên, theo kết quả kiểm nghiệm đối chứng từ Quỹ Chống hàng giả, trong sản phẩm hũ yến sào Loinest 70ml, ngoài ba thành phần được in trên nhãn kể trên, còn phát hiện hai chất phụ gia mà không được ghi trên nhãn hàng hóa: Natri Benzoate/ Sodium Benzoate (hàm lượng 124mg/kg), một chất bảo quản có thể gây hại nếu sử dụng quá liều và Canxi lactat (Tính từ canxi)/ Calcium lactate (hàm lượng 3260mg/kg), một chất thường được sử dụng trong thực phẩm để cải thiện cấu trúc hoặc bổ sung khoáng, nhưng bắt buộc phải ghi rõ trên nhãn nếu có.
Câu hỏi đặt ra: Tại sao một sản phẩm được quảng bá là “nguyên chất”, “không chất bảo quản”, lại chứa các thành phần này mà không công bố? Đây rõ ràng là hành vi lừa dối người tiêu dùng và vi phạm nghiêm trọng quy định ghi nhãn thực phẩm (chúng tôi đã phân tích ở những bài viết trước).
Tận cùng của sự lừa dối
Trao đổi với ông Nguyễn Khắc Ngân, Phó giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Chống hàng giả ACF về nội dung trên, ông Ngân cho biết: “Theo quy định của pháp luật, mọi thành phần có trong thực phẩm chế biến sẵn đều phải ghi rõ trên nhãn, kể cả chất phụ gia với hàm lượng nhỏ. Điều này giúp người tiêu dùng có đầy đủ thông tin để quyết định sử dụng sản phẩm, đồng thời là căn cứ để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng khi có rủi ro xảy ra.
Trong trường hợp che giấu thành phần, nhà sản xuất, phân phối có thể bị xử phạt hành chính nặng, thậm chí bị khởi tố hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng. Đặc biệt, đối với các sản phẩm liên quan đến trẻ em, người cao tuổi hoặc người bệnh (nhóm đối tượng dễ bị tổn thương), hành vi này bị đánh giá là cực kỳ nguy hiểm”.
Điều khiến dư luận bức xúc không chỉ là hành vi vi phạm mà còn là thái độ thiếu trung thực từ phía Hằng Du Mục và các cá nhân, tổ chức liên quan người có liên quan: không lời giải thích chính thức, không nhận trách nhiệm, âm thầm gỡ video liên quan và gỡ sản phẩm khỏi giỏ hàng trên nền tảng mạng xã hội TikTok, các sàn thương mại điện tử khác. Điều này cho thấy một mô hình kinh doanh thiếu đạo đức, trong đó lợi nhuận được đặt lên trên sự an toàn và lòng tin của người tiêu dùng.
Sự việc liên quan đến Hằng Du Mục, Quang Linh Vlog và cộng sự không phải là cá biệt. Trong thời đại số, khi mạng xã hội trở thành công cụ quảng bá mạnh mẽ, không ít cá nhân đã lợi dụng niềm tin của công chúng để bán hàng hóa kém chất lượng, sản phẩm gắn mác “sạch”, “tự nhiên” nhưng thực chất là một trò lừa tinh vi.
Việc Quỹ Chống hàng giả chủ động kiểm nghiệm và công bố kết quả là động thái rất đáng ghi nhận, góp 1 phần cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, việc cơ quan chức năng đã, đang và sẽ rốt ráo điều tra, xử lý vụ việc liên quan đến Hằng Du Mục, cùng các cá nhân, tổ chức liên quan, thắp nên ngọn lửa niềm tin đối với người tiêu dùng, đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.
Trong một thị trường hỗn loạn thông tin như hiện nay, sự cảnh giác và chọn lọc thông minh là điều bắt buộc đối với mỗi người tiêu dùng. Vụ việc liên quan đến Hằng Du Mục, Quang Linh Vlog và các tổ chức liên quan là hồi chuông thức tỉnh đối với các cá nhân, tổ chức đang lợi dụng niềm tin của cộng đồng để trục lợi.
Một xã hội công bằng và lành mạnh sẽ không bao giờ dung túng cho những kẻ lấy “niềm tin” làm vỏ bọc cho “sự lừa dối đến tận cùng”.
Nhằm đưa thông tin, khách quan đa chiều về thông tin liên quan đến thành phần bắt buộc phải ghi trên nhãn sản phẩm Yến sào Loinest, phóng viên đã nhiều lần gọi điện cho đại diện Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Loinest, nhưng bất thành. Trao đổi với phóng viên, đại diện của UBND phường Hạ Đình cho biết: "Sau khi đón nhận thông tin từ Tạp chí điện tử Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại, chúng tôi đã tổ chức xác minh đơn vị trên. Tuy nhiên, hiện nay Công ty này không còn thuê địa điểm trên". Việc mất liên lạc với Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Loinest khiến không ít người tiêu dùng hoang mang và bức xúc và đặt nghi vấn: phải chăng đơn vị này đang "sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi", "né" trách nhiệm, bỏ mặc người tiêu dùng khi muốn đổi, trả hàng hóa. |
(CHG)-Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, vừa triệt phá thành công chuyên án đấu tranh làm rõ, bắt xử lý bốn vụ vi phạm quy định về an toàn thực phẩm với quy mô rất lớn. Đặc biệt điểm đến của một số thực phẩm này là Bách Hóa xanh khiến người tiêu dùng hoang mang.
Xem chi tiết(CHG) Trong các ngày 29/10, 06/11 và 19/11/2024, Đội QLTT số 1 (phụ trách địa bàn thành phố Mỹ Tho và huyện Châu Thành) đã tiến hành kiểm tra đột xuất và phát hiện 04 cơ sở kinh doanh vi phạm trên nền tảng điện tử…
Xem chi tiết(CHG) Lực lượng chức năng thành phố Đà Nẵng kiểm tra đột xuất 02 cửa hàng kinh doanh có hành vi trưng bày bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và xử phạt 24 triệu đồng.
Xem chi tiết(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết(CHG) - Trong 9 tháng đầu năm 2024, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) tỉnh Gia Lai đã quyết liệt thực hiện có hiệu quả các kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Xem chi tiết