Dù chưa có phiếu công bố sản phẩm nhưng TPBVSK Giấm táo Slim của Công ty cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu Đan Thy đăng bán vô tư khắp các gian hàng điện tử, trang mạng xã hội,...? |
Mới đây, Tạp chí điện tử Kỹ thuật chống hàng giả và Gian lận thương mại nhận được phản ánh từ người tiêu dùng về việc sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ (TPBVSK) Giấm táo Slim hỗ trợ giảm béo của Công ty cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu Đan Thy chưa có phiếu công bố đã bán cho người tiêu dùng.
“Tháng 4 sản phẩm mới ra mắt”
Là câu trả lời của chủ tài khoản face book “Nguyễn Hương” với chị T khi chị T hỏi có phiếu công bố sản phẩm chưa.
Cụ thể, theo thông tin chị T chia sẻ, bản thân chị bị tụ nhiều mỡ vùng bụng nên gần đây chị thường xuyên lên mạng tìm hiểu các dòng sản phẩm giảm cân an toàn để sử dụng thì vô tình thấy hình ảnh sản phẩm giấm táo Slim xuất hiện nhiều trên shopee cũng như một số trang Face book. “Ban đầu cũng băn khoăn, tuy nhiên, tôi thấy nhiều trang face book đăng hình ảnh á hậu Huyền My với thông tin là đại sứ thương hiệu cho sản phẩm này nên cũng có chút tin tưởng và nhắn tin hỏi...”.Sau đó chủ tài khoản face book có tên “Nguyễn Hương” tư vấn rất nhiệt tình “đây là sản phẩm giảm béo toàn thân, đặc biệt là vùng bụng”, “bản thân mình cũng đang sử dụng khá hiệu quả, mới sử dụng 3 ngày nhưng đã giảm rất là nhiều”. Một liệu trình 28 ngày sẽ giảm được từ 3-6kg tuỳ cơ địa mỡ lỏng hay mỡ cứng.
Tháng 4 mới ra mắt nhưng những tài khoản face book tự xưng là CTHĐQT Đan Thy, GĐKD miền Bắc mỹ phẩm Đan Thy liên tục đăng bán thực phẩm giấm táo Slim rất rầm rộ? |
Để minh chứng cho lời mình nói, vị này còn gửi cho chị T hình ảnh trước và sau khi sử dụng sản phẩm Giấm táo của chính mình. Tin tưởng, chị T đã đặt mua 1 liệu trình 28 ngày với 4 gói to. Mỗi gói to chứa 07 gói nhỏ, tổng 28 gói với giá 1.000.000 đồng.
Chị T cho biết thêm, khi chị T nhận sản phẩm, không hề có bất kỳ một giấy tờ, hoá đơn nào ngoài 04 túi màu xanh lá cây hình như trái táo. Điều này khiến chị T vô cùng hoang mang, sợ bị lừa nên vội vàng nhắn tin cho người bán thông báo về việc đã thanh toán tiền hàng và hỏi xin chứng từ hóa đơn thì được trả lời “lần mua sản phẩm sau sẽ gửi kèm”, sau đó chị T hỏi sản phẩm này đã có công bố hay chưa thì tiếp tục nhận được câu trả lời rằng sang tháng tư sản phẩm mới ra mắt, nhưng nếu khách có nhu cầu chị vẫn lấy cho mọi người sử dụng, vì em hỏi nên chị bán cho em”.
Cũng theo chị T, ngay sau khi nhận sản phẩm cùng với những lời tư vấn hết sức thuyết phục, chị đã sử dụng sản phẩm này. “Sau khi uống gói đầu tiên theo hướng dẫn của người bán thì bỗng nhiên tôi bị chóng mặt và đi ngoài liên tục”. Ngay lập tức vị khách hàng này đã phản hồi với người bán. Phía người bán vẫn khẳng định không sao “có phản ứng vậy là cơ thể mình đang phản ứng với thành phần trong giảm cân…” và hướng dẫn khách hàng tiếp tục sử dụng sản phẩm vào ngày hôm sau sau khi ăn sáng 15-30 phút.
Việc sản phẩm TPBVSK Giấm táo Slim của Công ty cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu Đan Thy chưa được ra mắt, chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền cho phép lưu hành đã bán ra thị trường làm tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho người sử dụng, vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm.
Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, hiện thực phẩm này đang được đăng bán tràn lan trên khắp các gian hang điện tử Shopee, Lazada với mức giá dao động từ 149.000 đồng đến 286.000 đồng/gói tương đương 140ml (bên trong có 07 gói nhỏ mỗi gói 20ml).
Đáng nói các sản phẩm này, gói thì có số lô, ngày sản xuất, hạn sử dụng; gói lại không có.
Trong khi đó, ngày sản xuất, hạn sử dụng là các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn đối với lương thực, thực phẩm, TPBVSK... Điều này được quy định rõ tại phụ lục I, Nghị định 111/2021/NĐ-CP ngày 09/12/2021 của Chính phủ.
Theo thông tin được in trên bao bì sản phẩm, TPBVSK Giấm táo Slim hỗ trợ giảm béo do Công ty cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu Đan Thy có địa chỉ tại số 164/10 đường An Phú Đông 9, Khu phố 1, phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm về chất lượng và phân phối và do Công ty TNHH sản xuất – Y dược phẩm Vĩnh Điển sản xuất.
Được biết, công ty cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu Đan Thy cũng vừa mới được thành lập hồi giữa tháng 1 năm nay.
Xử phạt khi không công bố chất lượng thực phẩm chức năng
Công bố tiêu chuẩn chất lượng là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi loại thực phẩm trước khi lưu thông trên thị trường. Thực phẩm không công bố tiêu chuẩn chất lượng, chất lượng không đúng với tiêu chuẩn chất lượng đã công bố sẽ bị xử lý.
Theo quy định về an toàn thực phẩm tại điều 6 Nghi định 15/2018/NĐ-CP thì Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải đăng ký bản công bố sản phẩm đối với các sản phẩm sau đây:
Thứ nhất, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt.
Thứ 2, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi.
Thứ 3, phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc trong danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc không đúng đối tượng sử dụng do Bộ Y tế quy định.
Điều 20 Nghị định 115/2018/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm cũng ghi rõ:
1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:
a, Không thực hiện thông báo, đăng tải, niêm yết bản tự công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật;
b, Không nộp 01 bản tự công bố sản phẩm đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
c, Không lưu giữ hồ sơ đã tự công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật;
d, Tài liệu bằng tiếng nước ngoài trong hồ sơ tự công bố sản phẩm không được dịch sang tiếng Việt và không được công chứng theo quy định.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây về sử dụng phiếu kết quả kiểm nghiệm để tự công bố sản phẩm:
a) Sử dụng phiếu kết quả kiểm nghiệm đã hết hiệu lực;
b) Phiếu kết quả kiểm nghiệm không đầy đủ chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật;
c) Phiếu kết quả kiểm nghiệm có ít nhất một trong các chỉ tiêu an toàn thực phẩm không phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn tương ứng hoặc không phù hợp quy định của pháp luật;
d) Phiếu kết quả kiểm nghiệm được cấp bởi phòng kiểm nghiệm không được chỉ định hoặc không được công nhận phù hợp ISO 17025;
đ) Phiếu kết quả kiểm nghiệm không phải là bản chính hoặc bản sao chứng thực.
3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm có ít nhất một trong các chỉ tiêu an toàn thực phẩm không phù hợp với mức quy định tại quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định của pháp luật tương ứng hoặc mức công bố hoặc mức ghi trên nhãn đối với sản phẩm không có bản tự công bố sản phẩm.
b) Nội dung yêu cầu về an toàn thực phẩm tự công bố không phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn tương ứng hoặc không phù hợp quy định của pháp luật.
4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm mà không có bản tự công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật.
b) Tự công bố sản phẩm đối với sản phẩm thuộc diện phải đăng ký bản công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật.
5. Hình thức xử phạt bổ sung:
Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, nhập khẩu thực phẩm từ 01 tháng đến 03 tháng đối với vi phạm quy định tại các khoản 3 và 4 Điều này.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thu hồi thực phẩm đối với vi phạm quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này;
b) Buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế hoặc buộc tiêu hủy thực phẩm đối với vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 và điểm a khoản 4 Điều này;
c) Buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm đối với vi phạm quy định tại khoản 2, điểm b khoản 3 và điểm b khoản 4 Điều này.
(CHG) Lực lượng chức năng thành phố Đà Nẵng kiểm tra đột xuất 02 cửa hàng kinh doanh có hành vi trưng bày bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và xử phạt 24 triệu đồng.
Xem chi tiết(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết(CHG) - Trong 9 tháng đầu năm 2024, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) tỉnh Gia Lai đã quyết liệt thực hiện có hiệu quả các kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Xem chi tiết(CHG) Trên 10.000 chai nước hoa không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu nhập lậu được kinh doanh chủ yếu trên Tiktok, Facebook vừa bị Tổ TMĐT, Cục Nghiệp vụ QLTT đột xuất kiểm tra và tiến hành tạm giữ. Đây là sản phẩm được một hot Tiktoker thường xuyên livestream bán trên Tiktokshop.
Xem chi tiết(CHG) Lực lượng chức năng thành phố Đà Nẵng kiểm tra thị trường Tết Trung thu năm 2024 vừa qua, xử phạt 37 đơn vị kinh doanh thực phẩm và đồ chơi trẻ em, với tổng số tiền xử phạt hơn 376 triệu đồng.
Xem chi tiết