Sự thật về thiết bị “siêu tiết kiệm điện” bán tràn lan trên thị trường


(CHG) Nắng nóng kéo dài khiến vấn đề tiết kiệm điện lại trở  nên nóng hơn bao giờ hết. Nắm được tâm lý của nhiều người dân có nhu cầu tiết kiệm điện nên thời gian gần đây trên mạng xã hội rao bán tràn lan các thiết bị tiết kiệm điện. Tuy nhiên, các thiết bị này có thực sự tiết kiệm điện hay chỉ là chiêu trò móc túi khách hàng?

“Thiết bị siêu tiết kiệm điện” bán tràn lan

Chỉ cần vào mạng gõ cụm từ “thiết bị tiết kiệm điện”, ngay lập tức cho ra tới hàng triệu kết quả liên quan. Và giá bán cho loại thiết bị này cũng rất phong phú, rẻ có thể chỉ vài trăm, đắt có thể lên tới vài triệu đồng. Đa số các thiết bị này đều được quảng cáo với những lời lẽ có cánh như: “thiết bị tiết kiệm điện, giảm điện tiêu thụ đến 40% hóa đơn tiền điện; Bảo hành uy tín 1 đổi 1. Bảo hành đổi mới 24 tháng; Cam kết nếu không giảm tiền điện sau 1 tháng sử dụng, hoàn tiền sử dụng nếu không hiệu quả…”.

Những người bán hàng quảng cáo thiết bị tiết kiệm điện còn không quên đăng kèm hóa đơn tiền điện để lấy lòng tin của khách hàng.

Chẳng khó khăn gì để sở hữu một thiết bị tiết kiệm điện, người mua chỉ cần vào bất kỳ một trang web nào rao bán thiết bị tiết kiệm như khuyenmai…com, sanphamch…info. Sau đó, người mua để lại thông tin như số điện thoại, tên tuổi và địa chỉ, vài phút sau sẽ có nhân viên bán hàng liên lạc lại.
Trong vai là người có nhu cầu mua thiết bị tiết kiệm điện, phóng viên đã để lại số điện thoại trên 1 trang web và rất nhanh chóng nhận được cuộc gọi tư vấn của người bán hàng và không quên khẳng định nếu đặt hàng thì chỉ khoảng 3 ngày sau sẽ nhận được. Khách có thể chuyển khoản trước một phần hoặc nhận hàng rồi trả tiền.
Tiếp tục tìm một trang mạng xã hội rao báo thiết bị tiết kiệm điện, chúng tôi ngỏ ý muốn mua số lượng lớn để mở đại lý bán và gặp giao dịch trực tiếp tại công ty. Nhân viên bán hàng cho hay, báo số lượng sẽ giao hàng trực tiếp chứ không gặp tại công ty.
“Giá chuẩn bên em bán là 850.000 đồng, nếu mua số lượng lớn sẽ giảm giá còn 530.000 đồng cho một thiết bị. Đây là sản phẩm được công ty phân phối độc quyền, chứ không có đại lý bán lẻ trên thị trường” - nhân viên cho hay.
Theo quan sát của phóng viên, các trang web, mạng xã hội đăng tải những lời quảng cáo, hình ảnh hết sức hấp dẫn. Không những vậy họ còn làm cả những clip để chứng minh thiết bị đó tiết kiệm điện là có thật.
Thậm chí nhiều người bán còn “vẽ” hẳn ra một viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu thiết bị điện… họ cho rằng, sản phẩm tiết kiệm điện này là thành quả của rất nhiều các kỹ sư, và mất rất nhiều thời gian. Chính vì những lời quảng cáo “có cánh” mà các trang bán sản phẩm này thu hút được rất nhiều lượt “like”, theo dõi và rất nhiều comment đặt hàng.
Theo ông Lê Văn Hưởng, chủ siêu thị mini chuyên điện tử điện lạnh ở khu chợ Bông Đỏ (Hà Đông, Hà Nội) thì những mặt hàng này đa phần chỉ bán online nên khách hàng rất khó kiểm tra được hàng hóa trước khi mua. Hơn nữa, ngay sau khi nhận hàng, đi kèm sản phẩm là một tờ giấy giới thiệu bằng tiếng nước ngoài, không có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt. Và hơn hết, thiết bị này không có tính năng tiết kiệm điện như quảng cáo.
Chị Lê Thị Mỹ Hạnh (ngõ 10, phố Kiên Cương, Nam Từ Liêm) chia sẻ: “Mình đặt mua sản phẩm tiết kiệm điện trên mạng với giá hơn 1 triệu đồng nhưng khi nhận về là một gói hàng không có nguồn gốc xuất xứ cũng không có mã vạch. Hướng dẫn sử dụng thì toàn tiếng Anh đến khi lắp chạy thử thì thấy chẳng có tác dụng gì nhưng phản hồi thì không nhận được tương tác từ bên bán nên đành bỏ xó thôi”.

Một sản phẩm tiết kiệm điện đang “làm mưa làm gió” trên thị trường có giá khoảng 300.000 đồng.

Một nạn nhân khác là ông Đặng Văn Thành, (tổ 3, Văn Phú, Phú La, Hà Đông). Tin vào quảng cáo, ông Thành đã bỏ ra hơn 500.000 đồng để mua một thiết bị. Ông Thành cho biết, theo hướng dẫn sử dụng, chỉ cần cắm thiết bị này vào nguồn điện là lượng điện tiêu thụ sẽ giảm 30 - 40% nhưng thực tế lại làm ông rất thất vọng. Ông Thành cho biết: “Tháng đầu tưởng tiết kiệm điện, tháng thứ hai tiêu thụ điện năng còn nhiều hơn. Tôi gọi lại cho nơi bán hàng thì người ta vẫn cứ bảo đó là thiết bị tiết kiệm điện”.
Cam kết giảm 40% tiền điện sau 1 tháng sử dụng, hoàn tiền sử dụng nếu không hiệu quả, có thể giảm tới 50% lượng điện tiêu thụ mỗi tháng… những lời quảng cáo này xuất hiện tràn lan khiến người tiêu dùng lạc vào “mê hồn trận” các sản phẩm tiết kiệm điện với hàng trăm mẫu mã, chủng loại, nguồn gốc, xuất xứ khác nhau.
Một sản phẩm tiết kiệm điện được bán với giá 300.000 đồng thì được kèm theo một tờ giấy hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt cho thấy hiệu quả của sản phẩm có thể giúp giảm lượng điện năng tiêu thụ đến 28.000w. Sản phẩm này có kèm theo một giấy bảo hành 6 tháng tại Công ty đầu tư công nghệ ĐS.
Trên 2 giấy giới thiệu nguyên lý hoạt động của cả 2 sản phẩm đều vẽ một đồ thị thể hiện nguyên lý hoạt động giống hệt nhau, như được in ra từ một nguồn và không thể hiện rõ bất kỳ một đại lượng nào.
Các thiết bị này đều có dạng khối hộp, kích thước tương đương chuột máy tính, có một hoặc hai đèn báo. Ngoài vỏ hộp chỉ ghi đơn giản: “Electric saving box”, “Hộp tiết kiệm điện thông minh”... Người bán cho biết chỉ cần cắm vào nguồn điện trong nhà là đã có thể sử dụng. Bên cạnh hạn chế năng lượng tiêu hao, chúng còn được “tung hô” là có thể kéo dài tuổi thọ, làm giảm bức xạ điện từ có hại thoát ra từ dây cáp và thiết bị điện.
Quảng cáo là vậy, nhưng hiệu quả của thiết bị này không những không tiết kiệm điện mà thậm chí còn tăng thêm điện năng và chỉ là chiêu trò quảng cáo để đánh lừa người tiêu dùng. Trước tình trạng này, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội vừa có công văn hỏa tốc, gửi đội trưởng các đội Quản lý thị trường nhanh chóng xác minh, kiểm tra xử lý hành vi vi phạm trong kinh doanh, lưu thông hàng hóa thiết bị điện.
Có thật như lời quảng cáo?
Vì những lời quảng cáo quá hấp dẫn, nhiều người đã “mắc bẫy” bỏ tiền mua 1 thiết bị về sử dụng nhưng tác dụng không như mong muốn.

Người bán còn đăng tải clip hướng dẫn sử dụng để người mua tăng độ tin tưởng (Ảnh cắt từ clip).

Anh Lê Cường (Thanh Liệt, Thanh Trì) bức xúc: “Từ khi đợt nắng nóng đỉnh điểm xuất hiện, tôi có nghe một số người thân nói chuyện về thiết bị tiết kiệm điện. Sau đó tôi đã lên mạng mua một thiết bị về dùng thử, họ nói giá chỉ 400.000 đồng nhưng lại tiết kiệm tới 40% tiền điện. Dù có phần nghi ngờ nhưng tôi vẫn quyết định mua về để dùng. Sau khi cắm thử vào ổ điện, sau 1 tiếng tôi thấy đồng hồ công tơ điện vẫn quay đủ số vòng như mọi khi”.
Sau khi biết mình bị lừa, anh Cường đã tháo tung hết thiết bị này xem bên trong có những thứ gì. Theo như anh Cường, thiết bị được quảng cáo “tiết kiệm điện” giá rẻ chỉ là một bảng mạch đơn giản. Khi cắm điện, đèn báo sáng lên. Khi mang đi hỏi nhân viên kỹ thuật điện quản lý khu vực nhà mình, anh Cường được nhân viên này cho biết, các mạch điện này chỉ có tác dụng thắp sáng đèn LED bên trong.
Theo tiết lộ của anh Lê Quang Thuận (Tân Yên, Bắc Giang), người chuyên buôn bán các thiết bị điện thì mặt hàng này đều được sản xuất từ Trung Quốc, chủ yếu được các con buôn nhập từ đường tiểu ngạch. “Chắc chắn sẽ không được kiểm tra về chất lượng. Tôi cũng không biết nó có tác dụng gì nữa, thấy họ bảo bán được thì bán thôi. Thực tế mặt hàng này trước tôi cũng từng buôn, giá gốc chỉ khoảng vài chục nghìn thôi, về bán 300- 500 nghìn đồng. Sau này thấy bán được, rất nhiều người đã nhập về sau đó làm một fanpage, thậm chí thiết kế cả 1 trang web để bán. Những ngày đầu, mặt hàng này bán rất chạy, có ngày tôi bán được cả trăm cái… Rồi sau khoảng 5 tháng nhận được nhiều phản hồi không tốt từ khách, trang bán hàng cũng dần thưa khách nên tôi đã chán và chuyển sang mua bán, kinh doanh mặt hàng khác” - anh Thuận chia sẻ.
Trước rất nhiều phản ánh của người dân về thiết bị tiết kiệm điện bán tràn lan, ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, trong thời gian vừa qua, các chuyên gia kỹ thuật đã nhiều lần cảnh báo về những loại "thiết bị siêu tiết kiệm điện" được quảng cáo trên mạng có khả năng giảm từ 30% đến 40% lượng điện tiêu thụ. Kiểm chứng thực tế cho thấy hoàn toàn không thể giảm điện năng tiêu thụ ở mức lớn như vậy. Các thiết bị trên hoàn toàn không được Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương hoặc đơn vị chuyên ngành về tiết kiệm năng lượng có uy tín trên thị trường chứng nhận về hiệu quả tiết kiệm điện như quảng cáo.
“Các thiết bị này không những không làm giảm điện năng tiêu thụ, mà còn tốn thêm tiền điện và tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nổ" - ông Trịnh Quốc Vũ khẳng định.
Đồng quan điểm, tiến sĩ Trần Văn Thịnh, nguyên Trưởng Bộ môn Thiết bị điện, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, về mặt kỹ thuật, tất cả các thiết bị điện khi cắm vào nguồn điện và hoạt động đều tiêu thụ một lượng điện năng nhất định. Các thiết bị đấu vào mạch điện phía sau công tơ chỉ có thể cải thiện một phần hệ số công suất của thiết bị điện, làm giảm tổn thất điện năng của dây dẫn và giảm một phần hao phí. Tuy nhiên, không thể có thiết bị nào đấu nối sau công tơ làm giảm tới 30-40% lượng điện năng tiêu thụ như quảng cáo. Có thể nói đây chỉ là chiêu trò lừa đảo khách hàng, lợi dụng tâm lý muốn tiết kiệm chi tiêu của người tiêu dùng.
Đặc biệt, những thiết bị trôi nổi được quảng cáo này có thể làm hỏng thiết bị điện trong gia đình do làm cho dòng điện không ổn định. Trường hợp nếu có loại thiết bị có tác dụng can thiệp trực tiếp vào hoạt động công tơ điện làm cho công tơ điện chạy chậm lại, thì cũng có nghĩa là người sử dụng thiết bị này đang thực hiện hành vi ăn cắp điện, như vậy đã vi phạm quy định sử dụng điện và sẽ bị truy thu tiền điện, thậm chí có thể bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
"Các thiết bị này sử dụng các tụ bù (loại tụ này dễ bị phồng rộp, chập mạch gây cháy nổ), ngoài ra có nhiều thiết bị chỉ là một bo mạch gồm các điện trở và tụ bù lắp lại với nhau với mục đích làm sáng đèn led khi chúng ta cắm vào nguồn điện. Do đó, không những không làm giảm điện năng tiêu thụ mà các thiết bị này còn tốn thêm tiền điện và tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nổ" - tiến sĩ Thịnh cho hay.

Tập đoàn điện lực Việt Nam gần đây đã đưa ra cảnh báo, tình trạng bán những thiết bị tiết kiệm điện trên mạng chỉ là chiêu trò để móc túi người tiêu dùng. Người dân thay vì tin vào những thiết bị tiết kiệm điện trôi nổi trên mạng thì cần nâng cao ý thức sử dụng tiết kiệm điện. Chẳng hạn như không nên sử dụng đồng thời các thiết bị điện có công suất lớn như điều hòa, nóng lạnh, bếp điện… Khi bật điều hoà nên để ở mức 26-27 độ C trở lên và kết hợp dùng quạt…
Thực tế, các thiết bị tiết kiệm điện hoàn toàn không được Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Công Thương hoặc đơn vị chuyên ngành về tiết kiệm năng lượng có uy tín trên thị trường chứng nhận về hiệu quả tiết kiệm điện như quảng cáo.
Bên cạnh đó, theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung phối hợp với Ban Kiểm tra giám sát Mua bán điện Tổng công ty Điện lực miền Trung thực hiện, khi mổ xẻ sản phẩm tiết kiệm điện có tên gọi là Electric Saving Box, sản phẩm được đựng trong một hộp nhựa bình thường, bên trong thiết bị chỉ gồm cầu chì, vài con điện trở và hai bóng đèn led. Sau quá trình thí nghiệm, thiết bị khi sử dụng có thể làm giảm độ lớn giá trị dòng điện qua tải, nhưng không thể làm giảm được lượng điện năng tiêu thụ, dẫn đến công suất tiêu thụ luôn luôn tăng (tức là thiết bị tiết kiệm điện này không làm thay đổi sản lượng điện tiêu thụ đo đếm được trên công tơ). Như vậy, có thể hiểu thiết bị tiết kiệm điện này thực chất chỉ là một cách “quảng cáo ảo” của nhà sản xuất đưa ra để bán sản phẩm và đánh lừa khách hàng.

Nguồn: Công an Nhân dân

Còn lại: 1000 ký tự
Đà Nẵng: Xử phạt 02 cửa hàng trưng bày để bán hàng giả mạo nhãn hiệu

(CHG) Lực lượng chức năng thành phố Đà Nẵng kiểm tra đột xuất 02 cửa hàng kinh doanh có hành vi trưng bày bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và xử phạt 24 triệu đồng.

Xem chi tiết
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường

(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.

Xem chi tiết
Gia Lai: Tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 03 tháng cuối năm 2024

(CHG) - Trong 9 tháng đầu năm 2024, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) tỉnh Gia Lai đã quyết liệt thực hiện có hiệu quả các kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Xem chi tiết
Hơn 10.000 chai nước hoa không rõ nguồn gốc bán trên tài khoản Tiktok “Phan Thủy Tiên” bị thu giữ

(CHG) Trên 10.000 chai nước hoa không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu nhập lậu được kinh doanh chủ yếu trên Tiktok, Facebook vừa bị Tổ TMĐT, Cục Nghiệp vụ QLTT đột xuất kiểm tra và tiến hành tạm giữ. Đây là sản phẩm được một hot Tiktoker thường xuyên livestream bán trên Tiktokshop.

Xem chi tiết
Đà Nẵng: Tịch thu hơn 6.200 mặt hàng thực phẩm và đồ chơi trẻ em

(CHG) Lực lượng chức năng thành phố Đà Nẵng kiểm tra thị trường Tết Trung thu năm 2024 vừa qua, xử phạt 37 đơn vị kinh doanh thực phẩm và đồ chơi trẻ em, với tổng số tiền xử phạt hơn 376 triệu đồng.

Xem chi tiết
2
2
2
3