(CHG) Thực trạng hiện nay, khối lượng rác thải điện tử ở Việt Nam đang gia tăng tới mức cần báo động. Nguy hại hơn, máy tính xách tay, điện thoại cũ, hàng điện tử nhập lậu nếu không được xử lý đúng cách trước khi bị vứt bỏ có thể gây ra mối đe dọa nguy hiểm, như rò rỉ hóa chất độc hại và dữ liệu nhạy cảm.
Điện thoại, máy tính cũ, qua sử dụng là hàng cấm nhập khẩu về Việt Nam và bị nghi là hàng nhập lậu hiện đang được rất nhiều thương nhân có tiếng quảng cáo bán hàng công khai, nhưng không xuất hóa đơn VAT cho khách (ảnh minh họa).
Ô nhiễm môi trường từ rác thải điện tử
Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, các thiết bị điện, điện tử được sản xuất ngày càng nhiều, phục vụ đắc lực cho nhu cầu của con người. Tuy nhiên, những sản phẩm điện, điện tử lại đang bị người tiêu dùng Việt Nam thải hồi, thay thế một cách nhanh chóng, trở thành nguồn rác thải khổng lồ với hàng trăm nghìn tấn mỗi năm, gây ô nhiễm môi trường và là hiểm họa báo động với sức khỏe con người.
Nền kinh tế phát triển, đời sống người dân được nâng cao, nhu cầu liên lạc cùng với việc sử dụng điện thoại di động, máy tính để bán hàng oline cũng vì thế luôn tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây, điều này được minh chứng là rất nhiều thương nhân lớn, nhỏ tham gia tích cực bán các mặt hàng này, với đa dạng các thương hiệu xuất xứ từ những quốc gia có nền khoa học tiên tiến.
Việt Nam trước nguy cơ gia tăng rác thải điện tử từ hàng nhập lậu, hàng không phải chính hãng.
Trước nhu cầu ngày một tăng của thị trường, nhưng không phải ai cũng đủ điều kiện để mua hàng mới, hàng chính hãng, nên số đông người tiêu dùng mua sản phẩm điện tử đã qua sử dụng, hoặc hàng được các thương nhân nhập lậu bên kia biên giới và giới thiệu hàng có nguồn gốc từ những quốc gia có nền khoa học tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… đây là thực trạng và sự quan ngại cần báo động, Việt Nam có thể trở thành nơi chứa rác điện tử từ những quốc gia phát triển.
Trước kia, điện thoại chỉ có một sim và phần lớn là các thương hiệu nổi tiếng đến từ những nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… nhưng những sản phẩm đến từ những quốc gia, vùng lãnh thổ này thường có giá rất cao, đổi lại là chất lượng ổn định. Ngày nay sự đa dạng nguồn cung, cùng sự phát triển mạnh mẽ của hàng điện tử có xuất xứ từ Trung Quốc và có giá thành thấp, phù hợp với nhu cầu và kinh tế của đại đa số người tiêu dùng Việt Nam, nên những năm gần đây các hãng điện thoại, máy tính, hàng điện tử có xuất xứ Trung Quốc chiếm ưu thế nhất định ở thị trường Việt Nam.
Nguy cơ rác thải điện tử từ những Smartphone nhập lậu, hàng kém chất lượng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không phải hàng chính hãng (ảnh minh họa).
Kết quả khảo sát cho thấy, ngày nay đại đa số bộ phận người dân thường sử dụng điện thoại 2 sim 2 sóng, có người còn sử dụng tới 2 hoặc 3 máy cùng một lúc… chạy theo công nghệ nhiều người đã phải bỏ ra không ít tiền để tự sướng với mình sở hữu một sản phẩm điện thoại mới nhất… chính vì lý do đó, nên những sản phẩm cũ sẽ được bán lại cho người có nhu cầu, hoặc được bán lại cho các cửa hàng sửa chữa bổ máy để lấy linh kiện.
Laptop88.vn đơn vị kinh doanh rất nhiều sản phẩm máy tính xách tay, máy tính cũ.
Việc bổ máy, lấy linh kiện của các cửa hàng sửa chữa đồ điện tử, sẽ dẫn tới việc thừa nhiều những linh kiện bị hỏng hóc khác và việc xử lý đối với những linh kiện hỏng này không đúng cách khiến phát tán ra ngoài môi trường… đối với những linh kiện vô cơ ít độc hại nếu phát tán ra môi trường, ít nhiều môi trường cũng sẽ bị tác động tiêu cực do ô nhiễm, vì đa số là chậm phân hủy; đối với những linh kiện như pin lion, hóa chất, linh kiện… có nhiều khoáng chất, hợp chất cao phân tử có thể gây hại cho con người và chắc chắn sẽ có tác động tiêu cực đối với môi trường.
Ngoài việc những máy cũ, máy hỏng được bán lại, rất nhiều người dân vì ham rẻ, hoặc có kinh phí hạn hẹp nên đã mua phải hàng giả, hàng nhái từ các thương nhân nhập lậu… khi sử dụng phát hiện ra là kém chất lượng, chất lượng đàm thoại thấp… dẫn đến tâm lý chán lản nhưng nhiều người cũng không muốn thải bỏ, mà dùng thì cũng không xong, nên vẫn giữ lại và lại tiếp tục mua máy mới để đáp ứng nhu cầu sử dụng. Đây cũng là yếu tố dẫn tới môi trường bị ô nhiễm vì sự tích tụ những sản phẩm này.
Điện thoại, máy tính cũ là hàng cấm nhập khẩu về thị trường Việt Nam theo Thông tư 08/2023/TT-BCT của Bộ Công Thương (ảnh minh họa hệ thống CellphoneS quảng cáo trên trang chủ bán sản phẩm điện thoại iPhone cũ).
Việc nhiều thương nhân vì lợi nhuận đã nhập lậu hàng kém chất lượng, hàng cũ, bản quốc tế, hoặc nhập hàng kém chất lượng... về để kinh doanh kiếm lời, không bán sản phẩm chính hãng Việt Nam cũng là nguyên nhân của sự tích tụ rác điện tử. Trong khi pháp luật Việt Nam quy định rõ điện thoại di động thông minh, máy tính cũ là hàng cấm nhập khẩu theo Thông tư 08/2023/TT-BCT của Bộ Công Thương.
Mặt hàng điện thoại và máy tính để minh chứng rõ nét cho việc Việt Nam hiện đang là nước sử dụng và vung phí rất nhiều nguồn lực vào mặt hàng điện tử, thậm chí có nguy cơ trở thành nơi chứa rác công nghệ của những nước phát triển. Và cũng cho thấy, Việt Nam là một trong số nước có lượng rác thải điện tử tương đối cao trong khu vực và sẽ tiếp tục gia tăng trong các năm tiếp theo.
Rác thải điện tử là tài nguyên và cũng là mối nguy mất an ninh xã hội
Các kim loại nặng và hóa chất trong rác điện tử thường gặp là bari, đồng, niken; berili (trong các bo mạch chủ), cadmium (trong điện trở và chất bán dẫn); chì (trong pin, màn hình máy tính) hay thủy ngân (trong đèn huỳnh quang, pin, nhiệt kế, một số sản phẩm y tế)… Các chất độc hại này đều có thể ngấm vào đất, nguồn nước, phát tán vào không khí gây ra ô nhiễm.
PGS.TS Trần Hồng Côn (nguyên giảng viên Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội).
PGS.TS Trần Hồng Côn (nguyên giảng viên Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) từng cảnh báo: “Thủy ngân cũng như các kim loại khác, khi vào cơ thể, khả năng đào thải rất thấp. Khi nhiễm độc thủy ngân, chúng ta không có hy vọng chúng thải ra nhanh chóng, đa phần tích lũy trong tủy xương rất lâu”.
Đối với kim loại chì, chỉ cần một lượng nhỏ là đã có ảnh hưởng nặng nề đến cơ thể, nó sẽ có xu hướng thay thế các kim loại có lợi trong cơ thể như chiếm chỗ của canxi trong xương gây thiếu canxi, mục xương, hoặc thay thế sắt trong máu... làm rối loạn các phản ứng sinh hóa, gây còi xương hoặc chậm lớn ở trẻ... Khi cơ thể bị nhiễm chất cadmium sẽ dẫn đến tình trạng loãng xương, thiếu máu, suy gan thận, thậm chí ung thư như ung thư phổi, tăng nguy cơ gây dị dạng ở thai nhi khi mang thai...
Bà Bùi Thanh Bằng, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (nguồn ảnh: Cesti).
Tại hội thảo "Xu hướng công nghệ xử lý rác thải điện tử" được Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM tổ chức ngày 15/10/2021, bà Bùi Thanh Bằng, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ, nêu quan điểm: Rác thải điện tử đang trở thành dòng rác thải sinh hoạt có tốc độ gia tăng nhanh ở Việt Nam hiện nay. Theo số liệu thống kê của Hội Thống kê rác thải toàn cầu (The Global E-Waste Statistics Partnership - GESP), trong năm 2019, Việt Nam có 514.000 tấn sản phẩm điện tử được đưa ra thị trường, phát sinh 257.000 tấn rác thải điện tử. (1)
PGS.TS Nguyễn Đức Quảng, Đại học Bách khoa Hà Nội dự báo, chất thải điện tử tại Việt Nam hiện đang gia tăng nhanh chóng và sẽ tiếp tục gia tăng nhanh trong thời gian tới và còn đa dạng về chủng loại nữa.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Đức Quảng, chất thải điện tử ở các nước thường nằm trong danh mục của các sản phẩm phải thu hồi và xử lý theo cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất. "Tuy nhiên, tại Việt Nam, chất thải điện tử hiện đang được xếp vào nhóm chất thải nguy hại. Từ năm 2013, các thiết bị điện - điện tử thải bỏ là 1 trong 6 nhóm sản phẩm phải thu hồi và xử lý. Nhưng cho đến nay, vẫn chưa có một văn bản pháp lý nào quy định cụ thể việc quản lý chất thải điện tử nói riêng ở Việt Nam, điều thường gặp ở các quốc gia phát triển khác".(1)
Hệ thống bán lẻ didongviet.vn bán các sản phẩm điện thoại cũ. Theo quy định tại Thông tư số 08/TT-BCT điện thoại thông minh, máy tính cũ là những mặt hàng bị cấm nhập khẩu.
PGS.TS Lê Văn Lữ, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. HCM cho rằng, trong rác thải điện tử có chứa rất nhiều hợp chất khác nhau, chủ yếu là kim loại và các hợp chất cao phân tử... trong đó có nhiều chất độc hại, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Bên cạnh đó, vì có chứa thành phần kim loại quý, hiếm, rác thải điện tử cũng đồng thời là một nguồn "tài nguyên" to lớn nếu có giải pháp thu gom, tái chế hiệu quả.(1)
Những sản phẩm điện thoại cũ, thải bỏ nếu xử lý không đúng cách sẽ tác động tiêu cực đến môi trường và là nguồn tài nguyên đối với tội phạm công nghệ cao (nguồn ảnh: Internet).
Ngoài vấn đề gây ô nhiễm môi trường, đe dọa sức khỏe con người, rác thải điện tử còn là mối nguy cơ mất an ninh thông tin. Những thiết bị điện tử được loại bỏ chứa rất nhiều dữ liệu cá nhân, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức nhạy cảm. Nhiều cơ quan, tổ chức chưa ý thức hết mức độ nguy cơ của việc rò rỉ thông tin, hoặc việc xóa dữ liệu không thể phục hồi thường tốn nhiều chi phí và các cơ quan thường chọn cách bán luôn cho các cơ sở tái chế. Những doanh nghiệp tái chế sẽ phá hủy trang thiết bị để thu lại kim loại quý và vật liệu, nhưng không loại trừ những kẻ xấu lấy dữ liệu từ các ổ lưu chữ, sử dụng nguồn dữ liệu đó để đòi tiền chuộc hoặc gây bất ổn xã hội. Ngay cả trong trường hợp người dùng xóa hết dữ liệu trong ổ lưu chữ, thì với công nghệ hiện nay vẫn có thể phục hồi được.
Điều đó cho thấy ngoài vấn đề ô nhiễm môi trường, gây hại cho sức khỏe con người, rác thải điện tử đang là tài nguyên đối với tội phạm gây bất ổn xã hội và cũng là nguồn tài nguyên để thúc đẩy kinh tế phát triển nếu biết xử lý đúng cách. Do đó, cần có các cơ chế chính sách và chế tài mạnh mẽ đối với những thương nhân buôn bán hàng nhập lậu, hàng xách tay, hàng cũ, hàng giả, cơ sở sửa chữa… và cũng cần có giải pháp xử lý sao cho rác thải điện tử trở thành tài nguyên để thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.
Rác thải điện tử đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ đối với môi trường, sức khỏe, đời sống con người và tình hình ổn định xã hội... Loại rác thải này rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cơ quan chức năng để có thể xử lý một cách triệt để hơn. Mặt khác, mỗi người dân, thương nhân cũng cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong phân loại rác; bảo quản và sử dụng hợp lý để kéo dài tuổi thọ của các sản phẩm điện tử nhằm giảm bớt lượng phát thải rác điện tử ra môi trường./.
10 địa điểm thu gom thường xuyên rác thải điện tử của Việt Nam tái chế:
Tại Hà Nội:
1. Nhà Văn hóa phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy (45 Nghĩa Tân, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy).
2. UBND phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm (02 Cổ Tân, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm).
3. UBND phường Quán Thánh, quận Ba Đình(12-14 Phan Đình Phùng, phường Quán Thánh, quận Ba Đình).
4. UBND phường Thành Công, quận Ba Đình (09 Thành Công, phường Thành Công, quận Ba Đình).
5. Chi Cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội (17 Trung Yên 3, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy).
Tại TP. HCM:
1. UBND phường 9, quận 3 (82 Bà Huyện Thanh Quan, phường 9, quận 3).
2. UBND phường 15, quận 4 (132 Tôn Thất Thuyết, phường 15, quận 4).
3. UBND phường 17, quận Phú Nhuận (22 Nguyễn Văn Trỗi, phường 17, quận Phú Nhuận).
4. UBND phường 2, quận Bình Thạnh (14 Phan Bội Châu, phường 2, quận Bình Thạnh).
5. Trung tâm MM Mega Market An Phú (Khu B, Khu đô thị mới An Phú-An Khánh, phường An Phú, quận 2). |
----------------------------
1. https://tuoitre.vn/rac-thai-dien-tu-dang-gia-tang-nhanh-chong-tai-viet-nam-20211015154647418.htm