(CHG) Đời sống sinh hoạt của người dân đã trở lại bình thường sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, hành vi mua sắm của người tiêu dùng đã có nhiều thay đổi bởi thói quen được hình thành sau những ngày cách ly, cũng như sự phát triển thích ứng của các kênh thương mại điện tử. Theo đó, quyền lợi của người tiêu dùng có nguy cơ bị ảnh hưởng lớn và cần được bảo vệ trước hàng giả, hàng nhái ngày càng nhiều trên thị trường.
Mua sắm qua mạng mang đến nhiều tiện lợi, song cũng bộ lộ những mặt trái.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, sự phát triển của các kênh thương mại điện tử đã mang đến nhiều tiện lợi, song cũng bộc lộ những mặt trái. Trước hết, các quy định về thương mại điện tử, nghị định hướng dẫn giờ đây không “phủ sóng” hết đối với sự phát triển của thị trường. Trong khi đó, những đối tượng kinh doanh gian lận ngày một phát triển với các phương thức lừa đảo người tiêu dùng rất tinh vi.
Hiện nay, có tình trạng hàng hóa bán trên các trang mạng xã hội chưa được cấp phép hoặc không có pháp nhân tại Việt Nam; không kiểm tra được thông tin người bán hoặc thông tin về giá cả, chất lượng, nguồn gốc hàng hóa… Điều này dẫn đến việc người mua nhận phải hàng kém chất lượng, giao dịch mua bán không có hóa đơn, chứng từ. Ngoài ra, còn có tình trạng các đối tượng khởi tạo gian hàng trên kênh thương mại điện tử và chỉ chạy trong một đợt, với nhiều chương trình giảm giá đặc biệt như 1.000 đồng, 0 đồng… để bán những sản phẩm chất lượng kém rồi biến mất.
Nhiều người tiêu dùng đã bị thiệt hại do những hành vi lợi dụng giao dịch trên không gian ảo để lừa dối, trục lợi. “Nhà nước đã ban hành luật về thương mại điện tử. Chính phủ cũng có các Nghị định hướng dẫn. Tuy nhiên, những quy định này không “phủ sóng” được hết. Và những đối tượng kinh doanh gian lận đã tìm mọi kẽ hở để khai thác. Vì vậy, công tác quản lý nhà nước cần phải được tăng cường” - ông Hùng nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, với những biện pháp như nâng cao năng lực thực thi pháp luật của các lực lượng chức năng, truyền thống nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, sự nỗ lực của các nhãn hàng, các doanh nghiệp làm ăn chân chính thì việc tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý phải được xác định là giải pháp then chốt.
Song song với yêu cầu đó, cần có sự tham gia phối hợp của doanh nghiệp và sự chung tay của toàn xã hội trong công tác chống hàng giả mới có thể đạt hiệu quả cao. Do vậy, các doanh nghiệp cũng cần chủ động, tích cực tham gia cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái thông qua hoạt động quảng bá sản phẩm cùng với việc hướng dẫn, chỉ rõ cho người tiêu dùng các thủ đoạn làm hàng giả, tổ chức kênh phân phối sản phẩm chất lượng tốt tới tận tay người tiêu dùng, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, khu chế xuất...
Đặc biệt, các doanh nghiệp cần tăng cường quản lý, giảm tiêu thụ hàng hóa và chủ động khiếu nại khi bị xâm phạm nhãn hiệu. Sự liên kết giữa các nhà sản xuất trong đấu tranh chống hàng giả cần tích cực hơn nữa. Bên cạnh đó, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người tiêu dùng trang bị kiến thức để người tiêu dùng nhận thức rõ nhiệm vụ của mình trong việc chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Có như vậy, cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng mới đạt hiệu quả cao hơn. Qua đó, thúc đẩy sản xuất phát triển, thu hút đầu tư, bảo vệ người tiêu dùng và nhà sản xuất kinh doanh chân chính, từng bước tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh và bình đẳng.
Một cơ sở sản xuất mỹ phẩm giả organic để bán trên mạng, bị cơ quan chức năng phát hiện.
Ở góc độ người tiêu dùng, để đấu tranh chống hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả, mà cũng là tự bảo vệ mình, người tiêu dùng trước hết cần thực hiện rốt ráo quyền và nghĩa vụ của mình mà luật pháp đã quy định khi mua hàng như:
Yêu cầu người bán cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.
Người tiêu dùng cần phải kiểm tra hàng hóa trước khi nhận; lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không làm tổn hại đến môi trường trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, không gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của mình và của người khác; thực hiện chính xác, đẩy đủ hướng dẫn sử dụng hàng hóa, dịch vụ.
Bên cạnh đó, thông tin ngay cho cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng. Hoặc có hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xâm phạm đến quyền lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Hơn hết, các doanh nghiệp sản xuất dứt khoát không làm hàng giả, hàng nhái; không tham gia chuỗi hoạt động sản xuất cung cấp loại hàng hóa này. Cơ sở kinh doanh cương quyết không bán hàng giả, hàng nhái. Người tiêu dùng nhất định không chấp nhận mua hàng giả, hàng nhái, đồng thời tích cực hợp tác với nhà sản xuất và các cơ quan quản lý nhà nước làm tròn nghĩa vụ của mình. Nhà nước không để hàng giả, hàng nhái có cơ hội len lỏi thị trường bằng việc hoàn thiện pháp lý, các cơ quan chức năng thực thi pháp luật nghiêm minh trong việc kiểm tra, xử lý.
Từ khi, Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sau 10 năm thực hiện, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam đã có bước phát triển. Hệ thống văn bản pháp luật, từ cấp cao nhất là luật đến các văn bản dưới luật, như: Nghị định, chỉ thị, thông tư, đã được nhà nước ban hành, tạo cơ sở pháp lý cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan thông tấn báo chí thực hiện thường xuyên, bằng những hình thức phong phú, đa dạng, đã góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ trung ương tới địa phương đã được hình thành và phát huy vai trò. Với những nội dung còn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó thực hiện, hiện nay, Bộ Công Thương đang xin ý kiến các bộ, ngành, hiệp hội để sửa đổi.
Được biết, vừa qua Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2021 - 2025 với đa dạng các hoạt động hướng tới người tiêu dùng. Bộ Công Thương cũng đang tiến hành xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Với hệ thống luật pháp ngày một hoàn thiện, cùng với sự chung tay của toàn xã hội chống lại vấn nạn hàng giả, hàng nhái… đây sẽ là công cụ hữu hiệu bảo vệ người tiêu trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái hiện nay.
5
Đắk Nông: Phát hiện và xử phạt cửa hàng kinh doanh quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas
(CHG)Vừa qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Cơ sở kinh doanh quần áo may sẵn tại thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông về hành vi trưng bày, bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Adidas đang được bảo hộ tại Việt Nam với số tiền xử phạt là 10.000.000 đồng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ 119 sản phẩm quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas.
Xem chi tiết