(CHG) Theo lẽ tự nhiên, các đơn vị kinh doanh vi phạm pháp luật sẽ thường hoạt động lén lút, tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, tại đơn vị kinh doanh hàng tiêu dùng mang thương hiệu Baby House thì ngược lại, tại đây la liệt hàng hóa có dấu hiệu vi phạm và vi phạm công khai bày bán (mặc dù đơn vị này chỉ cách Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng hơn 500m)
Chình ình hàng hóa vi phạm
Theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp kinh doanh hàng tiêu dùng nhập khẩu bắt buộc phải tuân thủ các quy định của pháp luật về dán nhãn phụ tiếng Việt lên sản phẩm trước khi lưu thông trên thị trường. Nhãn phụ là nhãn thể hiện những nội dung bắt buộc, được dịch từ nhãn gốc của hàng hóa từ tiếng nước nước ngoài sang tiếng Việt. Đồng thời, bổ sung những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật mà nhãn gốc của hàng hóa còn thiếu.
Cửa hàng kinh doanh mang thương hiệu Baby House (193 Phan Đăng Lưu, phường Hòa Cường Bắc, Quận Hải Châu- địa điểm trên chỉ cách Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng hơn 500m).
Tuy nhiên, bất chấp các quy định của pháp luật, nhiều cá nhân, doanh nghiệp… vẫn đang cố tình vi phạm. Điều đó có thể gây ra hậu quả vô cùng nặng nề cho người tiêu dùng, thậm chí có thể tổn hại trực tiếp đến sức khỏe tiêu dùng của khách hàng. Đặc biệt nguy hiểm, nếu đối tượng tiêu dùng đó lại chính là các bà bầu và trẻ em.
Trước nỗi lo trên, người tiêu dùng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã thông tin tới Quỹ chống hàng giả (bằng hình ảnh, video, sản phẩm) việc hệ thống kinh doanh hàng tiêu dùng dành cho mẹ bầu và em bé mang thương hiệu Baby House kinh doanh nhiều sản phẩm có dấu hiệu vi phạm và vi phạm các quy định pháp luật. Quỹ Chống hàng giả đã chuyển thông tin trên tới Tạp chí điện tử Kỹ thuật Chống hàng giả (CHG).
Sau khi tiếp nhận thông tin, phóng viên Tạp chí CHG đã tiến hành khảo sát tại địa điểm kinh doanh mang thương hiệu Baby House (193 Phan Đăng Lưu, phường Hòa Cường Bắc, Quận Hải Châu- địa điểm trên chỉ cách Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng hơn 500m) và nhận thấy hàng hóa tại đây chủ yếu phục vụ cho nhóm đối tượng tiêu dùng là mẹ bầu và em bé: thực phẩm chức năng, Vitamin các loại, bỉm, sữa bột, đồ ăn dặm, đồ chơi, quần áo, phụ kiện thời trang… Nhiều sản phẩm trong số này có chữ nước ngoài (chữ tượng hình) thế nhưng không có nhãn phụ tiếng Việt. Một số sản phẩm là thời trang, phụ kiện thời trang được làm từ bông, vải sợi... ngoài việc thiếu nhãn phụ tiếng Việt, những sản phẩm này gần như không thể hiện hợp quy trên nhãn hàng hóa.
Một số sản phẩm là thời trang, phụ kiện thời trang được làm từ bông, vải sợi... ngoài việc thiếu nhãn phụ tiếng Việt, những sản phẩm này gần như không thể hiện hợp quy trên nhãn hàng hóa.
Một số sản phẩm là đồ chơi dành cho đối tượng là trẻ nhỏ, thế nhưng việc thông tin bằng tiếng Việt về thành phần cấu tạo sản phẩm, hướng dẫn sử dụng sản phẩm, thông tin cảnh báo sản phẩm... không được thể hiện. Sẽ thật nguy hại nếu những sản phẩm trên chứa các chất độc hại như chì, thủy ngân, Asen, Stibium, Bari, Cadimi, Crom, Clo, Lưu huỳnh...
Hàng hoá là thực phẩm chức năng, thậm chí cửa hàng này còn kinh doanh cả thuốc hạ sốt Tylenol có chứa là thành phần là Paracetamol có tác dụng giảm đau, hạ sốt.
Có thể thấy, những thông tin trên khiến người tiêu dùng nghi ngờ tại đơn vị Baby House kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa có dấu hiệu nhập lậu, hàng hóa có dấu hiệu về gian lận thương mại... thậm chí là hàng hóa có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam (Gucci, Chanel, Louis Vuitton...) là hoàn toàn có cơ sở.
“Châm chước” xử lý vi phạm
“Các anh, các chị (thuộc quan chức năng) “châm chước” xử lý vi phạm”, đó là lời chia sẻ của bà Lê Dương Kiều Trinh trong buổi trao đổi thông tin cùng phóng viên Tạp chí CHG. Cũng trong buổi trao đổi thông tin bà liên quan đến việc cơ quan chức năng kiểm tra và xử lý vi phạm liên quan đến đơn vị, bà Trinh cho biết: “Các anh các chị có phạt về vấn đề nhãn phụ”.
Phóng viên Tạp chí CHG trao đổi với bà Lê Dương Kiều Trinh về sản phẩm Thực phẩm chức năng ko có nhãn phụ tiếng Việt
Với câu hỏi của phóng viên về việc đơn vị có bị cơ quan chức năng thu giữ hàng hóa vi phạm hay không, bà Trinh cho rằng: “Hàng hóa bây giờ có thu giữ, thì sẽ thu giữ đến nửa shop của em, ba cái hàng linh tinh, mấy chục ngàn, rẻ mà ”.
Nhân viên bán hàng của Baby House khó khăn trong việc tư vấn cho người tiêu dùng về chức năng và cách sử dụng sản phẩm (sản phẩm không có nhãn phụ tiếng Việt)
Cũng trong quá trình trao đổi, phóng viên được biết nhiều sản phẩm hàng hóa là quần áo, thời trang dành cho trẻ em được nhập từ những nguồn hàng “trôi nổi” tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, một số sản phẩm là hàng hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc, được đơn vị nhập lại qua trung gian.
Theo như chia sẻ của bà Trinh, Baby House là đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực hàng tiêu dùng dành cho đối tượng mẹ bầu và em bé. Đơn vị này đã kinh doanh được nhiều năm trên địa bàn, thế nhưng dường như bất chấp các quy định của pháp luật, hàng hóa tại đây rẫy những vi phạm pháp luật.
Điều khó hiểu ở chỗ, cơ quan chức năng thành phố Đà Nẵng thường xuyên kiểm tra các sản phẩm hàng hóa của đơn vị này, thế nhưng sau mỗi lần kiểm tra là một lần các cơ quan chức năng ở đây xử lý kiểu “nhỏ giọt”, kiểu “châm chước”, như vậy liệu đã đủ sức răn đe với đơn vị này?
Bên cạnh đó, người tiêu dùng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cho rằng: trụ sở của Cục Quản lý thị trường tới địa điểm kinh doanh của đơn vị Baby House chỉ cách nhau có hơn 500m, việc để chình ình hàng hóa vi phạm ngay “sát nách” của “Cơ quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và tổ chức chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại..” liệu có phản cảm?
Bài viết là lời gửi gắn niềm tin của người tiêu dùng tới các cơ quan chức năng thành phố Đà Nẵng. Kính mong các cơ quan chức năng liên quan khẩn trương tiếp nhận thông tin, nhằm củng cố niềm tin cho người tiêu dùng và người dân nơi đây.
Trước đó, Ông Nguyễn Lê Hoan, Chánh Văn phòng Quỹ Chống hàng giả từng chia sẻ: “Về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các đối tượng kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính:
Tại điều 2 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, đối tượng bị áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính gồm: Cá nhân, tổ chức Việt Nam hoặc nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm hành chính; hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật; hộ gia đình sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, làm muối và người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh không cố định hoặc làm những dịch vụ có thu nhập thấp và không phải thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định, mà có hành vi vi phạm các quy định tại Nghị định này, sẽ bị xử phạt như với cá nhân vi phạm.
Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với lỗi vi phạm về nhãn hàng hóa có thể lên đến 120.000.000 đồng. Trong một số trường hợp, vi phạm cụ thể còn bị tịch thu hàng hóa có nhãn vi phạm liên quan đến chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị, thuần phong mỹ tục; bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; ngoài ra còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoặc buộc tái xuất đối với hàng hóa nhập khẩu; buộc thu hồi hàng hóa và buộc ghi nhãn hàng hóa đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông; buộc thu hồi và tiêu hủy nhãn hàng hóa vi phạm”.
3
Đắk Nông: Phát hiện và xử phạt cửa hàng kinh doanh quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas
(CHG)Vừa qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Cơ sở kinh doanh quần áo may sẵn tại thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông về hành vi trưng bày, bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Adidas đang được bảo hộ tại Việt Nam với số tiền xử phạt là 10.000.000 đồng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ 119 sản phẩm quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas.
Xem chi tiết