(CHG) Thực phẩm chức năng, sữa tươi, sữa bột, đồ ăn dặm, các loại vitamin, đồ chơi các loại,... chủ yếu là sản phẩm dành cho mẹ và bé toàn chữ nước ngoài, không nhãn phụ tiếng Việt được công khai bày bán tại các cửa hàng mang thương hiệu Babymall & Care, khiến người tiêu dùng hoài nghi về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.
Quỹ Chống hàng giả là đơn vị được giao thực hiện Kế hoạch 92/KH-BCĐ 389 ngày 13/9/2022 của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Quỹ có nhiệm vụ tham gia ý kiến về công tác quản lý nhà nước kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tuyên truyên, vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng và nhân dân thực hiện nghiêm chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, tích cực tham gia phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Vừa qua, Quỹ Chống hàng giả nhận được thông tin và tài liệu của người tiêu dùng chuyển đến Quỹ về việc hệ thống cửa hàng Babymall & Care bày bán nhiều sản phẩm không nhãn phụ tiếng Việt, có dấu hiệu kinh doanh hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Quỹ đã chuyển thông tin trên tới Tạp chí Điện tử Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại (CHG).
Kinh doanh hàng hóa nhập lậu theo hệ thống?
Cửa hàng mang thương hiệu Babymall & Care có địa chỉ tại: 204A Hoàng Diệu 2, phường Linh Chiểu, Thành phố Thủ Đức
Cụ thể, qua tìm hiểu trên website thương mại điện tử https://babymallandcare.com/ của hệ thống cửa hàng mang thương hiệu Babymall & Care, tại đây chủ yếu kinh doanh hàng hóa là hàng tiêu dùng như: thực phẩm chức năng; Vitamin các loại; sản phẩm bình sữa và ti giả; bỉm; sữa; bánh; khăn ướt; nước rửa bình; đồ ăn dặm, sữa tươi, sữa bột, đồ chơi… các sản phẩm trên chủ yếu dành cho nhóm tiêu dùng là mẹ và bé.
Được biết, hệ thống cửa hàng mẹ và bé Babymall & Care hiện có khoảng 4 cơ sở tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Khảo sát tại 1 cửa hàng kinh doanh mang thương hiệu Babymall & Care trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, phóng viên Tạp chí CHG nhận thấy một số thông tin do người tiêu dùng cung cấp là có cơ sở.
Hàng hóa tại đây vô cùng đa dạng, tuy nhiên, có thể dễ dàng nhận thấy các mặt hàng trên có chữ nước ngoài, thế nhưng nhiều sản phẩm không có nhãn phụ tiếng Việt, không rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.
Tại cửa hàng có địa chỉ 17 Phạm Viết Chánh - Phường Nguyễn Cư Trinh - Quận 1, hàng hóa tại đây vô cùng đa dạng, tuy nhiên, có thể dễ dàng nhận thấy các mặt hàng trên có chữ nước ngoài, thế nhưng nhiều sản phẩm không có nhãn phụ tiếng Việt, không rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Khi được hỏi về thành phần của một sản phẩm toàn tiếng nước ngoài, nhân viên tại đây lúng túng cho biết: "Anh chờ em một chút để em tìm trên mạng. Bên em có tới gần 3000 sản phẩm nên bọn em không thể nắm được hết thông tin của từng sản phẩm".
Khi được hỏi về thành phần của một sản phẩm toàn tiếng nước ngoài, nhân viên tại đây lúng túng cho biết: "Anh chờ em một chút để em tìm trên mạng. Bên em có tới gần 3000 sản phẩm nên bọn em không thể nắm được hết thông tin của từng sản phẩm"
Tiếp theo, khảo sát tại cửa hàng có địa chỉ 19 Phan Bội Châu, Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm cũng ghi nhận tình trạng tương tự. Điều này khiến người tiêu dùng hoài nghi về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm đang bày bán tại đây. Thậm chí người tiêu dùng có quyền nghi vấn: liệu tại hệ thống cửa hàng trên có đang kinh doanh hàng hóa nhập lậu?
Hàng hóa tại đây vô cùng đa dạng, tuy nhiên, có thể dễ dàng nhận thấy các mặt hàng trên có chữ nước ngoài, thế nhưng nhiều sản phẩm không có nhãn phụ tiếng Việt, không rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm
Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Trường Giang - Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại cho biết: Theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP, mọi hàng hóa lưu thông trên thị trường Việt Nam phải có nhãn phụ bằng Tiếng Việt, bao gồm các thông tin về nguồn gốc, thành phần, hướng dẫn sử dụng, và cảnh báo an toàn. Các sản phẩm tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, như bát đũa thìa dĩa, hộp đựng cơm, phải có chứng nhận hợp quy và dấu hợp quy CR theo nhóm các quy chuẩn 12 của Bộ Y tế.
Vì vậy, nếu các sản phẩm của các cửa hàng mang thương hiệu Babymall & Care thiếu nhãn phụ Tiếng Việt và không có dấu hợp quy CR. Đây là hành vi vi phạm pháp luật khi không chỉ gây khó khăn cho người tiêu dùng mà còn tiềm ẩn nguy cơ lớn về an toàn sức khỏe. Các sản phẩm không có chứng nhận hợp quy có thể chứa chất độc hại như BPA trong nhựa, kim loại nặng trong sản phẩm kim loại, hoặc các chất gây ung thư. Sử dụng các sản phẩm này để đựng thực phẩm có thể gây ngộ độc, dị ứng, hoặc các bệnh lý nghiêm trọng khác.
Ngoài ra, việc doanh nghiệp không tuân thủ quy định về nhãn mác và hợp quy sẽ làm mất niềm tin của người tiêu dùng, ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín và hoạt động kinh doanh. Cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra, thu hồi ngay lập tức các sản phẩm vi phạm. Doanh nghiệp phải bị xử phạt hành chính nặng, và nếu tái phạm, cần đình chỉ hoạt động kinh doanh. Cần công khai các vi phạm của doanh nghiệp trên các phương tiện truyền thông để cảnh báo người tiêu dùng và răn đe các doanh nghiệp khác.
Công khai kinh doanh thuốc tân dược "chui"?
Trên webite thương mại điện tử và nền tảng mạng xã hội, phía Babymall & Care công khai quảng cáo bán thuốc tân dược, cụ thể là thuốc ho Prospan, thuốc hạ sốt Doliprane, Thuốc nhỏ mũi Otriven, Thuốc hạ sốt Tylenol… Thực tế chứng minh, người tiêu dùng có thể mua các sản phẩm nói trên một cách dễ dàng tại các cửa hàng mang thương hiệu Babymall & Care.
Trên webite thương mại điện tử và nền tảng mạng xã hội, Babymall & Care công khai quảng cáo bán thuốc tân dược
Theo khảo sát của phóng viên, thuốc ho Prospan, thuốc hạ sốt Doliprane, Thuốc nhỏ mũi Otriven, Thuốc hạ sốt Tylenol,… tại đây được công khai trưng bày trên giá kệ của sản phẩm. Trên nhãn gốc của sản phẩm có chữ nước ngoài, không có nhãn phụ tiếng Việt. Vì thế gây khó khăn cho người tiêu dùng tìm kiếm thông tin liên quan đến: thành phần, định lượng, hướng dẫn sử dụng, thông tin cảnh báo, chống chỉ định...
Người tiêu dùng có thể dễ dàng mua các sản phẩm thuốc tân dược nói trên một cách dễ dàng tại các cửa hàng mang thương hiệu Babymall & Care
Được biết, Paracetamol, Nasentrophen, Prospan, … là các thuốc không kê đơn hay Anaferon là một loại thuốc kê đơn, cần có chỉ định của bác sĩ mới được phép sử dụng rất phổ biến tại Việt Nam. Theo Luật Dược 2016 thì những thuốc này phải được bán tại cửa hàng đủ điều kiện kinh doanh thuốc.
Tiếp đó, theo quy định, để được kinh doanh thuốc, cơ sở kinh doanh cần phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc và nhân viên bán hàng phải có văn bằng chuyên môn dược từ sơ cấp dược trở lên. Nhân viên cung cấp thông tin cho người mua thuốc, thuốc kê đơn phải là người phụ trách chuyên môn hoặc người có văn bằng chuyên môn dược từ trung cấp ngành dược trở lên và có thời gian thực hành chuyên môn.
Vậy các cửa hàng mang thương hiệu Babymall & Care có đảm bảo các tiêu chí trên để bán và tư vấn bán sản phẩm là thuốc, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe? Việc cửa hàng trên kinh doanh thuốc tân dược khó tránh khỏi sự nghi hoặc của người tiêu dùng: liệu thuốc hạ sốt, thuốc ho và thuốc nhỏ mũi do cửa hàng trên cung cấp có đủ điều kiện dể lưu hành tại Việt Nam? Liệu sử dụng những sản phẩm hàng hóa trên có đủ an toàn cho người tiêu dùng?
Nhằm có những thông tin khách quan đa chiều, phóng viên của Tạp chí CHG đã liên hệ với hệ thống cửa hàng Babymall & Care, thế nhưng đến nay đơn vị trên vẫn chưa có thông tin phản hồi.
Mẹ bầu và bé là nhóm đối tượng tiêu dùng cần được bảo vệ. Việc minh bạch thông tin trên sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ từ nước ngoài giúp cho người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm phù hợp, cũng như biết sử dụng đúng định lượng cho phép (nhất là với các loại thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung dành cho trẻ nhỏ). Đồng thời, giúp người tiêu dùng có thể nhận biết được những thông tin cảnh báo về sản phẩm.
Việc thông tin thiếu tính minh bạch của hàng hóa (nhãn phụ tiếng Việt) là kẽ hở để hàng xách tay, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trà trộn vào cửa hàng. Điều đó không chỉ là mối nguy hại lớn đối với người tiêu dùng nói chung và nhóm tiêu dùng mang tính đặc thù mẹ bầu và bé nói riêng.
Có hay không việc thương hiệu Babymall & Care đang mập mờ thông tin về sản phẩm, “phớt lờ” các quy định pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh hàng tiêu dùng? Phải chăng ý kiến của người tiêu dùng đang bị doanh nghiệp trên xem nhẹ? Nếu quả thật như vậy, chắc gì quyền lợi của người tiêu dùng đã được doanh nghiệp coi trọng(!)
Vì lẽ đó, ông Giang cho biết thêm: Theo Luật Dược và Nghị định 54/2017/NĐ-CP, việc kinh doanh thuốc tân dược yêu cầu giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, và nhân sự bán thuốc phải có chứng chỉ hành nghề dược. Người tư vấn và bán thuốc như Prospan, Doliprane, Otriven, Tylenol phải là dược sĩ.
Trong thực tế, nếu các cửa hàng mang thương hiệu Babymall & Care sử dụng nhân sự không phải dược sĩ để tư vấn và bán thuốc, sẽ vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật. Điều này đe dọa đến sức khỏe người tiêu dùng và an toàn dược phẩm. Nhân sự không đủ chuyên môn có thể tư vấn sai, dẫn đến việc sử dụng thuốc không đúng cách, không đúng liều lượng, hoặc không phù hợp với tình trạng bệnh, gây ra các biến chứng nguy hiểm hoặc thậm chí đe dọa tính mạng.
Cơ quan quản lý cần tăng cường giám sát, kiểm tra xử lý ngay lập tức các vi phạm về nhãn mác, công bố hợp quy, các cơ sở đủ điều kiện kinh doanh dược phẩm để đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Về phía người tiêu dùng: Cần cảnh giác, chỉ mua sản phẩm từ các cơ sở uy tín, có đầy đủ nhãn phụ Tiếng Việt và chứng nhận hợp quy. Khi phát hiện vi phạm, phải báo ngay cho cơ quan chức năng để được xử lý kịp thời.
4
Đắk Nông: Phát hiện và xử phạt cửa hàng kinh doanh quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas
(CHG)Vừa qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Cơ sở kinh doanh quần áo may sẵn tại thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông về hành vi trưng bày, bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Adidas đang được bảo hộ tại Việt Nam với số tiền xử phạt là 10.000.000 đồng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ 119 sản phẩm quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas.
Xem chi tiết