(CHG) Nặng thì mất mạng, nhẹ thì ngộ độc, tiền mất tật mang là những hệ luỵ mà người tiêu dùng phải gánh chịu khi sử dụng phải dược phẩm giả, kém chất lượng.
Dược phẩm kém chất lượng sẽ gây hại sức khỏe người dùng. Ảnh minh họa.
Hệ lụy thuốc kém chất lượng
Gần đây, người tiêu dùng dễ dàng mua được nhiều loại sản phẩm giảm cân với quảng cáo hứa hẹn về hiệu quả "thần tốc". Nhưng ít ai biết, các sản phẩm đó chứa hàm lượng chất cấm gây hại sức khoẻ.
Những loại sản phẩm giảm cân được bán tràn lan trên mạng, trên các sàn thương mại điện tử với giá từ 200.000 - 400.000 đồng/sản phẩm, cùng lời quảng cáo sẽ giảm cân theo ý muốn. Tuy nhiên, qua những vụ việc bị cơ quan chức năng phát giác, nhiều sản phẩm giảm cân trên thị trường có chứa chất cấm Sibutramine.
Cụ thể, theo kết quả xét nghiệm từ Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn chất lượng đo lường 1 - Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng công bố ngày 22/6/2022 đã phát hiện 4 sản phẩm giảm cân có chất cấm Sibutramine bao gồm: Bột sữa tách béo Emo Milk chứa chất cấm Sibutramine 70,18mg/kg; bột trà cam hòa tan Vita C chứa chất cấm Sibutramine 78,09%/kg; bột trà chanh hòa tan Lemon chứa chất cấm Sibutramine 85,72%/kg; bột cafe hòa tan 3 trong 1 Emo Coffee chứa chất cấm Sibutramine 29,59%/kg.
Mới đây, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng nhận được báo cáo kết quả kiểm nghiệm của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Ninh phát hiện sản phẩm Poria super model không có nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt có chứa chất cấm Sibutramine với liều lượng 16,3 mg/viên. Cục An toàn thực phẩm cũng khẳng định không cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm/Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm cho sản phẩm này.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã quyết định thu hồi giấy đăng ký lưu hàng thuốc tại Việt Nam đối với 30 loại dược phẩm được đăng ký lưu hàng. Đồng thời xử phạt vi phạm hành chính 100 triệu đồng một công ty dược do nhiều lần vi phạm các quy định về lưu hành.
Những thông báo về thu hồi sản phẩm tân dược của cơ quan chức năng đã khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng, bởi khi thông báo thu hồi được đưa ra thì nhiều loại dược phẩm kém chất lượng đã nằm trên các kệ thuốc tư nhân, nhà thuốc của bệnh viện và cả ở trong dạ dày của nhiều người.
Thực tế đã và đang có nhiều sai phạm liên quan đến chất lượng dược phẩm mà ngành Y tế phát hiện qua công tác kiểm tra, giám sát như hàm lượng không đúng với công bố; một số dược phẩm còn chứa chất cấm, gây hại tới sức khoẻ người dùng; tờ hướng dẫn sử dụng không cập nhật chống chỉ định, cảnh báo đối với các loại dược phẩm có chứa hoạt chất có thể tác động đến sức khoẻ người dùng…
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, hiện có một số dược phẩm thật có nguồn gốc từ các nhà sản xuất, nhà thuốc, công ty phân phối… nhưng đã hết hạn hoặc gần hết hạn sử dụng; hoặc các sản phẩm không còn hạn sử dụng nhưng đã được xoá bỏ hạn cũ, đóng bao bì với hạn dùng mới.
Những cách thức này khiến người bệnh không nghi ngờ về sản phẩm. Tuy nhiên, độ ổn định và nồng độ hoạt chất trong dược phẩm đã giảm đáng kể theo thời gian. Không còn đủ hàm lượng hoạt chất, dược phẩm sẽ không tiêu diệt được vi khuẩn gây bệnh, dẫn đến tỷ lệ vi khuẩn kháng kháng sinh ngày càng cao. Hơn nữa, khi dược phẩm bị phân hủy rất dễ gây phản ứng có hại cho người bệnh.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, người bệnh sẽ phải đối diện với những di chứng khó lường khi không may sử dụng phải dược phẩm kém chất lượng.
Chẳng hạn, với một bệnh nhân bị đái tháo đường được chỉ định sử dụng thuốc hạ đường huyết, nhưng do mua phải dược phẩm kém chất lượng nên đường huyết chẳng những không xuống mà còn tăng cao, rất dễ tử vong. Bên cạnh đó, ngoài vấn đề không bảo đảm các hoạt chất như đã đăng ký, dược phẩm kém chất lượng còn có thể chứa các chất có tác dụng phụ gây hại cho sức khỏe như dị ứng, nhiễm độc...
Cà phê giảm cân Go Coffee chứa chất cấm Sibutramine.
Để tránh “tiền mất tật mang”...
Nguy hiểm là vậy, nhưng việc phân biệt giữa dược phẩm thật và dược phẩm kém chất lượng lại không thể tiến hành xác định bằng mắt thường, mà chỉ có cách duy nhất là đưa đến kiểm nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương. Song, có những loại thuốc, việc kiểm nghiệm mất rất nhiều thời gian.
Thời gian qua đã có các hoạt động quản lý Nhà nước để kiểm soát chặt chẽ và nâng cao chất lượng dược phẩm. Chính nhờ việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng dược phẩm và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, chất lượng dược phẩm của Việt Nam được duy trì và bảo đảm. Tỷ lệ dược phẩm kém chất lượng được ngành Y tế lấy mẫu để kiểm nghiệm ngày càng giảm.
Để kiểm soát tốt chất lượng dược phẩm cũng như thuốc chữa bệnh, người dân không nên chỉ chờ các cơ quan quản lý mà cần phát huy quyền của mình trong việc giám sát hoạt động của ngành Y tế thông qua các cơ quan truyền thông, qua các tổ chức độc lập và các cơ quan, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cần nâng cao nhận thức về dược phẩm “thuốc”, luôn khám bệnh và nhận tư vấn, kê đơn của bác sĩ; chọn mua thuốc ở những cơ sở lớn, có tên tuổi, địa chỉ tin cậy; xem kỹ thời hạn sử dụng ghi trên sản phẩm; ghi nhớ thông tin về những loại dược phẩm “thuốc” đã bị làm giả, hàng kém chất lượng do cơ quan quản lý dược công bố để tránh “tiền mất tật mang”.
Người dân tuyệt đối không mua dược phẩm hoặc thuốc "xách tay", được bán qua mạng internet từ các quốc gia chưa có luật pháp kiểm soát loại hình bán dược phẩm “thuốc” này.
Để an toàn, các cơ quan chức năng khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng các sản phẩm nghi ngờ hay chứa chất cấm. Nếu phát hiện các sản phẩm chứa Sibutramine lưu hành trên thị trường, người tiêu dùng cần thông báo cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo Cục An toàn thực phẩm, căn cứ Thông tư số 10/2021/TT-BYT, Sibutramine thuộc danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Sibutramine là một loại tân dược, không được phép sử dụng trong sản phẩm thực phẩm chức năng. Hoạt chất Sibutramine từng được kê đơn thuốc giúp giảm cân, nhưng sau đó đã bị cấm tại Singapore từ năm 2010 do làm gia tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.
Tại Việt Nam, từ năm 2011, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã ban hành công văn về việc ngưng cấp phép nhập khẩu nguyên liệu Sibutramine. Đình chỉ lưu hành và thu hồi các thuốc chứa hoạt chất Sibutramine do có tác dụng không mong muốn. Cục An toàn thực phẩm cũng đã rút số đăng ký của tất cả các thuốc có chứa hoạt chất Sibutramine. Nhưng hiện nay Sibutramine lại xuất hiện chất cấm đó trong các sản phẩm giảm cân.
|
0
Đắk Nông: Phát hiện và xử phạt cửa hàng kinh doanh quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas
(CHG)Vừa qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Cơ sở kinh doanh quần áo may sẵn tại thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông về hành vi trưng bày, bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Adidas đang được bảo hộ tại Việt Nam với số tiền xử phạt là 10.000.000 đồng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ 119 sản phẩm quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas.
Xem chi tiết