Suri Store kinh doanh hàng nhập lậu, thuốc Tây chui, liệu có ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng?


(CHG) Suri Store quảng cáo trên biển hiệu là “Hệ thống mẹ và bé cao cấp Top 1 Việt Nam”. Tuy nhiên, danh xưng “Top 1” lại đang kinh doanh hàng hóa nhập lậu và thuốc Tây chui, liệu hoạt động kinh doanh này có gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng?


Cửa hàng Suri Store 459 Minh Khai, Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội.

Suri Store kinh doanh hàng nhập lậu
Ngày 11/5/2023, Tạp chí Điện tử Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại (CHG) đã đăng bài viết: “Cửa hàng Suri Store kinh doanh hàng hóa không nhãn phụ tiếng Việt”. Sau khi tiếp nhận thông tin, ngày 16/5/2023, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 12, Cục QLTT TP. Hà Nội đã nhanh chóng xác minh, kiểm tra và phát hiện cửa hàng kinh doanh sản phẩm dành cho mẹ và bé Suri Store kinh doanh hàng hóa nhập lậu.

Sau khi tiếp nhận thông tin từ phía Tạp chí CHG, lực lượng chức năng kiểm tra Suri Store, địa chỉ 18 Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân, Hà Nội và phát hiện tại đây kinh doanh hàng nhập lậu.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí CHG, ông Kiều Đình Cảnh, Đội trưởng Đội QLTT số 12 cho biết: “Quá  trình kiểm tra, Đội QLTT số 12 phát hiện: Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Hoàng Thanh Thủy, địa chỉ số 18 Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, Hà Nội kinh doanh hàng hóa nhập lậu. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm là 9.820.000 đồng, trong đó hàng hóa vi phạm chủ yếu là mỹ phẩm và thực phẩm, tổng số tiền xử phạt 12.000.000 đồng”.
Sau khi Đội QLTT số 12, kiểm tra, xử lý cửa hàng Suri Store (Suri Center), địa chỉ số 18 Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân, phóng viên Tạp chí CHG tiếp tục khảo sát cửa hàng mang thương hiệu Suri, địa chỉ 459 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng (thông tin do người tiêu dùng tiếp tục cung cấp). Tại đây, hàng hóa có chữ nước ngoài, không nhãn phụ tiếng Việt, vẫn được bày bán công khai (mặc dù lực lượng chức năng vừa kiểm tra, xử lý việc kinh doanh hàng hóa nhập lậu của Suri Center). Số lượng hàng hóa có dấu hiệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không nhãn phụ tiếng Việt được bày bán công khai tại đây có thể sẽ làm những người tiêu dùng thông thái không khỏi giật mình.

Sản phẩm không nhãn phụ tiếng Việt bày bán công khai tại Suri Store 495 Minh Khai.

Nếu tại Suri Store, 18 Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, phần nhiều các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không nhãn phụ tiếng Việt Nam được trưng bày mỗi loại một ít sản phẩm, thì tại Suri Store 459 Minh Khai, Hai Bà Trưng, hàng hóa tại đây được bày bán công khai. Nhiều mặt hàng được shop trưng bày với số lượng vài chục sản phẩm trở lên và rất phong phú, đa dạng về chủng loại hàng hóa.
Cũng như tại Suri Store 18 Vũ Trọng Phụng, cửa hàng tại 459 Minh Khai hiện đang kinh doanh các sản phẩm liên quan đến nhóm đối tượng tiêu dùng là mẹ và bé. Các sản phẩm gồm: Thực phẩm chức năng; thực phẩm bảo vệ sức khỏe (dành cho mẹ và bé); sữa dạng nước; sữa dạng bột; bỉm dành cho trẻ em; vitamin dành cho mẹ và bé; đồ ăn dặm... chủ yếu có nhãn gốc là tiếng nước ngoài. Tuy nhiên, rất nhiều sản phẩm không có nhãn phụ tiếng Việt, vì thế, người tiêu dùng không khỏi hoang mang về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm.

Sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ bày bán tại Suri Store 459 Minh Khai.

Việc cửa hàng Suri Store 459 Minh Khai kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu vi phạm pháp luật, công khai tồn tại và phát triển khiến dư luận đặt dấu hỏi về vai trò trách nhiệm của lực lượng QLTT địa bàn?
Một cửa hàng chình ình trên tuyến phố chính với vị trí vô cùng đắc địa, ai đi qua cũng có thể nhận thấy, nhưng dường như lại “tàng hình” với lực lượng chức năng nơi đây? Phải chăng có việc buông lỏng quản lý hay sự “ưu ái” nào đó từ đơn vị kiểm tra, kiểm soát, giám sát về hàng hóa địa bàn cho cửa hàng Suri Store?
Điều đó không phải là không có cơ sở, khi một cán bộ QLTT hé lộ: “Hệ thống trên là của một đồng chí cán bộ...”.
Công khai kinh doanh thuốc Tây "chui"
Trên một số nền tảng mạng xã hội, phía Suri Store công khai quảng cáo bán thuốc Tây, cụ thể là thuốc tránh thai và nhân viên tư vấn đến cửa hàng 459 Minh Khai để mua sản phẩm.
Thực tế, theo khảo sát của phóng viên, thuốc tránh thai tại đây được công khai trưng bày trên giá kệ của sản phẩm. Nhãn gốc của sản phẩm là chữ tượng hình, nhãn phụ của sản phẩm ghi dòng chữ Việt Nam: Thuốc tránh thai Triquilar. Ngoài ra, trên nhãn phụ không có bất kỳ thông tin nào liên quan đến: thành phần, định lượng, hướng dẫn sử dụng, thông tin cảnh báo, chống chỉ định...

Thuốc tránh thai Triquilar được công khai bày bán tại Suri Store 459 Minh Khai liệu có gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng

Theo quy định, để được kinh doanh thuốc, cơ sở kinh doanh cần phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc và nhân viên bán hàng phải có văn bằng chuyên môn dược từ sơ cấp dược trở lên. Nhân viên cung cấp thông tin cho người mua thuốc, thuốc kê đơn phải là người phụ trách chuyên môn hoặc người có văn bằng chuyên môn dược từ trung cấp ngành dược trở lên và có thời gian thực hành chuyên môn.
Vậy cửa hàng Suri Store 459 Minh Khai có đảm bảo các tiêu chí trên để bán và tư vấn bán sản phẩm là thuốc tránh thai, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe? Việc cửa hàng trên kinh doanh thuốc Tây chui khó tránh khỏi sự nghi hoặc của người tiêu dùng: Liệu thuốc tránh thai do cửa hàng trên cung cấp có gây nguy hại đến sức khỏe người dùng? Đề nghị cơ quan chức năng sớm xác minh, kiểm tra và làm rõ.
Hoài nghi về danh xưng "Top 1"
Theo quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội, cũng như trên chính biển hiệu của một số cửa hàng mang thương hiệu Suri Store mà phóng viên Tạp chí CHG đã đi khảo sát (hoặc do người tiêu dùng thông tin tới Quỹ Chống hàng giả), thông điệp mà phía đơn vị này luôn khẳng định: “Hệ thống mẹ và bé cao cấp Top 1 Việt Nam”.
Theo quy định tại Khoản 11 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012, được hướng dẫn bởi Điều 2 Thông tư 10/2013/TT-BVHTTDL có nêu: Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là hành vi bị cấm.
Trong đó, tài liệu hợp pháp bao gồm: Kết quả khảo sát thị trường của các tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp có chức năng nghiên cứu thị trường; Giấy chứng nhận hoặc các giấy tờ tương tự tại các cuộc thi, triển lãm có quy mô khu vực hoặc toàn quốc bình chọn và công nhận các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đó là “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc các từ ngữ có ý nghĩa tương tự.
Bên cạnh đó, thời gian sử dụng tài liệu hợp pháp chứng minh từ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc các từ ngữ có ý nghĩa tương tự trên các sản phẩm quảng cáo là 01 (một) năm kể từ ngày tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận hoặc nhận kết quả khảo sát thị trường. Đồng thời, trên sản phẩm quảng cáo phải thể hiện đầy đủ, rõ ràng, chính xác tên tài liệu hợp pháp theo quy định.
Theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP thì Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Suri Store (Suri Center) quảng cáo trên biển hiệu: "Hệ thống mẹ và bé cao cấp Top 1 Việt Nam" có vi phạm Luật Quảng cáo?

Vậy câu hỏi đặt ra, phía Suri Store lấy gì làm minh chứng với người tiêu dùng đây là hệ thống Top 1 trong lĩnh vực kinh doanh các sản phẩm mẹ và bé? Việc quảng cáo của Suri Store đã được các cơ quan chức năng cấp phép hay chưa? Liệu phía hệ thống Suri Store có đang vi phạm luật quảng cáo? Điều đó rất cần đơn vị này sớm phản hồi để tòa soạn có câu trả lời tới độc giả./.

Thuốc tránh thai Triquilar là 1 loại thuốc tránh thai khá phổ biến, do Công ty Bayer phân phối cho thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, để mua được loại thuốc này thì cần phải được sự tư vấn và kê đơn của các bác sĩ phụ khoa, hoặc tại các phòng khám bệnh phụ khoa. Do vậy, việc có nguồn hàng và xách tay về Việt Nam bán tràn lan trên thị trường là một điều lạ???
Việc kinh doanh thuốc tránh thai Triquilar hoàn toàn bất hợp pháp tại các hiệu thuốc vì thuốc này không nằm trong danh mục các thuốc tránh thai nhập khẩu được quy định trong điều 6 Luật Dược 2016.
Bên cạnh đó, việc hệ thống kinh doanh các sản phẩm mẹ và bé mang thương hiệu Suri Store công khai quảng cáo sản phẩm thuốc tránh thai Triquilar, cũng như ngang nhiên bày bán tại cửa hàng Suri Store 459 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội là hành vi trái với quy định của pháp luật tại Điều 33 Luật Dược 2016.
Ông Hồ Trường Giang (Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại)

Còn lại: 1000 ký tự
Thanh Hóa: Triệt phá dây sản xuất, buôn bán hàng chục nghìn sản phẩm chống đột quỵ giả

(CHG) Thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, Công an TP Thanh Hóa vừa triệt phá một đường dây sản xuất, buôn bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe chống đột quỵ giả qui mô lớn. Đã cung ứng ra thị trường hơn 20.000 hộp viên, với giá trị tương đương khoảng 50 tỉ đồng.

Xem chi tiết
Quảng Nam: Tịch thu số lượng lớn hàng hóa nhập lậu đang trên đường đi tiêu thụ

(CHG) Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam kiểm tra phương tiện xe ô tô tải, phát hiện số lượng lớn hàng hóa nhập lậu, với tổng trị hàng hóa vi phạm là 43.940.000 đồng.

Xem chi tiết
Đà Nẵng: Xử phạt một doanh nghiệp vi phạm kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử

(CHG) Lực lượng chức năng thành phố Đà Nẵng kiểm tra, phát hiện một doanh nghiệp kinh doanh có hành vi vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, với số tiền xử phạt 30.000.000 đồng.

Xem chi tiết
Đồng Tháp: Kinh doanh online hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, bị xử phạt trên 100 triệu đồng

(CHG) Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành Quyết định xử phạt hành chính đối với hộ kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, với số tiền 102,5 triệu đồng.

Xem chi tiết
Cà Mau: Kiểm tra doanh nghiệp kinh doanh vàng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu.

(CHG) Thực hiện Công điện số 23/CĐ-TTg ngày 20/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý vàng. Cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau thực hiện kiểm tra phát hiện doanh nghiệp kinh doanh có dấu hiệu vi phạm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu của CHANEL được bảo hộ.

Xem chi tiết
2
2
2
3