(CHG) Mặc dù liên tục bị các cơ quan chức năng bắt giữ và tiêu hủy, nhưng thuốc giả, thực phẩm chức năng giả vẫn tồn tại ở mọi ngõ ngách, từ nông thôn đến thành thị. Nhằm ngăn chặn tình trạng thị trường bị thuốc và thực phẩm chức năng giả “tấn công”, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc là giải pháp không thể thiếu.
Thị trường thuốc, thực phẩm chức năng thật giả lẫn lộn
Từ đầu năm 2022, một số vụ việc về thực phẩm chức năng giả tại Hà Nội và Bắc Giang khiến cho người tiêu dùng hoang mang.
Cuối tháng 2/2022, Công an quận Long Biên (Hà Nội) đã thu giữ hàng trăm sản phẩm các loại dùng để bôi, uống, xịt làm đẹp, chữa bệnh với nhiều mẫu mã và thương hiệu khác nhau gồm: Cao bôi dược liệu, khớp Khang Thọ; xoang Ngọc Linh, kem dưỡng trắng da Sắc Bảo Ngọc, Bổ phế ích phế Đan, Oga Max; Khang Cốt Đơn, Mộc Vị Khang, Cát vượng Hoàn; An thần Đan, dạ dày Tâm Vị, dạ dày Hoàng Hường... nhãn mác đề sản xuất tại Công ty TNHH Dược phẩm Nam Dương, Công ty TNHH TM Dược phẩm Trang Ly; 22.000 tem nhãn các loại cùng nhiều vỏ lọ, vỏ hộp chưa dán nhãn mác. Toàn bộ số bị thu giữ trên đều được Công ty TNHH Dược phẩm Nam Vương khẳng định là hàng giả.
Tiếp đó, ngày 16/6/2022 Công an tỉnh Bắc Giang đã điều tra, làm rõ vụ sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả với số lượng lớn tại Công ty cổ phần Công nghệ cao UEPHA tại xã Đại Lâm, huyện Lạng Giang. Công ty này sản xuất hàng hóa giả là thực phẩm chức năng Collagen. Tại thời điểm kiểm tra đã thu giữ 16 thùng nặng khoảng 600kg chứa các viên nang là thực phẩm chức năng Collagen giả và 13 thùng chứa vỏ hộp giấy, hộp nhựa, tem nhãn Collagen, cùng 3 máy khò và nhiều đồ vật liên quan.
Một vụ bắt giữ thuốc tân dược giả được lực lượng công an thực hiện.
Những vụ việc trên cho thấy, số lượng sản phẩm thực phẩm chức năng vào thị trường với số lượng lớn, được sản xuất và phân phối có tổ chức, quy mô và hoạt động công khai. Người tiêu dùng khó có thể phân biệt được hàng giả, hàng thật để lựa chọn và sử dụng.
Theo DS Lê Phước Thành Nhân, Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP. Thủ Đức, TP.HCM): Thực phẩm chức năng khi sử dụng phải có tư vấn của bác sĩ, không nên tự ý sử dụng theo thói quen hoặc lời tư vấn, quảng cáo “quá mức” của người bán hàng. Nếu sử dụng thực phẩm chức năng tùy tiện sẽ dẫn đến tình trạng ngộ độc do thừa chất, thậm chí có những biến chứng nguy hại cho sức khỏe, thậm chí tính mạng.
Ví dụ: nếu thừa vitamin D dẫn đến bệnh sỏi thận; thừa vitamin C sẽ gây tiêu chảy, nổi mụn, đau đầu, buồn nôn và phá hủy chức năng của thận, gây sỏi thận; thừa acid folic có thể gây ung thư, đau bao tử, khó ngủ, tim đập nhanh, co giật... Nếu sử dụng thực phẩm chức năng giả thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe như tiêu chảy, ngộ độc, nôn mửa, nổi mẩn đỏ, da phồng rộp, trụy tim mạch, huyết áp giảm, khó thở... Nếu sử dụng trong thời gian dài sẽ dẫn đến các bệnh lý về gan, thận, mật...
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, việc lạm dụng thực phẩm chức năng đẩy mạnh nhu cầu sử dụng trên thị trường đã tạo áp lực thúc đẩy người tiêu dùng tiếp tục sử dụng nhiều loại thực phẩm khác nhau với mục đích bồi dưỡng cơ thể.
Nhu cầu thị trường cao, người tiêu dùng “dễ tính”, nguồn thu nhập “khủng” là những lý do chính khiến các đối tượng làm giả, làm nhái sản phẩm thực phẩm chức năng sẵn sàng “vượt rào pháp luật” để sản xuất hàng giả.
Theo ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ (Tổng cục Quản lý thị trường) cho biết, có 6 nguyên nhân của hành vi làm giả thuốc và thực phẩm chức năng.
Thứ nhất, lợi nhuận của sản xuất, buôn bán thuốc và thực phẩm chức năng giả là rất lớn.
Thứ hai, ý thức của người tiêu dùng chưa cao, vẫn tự ý mua thuốc không qua kê đơn tại các hiệu thuốc hoặc các chợ mạng.
Thứ ba, thương mại điện tử phát triển vượt bậc dẫn đến các đối tượng lợi dụng để bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Thứ tư, việc giám định thuốc và thực phẩm chức năng đòi hỏi kinh phí lớn và cần thời gian dài để thẩm tra, xác minh.
Thứ năm, sự vào cuộc của các doanh nghiệp, hiệp hội có liên quan chưa cao, chưa đồng bộ, xuyên suốt.
Thứ sáu, lực lượng quản lý thị trường còn cần được đào tạo chuyên sâu về kiến thức liên quan đến thuốc và thực phẩm chức năng cũng như thông tin kịp thời về thuốc, thực phẩm chức năng giả hoặc xâm phạm bản quyền.
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp chống hàng giả
Theo thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường, từ đầu năm 2022 đến nay, đơn vị đã kiểm tra, xử lý gần 1.500 vụ việc vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ… có giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng. Hiện hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ diễn ra ở hầu hết lĩnh vực; trong đó, dược phẩm và thực phẩm chức năng giả xuất hiện nhiều trên thị trường.
Để quản lý hiệu quả thị trường thuốc và thực phẩm chức năng, nhất là việc kiểm soát hàng giả, hàng nhái, cơ quan chức năng cần làm gì, doanh nghiệp kinh doanh cần làm gì? Người tiêu dùng bảo vệ quyền lợi của chính mình bằng cách nào?
Theo bà Nguyễn Diệu Hà, Tổng Thư ký, Chánh Văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp dược Việt Nam cho biết, số lượng thuốc giả xâm nhập vào hệ thống cung ứng và đến tay bệnh nhân đang ngày càng gia tăng. Nhiều vụ án liên quan đến thuốc giả được phát hiện, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Thuốc giả được sản xuất khá tinh vi và người bệnh khó có thể phát hiện được điểm khác nhau. Nếu sử dụng phải thuốc và thực phẩm thức năng giả sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khoẻ, thậm chí đến tính mạng con người.
Một số các mặt hàng để phòng, chống Covid-19 được nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam, chưa được cấp phép và được bán phổ biến trên không gian mạng. Điều đó khiến người tiêu dùng bị đánh lừa, mua phải các sản phẩm không rõ nguồn gốc và chưa được cấp phép của Bộ Y tế.
Tại TP. Hà Nội và TP.HCM, lực lượng quản lý thị trường đã đấu tranh, phát hiện và tạm giữ, xử lý hàng chục ngàn sản phẩm. Các sản phẩm này chưa được đánh giá về chức năng cũng như công dụng của thuốc.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra một cửa hàng thuốc.
Trước tình trạng hàng giả, hàng nhái gây ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp chân chính, nhiều doanh nghiệp cho biết đã áp dụng công nghệ trong việc chống hàng giả. Việc áp dụng giúp giảm một lượng lớn hàng giả trên thị trường.
Một trong những giải pháp công nghệ được nhiều doanh nghiệp triển khai và Trung tâm Công nghệ chống hàng giả Việt Nam áp dụng là
TrueData. True-Data là giải pháp kỹ thuật được kết hợp giữa dạng sản phẩm và dạng quy trình, hoạt động trên nguyên lý thu thập và bảo vệ các dữ liệu (bao gồm các thông tin liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ, quá trình sản xuất và lưu hành sản phẩm).
Bên cạnh tìm giải pháp công nghệ, các doanh nghiệp cũng cho rằng, để chống vấn nạn dược phẩm và thực phẩm chức năng giả cần sự vào cuộc hơn nữa của cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh sai quy định. Đồng thời, xây dựng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, kiểm soát chặt chẽ thị trường cũng như nâng cao kiến thức cho người tiêu dùng về thuốc và thực phẩm chức năng.
Để bảo vệ mình, người tiêu dùng vẫn cần phải chủ động trong vấn đề lựa chọn, sử dụng thuốc và thực phẩm chức năng, tự trang bị kiến thức về việc phân biệt hàng thật, hàng giả. Mặt khác, xã hội vẫn đang cần các cơ quan chức năng triển khai những giải pháp đồng bộ để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái đối với mặt hàng thuốc và thực phẩm chức năng để bảo vệ người tiêu dùng một cách hiệu quả. Trong đó, rất cần những giải pháp công nghệ giúp người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp phân biệt được dễ dàng hàng giả, hàng thật để tự bảo vệ mình trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái hiện nay.
0
Đắk Nông: Phát hiện và xử phạt cửa hàng kinh doanh quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas
(CHG)Vừa qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Cơ sở kinh doanh quần áo may sẵn tại thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông về hành vi trưng bày, bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Adidas đang được bảo hộ tại Việt Nam với số tiền xử phạt là 10.000.000 đồng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ 119 sản phẩm quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas.
Xem chi tiết