Mỹ phẩm chứa chất cấm
Sau khi Tạp chí điện tử Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại (CHG) có bài viết “Mỹ phẩm “nhiều không” công khai bày bán tại Công ty Bảo Ngọc và Công ty Đồng Phú”, với nội dung thông tin tới độc giả việc người tiêu dùng, khách du lịch và quần chúng nhân dân “tố” sản phẩm mỹ phẩm Kem chống nắng ngọc trai bày bán tại Công ty Bảo Ngọc, Công ty Đồng Phú trên nhãn hàng hóa không ghi: thông tin cảnh báo; thành phần (thành phần định lượng), không ghi số lô sản xuất, thương nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường...
Mỹ phẩm "nhiều không" được bày bán tại Công ty Ngọc Bảo và Công ty Đồng Phú.
Bên cạnh hai đơn vị trên, mỹ phẩm bày bán tại Trung tâm Ngọc Hiền Pearl cũng bị người tiêu dùng “tố” không ghi số lô sản xuất, “mập mờ” về bảng thành phần. Chính vì thế, người tiêu dùng cho rằng kem chống nắng bày bán tại Ngọc Hiền Pearl thực sự có công dụng dùng để chống nắng? Liệu sản phẩm trên có đủ an toàn cho người sử dụng?
Nhằm giải đáp thắc mắc trên, Quỹ Chống hàng giả đã tiến hành mang sản phẩm Kem chống nắng ngọc trai bày bán tại Trung tâm Ngọc Hiền Pearl Farm đi kiểm nghiệm tại một đơn vị có chức năng.
Kem chống nắng Công ty TNHH MTV Ngọc Trai Ngọc Hiền Phú Quốc "mập mờ" về thành phần, không có lô sản xuất và kết quả kiểm nghiệm đối chứng của Quỹ Chống hàng giả chỉ ra rằng sản phẩm có chứa thủy ngân vượt ngưỡng cho phép.
Kết quả chỉ ra rằng, người tiêu dùng lo lắng không hẳn là thiếu cơ sở: sản phẩm có chứa thủy ngân vượt mức cho phép gần 6 lần (bình thường dưới 1mg/kg).
Quỹ Chống hàng giả đã bàn giao thông tin trên tới Tạp chí điện tử Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại (CHG), nhằm thông tin rộng rãi và trả lời những thắc mắc tới người tiêu dùng cũng như du khách.
Thủy ngân là một kim loại nặng có tính độc hại cao, thường được biết đến với các hình thức như thủy ngân nguyên tố, hợp chất vô cơ và hữu cơ. Khi xâm nhập vào cơ thể, thủy ngân có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như: gây tổn thương nghiêm trọng đến hệ thần kinh trung ương. Triệu chứng thường gặp bao gồm rối loạn tâm thần, khó khăn trong việc tập trung và trí nhớ kém; Làm suy giảm khả năng miễn dịch của cơ thể, khiến người dùng dễ bị nhiễm bệnh hơn; Ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, dẫn đến các vấn đề như sảy thai, dị tật bẩm sinh và các rối loạn phát triển ở trẻ em. Gây ung thư trực tiếp, nhưng các hợp chất của nó có thể tạo ra những biến đổi di truyền dẫn đến sự phát triển của ung thư.
Bởi vậy, Bộ Y tế quy định: nồng độ thủy ngân tối đa cho phép có trong sản phẩm mỹ phẩm là 1 phần triệu (1 ppm), tỷ lệ rất thấp (tương đương 0,000001%).
Giao dịch ngoại tệ trái phép?
Ngoài những dấu hiệu vi phạm và vi phạm liên quan đến hàng hóa là đồ lưu niệm, quà tặng, trang sức là vàng, bạc có gắn ngọc trai... dành cho khách du lịch bày bán tại Trung tâm Ngọc Hiền Pearl Farm mà Tạp chí CHG đã nêu, cũng giống như Long Beach Center, tại đây hiện tượng giao dịch hàng hóa bằng ngoại tệ được công khai diễn ra.
Cụ thể, khi mua đồ lưu niệm tại Trung tâm kinh doanh ngọc trai Ngọc Hiền, phía du khách muốn tìm đại lý thu đổi ngoại tệ (đô la) hợp pháp để đổi sang tiền Việt Nam đồng, thì được nhân viên tại đây tư vấn về việc thu đổi ngoại tệ cho khách mua hàng. Điều đáng nói, hoạt động trên diễn ra một cách thuần thục, không giấu giếm, mà ngang nhiên, công khai.
Nhằm thông tin khách quan đa chiều, phóng viên Tạp chí CHG đã trao đổi với quản lý của Ngọc Hiền Pearl qua điện thoại, ông này cho biết: Ngọc Hiền Pearl Farm không có chức năng quy đổi ngoại tệ.
Như vậy, giống như trung tâm Long Beach Center, Ngọc Hiền Pearl thu đổi ngoại tệ liệu có đúng quy định của pháp luật?
Những dấu hiệu vi phạm và vi phạm tại Ngọc Hiền Pearl Farm đang có nhiều diễn biến phức tạp, liệu rằng đến bao giờ cơ quan chức năng nơi đây mới xử lý dứt điểm?
Mỏi mòn chờ đợi thông tin
Thời gian qua, Tạp chí CHG có một số bài viết liên quan đến sự “thờ ơ”, “vô cảm” của UBND thành phố Phú Quốc trong việc tiếp nhận thông tin từ cơ quan báo chí: ...“Trung tâm mua sắm đặc sản Hương Đảo “ngông nghênh” bán hàng cấm”; “UBND thành phố Phú Quốc có đang “vô cảm” với công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại?”; “Ngọc Hiền Pearl Farm có đang kinh doanh vàng- bạc bằng “niềm tin” và không xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho khách hàng?”; “Diễn biến mới tại trung tâm kinh doanh ngọc trai Long Beach Center”; “Chậm trễ trả lời báo chí, UBND thành phố Phú Quốc đi ngược với chủ trương của UBND tỉnh Kiên Giang?”; “Mỹ phẩm “nhiều không” công khai bày bán tại Công ty Ngọc Bảo và Công ty Đồng Phú”. Nội dung của những bài viết trên cho thấy la liệt hàng hóa có dấu hiệu: giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa nhập lậu, hàng hóa gian lận thương mại, hàng hóa kém chất lượng... đang “bủa vây”, “bóp nghẹt”, có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, đang “tấn công” trực diện vào thành phố Phú Quốc. Điều đó không chỉ ảnh hưởng tới đời sống tiêu dùng của nhân dân địa phương, mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển bền vững của ngành du lịch của thành phố này.
Các bài viết mang tính phản biện cao, có những đánh giá, nhận định khách quan, đa chiều của các chuyên gia trong lĩnh vực hàng hóa, những mong chính quyền thành phố Phú Quốc sớm tiếp thu và đưa ra giải pháp.
Có lẽ, đó là điều “xa xỉ” đối với UBND thành phố này (?)
Bà Nguyễn Thị Kim Loan, Chánh văn phòng UBND thành phố Phú Quốc cho rằng: “Không nhận được giấy giới thiệu nào từ phía Tạp chí”.
Dẫn chứng cho điều này là phía UBND thành phố Phú Quốc tiếp nhận thông tin của Tạp chí CHG (giấy giới thiệu và nội dung thông tin), tuy nhiên, những tài liệu trên được bà Chánh văn phòng Nguyễn Thị Kim Loan, đại diện UBND thành phố này cho hay: “Không nhận được giấy giới thiệu nào từ phía Tạp chí”.
Điều lạ lùng, không hiểu bằng thế lực “siêu nhiên”, “vô hình” nào đó, tài liệu giữa Tạp chí CHG và UBND thành phố Phú Quốc “bay” lên phần bình luận của một bài viết trên nền tảng mạng xã hội Facebook với những lời lẽ vu khống, bịa đặt, xúc phạm danh dự cơ quan báo chí, cùng phóng viên, nhà báo. Nội dung trên Tạp chí CHG đã chuyển tới Công an thành phố Phú Quốc và đang được đơn vị này xử lý.
Công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu, hàng gian lận thương mại... tại thành phố Phú Quốc dường như chưa thực sự được coi trọng, điều đó không chỉ thể hiện thông qua việc làm ‘‘thất thoát tài liệu của hai đơn vị, mà còn thể hiện ở sự “vô cảm” của chính quyền nơi đây’’.
Những thông tin, những bài viết của Tạp chí CHG nêu lên thực trạng những gì đang diễn ra (về hàng hóa) tại thành phố Phú Quốc gần như không có hồi âm. Thậm chí, ngay cả đối với Luật Báo chí dường như không có hiệu lực với UBND thành phố này.
Cao trào của vấn đề chính là việc đại diện, bà Nguyễn Thị Kim Loan, Chánh văn phòng UBND thành phố Phú Quốc đồng ý về buổi trao đổi thông tin với Tạp chí CHG. Những tưởng, sau khi vượt hàng nghìn Km, phía UBND thành phố Phú Quốc trực tiếp đón nhận thông tin, khẩn trương chấn chỉnh vấn nạn trên.
Thực tế, điều đó đã không được diễn ra. Đại diện của Tạp chí CHG đã bị “bỏ mặc” tại hội trường cùng hai đơn vị liên đới. Câu trả lời của bà Chánh văn phòng UBND thành phố Phú Quốc khiến phóng viên nhận thấy dường như mình đang bị đơn vị này “đánh lừa”: “Lãnh đạo bận họp”. Cùng lời hứa hẹn: “Em cứ về đi, chị sẽ sắp xếp buổi làm việc sớm nhất với bên mình...”.
Lời hứa đó đến nay đã gần 50 ngày, phóng viên vẫn mỏi mòn chờ đợi mà phía UBND thành phố Phú Quốc chẳng thấy hồi âm!
Trước đó, ngày 09/09/2024, UBND tỉnh Kiên Giang có công văn số 8477/VP-KT về việc thẩm tra xác minh thông tin mà Tạp chí CHG đã nêu. Nội dung công văn: “Giao Sở Công thương (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389/KG) chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Cục Quản lý thị trường tỉnh, báo cáo đề xuất UBND tỉnh trước ngày 20/9/2024”. Thế nhưng, sau 15 ngày (tính từ ngày 20/9), Tạp chí CHG chưa nhận thêm được bất kỳ văn bản nào liên quan đến nội dung trên của UBND tỉnh Kiên Giang, cũng như UBND thành phố Phú Quốc.
Nhức nhối và bức xúc của quần chúng nhân dân, du khách trong và ngoài nước không chỉ nằm ở những sản phẩm hàng hóa có dấu hiệu: giả mạo nhãn hiệu; kém chất lượng; nhập lậu; gian lận thương mại; vi phạm về việc ghi nhãn hàng hóa... mà còn là những nghi vấn về gian lận thuế, gian lận thương mại trong kinh doanh các sản phẩm trang sức mỹ nghệ vàng- bạc, kinh doanh ngoại tệ trái phép, hàng hóa chứa chất cấm... Vấn nạn trên đang có tính chất phức tạp, diễn biến khó lường và nếu không kịp thời ngăn chặn sẽ trở thành điểm nóng, khó kiểm soát.
Còn nhớ, năm 2023, hàng chục cơ quan báo chí lên tiếng về “chặt chém” làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển ngành du lịch của thành phố này. Trong đó, có những bài báo thẳng thắn chỉ ra sự thiếu trách nhiệm của chính quyền nơi đây. Thậm chí “phát biểu của ông Chủ tịch UBND thành phố Phú Quốc được xem như sự “trả treo” đầy thách thức” (trích bài “Du lịch “trả treo” ở Phú Quốc” trên báo Lao Động), khiến không ít du khách sau khi đến đây, chẳng muốn quay lại lần tiếp. Bài học nhãn tiền còn chưa kịp nguội!
UBND tỉnh Kiên Giang, UBND thành phố Phú Quốc cần nhìn thẳng vào vấn đề, khẩn trương vào cuộc, xử lý dứt điểm vấn nạn trên. Đồng thời, làm rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đứng đầu các sở, các ban, các ngành liên quan khi để xảy ra vụ việc.
Trao đổi với ông Nguyễn Lê Hoan Chánh văn phòng Quỹ Chống hàng giả về nguy cơ tiềm ẩn khi sử dụng mỹ phẩm có chưa thủy ngân, ông Hoan cho biết: "Thủy ngân là chất cực độc, thâm nhập vào cơ thể con người qua da, đường hô hấp… có thể gây ho, đau ngực, giảm trí nhớ, sảy thai, khuyết tật thai nhi, ngộ độc dẫn đến tử vong. Việc sử dụng mỹ phẩm có chứa thủy ngân vượt ngưỡng có thể làm da sạm, nám nhiều hơn, da mỏng hơn, giãn mạch, nổi mụn trứng cá và tình trạng này ngày càng trở nên nặng nề hơn. Khi tích tụ quá nhiều trong cơ thể, thủy ngân có thể gây độc hại, dẫn tới một loạt các triệu chứng ngộ độc thủy ngân như: mệt mỏi, đờ đẫn, đau đầu, ho, đau tức ngực, khó thở, viêm mô phổi, thay đổi hành vi như cáu kỉnh, trầm cảm hoặc dễ bị kích động, thiếu tập trung,...". Bên cạnh đó, ông Hoan cũng cho biết thêm: "Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) quy định rằng giới hạn hợp pháp đối với thủy ngân trong mỹ phẩm là không quá 1 phần triệu (ppm). Tuy nhiên, giới hạn này không được giám sát chặt chẽ ở tất cả các nơi trên thế giới. Theo phụ lục số 06-MP, ban hành kèm theo Thông tư 06/2011/TT-BYT của Bộ y tế quy định về quản lý mỹ phẩm, có 3 kim loại nặng bị giới hạn trong mỹ phẩm là chì, thủy ngân, asen. Theo đó, giới hạn thuỷ ngân ở Việt Nam (cũng như ở khu vực ASEAN) trong mỹ phẩm không được vượt quá 1 phần triệu (1ppm)". |
(CHG)Từ năm 2021 đến tháng 10/2024, Công ty TNHH Văn phòng phẩm Tuấn Như do ông Lê Công Tuấn làm Giám đốc đã kinh doanh, bán buôn các mặt hàng văn phòng phẩm không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, với tổng giá trị hàng hóa hơn 171 tỷ đồng và có hành vi trốn thuế thu nhập doanh nghiệp với số tiền trốn thuế hơn 5,8 tỷ đồng.
Xem chi tiết(CHG) - Chiều ngày 31/10, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (QLTT) phối hợp với Cục Quản lý thị trường TP.HCM tổ chức kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh tại chợ Bến Thành và đã phát hiện nhiều sai phạm.
Xem chi tiết(CHG) Tổng cục Hải quan cho biết, ngày 26/11/2019, Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 8 đã thông qua Nghị quyết số 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020 và được thực hiện trong vòng 3 năm.
Xem chi tiết(CHG) Cục thuế TP.HCM quyết định xử phạt hành chính về thuế đối với công ty Cổ phần Cấp nước Thủ Đức (TDW) do có hành vi khai sai dẫn đến thiếu số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2021.
Xem chi tiết(CHG) Tổng cục Thuế gửi công văn đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp ngăn chặn, xử lý thông tin rao bán hoá đơn điện tử trên không gian mạng.
Xem chi tiết