(CHG) Hệ thống kinh doanh phụ kiện quà tặng trang sức Mashimaru luôn là điểm đến của người tiêu dùng địa phương, khách du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên, không ít khách hàng nhận thấy tại đây la liệt hàng hóa có dấu hiệu vi phạm và vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh hàng tiêu dùng: sản phẩm vi phạm về ghi nhãn, hàng hóa có dấu hiệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa có dấu hiệu gian lận thương mại và hàng hóa có dấu hiệu nhập lậu... được công khai bày bán.
Vi phạm việc ghi nhãn hàng hóa
Thời gian qua, người tiêu dùng trên địa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông tin tới Quỹ Chống hàng giả về việc hệ thống kinh doanh phụ kiện, quà tặng trang sức Mashimaru công khai bày bán hàng hóa có dấu hiệu chưa đủ điều kiện lưu hành tại Việt Nam. Quỹ Chống hàng giả đã chuyển thông tin trên cho Tạp chí điện tử Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại (CHG).
Một cửa hàng kinh doanh mang thương hiệu Mashimaru.
Khảo sát tại một số địa điểm kinh doanh mang thương hiệu Mashimaru: 373 Trương Công Định, phường 8, TP Vũng Tàu; 430 Cách Mạng Tháng Tám, phường Phước Trung, TP Bà Rịa; 233 Lê Hồng Phong, thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức; 262 đường số 6, xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức; A2-2/2 Cù Chính Lan, Khu Đô Thị Chí Linh, TP Vũng Tàu; 58 Huỳnh Minh Thạnh, thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc; 517 Võ Thị Sáu, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền; 29 Trưng Nhi D1, TP Vũng Tàu, phóng viên nhận thấy thông tin do người tiêu dùng cung cấp hoàn toàn có cơ sở.
Hàng hoá vi phạm về việc ghi nhãn sản phẩm và hàng hoá có dấu hiệu vi phạm về nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu, hàng hoá gian lận thương mại,... được bày bán công khai trong các cửa hàng mang thương hiệu Mashimaru.
Cụ thể, tại những địa điểm trên, nhiều sản phẩm hàng hóa là hóa mỹ phẩm dành cho nhóm đối tượng tiêu dùng chủ yếu là phụ nữ: son môi; mascara; phấn mắt; kem nền; phấn má hồng; phấn phủ; sữa rửa mặt; sữa dưỡng thể; dầu gội…, nhóm hàng hóa là đồ gia dụng như: cốc uống nước; bình đựng nước; hộp đựng gia vị; thực phẩm…, chi chít chữ nước ngoài, tuy nhiên, cho dù có tìm “đỏ mắt” phóng viên cũng không thấy có nhãn phụ bằng Tiếng Việt thể hiện trên sản phẩm.
Cho dù có tìm "đỏ mắt", phóng viên cũng thấy có nhãn phụ bằng Tiếng Việt thể hiện trên sản phẩm được bày bán trong các cửa hàng mang thương hiệu Mashimaru.
Việc nhiều sản phẩm hàng hóa tại đây không có nhãn phụ tiếng Việt sẽ gây khó khăn cho người tiêu dùng trong việc xác định nguồn gốc xuất xứ, thành phần cấu tạo sản phẩm, hướng dẫn sử dụng... đặc biệt là thông tin cảnh báo sản phẩm. Điều đó khiến không ít người tiêu dùng khó khăn trong việc chọn mua và sử dụng sản phẩm (nhất là nhiều sản phẩm tại đây dàn cho là trẻ em, nhóm đối tượng tiêu dùng cần được bảo vệ).
Một số "hàng hiệu" của những nhãn hàng nổi tiếng như: Gucci, Chanel, LV... nhưng có giá rẻ đến đáng nghi ngờ đang được bày bán trong các cửa hàng mang thương hiệu Mashimaru.
Ngoài việc “đỏ mắt” tìm kiếm thông tin về nhãn phụ tiếng Việt liên quan tới hàng hóa đang bày bán tại hệ thống này, tại đây cũng xuất hiện một số “hàng hiệu” của những nhãn hàng nổi tiếng như: Gucci, Chanel, LV... nhưng có giá rẻ đến đáng nghi ngờ (chỉ từ 45 nghìn đồng đến 95 nghìn đồng cho 01 sản phẩm nước hoa)...
Thắc mắc về việc sản phẩm không có nhãn phụ tiếng Việt, cũng như bảng thành phần của hàng hóa, nhân viên tại đây dường như “né” trả lời, lảng tránh sang những câu chuyện liên quan đến hàng hóa không đầu, không cuối. Chỉ đến khi phóng viên “băn khoăn” về chất lượng hàng hóa đang bày bán tại đây, một nhân viên tư vấn tại khẳng định: “Đây là những sản phẩm nội địa dùng rất tốt. Chị có thể hoàn toàn yên tâm vì thành phần đều có nguồn gốc từ thiên nhiên nên đảm bảo không gây kích ứng da, hay tác dụng phụ”.
Trao đổi về việc nước hoa của các thương hiệu nổi tiếng có giá bán rẻ trên thị trường, Chị N.Q.H, một chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh hóa mỹ phẩm của một số hãng nổi tiếng, đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam cho rằng: “Những lọ nước hoa của các thương hiệu nổi tiếng nhưng chỉ có giá mấy chục ngàn thì chưa chắc đã phải hàng chính hãng. Sẽ thật nguy hại nếu những sản phẩm trên là hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hậu quả để lại không chỉ là việc người tiêu dùng tiền mất, không khéo tật sẽ mang”.
Bên cạnh đó, chị H. cũng cho rằng: “Đối với mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng ké chất lượng...thường chứa các chất gây ung thư như asen, berili và cadmium. Với ưu điểm là giá thành rẻ và đem lại hiệu quả nhanh chóng, nhiều nhà sản xuất đã sử dụng một hàm lượng lớn các thành phần này vào mỹ phẩm. Ban đầu, người dùng chỉ thấy các triệu chứng như: dị ứng, mẩn đỏ, nổi mụn, nám... Tuy nhiên, khi dùng lâu dài sẽ có nguy cơ bị ung thư da. Đồng thời, mỹ phẩm giả sẽ khiến người dùng bị lão hóa da sớm do khi các chất hóa học thâm nhập, bào mòn làn da khiến da bị khô, nổi mụn và sạm theo thời gian”.
“Phớt lờ” các quy định của pháp luật, đẩy rủi ro về phía người dùng?
Để có thông tin khách quan, đa chiều, cũng như hiểu rõ hơn về nguồn gốc xuất xứ và chất lượng sản phẩm bày bán tại các địa điểm kinh doanh thuộc hệ thống mang thương hiệu: Mashimaru, phóng viên đã có buổi trao đổi với bà Thu (người được cho là đại diện cho hệ thống cửa hàng bán lẻ Mashimaru), tuy nhiên bà này cho rằng: “Toàn bộ hàng hóa đều có hóa đơn chứng từ và chỉ cung cấp khi làm việc với cơ quan chức năng”. Đồng thời bà này không đưa ra bất kỳ câu trả lời nào khác.
Việc bà Thu lựa chọn im lặng, không làm việc với phóng viên, chỉ làm việc với cơ quan chức năng... thực chất là không sai. Tuy nhiên, xét ở khía cạnh nào đó, phóng viên cũng là người tiêu dùng, bà quản lý của hệ thống này phớt lờ ý kiến người tiêu dùng, liệu có phải đơn vị đang “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” (?)
Trao đổi thông tin trên tới ông Nguyễn Lê Hoan, Chánh văn phòng Quỹ CHống hàng giả, ông Hoan cho biết: “Tại Khoản 3 Điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ quy định về nhãn hàng hóa được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 111/2021/NĐ-CP quy định: “Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc”.
Tại buổi trao đổi, ông Hoan cũng cho biết thêm: “Tại khoản 4 Điều 9 Nghị định 43/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 111/2021/NĐ-CP cũng quy định về trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa: “Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam phải ghi nhãn theo quy định về nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa nhập khẩu tại Nghị định này.
Theo quy định trên, các tổ chức, cá nhân nhập khẩu và bày bán kinh doanh hàng hóa nhập khẩu có trách nhiệm phải chấp hành đúng quy định pháp luật về việc ghi nhãn hàng hóa đối với hàng hóa nhập khẩu
Việc dán nhãn phụ lên hàng hoá nhập khẩu giúp cơ quan chức năng kiểm tra và có thể phân biệt sản phẩm có nhập lậu hay là không. Đồng thời, cũng giúp cho người tiêu dùng nhận biết được nguồn gốc xuất xứ, thành phần, hướng dẫn sử dụng, thông tin cảnh báo... của sản phẩm. Nhãn phụ cũng sẽ đi kèm với nhãn chính trên sản phẩm trước khi chúng được đưa ra lưu thông trên thị trường. Trước những thông tin trên, đề nghị Cục Quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào cuộc thẩm tra, xác minh các cửa hàng mang thương hiệu Mashimaru nhằm đảm bảo quyền lợi và an toàn sức khỏe của người tiêu dùng”.
2
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết