(CHG) Theo dự kiến, quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam được dự báo lên tới 49 tỷ USD, thậm chí Google còn dự báo lên tới 57 tỷ USD. Với sự phát triển nhanh chóng, nhiều hình thức mới kinh doanh trên nền tảng số đang đặt ra những thách thức mới trong công tác quản lý nhà nước, trong đó có công tác quản lý thu thuế.
Cần chống thất thu thuế trên thương mại điện tử. Ảnh minh hoạ.
Việt Nam được biết đến là một trong 4 quốc gia đi đầu trong khu vực ASEAN triển khai thu thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài, thông qua cổng thông tin điện tử trực tuyến.
Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương CIEM, trong những năm gần đây, thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh và dự báo có sự phát triển vững chắc. Người dân từ chỗ không quen với mô hình mua sắm trực tuyến, thì nay đã trở nên quen thuộc và coi đó như một xu hướng tất yếu hiện nay.
Năm 2022, kinh tế Internet của Việt Nam được dự báo tăng trưởng đến 28%. Đây cũng là mức tăng trưởng được dự báo cao nhất khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, để thương mại điện tử phát triển bền vững, vấn đề hoàn thiện chính sách vẫn cần được quan tâm.
Bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) cho rằng, trở ngại lớn nhất, quan trọng nhất đối với thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn là môi trường chính sách pháp luật.
Theo phân tích của bà Thảo, đây là một thực tế không chỉ đối với lĩnh vực thương mại điện tử, mà còn là trở ngại đối với nhiều lĩnh vực khác, bởi kể cả có chính sách hỗ trợ đi chăng nữa thì vấn đề thực thi cũng không hề đơn giản.
Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử tại Việt Nam tăng nhanh trong những năm qua. Cụ thể, quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam năm 2015 khoảng 4 tỷ USD, nhưng đến năm 2025, quy mô thị trường được dự báo lên tới 49 tỷ USD, thậm chí, Google còn dự báo, quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam trong năm 2025 lên tới 57 tỷ USD.
Mặc dù tăng trưởng khá tích cực, nhưng theo ông Nguyễn Thanh Hưng, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều trở ngại lớn như: Thanh toán trực tuyến, hoàn tất đơn hàng, thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển nguồn nhân lực, chênh lệch khoảng cách tiếp cận thương mại điện tử giữa các địa phương và môi trường chính sách và pháp luật.
Mặt khác, do thói quen dùng tiền mặt nên lòng tin của khách hàng vào các sản phẩm được bán online vẫn còn là một vấn đề đáng lo ngại. Với sự phát triển của nền kinh tế số, việc kinh doanh trên nền tảng số trở nên phổ biến, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020 và chiếm 6,5% tổng doanh thu bán lẻ cả nước.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với các hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, khẩn trương phối hợp với các Bộ, cơ quan triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 tại Quyết định số 508/QĐ- TTg ngày 23/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó có các giải pháp tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, như hoàn thiện thể chế quản lý thuế trong hoạt động sản xuất kinh doanh mới phát sinh trong nền kinh tế, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, sản xuất thông minh, giao dịch xuyên biên giới...
Tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế là cá nhân kinh doanh thương mại điện tử kê khai, nộp thuế theo quy định; phối hợp, hướng dẫn các nhà cung cấp nước ngoài tuân thủ pháp luật khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế đối với thương mại điện tử, áp dụng các công nghệ hiện đại, phương pháp quản lý rủi ro đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; Tiếp tục phối hợp, trao đổi, kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu với các bộ, cơ quan liên quan; hoàn thiện việc sửa đổi chính sách, pháp luật để tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh xuyên biên giới. Nghiên cứu, xây dựng nội dung tham gia đàm phán các Hiệp định đa phương về quyền đánh thuế đối với thu nhập từ kinh tế số.
Nghị định 91/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 126 quy định chi tiết Luật Quản lý thuế vừa được Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ ngày 30/10. Theo đó, tổ chức là chủ sở hữu sàn thương mại điện tử có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác và đúng hạn cho cơ quan thuế thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân có tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
Cụ thể, nghị định mới quy định tổ chức là chủ sở hữu sàn thương mại điện tử có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác và đúng hạn cho cơ quan thuế thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân có tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
Nhóm thông tin này bao gồm tên người bán hàng; mã số thuế/số định danh cá nhân/chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu, địa chỉ; số điện thoại liên lạc; doanh thu bán hàng thông qua các chức năng đặt hàng trực tuyến của sàn.
Hoạt động cung cấp các thông tin được thực hiện định kỳ hằng quý, chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng đầu quý sau. Các sàn thương mại điện tử sẽ cung cấp thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế theo định dạng dữ liệu do cơ quan này công bố.
Điều này đồng nghĩa, các sàn thương mại điện tử không phải nộp thuế thay người bán, mà chỉ có trách nhiệm cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng.
Ảnh minh hoạ.
Liên quan đến chính sách cho doanh nghiệp hoạt động thương mại điện tử, ông Lê Đức Anh - Giám đốc Trung tâm tin học và công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương cho rằng các chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử còn hạn chế. Nhằm tháo gỡ những vướng mắc về thuế cho doanh nghiệp, thúc đẩy thị trường thương mại điện tử phát triển, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế đã đưa ra các điểm sửa đổi chính tập trung vào các nội dung về khai thuế thu nhập cá nhân của tổ chức, cá nhân không phát sinh việc khấu trừ thuế thu nhập cá nhân. Bên cạnh đó trách nhiệm của tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam là chủ sở hữu sàn thương mại điện tử trong việc cung cấp thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân có mua bán hàng hóa dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử cho cơ quan quản lý thuế...
Để thương mại điện tử Việt Nam phát triển bền vững, hiệu quả, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ cần có những cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này. Cùng với đó, hoàn thiện hạ tầng pháp lý hoàn chỉnh, tạo thuận lợi cho thương mại điện tử.
Đặc biệt, giải pháp quan trọng đó là hạn chế sử dụng tiền mặt trong giao dịch điện tử để kích thích thương mại điện tử phát triển, muốn làm được như vậy, cần giảm chỉ số tiền mặt trên tổng số phương tiện thanh toán, vì hiện chỉ số này tại Việt Nam vẫn chiếm tới 11%.
Theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ sở pháp lý trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử, để tạo thuận lợi cho công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh của các cá nhân trên Sàn giao dịch thương mại điện tử. Tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính triển khai việc chia sẻ dữ liệu, kết nối thông tin phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
Bộ Công an tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư... kết nối, chia sẻ tự động, thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu chung về: Xác thực thông tin công dân giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, với cơ sở dữ liệu đăng ký thuế phục vụ làm sạch dữ liệu đăng ký thuế qua trục tích hợp quốc gia (NGSP), hoặc trục liên thông văn bản hành chính (VDXP). Nghiên cứu phát triển hoặc tích hợp ứng dụng cổng thanh toán, ví điện tử hiện có tại Việt Nam lên ứng dụng công dân số quốc gia VNelD để tạo thuận lợi cho người dân khi tham gia các hoạt động thương mại điện tử.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và phát triển hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia, các tiện ích tích hợp thanh toán điện tử để sử dụng rộng rãi cho các mô hình thương mại điện tử; thiết lập cơ chế quản lý, giám sát các giao dịch thanh toán hỗ trợ công tác quản lý thuế đối với hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong thương mại điện tử theo quy định của Luật Quản lý thuế…
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp với cơ quan thuế các cấp trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại địa bàn; chỉ đạo cơ quan thuế trên địa bàn cùng các sở, ban, ngành địa phương rà soát, thực hiện các biện pháp tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. Chỉ đạo các sở, ban, ngành địa phương phối hợp với cơ quan thuế triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, triển khai các biện pháp khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử để tạo thói quen tiêu dùng văn minh.
Đây là những giải pháp giúp cho việc quản lý thu thuế đối với các hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số được nâng cao và đạt hiệu quả trong công tác quản lý lĩnh vực này.
(Còn tiếp)
5
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết