Bài 2: Một số hình thức lừa đảo, gian lận thương mại phổ biến


(CHG) Qua theo dõi và thông tin từ các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao cho biết, hiện nay xuất hiện một số hình thức lừa đảo, gian lận thương mại quốc tế phổ biến trong xuất nhập khẩu hàng hóa như không thanh toán, không chuyển hàng theo hợp đồng đã ký…

Cần cẩn trọng khi tham gia thương mại quốc tế. Ảnh minh hoạ.
Nhiều thủ đoạn lừa đảo, gian lận thương mại quốc tế
Việt Nam là nền kinh tế năng động, có độ mở cao, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng nên hoạt động giao thương, đầu tư của doanh nghiệp ngày càng phát triển. Các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, dễ trở thành mục tiêu của lừa đảo hoặc vướng phải tranh chấp thương mại phức tạp. Gần đây, mặc dù các cơ quan trong nước, các cơ quan đại diện và Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài liên tục cảnh báo, hiện tượng doanh nghiệp Việt Nam bị lừa đảo hoặc vướng vào tranh chấp vẫn có chiều hướng gia tăng.
Điều này không chỉ gây tổn thất cho doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến lòng tin kinh doanh và quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với các đối tác. 
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng chưa chủ động tìm hiểu, thông tin tới các cơ quan chức năng, các cơ quan đại diện, Thương vụ ta ở nước ngoài mà chỉ liên hệ khi vụ việc lừa đảo xảy ra, gây khó khăn trong quá trình hỗ trợ giải quyết. Mặt khác, cũng có trường hợp doanh nghiệp Việt Nam gian lận, chưa thực hiện đúng hợp đồng, chuyển hàng chưa đúng yêu cầu, tiêu chuẩn hàng hóa của nước sở tại và bị đối tác khởi kiện, ảnh hưởng tới hình ảnh, thương hiệu quốc gia, uy tín của các doanh nghiệp chân chính.
Theo Bộ Ngoại giao, cùng với quá trình toàn cầu hóa và sự phát triển của công nghệ thông tin, các hành vi gian lận thương mại ngày càng phổ biến, có quy mô lớn, tinh vi và phức tạp hơn. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đánh giá, lừa đảo qua xâm phạm email doanh nghiệp là hình thức gây thiệt hại nặng nhất tại Mỹ, khiến các doanh nghiệp thiệt hại 2,4 tỷ USD trong năm 2021, tăng 33% so với năm 2020.
Tại Braxin, từ năm 2019 đến nay có khoảng 16,7 triệu người bị lừa đảo tài chính qua mạng. Trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) đã điều tra và bắt giữ hơn 120 đối tượng từ 90 nước liên quan đến các vụ buôn khẩu trang giả và các hãng sản xuất vắc xin (Pfizer, AstraZeneca, Moderna) cũng ghi nhận hàng trăm vụ lừa đảo vắc xin liên quan đến gần 100 nước trên thế giới.
Qua theo dõi và thông tin từ các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao cho biết, hiện nay xuất hiện một số hình thức lừa đảo, gian lận thương mại quốc tế phổ biến.
Lừa đảo trong xuất khẩu hàng hóa, không thanh toán, không chuyển hàng như hợp đồng đã ký. Một số doanh nghiệp Việt Nam gần đây bị lừa đảo, chiếm đoạt lô hàng tại Sri Lanka, bị đối tác Algeria ép giảm giá hoặc không nhận hàng sau khi hàng đến cảng (với lý do hàng hóa xuống thấp hoặc tìm được bên bán rẻ hơn), hoặc bị ngắt liên lạc và không nhận lô hàng tại Braxin.
Tại Hàn Quốc, một số doanh nghiệp nước này trì hoãn giao hàng, không hoàn trả đặt cọc khi không giao được hàng hoặc không chịu thanh toán khi nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam.  
Thành lập công ty “ma”, giả mạo doanh nghiệp, cung cấp các giấy tờ giả chứng minh năng lực công ty để giao dịch. Thủ tục thành lập doanh nghiệp tại một số nước, bao gồm cả các nước phát triển trong EU là khá đơn giản và dễ dàng, đặc biệt trong thành lập các công ty trách nhiệm hữu hạn. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để các đối tượng tận dụng, mở công ty, thực hiện lừa đảo.
Các đối tượng tại Mexico có thủ đoạn giả danh đại diện của các công ty môi giới, quan chức chính quyền, cơ quan tài chính để tạo niềm tin, dụ dỗ chuyển tiền đặt cọc rồi chiếm đoạt. Một doanh nghiệp Việt Nam nhận được đề nghị thực hiện nghiên cứu thị trường hàng hải qua email của một công ty hàng hải của Bỉ và không được thanh toán sau khi gửi kết quả nghiên cứu.
Năm 2021, có hơn 40 trường hợp giả mạo doanh nghiệp Na Uy để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có một số doanh nghiệp Việt Nam khi mua, bán thủy hải sản, thiệt hại khoảng vài nghìn USD/vụ việc.
Giả mạo giấy tờ, đại diện ngân hàng để lấy chứng từ gốc, chiếm đoạt hàng hóa mà không thanh toán: Bên lừa đảo giả mạo tài khoản tại ngân hàng uy tín hoặc giả mạo cán bộ ngân hàng, cấu kết với các nhóm lừa đảo quốc tế để làm giả giấy tờ, chứng từ, cài người để lấy chứng từ gốc và chiếm đoạt lô hàng.
Các đối tượng cũng dùng nhiều thủ đoạn đề nghị thay đổi điều khoản hợp đồng, phương thức thanh toán (với lý do chi phí ngân hàng cao), đề nghị gửi trước toàn bộ hay một phần vận đơn gốc (với lý do để làm các thủ tục xin cấp phép nhập khẩu) để lừa đảo.
Lừa đảo môi giới các dự án vay ưu đãi, viện trợ, đấu thầu: Theo Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc, thời gian qua một số cá nhân Đài Loan gốc Việt, với danh nghĩa tư vấn cho các doanh nghiệp Đài Loan đã tiếp cận một số tỉnh ở miền Nam và cho biết có thể “thu xếp” được khoản vay ưu đãi hoặc viện trợ của Đài Loan cho các dự án cơ sở hạ tầng tại địa phương. Một số doanh nghiệp ta cũng được mời tham gia các gói thầu ở châu Phi và nhận được thông báo trúng thầu cùng với đề nghị chuyển phí hoàn tất thủ tục đấu thầu; sau khi nhận được tiền, các đối tượng này cắt đứt liên lạc.
Ảnh minh hoạ.
Nâng cao năng lực giao thương của doanh nghiệp
Theo ông Đặng Khánh Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế, Bộ Ngoại giao, tình trạng lừa đảo qua mạng ngày càng phổ biến và diễn ra tại các thị trường lớn, có uy tín, mức độ rủi ro thấp như Mỹ, châu Âu (Hà Lan, Italia, Na Uy..) thay vì tập trung ở các thị trường khu vực châu Phi như trước đây.
Các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng khoảng cách địa lý xa xôi, đại dịch Covid-19 để lừa giao dịch qua internet. Đặc biệt, lợi dụng thời gian dài bị ảnh hưởng dịch bệnh, trong khi doanh nghiệp có nhu cầu đẩy mạnh xuất nhập khẩu nên có xu hướng chấp nhận rủi ro cao hơn trong giao dịch.
Để hạn chế các rủi ro này, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, doanh nghiệp cần tìm kiếm đối tác qua các kênh uy tín, qua giới thiệu của bộ, ngành, các cơ quan đại diện và Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, các cơ quan xúc tiến thương mại, các hiệp hội doanh nghiệp… Nếu tìm đối tác qua mạng internet, doanh nghiệp nên sử dụng các trang mạng chính thức của hiệp hội, ngành nghề các nước.
Đồng thời, kiểm tra, xác minh kỹ và toàn diện thông tin đối tác như đề nghị cung cấp các giấy tờ cơ bản để kiểm chứng mức độ uy tín, tình hình tài chính, khả năng tín dụng của đối tác. Tối ưu nhất là thuê các công ty tư vấn, luật sư uy tín tại nước sở tại hoặc đề nghị cơ quan đại diện, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài xác minh trước khi đàm phán, ký hợp đồng lớn. 
Nghiên cứu kỹ hợp đồng và các nguyên tắc, thông lệ thương mại quốc tế. Chú trọng lưu tâm tới những phương thức, điều kiện thanh toán phố biến và an toàn như L/C không hủy ngang có xác nhận tại các ngân hàng uy tín để được ngân hàng bảo lãnh; hạn chế cho phép trả chậm.
Trong hợp đồng nên có điều kiện quy định rõ cơ quan giải quyết khi xảy ra tranh chấp và các thời điểm về chuyển chứng từ gốc, chuyển quyền sở hữu lô hàng, hiệu lực hợp đồng. Không thay đổi điều khoản hợp đồng sau khi đã ký kết và đã chuyển hàng. Chủ động thuê tàu vận chuyển hàng và xuất khẩu theo hình thức điều kiện CNF hoặc CIF có quyền kiểm soát tốt hơn chứng từ gốc.
Các bộ, ngành cần tăng cường thông tin, cảnh báo cho doanh nghiệp về các tổ chức, đối tượng có dấu hiệu lừa đảo, có hiện tượng làm ăn phi pháp, các hình thức lừa đảo mới, các hành vi lừa đảo tại các địa bàn được đánh giá là an toàn trong giao dịch. Bộ Công Thương chỉ đạo thêm các tham tán thương mại ở các nước củng cố mạng lưới quan hệ với chính quyền, các cơ quan quản lý về an ninh kinh tế, các tổ chức, công ty luật uy tín ở sở tại để nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong xử lý các vụ việc lừa đảo và tranh chấp. Tăng cường giới thiệu các hiệp hội doanh nghiệp, luật sư Việt Nam ở nước ngoài để mở rộng mạng lưới hỗ trợ thông tin, tư vấn cho doanh nghiệp. 
Doanh nghiệp cũng cần bố trí đội ngũ làm công tác ngoại thương và phát triển thị trường có năng lực, kỹ năng và nghiệp vụ tốt về thương mại quốc tế, pháp lý, ngoại ngữ để việc giao dịch, đàm phán, ký kết hợp đồng được chặt chẽ, hạn chế tối đa các rủi ro, tránh thiệt hại cho doanh nghiệp. Không nên chủ quan, quá tin tưởng vào bên môi giới hoặc đối tác, chấp nhận dành nhiều điều kiện ưu đãi cho đối tác, nhất là về hình thức thanh toán để xuất khẩu hàng hóa.
Còn lại: 1000 ký tự
Thủ tướng chỉ đạo “Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra xuất hóa đơn điện tử cây xăng dầu”

(CHG) Thủ tướng yêu cầu phải thực hiện nghiêm túc về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu, yêu cầu xem xét xử lý các doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định, kể cả việc yêu cầu tạm dừng hoạt động kinh doanh và thu hồi giấy phép.

Xem chi tiết
Tiền Giang: Xử phạt 60 triệu đồng kinh doanh buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu.

(CHG) Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh về hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu với số tiền là 60 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ lô hàng vi phạm.

Xem chi tiết
Cà Mau: Kiểm tra cơ sở kinh doanh sản phẩm thuốc thú y thủy sản

(CHG) Nhằm kiểm tra, kiểm soát về tình hình sản xuất, cung ứng, bình ổn thị trường đối với mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản. Cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau thực hiện kiểm tra chuyên ngành, lĩnh vực vật tư nông nghiệp.

Xem chi tiết
Bạc Liêu: Kiểm tra Cơ sở Nha khoa không đăng ký thành lập hộ kinh doanh.

(CHG) Cục Quản lý thị trường tỉnh Bạc Liêu thực hiện kiểm tra Cơ sở Nha khoa không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định.

Xem chi tiết
Ra quân đảm bảo trật tự an toàn giao thông, thực hiện thí điểm tổ chức giao thông một chiều quanh chợ Hàn

​Sáng 25-3, UBND phường Hải Châu I (quận Hải Châu) tổ chức ra quân tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại khu vực chợ Hàn và các khu vực xung quanh trên địa bàn phường Hải Châu I.

Xem chi tiết
2
2
2
3