(CHG) Năm 2023-2024 được nhận định là thời kỳ đỉnh nợ, ước tính lần lượt ở mức 157.970 tỷ và 341.270 tỷ đồng trái phiếu sẽ đến kỳ đáo hạn. Trong khi rất nhiều doanh nghiệp bất động sản rơi vào trạng thái “lâm sàng”, nguồn vốn thanh toán trái phiếu đang dần là gánh nặng đè lên tâm lý thị trường.
Apec Grpup từng dính bê bối liên quan đến huy động vốn qua kênh trái phiếu và bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt do vi phạm và buộc khắc phục hậu quả (ảnh: Nguồn Internet).
Nhiều doanh nghiệp xin chậm thanh toán
Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), năm 2023, số lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn rơi vào hơn 119.000 tỷ đồng. Trong khi áp lực đáo hạn trái phiếu là rất lớn, thì trái phiếu phát hành mới vẫn đóng băng (không có lô trái phiếu doanh nghiệp nào được phát hành trong 3 tuần đầu tháng 1/2023). Thêm vào đó, thị trường bất động sản các kênh huy động vốn (chứng khoán, tín dụng, huy động vốn từ người mua nhà…) đều khó khăn khiến doanh nghiệp phát hành khó tìm nguồn vốn đảo nợ.
Quan sát thị trường thời gian qua sẽ thấy đã bắt đầu xuất hiện loạt doanh nghiệp thông báo chậm thanh toán trái phiếu đến hạn, gặp gỡ trái chủ đàm phán phương án... Ngay trong tháng 1/2023, hàng loạt doanh nghiệp không thể trả nợ các lô trái phiếu đến kỳ đáo hạn, phải “khất nợ” với nhà đầu tư, lùi thời điểm thanh toán. Như, Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai đã không thể trả nợ đúng hạn cho nhà đầu tư khoản trái phiếu đến hạn vào ngày 30/12/2022 (gốc và lãi hơn 180 tỷ đồng). Đức Long Gia Lai cho biết, họ đang đàm phán và thỏa thuận với trái chủ để gia hạn và kéo dài thời gian trả gốc, lãi, thời điểm thanh toán chưa được Công ty công bố.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp này, nguyên nhân khiến Công ty chậm thanh toán trái phiếu cho trái chủ là tình hình sản xuất - kinh doanh gặp nhiều khó khăn, lãi suất tăng cao, tín dụng siết chặt…, nên dòng tiền còn hạn chế.
Ngày 31/1/2023, Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã chính thức phát đi thông báo về danh sách các tổ chức phát hành công bố thông tin bất thường và báo cáo theo yêu cầu từ ngày 16/9/2022 đến ngày 31/1/2023 có nội dung chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu. Đáng chú ý, trong danh sách có 34 doanh nghiệp bất động sản xây dựng, chiếm 64% tổng số doanh nghiệp giãn, hoãn nợ kỳ này.
Hiện CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, HoSE: HPX) do ông Đỗ Quý Hải là Chủ tịch HĐQT cũng xin chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
Trong danh sách 54 doanh nghiệp xin chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu là những tên tuổi quen thuộc như: Apax English (gắn liền với tên tuổi Sark Thủy), Apec Land Huế, CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, HoSE: HPX), CTCP Bất động sản Vĩnh Xuân, CTCP Tập đoàn Danh Khôi (HNX: NRC),…nhóm ngành năng lượng cũng chiếm con số tương đối trong danh sách bao gồm: CTCP Năng lượng Tái tạo Đại Dương, Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam, CTCP BCG Energy (công ty con của Bamboo Capital),…
Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam cũng có văn bản xin chậm thanh toán gốc và lãi trái phiếu.
Trường hợp “vua gạo” CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, HoSE: AGM) cũng tương tự. Cuối tuần đầu của tháng 2, Angimex đã tổ chức Hội nghị chủ sở hữu trái phiếu để thông báo với trái chủ kế hoạch bán tài sản, trả nợ trái phiếu. Trước đó, Công ty cho biết, đã mất khả năng thanh toán với 2 lô trái phiếu có giá trị lần lượt là 350 tỷ đồng, 300 tỷ đồng và dự kiến xử lý một số tài sản bảo đảm, tài sản không dùng, các kho đang dừng hoạt động… để trả nợ.
Trong tuần đó, Công ty cổ phần Lâu đài trắng (Vũng Tàu) cũng công bố thông tin về chậm thanh toán lô trái phiếu (theo kế hoạch thanh toán ngày 5/1/2023) và lùi sang ngày 28/2/2023. Lý do là thị trường không tích cực, chưa thu xếp được nguồn vốn theo kế hoạch.
Dự báo có doanh nghiệp mất khả năng thanh toán
Các chuyên gia của FiinRatings nhìn nhận, khó khăn thanh khoản sẽ tiếp diễn trong năm nay. Ước tính đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ có điểm rơi vào năm 2023 và 2024, lần lượt ở mức 157.970 và 341.270 tỷ đồng. “Thị trường có thể chứng kiến thêm nhà phát hành mất khả năng thanh toán, đặc biệt là doanh nghiệp liên tục tăng cường đòn bẩy trong ít nhất 3 năm và có dòng tiền yếu”, FiinGroup nhận định.
Khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra, bởi theo thống kê, 80% trái phiếu bất động sản phát hành trên thị trường là của doanh nghiệp chưa niêm yết với năng lực tài chính yếu, đòn bẩy tài chính cao. Báo cáo tài chính quý IV/2022 của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết cũng cho thấy dòng tiền yếu đi rõ rệt, tồn kho tăng, vay nợ tăng.
Chuyên gia tài chính, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, tình trạng chậm trả nợ gốc, lãi của doanh nghiệp còn tiếp diễn bởi khối lượng trái phiếu đáo hạn năm nay là rất lớn. Dù nhiều doanh nghiệp nỗ lực bán tài sản để thanh toán nợ cho trái chủ và đàm phán gia hạn kỳ hạn trả nợ, song với tình hình thị trường bất động sản hiện nay, việc bán tài sản cũng không dễ.
TS. Đinh Thế Hiển.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển, hiện nhiều doanh nghiệp phát hành kẹt vốn trong các dự án bất động sản dang dở, không có vốn để tiếp tục triển khai, sản phẩm chưa có để bán thu hồi vốn trả nợ. Chính vì vậy, sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP sẽ giúp doanh nghiệp phát hành có thêm thời gian xoay xở dòng tiền...
Dù Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi cũng chỉ được coi là giải pháp gỡ khó tạm thời cho doanh nghiệp trong việc gia hạn nợ, đảo nợ. Về lâu dài, thị trường cần thêm thời gian để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, cũng như để doanh nghiệp phát hành và các tổ chức trung gian chuyên nghiệp hơn.
Theo thống kê, năm 2023 lượng trái phiếu đáo hạn lớn, trong khi khả năng phát hành mới, phát hành tái cơ cấu bị hạn chế đáng kể. Lượng trái phiếu mua lại trước hạn cũng tiếp tục làm giảm quy mô chung của thị trường. Năm 2023 cũng được xem là thời điểm đẩy mạnh các hoạt động tái cấu trúc trái phiếu sắp tới hạn. Chưa kể, hoạt động thanh tra, giám sát doanh nghiệp phát hành trái phiếu năm 2023 cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động phát hành, chào bán trái phiếu doanh nghiệp.
Hiện phần lớn trái phiếu trên thị trường đang được phát hành với thời gian đáo hạn từ 3,5 năm trở xuống, cho thấy nhu cầu vay vốn để tái cấp vốn của doanh nghiệp là rất lớn. Các doanh nghiệp sẽ buộc phải dựa vào dòng tiền hiện có, hoặc tiếp cận các nguồn vay bên ngoài rủi ro hơn.
Osaka Garden mối quan hệ kinh tế Techcombank, Masterise Group, Vạn Thịnh Phát, năm 2021 đã huy động vốn lớn thông qua kênh trái phiếu.
Đối với trái phiếu bất động sản, để trả nợ trái phiếu trong điều kiện thị trường trầm lắng, thanh khoản thấp, các doanh nghiệp buộc phải đàm phán với trái chủ gia hạn trái phiếu, chuyển trái phiếu thành gói vay với lãi suất mới, trả nợ bằng bất động sản, hoặc bán tài sản để trả nợ…
Mặc dù vậy, các chuyên gia FiinGroup cho rằng, ngay cả khi đạt được thỏa thuận với các trái chủ về việc giãn nợ hoặc hoán đổi trái phiếu sang bất động sản, doanh nghiệp vẫn chỉ có thể duy trì thanh khoản trong khoảng thời gian ngắn, bởi ngoài trả nợ cho trái chủ, doanh nghiệp còn phải trả nợ vay ngân hàng, trả nợ đối tác…
Theo các chuyên gia đánh giá, gia hạn nợ là giải pháp cần làm để hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản hiện nay. TS. Cấn Văn Lực cho rằng, các đơn vị cũng cần nâng cao tính công khai, minh bạch trong huy động vốn, sử dụng vốn. Tăng cường tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn, đặc biệt là quyết liệt cơ cấu lại, tiết giảm chi phí. Đồng thời đa dạng hóa nguồn vốn, xem xét có phương án cụ thể, quyết liệt để giải quyết căng thẳng thanh khoản khi các trái phiếu đáo hạn.
21
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết