Gian dối quảng cáo thực phẩm chức năng bị xử lý thế nào?


(CHG) Thời gian qua dù các bộ, ngành liên quan cũng như chính quyền các địa phương đã vào cuộc xử lý, nhưng tình trạng vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng vẫn tràn lan trên các mạng xã hội, thậm chí trên cả một số phương tiện thông tin đại chúng nhằm lôi kéo người tiêu dùng sử dụng những sản phẩm không đúng như những lời quảng cáo. 
 
Cần xử lý nghiêm các vi phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng

Vấn đề vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo đối với thực phẩm chức năng đã trở nên nhức nhối. Để xử lý vấn đề này, ngày 20/7/2022, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 211/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về vấn đề quảng cáo thuốc trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trước đó, tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế, Ủy ban Xã hội của Quốc hội cùng các Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam… về vấn đề quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng (ngày 14/7), Phó Thủ tướng nêu rõ về việc, đã có nhiều cuộc họp, nhiều văn bản chỉ đạo liên quan đến vấn đề vi phạm về quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng nhưng việc thực hiện còn chưa nghiêm. Những vi phạm trong quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng phải được xử lý, chấn chỉnh với tinh thần đặt lợi ích của người dân lên trên hết và làm rõ trách nhiệm của từng ngành (y tế, văn hóa, thông tin và truyền thông), từng khâu của quá trình.
Tại Thông báo số 211/TB-VPCP, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo Cục An toàn thực phẩm, Cục Quản lý dược rà soát lại toàn bộ nội dung các quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng đã được Bộ Y tế xác nhận trước đó để các cơ quan báo chí chấn chỉnh, Bộ Thông tin và Truyền thông căn cứ đối chiếu, xử lý vi phạm.
Mới đây, 16 công ty dược phẩm đã bị xử phạt hành chính do vi phạm quy định quảng cáo. Cụ thể như: Sở Y tế Hà Nội đã có Quyết Định 340/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt hành chính đối với Công ty cổ phần dược phẩm Bzer (tầng 3, nhà số 12, phố Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội) về quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.
Với hành vi trên, Sở Y tế Hà Nội đã quyết định xử phạt hành chính Công ty cổ phần dược phẩm Bzer số tiền 45 triệu đồng, đồng thời buộc công ty này tháo gỡ, xóa những quảng cáo trái quy định.
Sở Y tế Hà Nội cũng đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty cổ phần dược Danapha Hà Nội (số 9, ngõ 87 Nguyễn Văn Trỗi, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Công ty cổ phần dược Danapha Hà Nội bị xử phạt 49 triệu đồng do quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định, niêm yết giá không đầy đủ.
Công ty cổ phần dược phẩm Thuận Thành (số 12/189/14 Nguyễn Ngọc Vũ, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng đã bị Sở Y tế Hà Nội ra quyết định xử phạt 60 triệu đồng do quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định; Không lưu giữ tài liệu có liên quan đến lô thuốc trong thời gian phải lưu giữ. Tuy nhiên, so với hoạt động quảng cáo về các loại thuốc và thực phẩm chức năng đang tràn lan trên mạng xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng… thì số lượng các đối tượng vi phạm và bị xử phạt còn quá… khiêm tốn.  
Mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã đưa ra cảnh báo về các thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Đại tràng Bảo Long, Thanh phế Bảo Long, Bảo Long Vixoa, Trà lợi sữa Bảo Long đã quảng cáo sai gây nhiều hiểu lầm cho người dân.
Theo Cục An toàn thực phẩm, thời gian qua, trên các sàn và trang thương mại điện tử, một số link quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Đại tràng Bảo Long, Thanh phế Bảo Long, Bảo Long Vixoa, Trà lợi sữa Bảo Long vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm: Quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; quảng cáo mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo.
Các sản phẩm trên do Công ty TNHH Đông Nam Dược Bảo Long (số 02, đường 430, ấp 1, xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh) công bố và chịu trách nhiệm.
Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các chức năng xác minh, xử lý theo quy định hiện hành. Kết quả xử lý, Cục An toàn thực phẩm sẽ công khai trên website của Cục tại địa chỉ https://vffa.gov.vn. Công khai y tế tại địa chỉ  https://congkhaiyte.moh.gov.vn/.
Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật và hãy tìm hiểu trên các trang website công khai trên để quyết định mua và sử dụng sản phẩm.
Quảng cáo thực phẩm chức năng quá công dụng, vi phạm quy định pháp luật.
Xử lý hình sự nếu tái phạm
Với sự phát triển của công nghệ hiện nay, các sản phẩm thực phẩm chức năng đang được quảng cáo rộng khắp qua mạng xã hội, các trang thông tin điện tử, thậm chí gọi điện thoại để tiếp cận tới người tiêu dùng nhằm lôi kéo sử dụng các loại thực phẩm chức năng.
Để ngăn chặn những hành vi nêu trên, Bộ Y tế đã đưa ra nhiều giải pháp để xử lý theo quy định của Nhà nước. Các thông tin sai phạm của sản phẩm vi phạm đã được đăng tải công khai trên trang web của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, trên trang thông tin của Bộ Y tế và thông tin cho các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, để đối phó lại, các đối tượng vi phạm đã có những hành vi ngày càng tinh vi hơn.
Cụ thể, nếu các vi phạm về quảng cáo bị Cục An toàn vệ sinh thực phẩm phát hiện, yêu cầu Bộ Thông tin Truyền thông hỗ trợ đóng tên miền, thì ngay lập tức các đối tượng kinh doanh thực phẩm chức năng sẽ mở những tên miền khác để tiếp tục quảng cáo, hoặc chuyển máy chủ sang nước ngoài để đối phó cơ quan chức năng.
 Một trong những hành vi gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý là việc quảng cáo xuyên biên giới, theo đó các sản phẩm thực phẩm chức năng thông qua những công ty nước ngoài mua “đất quảng cáo” trên các trang thương mại, sàn giao dịch, website của các cơ quan truyền thông và họ toàn quyền sử dụng để quảng cáo sản phẩm mà chủ cho thuê không hay biết. 
Để ngăn chặn tình trạng này, Cục An toàn thực phẩm đã phối hợp Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Công thương, Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao… để đưa ra các giải pháp phù hợp. Thế nhưng, tình trạng vi phạm quảng cáo lĩnh vực thực phẩm chức năng vẫn rất phức tạp. 
Được biết, theo các quy định của pháp luật, việc quảng cáo hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ phải tuân thủ các quy định của Luật Quảng cáo năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2018. Tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo luật sư Lê Tuấn Anh - Trưởng văn phòng luật Bảo Nhân đoàn luật sư TP. Hà Nội, chế tài xử phạt hành chính về quảng cáo được quy định tại Nghị định 38/2021 của Chính phủ. Theo đó, người vi phạm bị xử phạt 20-25 triệu đồng đối với các hành vi quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan chức năng xác nhận nội dung trước khi phát hành.
Ngoài xử phạt hành chính, người vi phạm còn bị tước các loại giấy phép liên quan. Đặc biệt, Điều 52 Nghị định 38 đề ra mức phạt 5-30 triệu đồng đối với những vi phạm về quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng như: Không ghi đúng quy định dòng chữ, không đọc, đọc không rõ ràng nội dung khuyến cáo “thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh...
Về xử lý hình sự, luật sư cho biết khi hành vi quảng cáo được xác định là gian dối thì vi phạm sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Biểu hiện của việc quảng cáo gian dối như: Hàng xấu, kém chất lượng nhưng lại nói đó là hàng tốt, chất lượng cao; nói xấu hàng hóa của doanh nghiệp khác để làm nền quảng cáo cho hàng hóa của mình...
Sau khi đã bị xử phạt hành chính, nếu các doanh nghiệp tái phạm thì người tham gia thực hiện hành vi quảng cáo gian dối tại những cơ sở đã bị xử phạt, có thể bị xử lý hình sự về hành vi quảng cáo gian dối, quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Điều luật này quy định người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ mà đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền tối đa 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. 
Ngoài tội danh trên, người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa dối khách hàng. Khung hình phạt gồm phạt tiền tối đa 500 triệu đồng hoặc phạt tù lên đến 5 năm. 
Được biết, để thực hiện hoạt động kinh doanh và quảng cáo thực phẩm chức năng, doanh nghiệp cần 2 loại giấy phép gồm: Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và giấy xác nhận nội dung quảng cáo.
Theo Điều 23 Thông tư 09/2015 của Bộ Y tế và các quy định hiện hành, 2 loại giấy phép trên sẽ bị thu hồi nếu doanh nghiệp vi phạm các quy định sau: Không đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm; không có đăng ký ngành, nghề kinh doanh thực phẩm; bị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; hàng hóa có thay đổi về thành phần, công dụng, bị đình chỉ lưu hành hoặc bị thu hồi. 

Các chế tài quy định về quảng cáo thực phẩm chức năng đã rất rõ ràng, mức độ xử phạt đối với những vi phạm cũng rất nghiêm khắc. Tuy nhiên, sai phạm về việc quảng cáo “quá mức” đối với thực phẩm chức năng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội… vẫn tràn lan, lôi kéo, lừa dối người tiêu dùng. Điều này đang đòi hỏi các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa,nghiêm khắc hơn trong việc xử lý sai phạm trong lĩnh vực quảng cáo của những mặt hàng thực phẩm chức năng để chống gian lận thương mại và bảo vệ người tiêu dùng.  
Còn lại: 1000 ký tự
Lâm Đồng: Khởi tố giám đốc công ty TNHH Văn phòng phẩm Tuấn Như trốn thuế hàng tỷ đồng

(CHG)Từ năm 2021 đến tháng 10/2024, Công ty TNHH Văn phòng phẩm Tuấn Như do ông Lê Công Tuấn làm Giám đốc đã kinh doanh, bán buôn các mặt hàng văn phòng phẩm không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, với tổng giá trị hàng hóa hơn 171 tỷ đồng và có hành vi trốn thuế thu nhập doanh nghiệp với số tiền trốn thuế hơn 5,8 tỷ đồng.

Xem chi tiết
Khánh Hòa: Phát hiện 10 cơ sở kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam

(CHG) Đội Quản lý thị trường số 6 tỉnh Khánh Hòa cho biết, vừa phát hiện 10 cơ sở vi phạm về buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Crocs được bảo hộ tại Việt Nam, Đội đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt trên 140 triệu đồng; đồng thời buộc tiêu hủy trên 700 đơn vị sản phẩm giả mạo nhãn hiệu Crocs với tổng giá trị hàng hóa tiêu hủy trên 100 triệu đồng.

Xem chi tiết
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường

(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.

Xem chi tiết
Gia Lai: Tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 03 tháng cuối năm 2024

(CHG) - Trong 9 tháng đầu năm 2024, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) tỉnh Gia Lai đã quyết liệt thực hiện có hiệu quả các kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Xem chi tiết
Phú Yên: Kịp thời thu giữ 1.563 hàng hóa giả mạo nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam

(CHG) – Lực lượng chức năng kịp thời phát hiện và ngăn chặn xe tải vận chuyển 1.563 chiếc áo, váy và áo vest có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu thương hiệu thời trang Zara, Mango đang trên đường đi tiêu thụ.

Xem chi tiết
2
2
2
3