(CHG) Theo Cục Hải quan TP. HCM, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng diễn biến khó lường, biến tướng, xuất hiện nhiều hình thức gian lận mới..., đơn vị sẽ tăng cường áp dụng các biện pháp quản lý hiện đại, kiểm tra hàng hóa bằng máy soi, trao đổi thông tin nghiệp vụ với các đơn vị trong và ngoài ngành... để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận với thủ đoạn tinh vi, phức tạp.
Một lô hàng nhập khẩu vi phạm do Cục Hải quan TP. HCM phát hiện vào cuối năm 2022. Ảnh: T.H
Lãnh đạo Cục Hải quan TP. HCM, qua các vụ vi phạm phát hiện trong thời gian qua, Cục Hải quan TP. HCM đã chỉ ra nhiều thủ đoạn gian lận tinh vi, như: khai sai tên hàng, lợi dụng việc ưu đãi, thông quan nhanh để thực hiện thủ đoạn “chọn luồng”. Cùng một lô hàng nhưng khai báo nhiều tờ khai ở cùng một chi cục hoặc khác chi cục, nếu luồng Đỏ thì hủy tờ khai, sau đó chọn luồng Vàng, Xanh để thông quan hàng hoá… Hay cố tình khai nhiều mặt hàng nhưng thực nhập chỉ có một mặt hàng và ngược lại nhằm trốn thuế; cố tình khai báo qua mặt hàng khác có thuế thấp, giá thấp để tiêu chí rủi ro phân luồng Xanh, Vàng, Đỏ; cố tình khai thuế rất cao nhưng trong đó có chứa hàng cấm, hàng giả, hàng nhập khẩu có điều kiện...
Bên cạnh đó, nổi lên tình trạng doanh nghiệp đã lợi dụng loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu, lợi dụng chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi trong thủ tục nhập khẩu và chính sách thuế đối với doanh nghiệp hoạt động sản xuất xuất khẩu để nhập khẩu nguyên liệu sản xuất sản phẩm xuất khẩu.
Sau khi hoàn thành thủ tục hải quan, có trường hợp không đưa vào sản xuất hoặc chỉ đem một phần nguyên liệu vào sản xuất để tạo ra sản phẩm xuất khẩu; số nguyên liệu còn lại được đem bán vào thị trường nội địa mà không làm thủ tục hải quan, không chuyển mục đích sử dụng theo quy định, nhằm hưởng lợi từ sự chênh lệch về thuế và chính sách mặt hàng.
Một số trường hợp lợi dụng các loại hình quá cảnh, trung chuyển. Do việc thực hiện thủ tục hải quan trong khai báo đối với loại hình này đơn giản, đối tượng đã lợi dụng quy định về việc không phải khai báo chi tiết đối với hàng hóa quá cảnh, nên đã vận chuyển hàng cấm, hàng nhập khẩu có điều kiện, hàng giả mạo nhãn hiệu, vi phạm về xuất xứ, sở hữu trí tuệ, hàng kiểm dịch động thực vật khi quá cảnh…
Cùng với đó, các đối tượng lợi dụng phương thức quản lý hải quan điện tử để sử dụng các thủ đoạn buôn lậu như: sử dụng chữ ký điện tử cấp cho một số cá nhân, tổ chức không phải doanh nghiệp để làm giả mạo tờ khai hải quan nhằm buôn lậu, gian lận XNK hàng hóa; lợi dụng quy định cho hủy, sửa tờ khai để đối phó với việc đánh giá rủi ro, phân luồng trên hệ thống thông tin nghiệp vụ, né tránh việc kiểm tra, kiểm soát của cơ quan Hải quan hoặc hợp thức hóa các lô hàng vi phạm; lợi dụng thương mại điện tử (lợi dụng phương thức giao hàng vận chuyển từ tay người gửi đến tay người nhận và thủ tục hải quan trọn gói của mô hình vận chuyển Door to Door) để vận chuyển hàng cấm, hàng không giấy phép, động vật hoang dã quý hiếm.
Đối tượng lợi dụng phương thức giao hàng trên để thực hiện các thủ đoạn như: địa chỉ giao nhận hàng không có thật, móc nối với đại lý vận chuyển để thực hành vi vận chuyển hàng cấm, khi phát hiện sai phạm thì không có người gửi và người nhận hàng, thông tin nhãn hiệu về sản phẩm luôn không đúng (hàng hóa mua online, website, tự nhà làm…) dẫn đến việc điều tra phát hiện đối tượng gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, còn các hành vi gian lận khác như: gian lận xuất xứ, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ; lợi dụng các quy định về đơn giản hóa các thủ tục thành lập doanh nghiệp để làm giả giấy tờ, thành lập “doanh nghiệp ma”, thuê giám đốc, thuê người làm thủ tục hải quan để XNK hàng cấm, hàng có giá trị cao sau đó chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng tiền thuế, rồi bỏ trốn…
Theo Cục Hải quan TP. HCM, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng diễn biến khó lường, biến tướng, xuất hiện nhiều hình thức gian lận mới..., đơn vị sẽ tăng cường áp dụng các biện pháp quản lý hiện đại, kiểm tra hàng hóa bằng máy soi, trao đổi thông tin nghiệp vụ với các đơn vị trong và ngoài ngành... để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận với thủ đoạn tinh vi, phức tạp.
Đồng thời, Cục Hải quan TP. HCM kịp thời có văn bản chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ thực hiện công tác phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố; chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu; tăng cường công tác phối hợp phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; quản lý, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thương mại điện tử… Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp giữa các lực lượng trong và ngoài ngành. Năm 2022, Cục Hải quan TP. HCM đã thực hiện 318 tờ trình phối hợp của các đơn vị.
Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/nhan-dien-mot-so-thu-doan-buon-lau-gian-lan-thuong-mai-qua-dia-ban-tp-hcm-171207.html
0
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết