Chủ tịch Bitexco viết tâm thư xin gia hạn thanh toán
Mới đây nhất, ông Vũ Quang Hội, Chủ tịch Tập đoàn Bitexco đã có tâm thư gửi đến người sở hữu trái phiếu tại Công ty TNHH Saigon Glory, chủ sở hữu dự án The Spirit of Saigon (quận 1, TP. Hồ Chí Minh).
Theo đó, Chủ tịch Tập đoàn Bitexco cho biết, trong thời gian qua, do những vẫn đề nội tại của các bên liên quan trong Công ty Saigon Glory và Dự án Khu tứ giác Bến Thành chưa được giải quyết. Mặc dù hiện nay Tập đoàn Bitexco không còn giữ vai trò chính trong Công ty Saigon Glory và Tập đoàn Bitexco cũng đang gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, ông và Tập đoàn Bitexco vẫn quyết định đứng ra giải quyết các nghĩa vụ liên quan đến các gói trái phiếu mà Công ty TNHH Saigon Glory đã phát hành.
“Với cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn Bitexco tâm nguyện của tôi là quý trái chủ bảo toàn được giá trị và bảo đảm được lợi ích đầu tư, cũng như phải ưu tiên mục tiêu an sinh xã hội nói chung”, trích thư của ông Vũ Quang Hội.
Tâm thư của ông Vũ Quang Hội, Chủ tịch Tập đoàn Bitexco gửi các nhà đầu tư. |
Trong thư, Chủ tịch Tập đoàn Bitexco cũng cho biết, trong bối cảnh thực tế hiện hữu tại Công ty Saigon Glory và Dự án Tứ giác Bến Thành đang tồn tại đồng thời những nghĩa vụ pháp lý, nghĩa vụ tài chính khác của các bên liên quan dẫn đến việc xử lý tài sản bảo đảm sẽ càng khó khăn và phức tạp.
“Giải pháp tốt nhất là được quý vị đồng thuận việc gia hạn thời gian thanh toán gốc và lãi trái phiếu để có thêm thời gian cơ cấu lại được các nguồn tài chính và thúc đẩy công tác đầu tư, xây dựng và kinh doanh Dự án để sớm có nguồn thu tập trung cho việc thanh toán nghĩa vụ trái phiếu”, ông Vũ Quang Hội viết.
Cũng theo ông Vũ Quang Hội, Chủ tịch Tập đoàn Bitexco, hiện đơn vị này đã xây dựng phương án tài chính để thanh toán gốc và lãi trái phiếu cụ thể được thể hiện trong nội dung phiếu lấy ý kiến. Ông mong muốn nhận được sự đồng thuận, đồng lòng của quý vị trái chủ và biết ơn vì điều đó.
“Với trách nhiệm của người đứng đầu Tập đoàn Bitexco, tôi cam kết việc thanh toán các khoản tiền gốc và lãi trái phiếu sẽ được thực hiện đầy đủ theo đúng kế hoạch và phương án thanh toán của nội dung phiếu lấy ý kiến”, Chủ tịch Tập đoàn Bitexco khẳng định.
Ngoài ra, ông Vũ Quang Hội chia sẻ thêm, phía Tập đoàn Bitexco và Công ty TNHH Saigon Glory sớm mong nhận được biểu quyết của các trái chủ để đạt được tỷ lệ quy định của điều kiện trái phiếu nhằm thanh toán kỳ 1 tiền gốc, lãi trái phiếu trước Tết Nguyên Đán Giáp Thìn.
Nhà đầu tư của Saigon Glory kêu cứu
Như đã thông tin, Báo Công Thương nhận được đơn thư của hàng loạt nhà đầu tư phản ánh về việc nhiều tháng nay họ không nhận được tiền gốc và lãi từ Công ty TNHH Saigon Glory (địa chỉ số 1, đường Phạm Ngũ Lão, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP. Hồ Chí Minh).
Trước đó, năm 2020, Công ty Saigon Glory phát hành 10 lô lẻ trái phiếu giá trị 10.000 tỷ đồng cho gần 4000 trái chủ để thực hiện Dự án The Spirit of Saigon: Khu văn phòng – thương mại – dịch vụ – căn hộ – khách sạn tại số 1 Phạm Ngũ Lão, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 3 - 5 năm và lãi suất tối thiểu năm đầu tiên 11%/năm. Trong đó, 5.000 tỷ đồng được đáo hạn vào tháng 6 - 7/2023 và 5.000 tỷ đồng được đáo hạn vào tháng 8/2025.
Tài sản đảm bảo là phần vốn góp tại Công ty TNHH Sài Gòn Glory là công trình trên đất hình thành trong tương lai là tháp A - cấu phần khách sạn, văn phòng hình thành trên ô đất dự án. Việc phát hành lô trái phiếu trên thông qua Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI); Tổ chức kiểm toán là Công ty TNHH Hãng kiểm toán và định giá ATC -CN tại TP. Hồ Chí Minh.
10 lô trái phiếu đã phát hành của Saigon Glory. |
Đến tháng 10/2022, sau những rắc rối về khả năng thanh toán trái phiếu trên thị trường tài chính liên quan vụ lãnh đạo Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị bắt, Saigon Glory có cam kết mua lại trước hạn toàn bộ 10.000 tỷ đồng trái phiếu đã phát hành này theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, công ty mua 5.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn không muộn hơn 12/6/2023, còn giai đoạn 2 không muộn hơn 12/6/2024.
Theo phản ánh của một số nhà đầu tư, trong bản công bố thông tin và các điều khoản của trái phiếu thì Saigon Glory phát hành trái phiếu để thực hiện dự án The Spirit of Saigon và công ty này không chỉ huy động vốn trái phiếu từ các nhà đầu tư cá nhân mà còn huy động từ nhiều nguồn khác với danh nghĩa là để đầu tư phát triển. Tuy nhiên, sau khi phát hiện ra việc dự án đang dừng thi công, không tiếp tục phát triển, hàng loạt nhà đầu tư đã đặt dấu hỏi về việc công ty này đã sử dụng tiền huy động vốn vào mục đích gì?
Cũng theo phản ánh của các nhà đầu tư, từ thời điểm trái phiếu đáo hạn đến nay, mặc dù các trái chủ khác nhiều lần đề nghị, nhưng cả tổ chức phát hành đến công ty mẹ của Saigon Glory là Tập đoàn Bitexco đều có thái độ không hợp tác, không thiện chí trong việc trả nợ cũng như xử lý tài sản đảm bảo để trả nợ cho nhà đầu tư.
Sau một thời gian các nhà đầu tư gửi đơn đến các cơ quan chức năng, đến ngày 20/9/2023, Công ty Saigon Glory có văn bản gửi Ngân hàng và TVSI về việc phối hợp bàn giao tài sản bảo đảm. Đến ngày 6/10/2023, Saigon Glory, phía Ngân hàng và TVSI đã tiến hành cuộc họp ba bên nhằm thảo luận chi tiết và thống nhất về quy trình bàn giao để xử lý tài sản đảm bảo và các bước cần thực hiện tiếp theo.
Tại cuộc họp về việc bàn giao tài sản bảo đảm của trái phiếu vào ngày 6/10/2023, phía Tổ chức quản lý tài sản bảo đảm cho biết, căn cứ theo quy định tại các Văn kiện trái phiếu, kể từ tháng 6/2023 đến ngày họp, Tổ chức Quản lý tài sản bảo đảm đã 5 lần yêu cầu tổ chức phát hành định giá lại tài sản bảo đảm nhưng không nhận được phản hồi của từ phía tổ chức phát hành. Tháng 9/2023, Tổ chức Quản lý tài sản bảo đảm đã chủ động tạm ứng chi phí để thực hiện định giá lại.
Đáng chú ý, qua quá trình định giá đã xác định, giá trị tài sản bảo đảm là bất động sản hình thành trong tương lai của Tháp A của dự án The Spirit of Saigon được định giá lại là 4.653 tỷ đồng theo Chứng thư định giá ngày 30/8/2023 của Công ty TNHH DPV, giá trị tài sản bảo đảm là Phần vốn góp của tổ chức phát hành được đánh giá lại là âm 1.028 tỷ đồng căn cứ theo báo cáo Đánh giá phần vốn góp Saigon Glory tháng 9/2023 của Công ty Cổ phần chứng khoán DSC – chi nhánh Hồ Chí Minh.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Công Thương, mặc dù phía Sài Gòn Glory huy động hàng chục nghìn tỷ từ trái phiếu để thực hiện dự án The Spirit of Saigon. Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế cho đến thời điểm hiện tại dự án The Spirit of Saigon vẫn đang dang dở, thậm chí “đắp chiếu” trong thời gian dài.
Theo thông tin từ công bố ở Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), năm 2022, Saigon Glory lỗ hơn 152,3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi gần 290,5 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu giảm so với cùng kỳ, còn hơn 6.847 tỷ đồng. Nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 3,99 lần. Như vậy, hiện công ty Saigon Glory có hơn 27.300 tỷ đồng nợ phải trả.
Trước đó, vào tháng 6, 7 và 8/2023, Công ty Saigon Glory đã có gửi văn bản lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), công bố về việc chậm thanh toán 5 lô trái phiếu với tổng giá trị 5.000 tỷ đồng.
Các lô trái phiếu này có mã SGL-2020.01, SGL-2020.02, SGL-2020.03, SGL-2020.04 và SGL-2020,05, phát hành từ tháng 6 và 7/2020, kỳ hạn 3 năm, đáo hạn vào tháng 6, tháng 7 năm nay. Tuy nhiên đến hạn thanh toán, Saigon Glory đã chậm thanh toán gốc hoặc gốc và lãi.
Lý do công ty nêu là thị trường tài chính, thị trường giao dịch bất động sản diễn biến không thuận lợi dẫn đến chưa thu xếp kịp nguồn tiền để thanh toán đúng hạn so với kế hoạch.
Được biết, Công ty Saigon Glory được thành lập tháng 6/2018, hiện tại công ty có vốn điều lệ 7.000 tỷ đồng, do ông Trịnh Quang Công làm Tổng Giám đốc, ông Vũ Quang Bảo là Chủ tịch Hội đồng thành viên.
Nguồn: Công thương
(CHG) Đội Quản lý thị trường số 6 tỉnh Khánh Hòa cho biết, vừa phát hiện 10 cơ sở vi phạm về buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Crocs được bảo hộ tại Việt Nam, Đội đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt trên 140 triệu đồng; đồng thời buộc tiêu hủy trên 700 đơn vị sản phẩm giả mạo nhãn hiệu Crocs với tổng giá trị hàng hóa tiêu hủy trên 100 triệu đồng.
Xem chi tiết(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết(CHG) - Trong 9 tháng đầu năm 2024, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) tỉnh Gia Lai đã quyết liệt thực hiện có hiệu quả các kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Xem chi tiết(CHG) – Lực lượng chức năng kịp thời phát hiện và ngăn chặn xe tải vận chuyển 1.563 chiếc áo, váy và áo vest có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu thương hiệu thời trang Zara, Mango đang trên đường đi tiêu thụ.
Xem chi tiết(CHG) Vừa qua, Cục Quản lý thị trường TP Cần Thơ ban hành Kế hoạch số 18/KH-QLTTCT về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu, thuốc lá giả…
Xem chi tiết