Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ảnh hưởng trực tiếp lợi ích doanh nghiệp


(CHG) Trong những năm gần đây, số đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam tăng, song song với điều này là vấn đề xâm phạm nhãn hiệu cũng tăng nhanh. Vấn đề xâm phạm nhãn hiệu, quyền sở hữu trí tuệ đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của doanh nghiệp, làm cho niềm tin của người tiêu dùng bị xói mòn.
Lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, phát hiện ra nhiều vi phạm về sở hữu trí tuệ.
Liên tiếp xảy ra vụ việc xâm phạm sở hữu trí tuệ
Theo báo cáo của Cục Sở hữu trí tuệ, năm 2022, ở lĩnh vực nhãn hiệu, tại Việt Nam có 1.430 vụ xâm phạm quyền được xử lý với tổng số tiền phạt là hơn 18 tỷ đồng, tăng gần 30% về số vụ và 35% tổng tiền phạt so với năm 2021. 
Thời gian qua, cơ quan chức đã thu giữ nhiều hàng hoá của nhiều nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới đã bị các tổ chức, cá nhân làm giả nhãn hiệu. Nổi cộm nhất là vụ việc thu giữ gần 2.000 sản phẩm giả thương hiệu nổi tiếng tại Trung tâm thương mại Sài Gòn Square vào ngày 01/11/2022 tại TP. HCM.
Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường TP. HCM chia thành 6 tổ công tác, kiểm tra 6 điểm kinh doanh tại Trung tâm thương mại Sài Gòn Square. Lực lượng quản lý thị trường phát hiện các mặt hàng như túi, ví, mắt kính, quần áo, phụ kiện trang sức, giầy, dép… đều có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam như Luis Vuitton, Nike, Adidas…
Đoàn kiểm tra liên ngành số 2 của Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội do Đội Quản lý thị trường số 17 làm trưởng đoàn, phối hợp cùng với Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03), Phòng Cảnh sát môi trường (PC05), Công an TP. Hà Nội, Công an huyện Phú Xuyên và Đội Quản lý thị trường số 21 đã tiến hành kiểm tra 2 lô hàng đang tập kết tại nhà số 1 và nhà số 3, thôn Cầu Giẽ, huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội. Đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện 34 đôi dép có nhãn hiệu và biểu tượng của hãng Nike, 406 đôi dép có nhãn hiệu và biểu tượng Hermes, 110 đôi giầy thể thao mang nhãn hiệu và biểu tượng của hãng Nike, 155 đôi dép có nhãn hiệu và biểu tượng Balenciaga, 95 đôi giầy thể thao có nhãn hiệu và biểu tượng Louis Vuitton.
Thực hiện cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2022, Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh sản phẩm may mặc của ông P.V.T. trên địa bàn TP. Cao Lãnh. Tổ công tác phát hiện tại cửa hàng đang bày bán 218 sản phẩm gồm giầy, dép có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ tại Việt Nam như Hermes, Burberrry, Louis Vuitton, Gucci, Nike và 266 sản phẩm quần áo các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm hơn 100 triệu đồng.
Thực hiện Quyết định số 888/QĐ-TCQLTT ngày 22/3/2021 của Tổng cục Quản lý thị trường tỉnh Bến Tre về việc Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn năm 2021 - 2025 (kế hoạch 888); Quyết định số 323/QĐ-CQLTT ngày 19/05/2021 về việc ban hành kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021 - 2025, Đội Quản lý thị trường số 3 thuộc Cục Quản lý thị trường Bến Tre đã ký Quy chế phối hợp với cơ quan chức năng địa phương, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, ký cam kết và triển khai kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn huyện Châu Thành và Bình Đại.
Để thực hiện Kế hoạch 888 đạt hiệu quả cao hơn, Đội Quản lý thị trường số 3 chỉ đạo tăng cường bám sát chặt chẽ địa bàn, nắm sát đối tượng để tổ chức kiểm tra, kiểm soát, tuyên truyền, ký cam kết và phối hợp tốt với các cơ quan, chính quyền địa phương, ban quản lý chợ, ban quản lý trung tâm thương mại, hiệp hội... triển khai thực hiện tốt quy chế đã ký. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đánh giá tiến độ, kết quả thực hiện các mục tiêu đã đề ra.
Thương hiệu Phở Thìn đã xảy ra tranh chấp về quyền sử dụng hình ảnh theo Luật Sở hữu trí tuệ.
Ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của doanh nghiệp
Mới đây thương hiệu Phở Thìn là cái tên được nhắc đến nhiều, khi xảy ra tranh chấp về quyền sử dụng thương hiệu phở mang tên "Phở Thìn".
Ông Nguyễn Trọng Thìn, chủ thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc cho biết, chỉ mới chính thức làm nhượng quyền quán phở mang thương hiệu đầu tiên tại quận 7, TP. HCM, khai trương hồi đầu tháng 2/2023. Những quán "Phở Thìn" khác đều không phải do ông đứng ra xây dựng, đồng hành.
Theo tra cứu thông tin tại website của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Phở Thìn 13 Lò Đúc đã nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu với bộ nhận diện mới bao gồm chữ số, hình ảnh nhưng vẫn trong tình trạng "đang giải quyết".
Trong khi đó, nhãn hiệu "Phở Thìn" được cơ quan chức năng bảo hộ và ngăn chặn các hành vi xâm phạm cho Phở Thìn Bờ Hồ, đã được đăng ký lại nhãn hiệu và thời hạn hiệu lực đến 26/12/2024.
Theo một luật sư, việc đăng ký bảo hộ một thương hiệu thường rất rắc rối và dựa trên rất nhiều thành tố. Và do "Phở Thìn" đã được đăng ký bảo hộ thành công, việc cấp một quyền sở hữu nhãn hiệu khác cho "Phở Thìn 13 Lò Đúc" sẽ phức tạp hơn rất nhiều.
Một vụ việc khác, Công ty Truyền thông đa phương tiện S. - đơn vị thuê văn phòng tại tòa nhà Master Building (41 - 43 Trần Cao Vân, Quận 3, TP. HCM) - có đơn khiếu nại Công ty Hợp Nhất – Uniland công nhiên chiếm đoạt tài sản của công ty. Vụ việc được cho là có liên quan đến hợp đồng thuê văn phòng giữa bên cho thuê là Công ty Hợp Nhất - Uniland với bên thuê là Công ty S..
Tuy nhiên, trong quá trình tìm hiểu và gửi đơn khiếu nại, Công ty S. đã có chút nhầm lẫn vì cũng có một doanh nghiệp khác cũng có tên thương mại là "Uniland" giống Công ty Hợp Nhất. Điều đó khiến khách hàng khó xác định được 2 công ty trên là một hay pháp nhân khác nhau, đồng thời lúng túng trong việc đi đòi quyền lợi.
Cũng liên quan tới vi phạm bản quyền, vừa qua, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã mở lại phiên tòa xét xử vụ làm nhái vỏ bia Sài Gòn. Theo đó, ông Lê Đình Trung (56 tuổi, Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam) và pháp nhân Công ty cổ phần Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam (có trụ sở chính tại 264 Lê Thánh Tôn, phường Bến Thành, Quận 1, TP. HCM) cùng bị truy tố về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
Đây là một trong những vụ xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đầu tiên ở Việt Nam mà đối tượng bị khởi tố là pháp nhân (công ty). SABECO (Tổng Công ty cổ phần bia – rượu – nước giải khát Sài Gòn) - đơn vị bị xâm phạm bảo hộ nhãn hiệu - đã chấp nhận theo đuổi vụ việc trong thời gian gần 3 năm với quyết tâm đòi lại quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp.
Theo đó, cơ quan giám định thuộc Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) xác định dấu hiệu trình bày trên vỏ lon Bia Saigon Vietnam; hình khiên đứng; hình con rồng gắn trên mặt trước và sau lon bia, thùng đựng bia là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu Bia Saigon đã được bảo hộ thuộc sở hữu của SABECO.
Kết quả pháp nhân Công ty cổ phần Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam bị phạt 3 tỷ đồng, ông Lê Đình Trung bị tuyên mức phạt 700 triệu đồng về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
Một trường hợp khác là Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại dịch vụ Trí Hải (chủ thể quyền sở hữu trí tuệ) thời gian qua đã gửi đơn cho Cục Quản lý thị trường các tỉnh như Tiền Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp… nhằm kiểm tra một số cơ sở kinh doanh sản phẩm mắm ruốc, mắm tôm Bắc có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Trí Hải. Kết quả cho thấy, có đến hàng nghìn sản phẩm được phát hiện và thu giữ là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Mắm Trí Hải. 
Liên quan tới các vấn đề tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ thời gian qua, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thành công cũng cần tự bảo vệ thương hiệu trong quá trình thương mại hóa để hạn chế ở mức thấp nhất tài sản trí tuệ bị xâm phạm. Nên có một hệ thống nhân sự và kỹ thuật chuyên bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền lợi của chính mình và quyền lợi của cộng đồng. 
Sở hữu trí tuệ, trong đó có nhãn hiệu, là một loại tài sản quan trọng và có giá trị đối với mỗi doanh nghiệp. Dù hoạt động trong bất kỳ lĩnh vực nào, doanh nghiệp cần quan tâm và ưu tiên đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam và quốc tế. Hiện nay, nhiều cá nhân hoặc doanh nghiệp cố tình tạo ra sản phẩm giống hệt hoặc tương tự các sản phẩm nổi tiếng đã được bảo hộ trên thị trường. Dù biết vi phạm, nhưng nhiều đơn vị kinh doanh vẫn bất chấp vì lợi nhuận khủng thu về từ các sản phẩm trên. 
(Còn tiếp)
Còn lại: 1000 ký tự
Kiên Giang: Xử phạt 140 triệu đồng kinh doanh trưng bày bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.

(CHG) Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ký Quyết định xử phạt với số tiền 140 triệu đồng đối với doanh nghiệp có hành vi vi phạm về trưng bày để bán trang sức có gắn nhãn hiệu giả mạo nhãn hiệu.

Xem chi tiết
Đồng Tháp: Xử phạt 80 triệu đồng kinh doanh vàng không gắn tên doanh nghiệp tại trụ sở chính

(CHG) Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp thực hiện kiểm tra về kinh doanh mua bán vàng trang sức, phát hiện tại 02 doanh nghiệp không gắn tên doanh nghiệp tại trụ sở chính, xử phạt với số tiền 80 triệu đồng.

Xem chi tiết
Trà Vinh: Xử phạt hơn 70 triệu đồng kinh doanh buôn bán vàng trang sức không công bố tiêu chuẩn theo quy định.

(CHG) Cục Quản lý thị trường tỉnh Trà Vinh thực hiện kiểm tra, phát hiện doanh nghiệp buôn bán vàng trang sức, không công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định, không thể hiện đầy đủ trên biển hiệu tên cơ sở sản xuất kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, xử phạt với số tiền hơn 70 triệu đồng.

Xem chi tiết
Tiền Giang: Xử phạt gần 95 triệu đồng vi phạm kinh doanh phân bón giả.

(CHG) Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền gần 95 triệu đồng, với các hành vi vi phạm là không niêm yết giá, buôn bán phân bón giả về giá trị sử dụng, công dụng và có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Xem chi tiết
Tiền Giang: Xử phạt hơn 100 triệu đồng về hành vi buôn bán hàng giả

(CHG) Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 01 Công ty buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng và không có bản tự công bố sản phẩm, với số tiền xử phạt, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 100 triệu đồng.

Xem chi tiết
2
2
2
3