(CHG) Từ vụ việc diễn ra tại Trung tâm thương mại Saigon Square - để gian thương và hàng hóa phi pháp hoành hành, bủa vây người tiêu dùng trong thời gian quá dài, vấn đề gốc đặt ra là cần xử lý nghiêm người đứng đầu và lực lượng thực thi công vụ.
Thời gian gần đây, hàng loạt các cơ quan báo chí đã tốn không ít giấy mực phản ánh tình trạng buôn bán hàng hàng giả, hàng lậu, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc... (gọi tắt là hàng hóa phi pháp) kéo dài tại Trung tâm thương mại Saigon Square - địa điểm được mệnh danh là “thiên đường mua sắm” ở ngay quận 1, TP. Hồ Chí Minh; đồng thời cũng là “điểm nóng” buôn bán hàng hóa phi pháp.
Cũng vui, khi cơ quan báo chí phản ánh quyết liệt, lực lượng Quản lý thị trường vào cuộc truy quét, đã phát hiện và thu giữ được khối lượng “khổng lồ” hàng hóa phi pháp tại Trung tâm thương mại Saigon Square.
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra một ki ốt tại Trung tâm Thương mại Saigon Square. Ảnh: Báo Công Thương
Câu hỏi đặt ra là vì sao, lực lượng Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh lại "bỏ qua" việc buôn bán hàng hóa phi pháp diễn ra nhộn nhịp, ngay trước mắt, trong thời gian quá dài tại Trung tâm thương mại Saigon Square?
Xin chưa bàn đến chuyện có hay không việc “bảo kê” của lực lượng Quản lý thị trường, mà nhìn thẳng vào trách nhiệm của lực lượng này.
Tại Hội nghị tổng kết năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của lực lượng Quản lý thị trường, Bộ trưởng Bộ Công thương đã có nhận xét chí lý, đại ý là: Lực lượng Quản lý thị trường được trao quyền rất lớn, cho nên cần phải gắn với trách nhiệm tương xứng, đặc biệt đối với trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị và lực lượng thực thi công vụ. Bộ trưởng Công thương bày tỏ quyết liệt: “Mọi thứ phải có địa chỉ, cứ người đứng đầu mà "nã". Mỗi việc chỉ do một người, một tổ chức đảm nhiệm để dễ kiểm. Phân cấp, phân quyền xong thì phải phân cấp trách nhiệm”.
Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2022 và triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm 2022 của lực lượng Quản lý thị trường, Bộ trưởng Bộ Công thương tiếp tục nhắc đến vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong việc để xảy ra buôn bán hàng hóa phi pháp kéo dài, rằng: “Trong quá trình xử lý đề cao tính nêu gương của tập thể lãnh đạo, người đứng đầu; xử lý nghiêm người đứng đầu nếu để tình trạng kéo dài; đối với những trường hợp sai phạm cụ thể phải kiên quyết xử lý theo nguyên tắc của Đảng và pháp luật Nhà nước”.
Hàng hóa bị giả mạo nhãn hiệu được bày bán tràn lan tại Trung tâm thương mại Saigon Square. Ảnh: Báo Công Thương
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cũng yêu cầu 63 vị Cục trưởng cam kết, ràng buộc trách nhiệm của người đứng đầu nếu có cán bộ dưới quyền vi phạm.
Vụ việc diễn ra tại Trung tâm thương mại Saigon Square - để gian thương và hàng hóa phi pháp hoành hành, bủa vây người tiêu dùng trong thời gian quá dài, nay mới quyết liệt xử lý là tin vui. Nhưng, suy cho cùng, những thành tích bắt bớ, thu giữ, xử phạt, tiêu hủy… hàng hóa phi pháp vẫn chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, hay nói cách khác, mới chỉ giải quyết được phần ngọn, chưa xử lý được tận gốc. Dưới góc nhìn của Bộ trưởng Bộ Công thương, có thể hiểu rộng ra, để chống lại hành vi sản xuất, vận chuyển buôn bán hàng hóa phi pháp cần quan tâm đặc biết tới yếu tố con người thực thi công vụ, người đứng đầu lực lượng chức năng.
Có thể nói, xử lý yếu tố con người gặp rất nhiều khó khăn so với xử lý hàng hóa phi pháp. Bộ trưởng Bộ Công thương cũng đã bày tỏ tâm tư trong xử lý cán bộ trên Báo Nhân dân: “Những vụ việc vi phạm của cán bộ xảy ra gần đây cần được coi là bài học kinh nghiệm, thậm chí là bài học đau đớn để xây dựng lại lực lượng ngày một chính quy, tinh nhuệ, có đạo đức chuyên môn và là đơn vị tham mưu cho Bộ đưa ra những quyết sách, quy định đúng trên tinh thần thượng tôn pháp luật, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân và doanh nghiệp".
Những nỗ lực đó, chắc chắn không phải là “nói suông” vì nó đồng nghĩa với “nói mà không làm”, có thể để lại hệ lụy khó lường. Vì vậy, cần phải có quyết tâm rất cao thì hiệu lực và hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại mới không mai một; niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính không bị lung lay.
7
Thuế bất động sản là một giải pháp bình ổn giá nhà tại Việt Nam
(CHG) - Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 có hiệu lực từ ngày 01/8/2024 (theo Luật số 43/2024/QH15) với nhiều thay đổi, hứa hẹn sẽ tác động mạnh mẽ tới thị trường bất động sản (BĐS). Trong đó, việc thay đổi về mức thuế áp dụng cũng đang nhận được nhiều quan tâm rất lớn từ các chuyên gia kinh tế.
Xem chi tiết