Bảo đảm sự an toàn, tin cậy trong giao dịch điện tử


(CHG) Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đã mở rộng hơn phạm vi ứng dụng giao dịch điện tử với nguyên tắc “thực sao, số vậy”, “số phải phong phú hơn thực”. Tuy vậy, tại phiên thảo luận toàn thể sáng qua, các đại biểu Quốc hội đề nghị, phải làm rõ các điều kiện bảo đảm an toàn, tin cậy trong giao dịch điện tử trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt, phải bảo đảm những thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm theo đúng quy định của Hiến pháp. 

Có nguy cơ bị lộ, lọt thông tin khi giao dịch điện tử không?

So với Luật hiện hành, dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đã mở rộng hơn phạm vi điều chỉnh theo hướng: quy định về giao dịch điện tử, thành phần cơ bản, biện pháp bảo đảm, chính sách thúc đẩy giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại, hành chính và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định.
Theo ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp), việc mở rộng phạm vi điều chỉnh là cần thiết, khi hiện nay công nghệ số đã tương đối phổ biến và nền tảng số đã trở thành môi trường không thể thiếu của giao dịch điện tử. Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho ứng dụng giao dịch điện tử trong toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc chuyển đổi số của đất nước.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là các điều kiện bảo đảm cho giao dịch điện tử như thế nào? Có bảo đảm sự an toàn, tin cậy trong giao dịch điện tử ở tất cả các lĩnh vực hay không? Đặt câu hỏi này, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, theo nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025, thì các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đang tiến hành triển khai xây dựng Chính phủ điện tử phải hoàn thành mục tiêu đạt 80% dịch vụ công trực tuyến ở mức 3, mức 4 đến năm 2025. Như vậy, về mặt lý thuyết vẫn còn khoảng 20% dịch vụ công trực tuyến ở mức 3, mức 4 cho đến năm 2025 chưa được thực hiện. Vậy làm sao để có thể thực hiện giao dịch điện tử ở những nhóm trong lĩnh vực 20% chưa được đưa vào thực hiện trong năm 2025?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật cũng đòi hỏi các điều kiện kèm theo về nguồn lực, hạ tầng công nghệ thông tin, con người. Điều khiến đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa băn khoăn là chúng ta có bố trí đủ kinh phí để đáp ứng được các yêu cầu này không và lộ trình xây dựng, nâng cấp các hệ thống hiện tại để đáp ứng yêu cầu thực hiện giao dịch điện tử trong tương lai như thế nào, đặc biệt là đối với một số những lĩnh vực mà hiện nay đang thuộc nhóm được loại trừ? 

Bên cạnh đó, "giao dịch điện tử đối với một số thông tin liên quan đến bí mật nhà nước, an ninh, quốc phòng, bí mật công tác, bí mật kinh doanh có thể có nguy cơ bị lộ lọt, bị chiếm đoạt khi thực hiện giao dịch điện tử. Một số giấy tờ như đăng ký kết hôn hoặc là quyết định ly hôn cần thể hiện ý chí của các cá nhân liên quan khi tham gia giao dịch. Vậy có hợp lý không khi chúng ta đưa hết tất cả vào phạm vi điều chỉnh và nếu đưa vào thì cần phải kèm theo những điều kiện nào?", đại biểu Mai Hoa đặt câu hỏi. 

Theo báo cáo của cơ quan soạn thảo, trong số hơn 100 nước có khung khổ pháp lý liên quan đến giao dịch điện tử thì phạm vi điều chỉnh cũng rất khác nhau và nhiều nước hiện nay cũng chưa áp dụng được việc thực hiện giao dịch điện tử ở một số lĩnh vực, đặc biệt như trong đất đai hoặc thừa kế. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cũng đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng về điều kiện thực tiễn của Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế, từ đó cân nhắc việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và lộ trình thực hiện để bảo đảm tính khả thi, làm sao để việc triển khai thực hiện phải đi vào thực tiễn một cách thực chất nhất.

Đã cân nhắc thấu đáo mọi khía cạnh

Nhấn mạnh quan điểm sửa đổi Luật Giao dịch điện tử phải tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số, ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) cho rằng, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh là phù hợp trong điều kiện hiện nay, để tăng cường thực hiện các giao dịch điện tử trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội, nhằm tiết giảm, tiết kiệm chi phí.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị, cần có lộ trình chuyển đổi giao dịch điện tử trong một số ngành, lĩnh vực có thủ tục hành chính phức tạp, đa dạng như liên quan đến đất đai, đấu thầu, xây dựng, quy hoạch. Đại biểu cũng đề nghị cần cân nhắc, hạn chế mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với một số lĩnh vực như cấp các giấy tờ về đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh - những loại giấy tờ này vẫn cần phải có mặt của những người có liên quan hoặc thân nhân của họ theo quy định của pháp luật. Trong một số trường hợp, sự có mặt là cần thiết để thể hiện ý chí cá nhân một cách tự nguyện, không bị áp đặt hoặc chi phối bởi người khác; một số giấy tờ có thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, vì theo quy định tại Điều 21, Hiến pháp năm 2013 là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo đảm an toàn.

Luật Giao dịch điện tử có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc xây dựng một Việt Nam số. Nếu không làm tốt, vi phạm các nguyên tắc căn bản của môi trường số, không rõ ràng, không khả thi, không đủ nguồn lực để thực thi, không tính đến bối cảnh nước ta, thì có thể là vật cản cho sự phát triển số của Việt Nam. Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hết sức cân nhắc thấu đáo mọi khía cạnh trong quá trình xây dựng luật. Nguyên tắc phổ quát là ngành nào quản lý lĩnh vực ngành đó trên môi trường số. Bộ Thông tin và Truyền thông không quản lý lấn sân sang các ngành khác trên môi trường số và không có một bộ, ngành nào độc quyền trên môi trường số.
Luật cũng được sửa đổi theo nguyên tắc “thực sao, số vậy”, “số phải phong phú hơn thực”, trong đời thực có những loại giao dịch gì, độ tin cậy, chi phí, độ phức tạp khác nhau như thế nào cũng được phản ánh lại trong môi trường số như thế. Dự thảo Luật bảo đảm có độ phủ rộng hơn, nhưng chi phí thấp hơn trong môi trường thực, làm phong phú các loại giao dịch trên môi trường số, tránh lên môi trường số phức tạp hơn, đắt hơn.

Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) mở rộng đến mọi lĩnh vực, những lĩnh vực này được đánh giá là đã sẵn sàng, phổ biến, an toàn và tin cậy, đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Việc mở rộng phạm vi cho phép tất cả các lĩnh vực đủ điều kiện đều có thể áp dụng giao dịch điện tử. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, xây dựng luật phải dễ hiểu, dễ thực thi, có tác dụng tích cực đến thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Nguồn: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/bao-dam-su-an-toan-tin-cay-trong-giao-dich-dien-tu-i307159/

Còn lại: 1000 ký tự
Đắk Lắk: Cục Quản lý thị trường tổ chức tập huấn, trao đổi nghiệp vụ đợt 2 và chào mừng kỷ niệm 120 năm ngày thành lập tỉnh

(CHG) Sáng ngày 15/11/2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức tập huấn, trao đổi nghiệp vụ đợt 2 năm 2024 cho toàn thể công chức của Cục nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm hành chính cho đội ngũ công chức làm nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường của đơn vị, qua đó nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc mà lực lượng gặp phải trong quá trình thực thi công vụ và chào mừng ​kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024).

Xem chi tiết
Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp ngành Công Thương khu vực Nam Trung Bộ

(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.

Xem chi tiết
Khu thương mại tự do - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng

(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.

Xem chi tiết
Bất động sản tăng trưởng nhờ lực đẩy “gián tiếp” của dòng vốn FDI

(CHG) - Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 3 quý đầu năm 2024 tại Việt Nam tập trung vào các địa phương có lợi thế về hạ tầng, nhân lực, thủ tục hành chính và năng động trong hoạt động xúc tiến đầu tư như Bắc Ninh, Tp.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Hà Nội…

Xem chi tiết
Chủ tịch Thaco: “Việt Nam có thể sản xuất đến 40% linh kiện phụ tùng cho khối FDI”

(CHG) - Mục tiêu của Thaco trong năm 2024, sẽ xuất khẩu đạt giá trị gần 140 triệu USD thông qua đơn hàng từ các doanh nghiệp FDI.

Xem chi tiết
2
2
2
3