Phải quy định một chương riêng về phương pháp, căn cứ và nguyên tắc định giá


(CHG) Thảo luận tại hội trường chiều qua về dự án Luật Giá (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội yêu cầu, phải "lấp kín" khoảng trống pháp luật về giá bởi vừa qua, những vụ án tham nhũng, tiêu cực đều liên quan đến việc xác định giá không đúng với giá hàng hóa khi mua hoặc khi bán tài sản công. Hiện các tổ chức tư vấn định giá rất ngại, thậm chí là không dám nhận nhiệm vụ định giá các tài sản cho khu vực công cũng vì lý do này.

Tổ chức tư vấn định giá rất ngại, thậm chí không dám định giá tài sản khu vực công

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã nêu ra những bất cập, hạn chế trong việc xác định giá đối với tài sản công, hoặc xác định giá khi tham gia liên doanh, liên kết. ĐBQH Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) nêu thực tế, ngành y tế đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, thậm chí gần như không thể thực hiện được trong việc thẩm định uy tín, thương hiệu, thẩm định giá tài sản hữu hình của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để đưa vào đề án liên doanh, liên kết, xã hội hóa.

Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã quy định nhiều hình thức thu hút nguồn lực xã hội, trong đó có hình thức đấu thầu theo phương thức đối tác công tư để thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, các hình thức này sẽ rất khó triển khai nếu không giải quyết được vấn đề vướng mắc liên quan đến thẩm định giá trị thương hiệu khi đưa vào liên doanh, liên kết. Hơn nữa, trong lĩnh vực y tế, giá trị thương hiệu như của các Bệnh viện Bạch Mai, Xanh Pôn hay Chợ Rẫy là phần đóng góp rất quan trọng trong hoạt động liên doanh, liên kết. “Đây là nội dung rất quan trọng nhưng còn nhiều bất cập trên thực tiễn. Hy vọng sẽ tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc nội dung này khi ban hành Luật Giá (sửa đổi)”, đại biểu Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Dẫn chứng nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực bị phát hiện đều liên quan đến việc xác định giá không đúng với giá hàng hóa khi mua/bán tài sản công, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho biết, các tổ chức tư vấn định giá rất ngại, thậm chí không dám nhận nhiệm vụ định giá tài sản cho khu vực công, dẫn đến tình trạng nhiều cơ quan, đơn vị không mua sắm được các tài sản, vật tư, hàng hóa hoặc không thể chuyển giao cho khu vực tư được.

Nguyên nhân của tình trạng trên, theo đại biểu Hoàng Văn Cường là do luật pháp hiện chưa quy định chặt chẽ, cụ thể về các căn cứ, phương pháp xác định giá cả hàng hóa. Vì chưa có căn cứ chặt chẽ và cụ thể nên rất có thể khi định giá, người ta đã tìm các căn cứ có lợi cho việc định giá, làm thế nào có thể hàng hóa bán có lợi nhuận thấp xuống, rồi khi mua thì tìm căn cứ để đưa hàng hóa đó giá trị cao lên. Mặt khác, cũng có thể có trường hợp cơ quan định giá hay quyết định giá không tư lợi, nhưng sau một thời gian cơ quan điều tra vào và chỉ ra những căn cứ định giá không đủ thuyết phục thì người làm công tác định giá sẽ trở thành phạm tội. 

Do đó, yêu cầu đầu tiên đối với việc hoàn thiện dự thảo Luật Giá (sửa đổi), theo đại biểu Hoàng Văn Cường là phải "lấp kín" khoảng trống về pháp luật làm cơ sở cho việc xác định giá. Cụ thể, dự thảo Luật phải đưa thành một chương riêng về phương pháp, căn cứ và nguyên tắc định giá. Việc quy định như vậy sẽ "buộc những người làm chức năng tư vấn định giá không thể tùy tiện đưa các căn cứ định giá theo ý tưởng của mình, và khi người ta đã sử dụng các căn cứ rồi thì dù thời gian trôi đi, cơ quan điều tra, kiểm tra vào có lật lại thì vẫn có cơ sở để bảo vệ hoạt động cho người ta", ông nói.

Bao nhiêu hàng hóa được nhà nước định giá là phù hợp?

Danh mục hàng hóa, dịch vụ được Nhà nước định giá cũng là một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận. Theo Tờ trình của Chính phủ, qua rà soát đối với 52 nhóm hàng hóa, dịch vụ được Nhà nước định giá, dự thảo Luật đã đưa ra khỏi danh mục 14 nhóm hàng hóa, dịch vụ và bổ sung thêm 2 hàng hóa, dịch vụ vào danh mục là sách giáo khoa và hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh. Danh mục cụ thể tại Phụ lục ban hành kèm theo dự án Luật gồm 40 nhóm hàng hóa, dịch vụ.

ĐBQH Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) cho rằng, cần tiếp tục rà soát, thu hẹp danh mục dịch vụ, sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước, danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá. Bởi, theo đại biểu, các biện pháp điều hành giá về cơ bản có tác động tích cực, tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhưng các quốc gia đều có xu hướng giảm dần sự can thiệp của Nhà nước đối với giá thông qua việc thu hẹp danh mục hàng hóa, dịch vụ hay quy định các điều kiện chặt chẽ khi cho phép cơ quan nhà nước sử dụng các biện pháp quản lý điều tiết giá.
Nguyên tắc quản lý, điều tiết giá nếu không rõ ràng, minh bạch có thể dẫn đến lạm dụng việc bổ sung danh mục hàng hóa, dịch vụ. Phạm vi quản lý điều tiết giá nếu không được xác định phù hợp sẽ làm giảm sự linh hoạt của cơ chế hình thành giá theo nguyên tắc thị trường, có thể kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Riêng việc đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá được nhiều đại biểu Quốc hội rất ủng hộ. Nêu quan điểm về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cũng lưu ý cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc việc chỉ quy định giá tối đa, không quy định giá tối thiểu, vì sẽ dẫn đến nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh. Để không ảnh hưởng nhiều đến việc thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa mà Nghị quyết số 88 của Quốc hội và Luật Giáo dục đã quy định, đồng thời chống độc quyền trong lĩnh vực này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị, quy định khung giá bao gồm giá tối đa và giá tối thiểu đối với sách giáo khoa. 

Bên cạnh đó, việc dự luật giảm bớt thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc định giá, rà soát biểu mẫu kê khai giá của các doanh nghiệp ở Trung ương cũng khiến một số đại biểu Quốc hội chưa yên tâm. "Không phải bộ, cơ quan ngang bộ nào cũng có bộ phận chuyên môn về định giá và có đủ nhân lực làm việc này, cho dù thuê chuyên gia thì trách nhiệm cuối cùng vẫn là Chủ tịch Hội đồng định giá. Phân cấp, phân quyền phải luôn đi đôi với việc nâng cao năng lực để thực hiện, nếu như “xuống nước trước tập bơi sau” là việc làm nguy hiểm. Mặt khác, để các bộ và cơ quan ngang bộ định giá hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc thì sợ có rơi vào lợi ích nhóm như trường hợp kit test Việt Á hay không?" - đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đặt vấn đề.

Tán thành ý kiến trên, ĐBQH Nguyễn Công Hoàng (Thái Nguyên) cho rằng, Bộ Tài chính phải có vai trò quan trọng trong việc định giá, các bộ chỉ phối hợp. Mức giá được cơ quan quản lý Nhà nước định ra phải được niêm yết, có khung trần và sàn để HĐND các tỉnh, thành phố áp dụng cho phù hợp với địa phương mình. 

Các quy định về phương pháp, căn cứ và nguyên tắc định giá là nội dung quan trọng của dự luật và việc lấp kín những khoảng trống trong lĩnh vực này đang là đòi hỏi gắt gao từ thực tế. Do vậy, dù trong giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định “hiện đã ban hành 13 nguyên tắc về định giá”, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục hoàn thiện các nguyên tắc này trong thời gian tới, nhưng chắc chắn cơ quan chủ trì soạn thảo vẫn cần tiếp tục hoàn thiện các nội dung này với tính thuyết phục và khả thi hơn. 

Nguồn: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/phai-quy-dinh-mot-chuong-rieng-ve-phuong-phap-can-cu-va-nguyen-tac-dinh-gia-i307165/

Còn lại: 1000 ký tự
Đắk Lắk: Cục Quản lý thị trường tổ chức tập huấn, trao đổi nghiệp vụ đợt 2 và chào mừng kỷ niệm 120 năm ngày thành lập tỉnh

(CHG) Sáng ngày 15/11/2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức tập huấn, trao đổi nghiệp vụ đợt 2 năm 2024 cho toàn thể công chức của Cục nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm hành chính cho đội ngũ công chức làm nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường của đơn vị, qua đó nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc mà lực lượng gặp phải trong quá trình thực thi công vụ và chào mừng ​kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024).

Xem chi tiết
Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp ngành Công Thương khu vực Nam Trung Bộ

(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.

Xem chi tiết
Khu thương mại tự do - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng

(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.

Xem chi tiết
Bất động sản tăng trưởng nhờ lực đẩy “gián tiếp” của dòng vốn FDI

(CHG) - Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 3 quý đầu năm 2024 tại Việt Nam tập trung vào các địa phương có lợi thế về hạ tầng, nhân lực, thủ tục hành chính và năng động trong hoạt động xúc tiến đầu tư như Bắc Ninh, Tp.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Hà Nội…

Xem chi tiết
Chủ tịch Thaco: “Việt Nam có thể sản xuất đến 40% linh kiện phụ tùng cho khối FDI”

(CHG) - Mục tiêu của Thaco trong năm 2024, sẽ xuất khẩu đạt giá trị gần 140 triệu USD thông qua đơn hàng từ các doanh nghiệp FDI.

Xem chi tiết
2
2
2
3