Điểm mới về bảo vệ người tiêu dùng nữ giới trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023


Bài báo nghiên cứu "Điểm mới về bảo vệ người tiêu dùng nữ giới trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023" do ThS. Phan Nguyễn Bảo Ngọc (Giảng viên Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện.

Tóm tắt:

Bài viết nghiên cứu các quy định lồng ghép vấn đề bình đẳng giới là điểm mới quan trọng nhằm bảo vệ người tiêu dùng nữ trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sau đây gọi tắt là Luật BVQLNTD) năm 2023. Trong bài viết đã đề cập đến Luật BVQLNTD năm 2023 đã có các quy định nhằm bảo vệ đối tượng nữ giới dễ bị tổn thương khi đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ; tạo thêm cơ hội, điều kiện, năng lực thực hiện quyền và nghĩa vụ cho nữ giới để tham gia vào quá trình tiêu dùng một cách an toàn… Từ đó, bài viết  nhấn mạnh pháp luật cần phải có cơ chế bảo vệ chuyên biệt hơn đối với đối tượng người tiêu dùng nữ giới.

Từ khóa: người tiêu dùng nữ, bảo vệ nữ giới, bình đẳng giới, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023.

1. Đặt vấn đề

Sau gần 12 năm thực thi, các quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sau đây gọi tắt là Luật BVQLNTD) năm 2010 đã góp phần thay đổi mạnh mẽ công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó có việc bảo vệ người tiêu dùng nữ là rất cần thiết. Bài viết phân tích vị trí, vai trò của nữ giới trong tiêu dùng và thực trạng vị trí yếu thế của phụ nữ trong tiêu dùng hiện nay và Luật BVQLNTD năm 2023[1] đã có các quy định mới hướng tới bảo vệ tốt hơn cho nhóm người tiêu dùng nữ giới này.

2. Khái niệm về “người tiêu dùng nữ”

Người tiêu dùng là người mua hàng hóa, dịch vụ, nhằm mục đích phục vụ sinh hoạt cho cá nhân, hộ gia đình chứ không sử dụng hàng hóa, dịch vụ vào mục đích cung cấp lại để tìm kiếm lợi nhuận. Quan hệ tiêu dùng được xác lập dựa trên cơ sở hợp đồng mua bán, cung ứng dịch vụ hoặc trên cơ sở sử dụng hàng hóa, dịch vụ. [2] Luật BVQLNTD năm 2023, tại khoản 1 Điều 3 quy định “Người tiêu dùng là người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và không vì mục đích thương mại.” Đây cũng được xem là một trong những điểm mới của Luật BVQLNTD năm 2023.

Khái niệm “người tiêu dùng nữ” không được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, khi gắn khái niệm “người tiêu dùng” với yếu tố giới tính “nữ”, thì đương nhiên sẽ loại trừ trường hợp người tiêu dùng là “tổ chức”. Như vậy, “người tiêu dùng nữ” được hiểu là cá nhân có giới tính nữ, mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng sinh hoạt của cá nhân, gia đình và tổ chức.

3. Vị trí, vai trò của nữ giới trong tiêu dùng

Theo nghiên cứu chung, giới nữ có vị trí quan trọng trên bản đồ tiêu dùng của thế giới, và dẫn dắt 70% - 80% xu hướng tiêu dùng toàn cầu thông qua sự kết hợp giữa sức mua thực tế, tầm ảnh hưởng đến tiêu dùng của mình. Giới nữ ảnh hưởng đến quyết định tiêu dùng đối với phần lớn các hàng hóa, dịch vụ, trong đó, chi tiêu nhiều nhất của người tiêu dùng nữ thường rơi vào các nhóm hàng hóa, dịch vụ như thực phẩm, mỹ phẩm, nhà cửa, xe cộ, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, máy tính cá nhân, thiết bị công nghệ (điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay, máy ảnh kỹ thuật số, tai nghe…); dịch vụ giáo dục, y tế, tài chính, du lịch.[3]

Với 75% người dân sử dụng Internet, Việt Nam có 74,8% người dùng Internet tham gia mua sắm trực tuyến. Đặc biệt, 97% người tiêu dùng cho biết sẽ tiếp tục mua hàng trực tuyến.[4] Từ đó có thể thấy thương mại điện tử đã trở thành xu hướng phát triển mạnh mẽ trong phương thức giao dịch của người tiêu dùng Việt Nam, mà giới nữ cũng không phải là ngoại lệ. Theo kết quả khảo sát của Vinaresearch, Công ty Nghiên cứu thị trường Micromill South East Asia, nữ giới mua sắm qua mạng xã hội thường xuyên hơn nam giới. Facebook và Zalo là hai mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay mà người tiêu dùng nữ thường thực hiện mua sắm trực tuyến trên đó với mức độ nhận biết thương hiệu lần lượt là 100% và 94,3%. Trong số những người tiêu dùng nữ được khảo sát, có 98,3% người trả lời đã từng mua sắm qua Facebook và 29,5% người đã từng mua sắm qua Zalo.[5]

4. Thực trạng vị trí yếu thế của người tiêu dùng nữ trong tiêu dùng

4.1. Người tiêu dùng nữ là "mục tiêu" cho các chiến lược tiếp thị đặc biệt

Thực tế cho thấy người tiêu dùng nữ có vị trí yếu thế trong các giao dịch mua bán. Họ thường xuyên phải đối mặt với các chiến lược khai thác khuynh hướng hành vi và xu hướng tâm lý từ các bên bán hàng và họ được coi là "mục tiêu" cho các chiến lược tiếp thị đặc biệt. Ví dụ cụ thể như: (i) doanh nghiệp sử dụng hoặc lợi dụng hình ảnh, lời khuyên, khuyến nghị của người có ảnh hưởng, có uy tín nhằm xúc tiến thương mại hoặc khuyến khích người tiêu dùng mua, sử dụng sản phẩm, dịch vụ; (ii) doanh nghiệp thu hút người mua bằng các phản hồi, đánh giá tốt của người tiêu dùng khác về sản phẩm, dịch vụ nhưng lại che dấu các phản hồi, đánh giá không tốt; (iii) nhân viên bán hàng gọi điện để giới thiệu sản phẩm và chào mời mua hàng tận cửa hoặc mua hàng qua điện thoại…

Bên cạnh đó, nữ giới còn đối mặt với vấn đề “pink tax” (tạm dịch ra tiếng Việt là “thuế màu hồng”). Đây là hiện tượng các nhà sản xuất, cung ứng hàng hóa dịch vụ lợi dụng những sự khác biệt về thể chất, tâm lý để cung ứng những mặt hàng dành riêng cho từng giới tính: nữ giới, nam giới…; trong đó những mặt hàng dành riêng cho nữ giới thường được bao gói đẹp hơn (ví dụ như sử dụng màu hồng), được quảng cáo là có những thành phần khác có lợi cho nữ giới và được bán với giá cao hơn. Nghiên cứu đã cho thấy hành vi này phổ biến nhất với các mặt hàng như mỹ phẩm (chăm sóc da, tóc, dầu tắm, dầu gội), thuốc giảm đau, bàn cạo và cả những dịch vụ spa, trị liệu, vận chuyển, chăm sóc sức khỏe... Không có dẫn chứng cụ thể cho thấy các mặt hàng này thực sự có lợi ích vượt trội cho nữ giới so với các sản phẩm dành cho nam hay các sản phẩm trung tính về giới khác. Tuy nhiên, người tiêu dùng nữ vẫn phải trả giá cao hơn.[6] Từ các chiến lược khai thác xu hướng tâm lý tiêu dùng của khách hàng, không ít người tiêu dùng, trong đó có nữ giới đã xác lập các giao dịch không tối ưu.[7]

4.2. Người tiêu dùng nữ khó tiếp cận các kênh tín dụng chính thống

Một thực trạng ảnh hưởng quyền lợi của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng nữ hiện nay cho thấy các định kiến về giới khiến cho nữ giới khó tiếp cận các kênh tín dụng chính thống hơn do các ngân hàng quan ngại về khả năng trả nợ thấp, thu nhập thấp hơn và không có tên trên tài sản đảm bảo.[8]

Bên cạnh đó, ngoài các vấn đề nêu trên, những đối tượng nữ giới là phụ nữ đang mang thai và phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi còn mang trong mình các đặc điểm và hoàn cảnh riêng khiến họ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi về sức khỏe, tài sản hơn đối tượng nữ giới thông thường trong quá trình mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, chẳng hạn như các vấn đề nhạy cảm về tâm lý; nhạy cảm về sức khỏe thai nhi, sức khỏe trẻ sơ sinh, bà mẹ sau sinh và nguồn sữa mẹ; các hạn chế trong việc đi lại, di chuyển… Đây là các yếu tố khiến đối tượng này trở nên dễ bị tổn thương hơn, chịu nhiều bất lợi hơn trong việc thực hiện các quyền của người tiêu dùng và có thể bị tổ chức, cá nhân kinh doanh lợi dụng để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng trong quá trình thực hiện giao dịch.

5. Một số điểm mới về bảo vệ người tiêu dùng nữ giới trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023

Trước đây theo quy định của Luật BVQLNTD năm 2010, người tiêu dùng nữ bình đẳng về quyền và nghĩa vụ so với các chủ thể người tiêu dùng nam khi tham gia giao dịch mua, bán với các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các quy định bình đẳng trong pháp luật không nhất thiết tạo ra sự bình đẳng trên thực tế. Trong Luật BVQLNTD năm 2010, mặc dù không có các quy định mang tính chất phân biệt, song Luật BVQLNTD năm 2010 cũng chưa xem xét, quy định các quyền lợi ưu tiên hoặc có thể được xem là đặc thù, dành riêng cho người tiêu dùng nữ. Theo đó, cần có sự nhạy cảm giới để tạo được sự bình đẳng thực chất cho các đối tượng này.

Mặc khác hiện nay, trước nhu cầu cấp thiết về thể chế hóa quan điểm chủ trương của Đảng tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Hiến pháp 2013; để phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh kinh tế - xã hội, xu hướng hội nhập quốc tế; trên cơ sở nhận diện những hạn chế, bất cập sau 12 năm ban hành, ngày 20/6/2023, Quốc hội đã biểu quyết thông qua “Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023”. Đây là một dự án Luật quan trọng, có ảnh hưởng rộng đến nhiều ngành, lĩnh vực.[9]

Do đó, trước vị trí, vai trò của nữ giới trong tiêu dùng và thực trạng vị trí yếu thế của người tiêu dùng nữ trong tiêu dùng và sự cần thiết cần đổi mới trong lập pháp, cơ quan chủ trì soạn thảo đã lưu tâm và thực hiện việc lồng ghép bình đẳng giới trong Luật BVQLNTD mới để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nữ. Có thể nhận thấy, Luật BVQLNTD năm 2023 đã có các quy định nhằm bảo vệ đối tượng nữ giới dễ bị tổn thương khi đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ; tạo thêm cơ hội, điều kiện, năng lực thực hiện quyền và nghĩa vụ cho nữ giới để tham gia vào quá trình tiêu dùng một cách an toàn; khắc phục các đặc thù về giới tính để bình đẳng với nam giới trong quá trình giao dịch. Chẳng hạn Luật BVQLNTD năm 2023 đã đưa ra quy định việc đảm bảo an toàn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải bảo đảm sự phù hợp với các nhóm người tiêu dùng theo giới tính, điều chỉnh cụ thể việc cung cấp thông tin cho người tiêu dùng, việc mua sắm trực tuyến hay các giao dịch đặc thù. Từ đó tác giả đi sâu phân tích một số điểm mới cụ thể như sau:

Một là, đưa đối tượng phụ nữ đang mang thai và đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi vào nhóm người dễ bị tổn thương, được quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 8 Luật BVQLNTD năm 2023[10]. Có thể nhận thấy phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ thường gặp phải một số khó khăn khi mua sắm do những thay đổi về cơ địa, tình trạng sức khỏe, tâm lý, tài chính… Mặt khác, thực tế cho thấy ở nhiều nơi trên thế giới, lượng người tiêu dùng nữ đi khiếu nại ít hơn hẳn nam giới do các đặc điểm về giới (ngại đối đầu, đua tranh, thường chỉ nói chuyện với người thân về các trải nghiệm tồi tệ với sản phẩm, dịch vụ). Từ đó để tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương, Luật BVQLNTD năm 2023 quy định một số trách nhiệm cụ thể của tổ chức, cá nhân kinh doanh, trong đó nổi bật là trách nhiệm áp dụng cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp theo quy định của pháp luật phù hợp với từng đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương[11] tại khoản 2, khoản 3 Điều 8 - cũng là những quy định mới rất nổi bật của Luật BVQLNTD năm 2023.

Hai là, tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện trách nhiệm bảo đảm an toàn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải bảo đảm sự phù hợp với các nhóm người tiêu dùng theo độ tuổi, giới tính…; tăng cường minh bạch thông tin đối với các sản phẩm được sản xuất dành riêng cho từng giới. Cụ thể khoản 6 Điều 21 Luật BVQLNTD năm 2023 quy định: “Minh bạch thông tin về thành phần, chức năng, lợi ích khác biệt đối với sản phẩm, hàng hóa được sản xuất, dịch vụ được cung cấp dành riêng cho từng giới tính”.

Ba là, quy định về việc cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh sử dụng hoặc lợi dụng hình ảnh, lời khuyên, khuyến nghị của người có ảnh hưởng, có uy tín nhằm xúc tiến thương mại hoặc khuyến khích người tiêu dùng mua, sử dụng sản phẩm, dịch vụ, mà không thông báo trước cho người tiêu dùng đây là các nội dung được tài trợ. Cụ thể điểm h khoản 1 Điều 10 Luật BVQLNTD năm 2023 quy định về hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: “Không thông báo trước, không công khai cho người tiêu dùng việc tài trợ cho người có ảnh hưởng dưới mọi hình thức để sử dụng hình ảnh, lời khuyên, khuyến nghị của người này nhằm xúc tiến thương mại hoặc khuyến khích người tiêu dùng mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ”.

Bốn là, quy định về cấm nền tảng số sử dụng các biện pháp ngăn hiển thị hoặc hiển thị không trung thực kết quả phản hồi, đánh giá của người tiêu dùng về sản phẩm, dịch vụ và tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng. Cụ thể điểm c khoản 3 Điều 10 Luật BVQLNTD năm 2023 quy định: “Sử dụng biện pháp ngăn hiển thị hoặc hiển thị không trung thực kết quả phản hồi, đánh giá của người tiêu dùng về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số, trừ trường hợp phản hồi, đánh giá đó vi phạm quy định của pháp luật, trái đạo đức xã hội”.

Năm là, đưa ra các quy định cụ thể về các hình thức giao dịch từ xa, giao dịch trực tiếp là các trường hợp nữ giới thường mua hàng theo các thông tin quảng cáo của doanh nghiệp, trong đó đưa ra các cơ chế bảo vệ người tiêu dùng bằng các biện pháp như cho phép đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng đã giao kết, hoàn trả lại sản phẩm, hàng hóa… được quy định tại Điều 38 Luật BVQLNTD năm 2023.

Tóm lại, nhìn chung các nhóm quy định mới trên đã trao thêm cơ hội, điều kiện về mặt thông tin cho người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng nữ là nhóm thường xuyên mua sắm qua nền tảng số và mua sắm theo xu hướng của người nổi tiếng, nhằm tăng cường năng lực tham gia tiêu dùng hiệu quả cho giới nữ. Mặt khác, các điểm mới trên đã phần nào khắc phục các đặc thù về giới tính để bình đẳng với nam giới trong quá trình giao dịch, chẳng hạn đưa ra quy định việc đảm bảo an toàn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải bảo đảm sự phù hợp với các nhóm người tiêu dùng theo giới tính, điều chỉnh cụ thể việc cung cấp thông tin cho người tiêu dùng, việc mua sắm trực tuyến hay các giao dịch đặc thù.

6. Kết luận

Trong thương mại hiện nay, nữ giới với vai trò là nhóm chiếm ưu thế bằng hành vi trực tiếp mua sắm, cũng như các ảnh hưởng của mình lên quá trình tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ lại dễ bị xâm phạm quyền lợi hơn do sự tác động từ các chiến lược khai thác khuynh hướng hành vi, cảm xúc và các đặc điểm riêng về giới từ phía các doanh nghiệp.

Do vậy, pháp luật cần phải có cơ chế bảo vệ chuyên biệt hơn đối với đối tượng người tiêu dùng nữ giới. Những quy định mới trong Luật BVQLNTD năm 2023 về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nữ thực sự rất phù hợp cho nhóm đối tượng thường dễ bị tổn thương, yếu thế này. Qua đó việc đổi mới trong quy định pháp luật cũng thể hiện rõ nét chủ trương, chính sách nhân văn của Nhà nước và Chính phủ trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân ngày một toàn diện và bình đẳng hơn.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Ngày 20/6/2023, Quốc hội đã ban hành Luật số 19/2023/QH15, ban hành của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 59/2010/QH12, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.

[2] Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương (2016). Tài liệu Hỏi đáp về pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, NXB Hồng Đức, Hà Nội, trang 11.

[3] Vũ Khuê (2022). Người tiêu dùng nữ sẽ được bảo vệ quyền lợi tốt hơn. Truy cập tại: https://vneconomy.vn/nguoi-tieu-dung-nu-se-duoc-bao-ve-quyen-loi-tot-hon.htm

[4] Nhĩ Anh (2022). Đón đầu các xu hướng công nghệ trong mua sắm online. Truy cập tại: https://vneconomy.vn/don-dau-cac-xu-huong-cong-nghe-trong-mua-sam-online.htm
[5,7] Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hướng tới bảo vệ tốt hơn người tiêu dùng nữ (2022). Truy cập tại: https://www.bvntd.gov.vn/tintuc_sukien/luat-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-sua-doi-hong-toi-bao-ve-tot-hon-nguoi-tieu-dung-nu/

[6] Chẳng hạn, cũng theo kết quả khảo sát của Vinaresearch, Công ty Nghiên cứu thị trường Micromill South East Asia được đề cập ở trên, gần 50% người tiêu dùng được khảo sát, bao gồm cả người tiêu dùng nữ, đã từng bị lừa gạt khi mua sắm qua mạng xã hội, trong đó điển hình như nhận được hàng hóa với chất lượng không như cam kết và không được đổi, trả (80,9%), nhận được hàng hóa với chất lượng không như cam kết, được đổi trả nhưng phải trả phí cho người bán (33,7%), bị bẫy tư vấn, cung cấp thông tin không rõ ràng, gây hiểu nhầm (27,8%), đã thanh toán tiền nhưng không nhận được hàng (24,8) và gửi thông tin thông báo trúng thưởng giả mạo (20,8%). Tại Việt Nam, theo công bố của Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, người tiêu dùng cũng gặp nhiều trở ngại khi mua sắm trực tuyến, như: chất lượng kém so với quảng cáo (42%), vận chuyển và giao nhận kém (25%), dịch vụ chăm sóc khách hàng kém (22%), …

[8] Việc này dẫn đến người tiêu dùng nữ dễ bị lợi dụng, bóc lột bởi các kênh tín dụng đen. Đã có hiện tượng kênh tín dụng đen sử dụng hình ảnh khỏa thân hay gọi điện cho gia đình bè bạn đề khủng bố người đi vay là nữ (người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính).

[9] Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 được xây dựng trên nguyên tắc kế thừa, phát huy và hoàn thiện những quy định còn phù hợp với thực tiễn tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ban hành năm 2010; đồng thời sửa đổi, bổ sung những quy định chưa rõ, còn bất cập, chưa thống nhất trên nguyên tắc hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất đồng bộ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật…

[10] Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, bên cạnh các điểm mới về đối tượng áp dụng, quyền và nghĩa vụ người tiêu dùng, các hành vi bị cấm, phương thức giải quyết tranh chấp… thì việc “bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương” cũng là quy định mới, thể hiện rõ nét chủ trương, chính sách nhân văn của Nhà nước và Chính phủ trong việc bảo vệ toàn diện quyền lợi chính đáng của người dân. Khoản 1 Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 đã xác định rõ các nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương, bao gồm: người cao tuổi; người khuyết tật; trẻ em; người dân tộc thiểu số; người sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật; phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi; người bị bệnh hiểm nghèo và thành viên hộ nghèo theo quy định của pháp luật.

[11] Phòng Thanh tra - Pháp chế, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang (2022). Một số quy định mới tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023. Truy cập tại: https://moit.gov.vn/tin-tuc/bao-chi-voi-nguoi-dan/mot-so-quy-dinh-moi-tai-luat-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-nam-2023.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2013). Hiến pháp năm 2013.
  2. Quốc hội (1999). Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 1999 (Số: 13/1999/PL-UBTVQH10) ngày 27/04/1999.
  3. Quốc hội (2010). Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 (Luật số: 59/2010/QH12), ngày 17/11/2010.
  4. Quốc hội (2023). Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 (Luật số: 19/2023/QH15), ngày 20/06/2023.
  5. Trường Đại học Luật Hà Nội (2014). Giáo trình Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nhà xuất bản Công an nhân dân, Hà Nội, trang 7.
  6. Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương (2016). Tài liệu Hỏi đáp về pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. NXB Hồng Đức, Hà Nội, trang 11.
  7. Vũ Khuê (2022). Người tiêu dùng nữ sẽ được bảo vệ quyền lợi tốt hơn. Truy cập tại: https://vneconomy.vn/nguoi-tieu-dung-nu-se-duoc-bao-ve-quyen-loi-tot-hon.htm.
  8. Thống kê về dân số. Truy cập tại: https://danso.org/viet-nam/.
  9. Nhĩ Anh (2022). Đón đầu các xu hướng công nghệ trong mua sắm online. Truy cập tại: https://vneconomy.vn/don-dau-cac-xu-huong-cong-nghe-trong-mua-sam-online.htm.
  10.  Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hướng tới bảo vệ tốt hơn người tiêu dùng nữ (2022). Truy cập tại: https://www.bvntd.gov.vn/tintuc_sukien/luat-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-sua-doi-huong-toi-bao-ve-tot-hon-nguoi-tieu-dung-n/.
  11.  Phòng Thanh tra - Pháp chế, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang (2022). Một số quy định mới tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023. Truy cập tại: https://moit.gov.vn/tin-tuc/bao-chi-voi-nguoi-dan/mot-so-quy-dinh-moi-tai-luat-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-nam-2023.

 

New points on women consumer protection

in the Law on Protection of Consumer Rights 2023

Master. Phan Nguyen Bao Ngoc

Faculty on Civil Law, Ho Chi Minh City University of Law

ABSTRACT:

This study analyzed the regulations on gender equality that are integrated into the Law on Protection of Consumer Rights 2023. These regulations are considered new points to better protect female consumers. This law already has regulations on protecting vulnerable women who are pregnant or raising children. The law aims to create more opportunities, conditions, and capacity to exercise rights and obligations for female consumers. This study emphasized the need for the law to have a more specialized protection mechanism for female consumers.

Keywords: female consumers, women's protection, gender equality, the Law on Consumer Rights Protection 2023.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6 tháng 3 năm 2024]

Nguồn: Tạp chí công thương

Còn lại: 1000 ký tự
Sử dụng các mô hình ngôn ngữ lời nói mở rộng chuyển văn bản thành giọng nói tương đương con người thông qua việc truyền bá phong cách và đào tạo

Sử dụng các mô hình ngôn ngữ lời nói mở rộng chuyển văn bản thành giọng nói tương đương con người thông qua việc truyền bá phong cách và đào tạo do Phạm Thị Miên (Phân hiệu tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Giao thông vận tải) - Đào Thị Phương Thúy (Khoa Công nghệ và Kỹ thuật, Trường Đại học Thái Bình) thực hiện

Xem chi tiết
Một số vấn đề lý luận pháp luật về điều kiện kinh doanh

Bài báo nghiên cứu "Một số vấn đề lý luận pháp luật về điều kiện kinh doanh" do Lê Thị Thu Hạnh (Trường Đại học Thành Đông) thực hiện.

Xem chi tiết
Nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật môi trường đối với các doanh nghiệp Việt Nam

Bài báo nghiên cứu "Nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật môi trường đối với các doanh nghiệp Việt Nam" do ThS. Nguyễn Thị Minh Huyền (Trường Quốc tế - Trường Đại học Quốc gia Hà Nội) thực hiện.

Xem chi tiết
Ngành bán dẫn tại Việt Nam – tiềm năng và thách thức đối với bất động sản công nghiệp

(CHG) - Trong báo cáo nghiên cứu về lĩnh vực công nghiệp bán dẫn (CNBD) của Savills cho thấy, Việt Nam đang trở thành điểm nóng đầu tư đối với ngành công nghiệp bán dẫn, thu hút nguồn vốn và sự quan tâm lớn từ các doanh nghiệp quốc tế.

Xem chi tiết
Đánh giá kết quả phát triển của các hợp tác xã trên địa bàn huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai

Đề tài Đánh giá kết quả phát triển của các hợp tác xã trên địa bàn huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai do ThS. Nguyễn Văn Hợp (Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.

Xem chi tiết
2
2
2
3