(CHG) Mặc dù giá các mặt hàng xăng dầu tiếp tục đồng loạt tăng phiên thứ 3 liên tiếp, nhưng vẫn có lúc gần 20% cây xăng tại TP. HCM thiếu hàng. Phải chăng, thiếu hụt xăng dầu là “hiện tượng bất thường”, đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 khóa XV đang diễn ra trong những ngày vừa qua đã tiếp tục hỏi về trách nhiệm quản lý thuộc về ai?
Trách nhiệm thuộc về nhà quản lý?
Ngày 1/11, liên Bộ Công Thương – Tài chính tiếp tục tăng giá xăng dầu. Cụ thể, giá xăng RON95 tăng thêm 410 đồng/lít lên mức 22,750 đồng/lít; giá xăng RON92 tăng thêm 380 đồng/lít, lên mức 21,870 đồng/lít. Các mặt hàng dầu tăng mạnh do diễn biến giá dầu thế giới trong thời gian qua tăng liên tục ở mức cao.
Việc giá xăng dầu trong kỳ điều hành này tiếp tục tăng đã được dự báo từ trước đó, khi diễn biến giá thế giới trong 10 ngày trước đó có xu hướng tăng. Kể từ ngày 11/10, công thức tính giá cơ sở đã bổ sung thêm phụ phí và chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về cảng và mức premium trong nước (chi phí để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước). Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho rằng, mức chi phí này vẫn chưa được tính đúng, tính đủ vào giá cơ sở, cộng thêm việc siết chặt tín dụng, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tạo nguồn.
Dù giá xăng dầu tăng, nhưng các doanh nghiệp xăng dầu vẫn cho rằng chưa giải quyết được bài toán đứt gãy nguồn cung hàng cục bộ ở các tỉnh phía Nam, và đang lan truyền ra các tỉnh phía Bắc.
Theo nhiều đại lý bán lẻ xăng dầu, việc tiếp cận nguồn hàng vẫn khó khăn. Một thương nhân nhượng quyền tại Hà Nội cho biết, hàng vẫn về nhỏ giọt dù đang là đơn vị nhượng quyền của một thương nhân đầu mối có thị phần lớn. Thực tế, phải ba ngày doanh nghiệp mới lấy được một xe khoảng 10 khối, nếu mở bung để phục vụ khách thì chỉ… 5 giờ là hết hàng.
Một thương nhân phân phối phía Nam cho rằng, tình trạng các doanh nghiệp cấp hàng nhỏ giọt, thương nhân kinh doanh hạn chế bán ra không phải vì chờ tăng giá, mà vì không có hàng và không đảm bảo đủ duy trì chi phí để kinh doanh, khi mà hoạt động kinh doanh đang chịu cảnh càng bán ra càng lỗ. Doanh nghiệp này cũng lo ngại hơn khi chỉ còn một thời gian ngắn nữa là tới Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, nguy cơ thiếu hàng vào cuối năm và dịp Tết có thể diễn ra, nếu như những vướng mắc về chi phí không được tháo gỡ.
Theo các lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phía Nam, trước khi điều hành, doanh nghiệp này duy trì mức chiết khẩu 0 đồng, còn hiện tại mức chiết khấu là 200 đồng – rất thấp, nên một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu vẫn tạm ngưng hoạt động.
Trước tình trạng nhiều cửa hàng xăng dầu bán nhỏ giọt diễn ra ở nhiều tỉnh miền Nam và lan cả ra phía Bắc, đặc biệt là tại Hà Nội, nhiều đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV trong những ngày vừa qua đã lên tiếng cho rằng các bộ ngành liên quan cần chịu trách nhiệm cao hơn.
Đại biểu Trần Văn Lâm chia sẻ về vấn đề xăng dầu. Ảnh: Quochoi.vn
Chia sẻ với báo chí ngày 2/11, đại biểu Trần Văn Lâm, ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, cần xem xét lại thực tế nguồn cung xăng dầu hiện nay có đáp ứng đủ hay không, đặc biệt là các số liệu đã có “sai lệch” với nhu cầu diễn biến thị trường hay không, bởi thực tế đang diễn ra là “hiện tượng bất thường”.
“Cuối cùng, vẫn phải là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước nắm bắt thông tin, điều hòa, điều phối thị truờng, nguồn cung một cách hài hòa, hợp lý, chứ còn bây giờ thì đã để xảy ra đứt gãy, thiếu hụt nguồn cung”, đại biểu Lâm nhấn mạnh.
Đại biểu cũng chỉ ra thêm là hiện nhiều bộ, ngành cùng quản lý mặt hàng xăng dầu, nhưng trách nhiệm chính là Bộ Công thương. Vấn đề là bộ có kịp thời nhạy bén, đầy đủ thông tin, căn cứ để đề xuất cơ chế, điều tiết thị trường này hay không.
“Có gì vướng mắc thì cần đề xuất lên Chính phủ xem xét, chỉ đạo. Còn trách nhiệm quản lý chính mặt hàng này là Bộ Công thương, không thể đùn đẩy trách nhiệm cho bộ nọ, bộ kia được”, ông Lâm nêu quan điểm và cho rằng: Vấn đề của thị trường xăng dầu không chỉ dừng lại ở chiết khấu, mà còn là điều tiết nguồn cung, cơ quan quản lý Nhà nước cần có trách nhiệm giải quyết vấn đề này.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) thẳng thắn chỉ ra nguồn cung xăng dầu đứt gãy là do cơ chế quản lý. Thực tế, với mức chiết khẩu xuống quá thấp, chi phí kinh doanh không điều chỉnh kịp thời, khiến doanh nghiệp bị thua lỗ nên doanh nghiệp buộc phải nghỉ bán.
“Vấn đề ở đây là sự phối hợp quản lý giữa Bộ Công thương về nguồn cung, xuất nhập khẩu xăng dầu và Bộ Tài chính trong quản lý giá, chi phí… chưa tốt”, ông Cường nói và đặt thêm câu hỏi: Tại sao các nước không có tình trạng này, mà Việt Nam lại xảy ra khi chúng ta đã sản xuất được xăng dầu (hai nhà máy lọc dầu chiếm 70% thị phần). Đề nghị để ngành xăng dầu vận hành theo thị trường hoàn toàn, đa dạng hóa tổ chức kinh doanh phân phối xăng dầu, không nên tập trung hóa. Còn hiện tại, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, chiếm tỉ trọng trong rổ tính chỉ số giá tiêu dùng, ảnh hưởng tới lạm phát… nên Nhà nước vẫn cần quản lý, can thiệp.
Bộ trưởng Bộ Công thương trả lời về vấn đề xăng dầu tại Quốc hội.
Nhiều giải pháp cho việc cung ứng xăng dầu
Trước những ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội xung quanh tình hình cung ứng xăng dầu trên phạm vi cả nước, nhất là tại hai thành phố lớn là TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã có những giải trình, làm rõ tại các phiên thảo luận về nội dung này.
Về tình hình cung ứng xăng dầu trên phạm vi cả nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đồng tình và chia sẻ với những nỗi băn khoăn của các đại biểu Quốc hội.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, xăng dầu là vật tư chiến lược, có ý nghĩa sống còn của mọi nền kinh tế. Vấn đề khủng hoảng năng lượng đã, đang và sẽ ngày trở nên trầm trọng trong phạm vi toàn cầu.
Ở nước ta, theo quy định hiện hành, vấn đề quản lý cung ứng, kinh doanh xăng dầu được giao cho 7 bộ, ngành, cơ quan chức năng và chính quyền 63 tỉnh, thành phố thực hiện. Để làm tốt công tác này, cần có sự hợp tác chặt chẽ, nhuần nhuyễn, hiệu quả, nhất là trong bối cảnh có nhiều biến động.
Bộ Công thương được giao nhiệm vụ chính là lập kế hoạch tạo nguồn cung ứng, cùng chính quyền địa phương quản lý hệ thống kinh doanh xăng dầu trên cả nước. Tuy nhiên, ngành công thương cần sự ủng hộ, giúp đỡ của Ngân hàng Nhà nước, hệ thống ngân hàng thương mại trong việc cho vay, bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp xăng dầu, bảo đảm không làm ảnh hưởng đến hệ thống phân phối.
Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành chức năng và các địa phương đã nỗ lực cố gắng trong chỉ đạo điều hành thông qua các công cụ thuế, phí, quỹ bình ổn và cả chính sách xã hội. Vì thế, thị trường xăng dầu nước ta cơ bản được ổn định, tổng nguồn cung không thiếu, giá cả hợp lý và luôn ở nhóm nước có mức giá bán lẻ thấp nhất trong khu vực và thế giới.
“Tuy nhiên, để xảy ra hiện tượng thiếu hàng cục bộ ở hệ thống phân phối, thương nhân phân phối và cửa hàng bán lẻ ở TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam là điều rất đáng tiếc và bất thường. Bởi dù hoàn cảnh khó khăn giống nhau, nhưng phần lớn các tỉnh, thành phố, nhất là phía Bắc và miền Trung thì không xảy ra như vậy”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thẳng thắn thừa nhận.
Về giải pháp khắc phục tình trạng này trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Trước hết, tập trung chỉ đạo hướng dẫn các doanh nghiệp đầu mối, kinh doanh phân phối chia sẻ nguồn cung trong dự trữ của mình để kịp thời chi viện, ứng cứu trong điều hành; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về tiếp cận nguồn vốn bảo lãnh tín dụng – đây được xem là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp xăng dầu có thể tồn tại, phát huy vai trò quan trọng của mình trong cung ứng cho xã hội cho mặt hàng đặc biệt này.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, để doanh nghiệp xăng dầu không lỗ và có lỗ thì cũng trong khả năng chịu được ở thời điểm thị trường xăng dầu có nhiều biến động, Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành chức năng tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ và cùng các cơ quan chức năng tiếp tục sử dụng công cụ thuế, phí, quỹ xăng dầu và chính sách an sinh khi cần thiết, để điều hành giá bán lẻ xăng dầu phù hợp với biến động giá thế giới, đáp ứng mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục triển khai phần mềm quản lý, phân phối kinh doanh xăng, dầu thống nhất trực tiếp từ Bộ Công thương đến các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp đầu mối và thực hiện phân phối; từ các tỉnh, thành phố đến các đại lý bán lẻ trong cả nước, bảo đảm tính khách quan, chính xác, minh bạch, kịp thời.
Cùng với đó, khẩn trương triển khai rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xăng dầu…
Bài 3: Cần đủ xăng dầu cung cấp cho nhu cầu thị trường
2
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết
Công ty Fushiwa Việt Nam bị xử phạt vì xâm phạm giải pháp hữu ích của Công ty Hồng Hà
(CHG) Ngày 30 tháng 09 năm 2024, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành kết luận thanh tra đối với hành vi vi phạm của Công ty Fushiwa Việt Nam. Bản kết luận này một lần nữa khẳng định công ty này đã có hành vi xâm phạm quyền đối với giải pháp hữu ích mang tên “thiết bị điện phân nước và hệ thống xử lý nước uống trực tiếp” của Công ty Hồng Hà. Đây là một sự kiện đáng chú ý, không chỉ bởi tính chất nghiêm trọng của hành vi vi phạm, mà còn vì những tác động sâu rộng mà nó mang lại cho môi trường đổi mới và sáng tạo trong nền kinh tế Việt Nam.
Xem chi tiết