(CHG) Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hàng không dân dụng và giá dịch vụ vận chuyển hàng không.
Ảnh minh họa: Internet
Bộ Tài chính đã có Công văn số 168/QLG-CNTD gửi Cục Hàng không Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Vụ Tài chính, Vụ Vận tải (Bộ GTVT) liên quan đến giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa và giá dịch vụ đăng kiểm phương tiện vận tải.
Công văn nêu rõ, trong quá trình xây dựng Luật Giá sửa đổi, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nhận được các kiến nghị liên quan đến giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa.
Cụ thể là kiến nghị bỏ quy định khung giá trần nội địa đối với dịch vụ vận tải hàng không và kiến nghị quy định về việc hạ giá bán đối với dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường hàng không mà không bị coi là vi phạm pháp luật về cạnh tranh và pháp luật chống bán phá giá hàng nhập khẩu của Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways).
Đồng thời, Cục Quản lý giá có tổ chức cuộc họp ngày 26/4/2023, với sự tham dự của một số đơn vị thuộc Bộ GTVT và đại diện một số doanh nghiệp hàng không. Tại cuộc họp, đại diện các doanh nghiệp hàng không tiếp tục có kiến nghị về các nội dung liên quan đến giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa như trên.
Về việc này, công văn của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, pháp luật hiện hành, cụ thể tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam quy định: “Hãng hàng không quyết định giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa trong khung giá do Bộ GTVT quy định và thực hiện kê khai giá với Bộ GTVT”.
Tại khoản 3 Điều 1 quy định: “Cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không dân dụng trực thuộc Bộ GTVT là nhà chức trách hàng không”.
“Theo đó, Bộ GTVT chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hàng không dân dụng và giá dịch vụ vận chuyển hàng không”, công văn của Bộ Tài chính nêu.
Căn cứ chức năng quản lý nhà nước về hàng không của Bộ GTVT quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đề nghị Vụ Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam, Vụ Tài chính báo cáo Bộ GTVT có ý kiến, đề xuất cụ thể kèm theo đánh giá tác động đối với các nội dung liên quan đến giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa như kiến nghị của các doanh nghiệp hàng không.
Về giá dịch vụ đăng kiểm phương tiện vận tải, thời gian qua Bộ Tài chính đã có các công văn gửi Bộ GTVT về giá dịch vụ đăng kiểm phương tiện vận tải.
Theo đó, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ GTVT đánh giá tình hình thực hiện, mức độ bù đắp chi phí của các mức giá dịch vụ kiểm định phương tiện vận tải. Đồng thời, Bộ GTVT cần chỉ đạo cơ quan quản lý trực tiếp của đơn vị kinh doanh hoặc đơn vị kinh doanh xây dựng phương án giá trình Bộ GTVT thẩm định. Sau đó, Bộ GTVT có văn bản đề nghị Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung các quy định về giá dịch vụ kiểm định phương tiện vận tải hiện hành trong trường hợp cần thiết.
Tuy nhiên, đến nay Bộ Tài chính chưa nhận được ý kiến của Bộ GTVT. Do đó, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đề nghị các cơ quan tham mưu Bộ GTVT sớm có ý kiến về giá dịch vụ kiểm định phương tiện vận tải./.
Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/bo-tai-chinh-phan-hoi-ve-gia-dich-vu-van-chuyen-hang-khong-noi-dia-173999.html
0
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết
Công ty Fushiwa Việt Nam bị xử phạt vì xâm phạm giải pháp hữu ích của Công ty Hồng Hà
(CHG) Ngày 30 tháng 09 năm 2024, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành kết luận thanh tra đối với hành vi vi phạm của Công ty Fushiwa Việt Nam. Bản kết luận này một lần nữa khẳng định công ty này đã có hành vi xâm phạm quyền đối với giải pháp hữu ích mang tên “thiết bị điện phân nước và hệ thống xử lý nước uống trực tiếp” của Công ty Hồng Hà. Đây là một sự kiện đáng chú ý, không chỉ bởi tính chất nghiêm trọng của hành vi vi phạm, mà còn vì những tác động sâu rộng mà nó mang lại cho môi trường đổi mới và sáng tạo trong nền kinh tế Việt Nam.
Xem chi tiết