Doanh nghiệp Thép “lội ngược dòng”


(CHG) Tồn kho vẫn ở mức cao, nhu cầu thị trường chưa có nhiều cải thiện nhưng các doanh nghiệp ngành thép vẫn ghi nhận sự tăng trưởng trở lại.
Phục hồi hơn từ tháng 9/2023
Theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), lũy kế 9 tháng năm 2023, sản xuất thép thành phẩm đạt gần 20,2 triệu tấn, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm 2022. Tiêu thụ thép thành phẩm đạt gần 19 triệu tấn, giảm 10,8% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, xuất khẩu đạt hơn 5,96 triệu tấn, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tiêu thụ trong tháng 9 đã cho thấy sự phục hồi rõ rệt hơn với sản lượng cao nhất từ đầu năm đến nay và cũng là tháng đầu tiên trong năm ghi nhận mức tăng trưởng so với cùng kỳ. Cụ thể, theo VSA, trong tháng 9, tiêu thụ thép các loại tăng 4,69% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ 2022.

Các doanh nghiệp thép đang có mức tiêu thụ đạt cao trong tháng 9/2023. Ảnh: HSG
 
VSA cho rằng, bối cảnh kinh tế hiện ghi nhận một số điểm sáng về các chính sách tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được Chính phủ và các bộ, ngành ban hành, cùng với đó là những tín hiệu từ hoạt động giải ngân vốn đầu tư công tăng trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, nhu cầu thị trường với các mặt hàng thép trong nước nói chung vẫn yếu, chưa được cải thiện nhiều.
Dù trong bối cảnh cả cơ hội và thách thức đan xen như trên, nhưng nhiều doanh nghiệp ngành thép vẫn có kết quả kinh doanh và lượng tiêu thụ khả quan.
Theo báo cáo tài chính quý 4 niên độ tài chính (NĐTC) 2022-2023 (từ ngày 1/7/2023 đến ngày 30/9/2023) và lũy kế NĐTC 2022-2023 (từ ngày 1/10/2022 đến ngày 30/9/2023), lợi nhuận sau thuế của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đã ghi nhận sự cải thiện tích cực từ mức lỗ 680 tỷ đồng trong quý 1 NĐTC 2022-2023 lên mức lãi 438 tỷ đồng trong quý 4 NĐTC 2022-2023, từ đó, cả NĐTC 2022-2023, HSG đạt lợi nhuận sau thuế 28 tỷ đồng.
Để có được kết quả này, HSG cho biết, Công ty đã cùng lúc thực hiện nhiều biện pháp khác nhau như giảm dư nợ vay để giảm chi phí lãi vay, quản lý hiệu quả hơn các chi phí tài chính và chi phí hoạt động nhờ việc đàm phán giá cước vận chuyển, tối ưu hóa hoạt động mảng logistics để tiết giảm chi phí vận chuyển. Đồng thời, HSG cũng đã hoàn thành việc truy vết carbon trên gần 20 dòng sản phẩm Tôn Hoa Sen, từ đó giúp rộng đường xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Tương tự, trong quý 3/2023, lợi nhuận ròng của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với khoản lỗ 1.800 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Sự phục hồi của lợi nhuận ròng được thúc đẩy nhờ sản lượng tiêu thụ cải thiện, chi phí nguyên vật liệu đầu vào giảm và việc quản lý hàng tồn kho tốt hơn. Trong đó, về sản lượng tiêu thụ, nhờ mở rộng phát triển các thị trường mới nên đã duy trì được khối lượng xuất khẩu tích cực mặc dù nhu cầu tại một số thị trường phát triển có tín hiệu suy giảm.
Theo thông tin mới nhất từ CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG), doanh nghiệp này đã cán mốc 8 triệu tấn thép HRC sau hơn 3 năm kể từ thời điểm tháng 5/2020 - cuộn HRC đầu tiên ra đời. Trong tháng 9/2023, HPG đã bán 234.000 tấn HRC, các sản phẩm hạ nguồn của HRC gồm ống thép và tôn mạ đạt lần lượt hơn 48.000 tấn và 20.000 tấn, tương ứng tăng 20% và 75% so với tháng 8.
Còn với Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel), trong tháng 9, toàn hệ thống đạt sản lượng bán hàng trên 268.000 tấn, tiêu thụ tăng 8% so với tháng trước và tăng 9% cùng kỳ năm 2022. Đây là tháng đạt sản lượng cao nhất trong năm 2023. Lũy kế 9 tháng năm 2023, tiêu thụ thép thành phẩm các loại đạt trên 2 triệu tấn, bằng 77% cùng kỳ năm 2022.
Kỳ vọng khả quan
Theo khảo sát và ước tính, tổng lợi nhuận toàn ngành thép trên sàn chứng khoán đạt gần 2.000 tỷ đồng, gấp 5 lần quý trước và tăng rất mạnh so với con số lỗ 4.700 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2022.
Dù không có đà “lội ngược dòng” hóa lỗ thành lãi như HSG hay HPG, nhiều doanh nghiệp ngành thép khác lại giảm lỗ hơn so với cùng kỳ năm ngoái và quý trước. Tại Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại SMC, trong quý 3/2023, dù tiếp tục lỗ ròng 164 tỷ đồng nhưng cũng đã giảm hơn mức lỗ gần 188 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng thì SMC vẫn lỗ nặng lên tới 550 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 9 tháng năm 2022 lỗ 58 tỷ đồng.
Tại Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel), lợi nhuận sau thuế quý 3 của doanh nghiệp lỗ gần 171 tỷ đồng, giảm lỗ hơn 404,6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Với Công ty Cổ phần thép Pomina, quý 3/2023 ghi nhận lỗ hơn 110,4 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số lỗ hơn 715,6 tỷ đồng của quý 3/2022…
Các chuyên gia Công ty Chứng khoán SSI nhận định, các doanh nghiệp ngành thép có nhiều khả quan để tiếp tục tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2024 nhờ nhu cầu phục hồi đặc biệt trong nửa cuối năm sau, giá thép ổn định nhờ tương quan cung-cầu khu vực thuận lợi hơn trong bối cảnh sản lượng thép Trung Quốc có xu hướng sụt giảm gần đây và biên lợi nhuận của các nhà máy thép ở cả Trung Quốc và Việt Nam đều về mức khá thấp. Mặt khác, kênh xuất khẩu có thể vẫn ổn định trong năm tới, nhất là các thị trường trọng điểm sẽ dự kiến tăng trưởng nhẹ.
Còn theo dự báo của Hiệp hội Thép Thế giới (WSA), nhu cầu thép toàn cầu được dự báo đạt tổng cộng 1,81 tỷ tấn vào năm 2023 và tăng lên 1,85 tỷ tấn vào năm 2024. WSA cho biết, lãi suất và chi phí cao đã ảnh hưởng tiêu cực đến ngành xây dựng. Trong khối ASEAN 5 (gồm các nước Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam), theo WSA, nhu cầu thép sẽ được thúc đẩy bởi nhu cầu trong nước và đầu tư cơ sở hạ tầng bất chấp việc lạm phát và các điều kiện bên ngoài xấu đi. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu của khu vực này đã chậm lại đáng kể và đang làm giảm hiệu suất sản xuất.
 

Nguồn: Hải quan Online

Còn lại: 1000 ký tự
An Giang: Thu giữ số lượng lớn hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

(CHG) Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang thực hiện kiểm tra, thu giữ số lượng lớn hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam

Xem chi tiết
Cà Mau: Xử phạt hơn 270 triệu đồng vi phạm về kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.

(CHG) Cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau ban hành Quyết định xử phạt hơn 270 triệu đồng vi phạm về kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền, giả mạo nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ CHANEL tại Việt Nam.

Xem chi tiết
Đồng Tháp: Phạt tiền 140 triệu đồng về hành vi vi phạm nhãn hàng hóa.

(CHG) Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp thực hiện kiểm tra, phát hiện cơ sở kinh doanh hàng hóa có nhãn ghi không đúng quy định về nhãn hàng hóa, hàng hóa thuốc bảo vệ thực vật, trên nhãn có hình ảnh, chữ viết không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa, phạt tiền 140 triệu đồng.

Xem chi tiết
Tiền Giang: Xử phạt 180 triệu đồng vi phạm kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ.

(CHG) Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang thực hiện kiểm tra, phát hiện các cơ sở kinh doanh vi phạm hành chính là không thể hiện đầy đủ tên cơ sở kinh doanh theo đúng Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Xử phạt 180 triệu đồng vi phạm kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ.

Xem chi tiết
Bến Tre: Kiểm tra, xử lý vi phạm kinh doanh mỹ phẩm là hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

(CHG) Cục Quản lý thị trường tỉnh Bến Tre thực hiện kiểm tra, phát hiện kinh doanh buôn bán dược phẩm nhưng không niêm yết công khai chứng chỉ hành nghề dược phẩm, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược tại cơ sở theo quy định pháp luật, kinh doanh mỹ phẩm là hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Xem chi tiết
2
2
2
3