(CHG) Từ đầu năm tới nay, giá cả trên thị trường được kiểm soát khá tốt, nhưng thực tế vẫn tiềm ẩn một số yếu tố khó lường. Dự kiến, cơ quan quản lý sẽ tập trung thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát đã đề ra. Trong đó, tiếp tục giám sát chặt chẽ biến động giá cả thị trường, nhất là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, các mặt hàng có chiều hướng tăng giá để tham mưu chính sách, đưa ra các kịch bản điều hành giá phù hợp, linh hoạt, kịp thời.
CPI vẫn trong tầm kiểm soát
Theo thống kê, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên cả nước tháng 9 tăng 1,08% so với tháng trước và trung bình 9 tháng tăng 3,16% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng vừa phải, là điều kiện tương đối thuận lợi cho công tác điều hành, hướng tới mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4,5% trong năm 2023. Nhóm hàng lương thực, thực phẩm, nhóm hàng có tác động lớn tới CPI, chiếm tỷ trọng khoảng 1/4 trong tổng chi tiêu dùng của dân cư, thường xuyên được các bộ, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn giá do đó đã giúp cho kiềm chế tốc độ tăng của CPI.
Cần bảo đảm nguồn cung mặt hàng xăng dầu để bảo đảm nguồn nhiên liệu cho sản xuất và tiêu dùng.
Tổng cục Thống kê nhận định, giá điện sinh hoạt đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) điều chỉnh từ ngày 4/5/2023 sau nhiều năm không tăng giá, nhưng chỉ điều chỉnh tăng 3% nên tác động không nhiều tới chỉ số giá tiêu dùng. Song, hiện còn một vấn đề đáng lo ngại là giá nhiên liệu tăng ở mức cao trong lần điều chỉnh giá gần đây nhất. Từ đầu tháng 9/2023, giá dầu thô thế giới vượt ngưỡng 90 USD/thùng, kéo theo giá xăng dầu trong nước tăng 7 lần liên tiếp, đẩy giá xăng bán lẻ trong nước lên gần 26.000 đồng/lít. Như vậy, giá xăng dầu tháng 9/2023 tăng 3,54% so với tháng trước, tăng 5,64% so với tháng 9/2022; tuy vậy, bình quân 9 tháng năm 2023 vẫn giảm 15,26% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), việc giá nhiên liệu tiếp tục đi lên có thể là nguyên nhân chính dẫn đến chỉ số CPI tăng. Do đó, giải pháp ổn định giá xăng dầu trong thời gian tới là điều cần thiết.
Riêng mặt hàng thóc gạo giá tăng do ảnh hưởng của thị trường xuất khẩu; giá thịt lợn tăng giảm đan xen theo nguồn cung và nhu cầu từng giai đoạn, tuy nhiên vẫn ở mức hợp lý cho cả người chăn nuôi và người tiêu dùng. 9 tháng đầu năm 2023, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang khó khăn và có dấu hiệu suy giảm, doanh số bán lẻ tại một số nền kinh tế lớn trên thế giới như các nước châu Âu, Mỹ đều tăng chậm, lạm phát tại nhiều nước vẫn tăng cao, tuy nhiên, Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng bán lẻ khá tốt, CPI vẫn trong tầm kiểm soát.
Kiềm chế giá mặt hàng đầu vào
Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), bà Nguyễn Thu Oanh cho biết, các yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát trong quý IV/2023 là, lương cơ bản tăng 20% từ ngày 1/7/2023 tác động đến giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng; dịch vụ du lịch tiếp đà phục hồi; giá các mặt hàng thực phẩm, đồ uống, may mặc tăng theo quy luật vào thời điểm cuối năm, giá dịch vụ y tế dự kiến sẽ tăng theo mức lương cơ bản. Đáng lưu ý là giá xăng dầu thế giới đang có xu hướng tăng trở lại. Giá gạo trong nước có xu hướng tăng theo giá gạo xuất khẩu... Ở chiều ngược lại, lạm phát toàn cầu dần hạ nhiệt giúp Việt Nam giảm bớt áp lực lạm phát từ kênh nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, để kiểm soát lạm phát như chỉ tiêu đặt ra cần tăng cường kết nối cung - cầu, gắn liền sản xuất với tiêu dùng. Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát diễn biến giá cả, thị trường, tránh tình trạng "té nước theo mưa" của một số chủ thể, nhất là với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu nhằm ổn định mặt bằng giá cả.
Về vấn đề giá xăng dầu, chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Bích Lâm cho rằng, xăng dầu chiếm 3,52% trong tổng chi phí nguyên nhiên vật liệu của nền kinh tế. Theo tính toán, khi giá xăng dầu tăng 10% sẽ làm CPI tăng 0,36 điểm phần trăm, tạo áp lực lớn lên lạm phát của nền kinh tế. Từ đó, cơ quan chức năng cần bảo đảm nguồn cung mặt hàng xăng dầu để bảo đảm nguồn nhiên liệu cho sản xuất và tiêu dùng. Khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, nên dùng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giảm thuế nhập khẩu trong việc giữ ổn định giá, phòng tránh giá xăng dầu tăng quá cao. Đồng thời, xem xét hỗ trợ giá cho một số ngành có chi phí xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí sản xuất. Ngoài ra, công tác truyền thông cần đi trước khi điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý để tránh thông tin không chính xác, gây hoang mang dư luận.
Để kìm đà tăng giá xăng dầu, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, cần phải giảm giá thành nhập khẩu cũng như các loại thuế phí, chi phí liên quan. Ngoài ra, có sự phối hợp và điều tiết giá giữa khu vực thế giới và nội địa sẽ giúp thị trường xăng dầu vận hành tự động và minh bạch; từ đó, hài hòa hơn giữa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Về giải pháp kiềm chế lạm phát những tháng cuối năm, bà Nguyễn Thu Oanh cho rằng, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước. Các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu người dân, nhất là lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu. Kiểm soát giá nguyên vật liệu đầu vào, tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước thay nguồn nhập khẩu.
Hiện nay còn dư địa cho việc điều chỉnh các loại giá dịch vụ do Nhà nước quản lý trong những tháng cuối năm nhưng cần quyết định mức độ và thời điểm điều chỉnh hợp lý, phù hợp, tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy, tạo ra lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế. Chính phủ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa bên cạnh các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Nguồn: Công an nhân dân
0
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết
Công ty Fushiwa Việt Nam bị xử phạt vì xâm phạm giải pháp hữu ích của Công ty Hồng Hà
(CHG) Ngày 30 tháng 09 năm 2024, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành kết luận thanh tra đối với hành vi vi phạm của Công ty Fushiwa Việt Nam. Bản kết luận này một lần nữa khẳng định công ty này đã có hành vi xâm phạm quyền đối với giải pháp hữu ích mang tên “thiết bị điện phân nước và hệ thống xử lý nước uống trực tiếp” của Công ty Hồng Hà. Đây là một sự kiện đáng chú ý, không chỉ bởi tính chất nghiêm trọng của hành vi vi phạm, mà còn vì những tác động sâu rộng mà nó mang lại cho môi trường đổi mới và sáng tạo trong nền kinh tế Việt Nam.
Xem chi tiết