Nhóm hàng xuất khẩu nào đối diện nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại?


(CHG) Theo dự báo, một số mặt hàng có lợi thế cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu đang có nguy cơ dẫn đến phát sinh các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại.
Nhiều thị trường xuất khẩu gia tăng điều tra phòng vệ thương mại
Theo Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương, đến hết tháng 9/2023, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với 234 vụ việc phòng vệ thương mại do các nước khởi kiện. Riêng trong 9 tháng năm 2023, các nước đã khởi kiện 7 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Các quốc gia sẽ có xu hướng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng nhiều. Ảnh: TTXVN
Các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với Việt Nam chủ yếu là chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế, đến từ các thị trường thường xuyên điều tra phòng vệ thương như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Úc... Các mặt hàng bị điều tra khá đa dạng, từ các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch vài chục triệu đến hàng tỷ USD. Trong đó, thép, sợi… là những mặt hàng thường xuyên bị điều tra theo xu hướng chung trên thế giới.
Cục Phòng vệ thương mại cho rằng, việc hàng xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với ngày càng nhiều cuộc điều tra phòng vệ thương mại nước ngoài là một hệ quả tất yếu khi xuất khẩu tăng trưởng nhanh và Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu trong bối cảnh tình hình thế giới đang có nhiều biến động.
Theo đó, việc Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do, các hàng rào thuế quan dần được dỡ bỏ, xuất khẩu nhiều mặt hàng của ta đang trên đà tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, điều này cũng gây áp lực cho các doanh nghiệp trong nước tại thị trường nhập khẩu, buộc Chính phủ của họ phải sử dụng các công cụ chính sách để bảo vệ lợi ích của ngành sản xuất trong nước, trong đó có các biện pháp phòng vệ thương mại là công cụ được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho phép.
Ngoài ra, việc tham gia vào các chuỗi cung ứng khu vực khiến Việt Nam trở thành quốc gia thường xuyên bị kiện chung với một số nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ,... là các quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn, thường xuyên bị điều tra phòng vệ thương mại hoặc bị nghi ngờ chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại.
Dự báo tình hình thế giới, khu vực những tháng cuối năm 2023 tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ nay đến cuối năm sẽ chậm lại đáng kể do những tác động kéo dài và liên tục của chính sách thắt chặt tiền tệ cũng như các điều kiện tín dụng hạn chế, khiến xu thế bảo hộ tại nhiều nền kinh tế, khu vực gia tăng.
Bên cạnh đó, việc tiếp tục thực hiện các hiệp định định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA sẽ giúp hàng hóa xuất khẩu của ta có lợi thế quan trọng tại các thị trường xuất khẩu, nhưng cũng sẽ khiến sức ép cạnh tranh tại thị trường trong nước gia tăng, xuất hiện một số hành vi lợi dụng xuất xứ Việt Nam để hưởng lợi bất hợp pháp.
Do đó, các quốc gia sẽ có xu hướng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng nhiều và hàng xuất khẩu Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với ngày càng nhiều cuộc điều tra phòng vệ thương mại từ nước ngoài.
Theo Cục Phòng vệ thương mại, các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ cao trở thành đối tượng bị một số quốc gia tiến hành điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại thời gian tới bao gồm kim loại và các sản phẩm kim loại (như các sản phẩm thép, các sản phẩm nhôm, các sản phẩm đồng), ngành cao su và chất dẻo, ngành hóa chất, ngành vật liệu xây dựng, ngành gỗ.
“Đây là những ngành hàng trong thời gian qua có sự tăng trưởng nhanh và các doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu nên dễ dẫn đến phát sinh các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại”- Cục Phòng vệ thương mại cho biết.
Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, việc bị nước ngoài điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương sẽ có những tác động tiêu cực. Trong đó, nếu hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp bị áp dụng thuế biện pháp phòng vệ thương ở mức cao sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh, dẫn đến mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu.
Cập nhật kịp thời thông tin cảnh báo sớm
Trước tình hình số lượng vụ việc phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh thuế biện pháp phòng vệ thương do nước ngoài khởi xướng đang liên tục gia tăng, để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp xuất khẩu, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng: Tích cực tìm hiểu quy định pháp luật, thực tiễn điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh của các nước xuất khẩu, đặc biệt là đối với các thị trường mục tiêu.
Đồng thời, thường xuyên cập nhật thông tin cảnh báo sớm từ Bộ Công Thương (Cục Phòng vệ thương mại) để có hành động sớm, kịp thời và có chiến lược xuất khẩu phù hợp, đồng thời thiết lập các kênh thông tin với các đối tác, các hiệp hội, ngành hàng để kịp thời cập nhật, xử lý các vụ kiện, tình huống phát sinh; đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, tránh tăng trưởng xuất khẩu quá nóng vào một thị trường, đặc biệt là đối với các thị trường thường xuyên sử dụng công cụ phòng vệ thương mại hoặc đã từng điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.
Cùng với đó là tập trung nâng cao chuỗi giá trị của sản phẩm, đồng thời chuyển dần sang cạnh tranh bằng chất lượng và hạn chế việc cạnh tranh bằng giá; có chiến lược kiểm soát lượng xuất khẩu và giá bán một cách phù hợp để tránh bị coi là bán phá giá, nhận trợ cấp; hoàn thiện hệ thống quản trị doanh nghiệp, triển khai hệ thống quản lý, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng, minh bạch; áp dụng hệ thống kế toán theo chuẩn quốc tế, lưu giữ đầy đủ hóa đơn, chứng từ để có thể chứng minh không bán phá giá, không trợ cấp, không lẩn tránh khi bị điều tra.
Đặc biệt, Cục Phòng vệ thương mại lưu ý, doanh nghiệp cần tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ; không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại; phối hợp với Bộ Công Thương trong việc ngăn chặn các hành vi giả mạo, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp.
"Cần hợp tác đầy đủ, toàn diện, cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài khi là đối tượng bị điều tra; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương (Cục Phòng vệ thương mại) trong quá trình ứng phó vụ việc để được hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời"- Cục Phòng vệ thương mại nêu rõ.
Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trong các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài và coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm. Bên cạnh đó, tiếp tục sử dụng hệ thống cảnh báo sớm để đưa ra những dự báo từ sớm, từ xa giúp các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc chuẩn bị nguồn lực, xây dựng kế hoạch ứng phó hiệu quả với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài.

Nguồn: Báo Công Thương

Còn lại: 1000 ký tự
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường

(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.

Xem chi tiết
Gia Lai: Tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 03 tháng cuối năm 2024

(CHG) - Trong 9 tháng đầu năm 2024, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) tỉnh Gia Lai đã quyết liệt thực hiện có hiệu quả các kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Xem chi tiết
Phú Yên: Kịp thời thu giữ 1.563 hàng hóa giả mạo nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam

(CHG) – Lực lượng chức năng kịp thời phát hiện và ngăn chặn xe tải vận chuyển 1.563 chiếc áo, váy và áo vest có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu thương hiệu thời trang Zara, Mango đang trên đường đi tiêu thụ.

Xem chi tiết
Công ty Fushiwa Việt Nam bị xử phạt vì xâm phạm giải pháp hữu ích của Công ty Hồng Hà

(CHG) Ngày 30 tháng 09 năm 2024, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành kết luận thanh tra đối với hành vi vi phạm của Công ty Fushiwa Việt Nam. Bản kết luận này một lần nữa khẳng định công ty này đã có hành vi xâm phạm quyền đối với giải pháp hữu ích mang tên “thiết bị điện phân nước và hệ thống xử lý nước uống trực tiếp” của Công ty Hồng Hà. Đây là một sự kiện đáng chú ý, không chỉ bởi tính chất nghiêm trọng của hành vi vi phạm, mà còn vì những tác động sâu rộng mà nó mang lại cho môi trường đổi mới và sáng tạo trong nền kinh tế Việt Nam.

Xem chi tiết
TP CẦN THƠ: Người kinh doanh nước mắm gặp khó…

(CHG) Tây Nam Bộ được biết đến là nơi cho sản lượng mắm cá hàng đầu tại miền Nam, nếu tính đến số lượng thì có lẽ phải đến hàng trăm nghìn tấn mỗi năm, vừa đem đi tiêu thụ khắp trong nước mà còn xuất khẩu cả ở ngoài nước.

Xem chi tiết
2
2
2
3